Đợt lũ lụt kinh hoàng đang xảy ra ở Pakistan gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của khiến quốc gia Nam Á này đứng trước nguy cơ thảm hoạ nhân đạo chưa từng có. Hiện Liên hợp quốc đang kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay hỗ trợ Pakistan vượt qua cuộc khủng hoảng này.
Đợt lũ kinh hoàng trong lịch sử
Kể từ giữa tháng 6/2022 đến nay, Pakistan đã hứng chịu đợt mưa lũ lụt kinh hoàng, phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng, kinh tế và mất mát về người. Thông thường, mùa mưa hàng năm có ý nghĩa quan trọng để cung cấp nước cho mùa màng và các hồ đập trên toàn tiểu lục địa Ấn Độ, nhưng cũng mang lại những tàn phá nặng nề.
Thống kê của Trung tâm Điều phối ứng phó lũ lụt quốc gia Pakistan (NFRCC) ngày 4/9 cho thấy số người thiệt mạng do mưa lũ tại nước này kể từ giữa tháng 6 đã lên đến 1.325 người, trong khi số người bị thương là hơn 12.000 người.
Nhà chức trách cảnh báo số người thiệt mạng có thể tiếp tục tăng. Lũ lụt đã gây ảnh hưởng tới ít nhất 33 triệu người, chiếm khoảng 15% dân số. Tại một số khu vực, đặc biệt là tỉnh Sindh và Balochistan ở miền Nam, lượng mưa đã cao gấp 5 lần bình thường.
Trong ngày 4/9, lực lượng chức năng đã nỗ lực xả nước từ hồ Manchar ở tỉnh Sindh ra các huyện Jaffarabad và Bubak gần đó, nơi sinh sống của khoảng 100.000 người, với hy vọng có thể ngăn nước hồ tràn bờ, gây ngập lụt cho các thành phố và thị trấn đông dân hơn ở Sindh, bao gồm Sehwan, Dadu và Bhan Syedabad.
Tuy nhiên, mực nước trong hồ ngày 5/9 vẫn ở mức cao. Giới chức Pakistan cho biết bất chấp các nỗ lực xả nước, mực nước tại hồ Manchar-hồ nước ngọt lớn nhất Pakistan-vẫn ở mức cao nguy hiểm.
Đối mặt với trận lũ lụt tồi tệ nhất trong lịch sử này, đã có hơn 30% diện tích Pakistan đang chìm dưới biển nước. Đây là thách thức mới nhất mà quốc gia Nam Á này phải đối mặt khi mưa gió mùa lớn kết hợp với các sông băng tan chảy khiến 1/3 lãnh thổ nước này ngập lụt.
Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif ngày 30/8 đã tuyên bố đây là trận lũ lụt nghiêm trọng nhất trong lịch sử, đồng thời ước tính thiệt hại do lũ lụt gây ra lên tới hơn 10 tỷ USD.
Cơ quan Quản lý Thảm họa quốc gia Pakistan (NDMA) còn cho biết, các trận lũ lụt vừa qua có thể so sánh với đợt lũ lụt năm 2010, đợt lũ lụt tồi tệ nhất trong lịch sử Pakistan, làm hơn 2.000 người chết và nhấn chìm gần một phần năm diện tích đất nước.
Nguy cơ khủng hoảng nhân đạo
Pakistan là nước xếp thứ 8 trong danh sách Chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu, một danh sách do tổ chức phi chính phủ về môi trường Germanwatch lập ra gồm các nước bị xem là dễ tổn thương nhất với thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra.
Trước khi chịu ảnh hưởng của đợt mưa lũ nghiêm trọng này, Pakistan đã phải chật vật chống lạm phát cao do giá lương thực toàn cầu tăng mạnh và khủng hoảng cán cân thanh toán. Nay, khi đối mặt với trận lũ lịch sử, những khó khăn mà quốc gia này phải đối mặt càng tăng lên. Tại những khu vực khô ráo hơn, giá thực phẩm càng tăng cao, gấp 4 lần giá thị trường, do đường sá khó tiếp cận.
Do đó có thể thấy, lũ lụt không chỉ gây thiệt hại về người, tài sản và nguy cơ dịch bệnh, mà còn đe doạ an ninh lương thực quốc gia của Pakistan. Ước tính, 65% nông sản như gạo, lúa mỳ, bông đã bị nước cuốn trôi. Theo Ngoại trưởng Pakistan, Bilawal Bhutto-Zardari, 80%-90% nông sản bị ảnh hưởng. Sindh, nơi cung cấp 1/4 sản lượng lương thực cho cả nước, là một trong hai tỉnh đang hứng chịu thiệt hại nặng nề do lũ lụt.
Cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đang diễn ra trên khắp thế giới. Giá cả lương thực tăng cao khiến nguồn cung lương thực cho Pakistan càng trở nên khó khăn hơn. Trong bối cảnh lương thực thiếu thốn, Pakistan còn phải ứng phó với một mùa đông lạnh giá đang đến gần và giá năng lượng tăng cao do cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cảnh báo hiện khoảng 3 triệu trẻ em tại Pakistan đang cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp do nguy cơ gia tăng các bệnh lây truyền qua đường nước, đuối nước và suy dinh dưỡng.
Hiện Cơ quan Quản lý Thảm họa quốc gia Pakistan (NDMA), các tổ chức chính phủ, các tình nguyện viên cùng nhiều tổ chức phi chính phủ khác đang khẩn trương triển khai nhiều hoạt động cứu trợ tại những khu vực chịu ảnh hưởng do mưa lũ. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết, Liên hợp quốc sẽ tăng cường hỗ trợ Pakistan ứng phó lũ lụt nghiêm trọng. Liên hợp quốc và Chính phủ Pakistan đã kêu gọi quyên góp khẩn cấp 160 triệu USD giúp những người chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của các trận lũ lụt đang tàn phá quốc gia Nam Á này.
Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế Trung Quốc ngày 4/9 thông báo sẽ hỗ trợ thêm 300 triệu nhân dân tệ (khoảng 43,5 triệu USD) cho Pakistan. Trước đó, Trung Quốc cũng đã hỗ trợ 100 triệu nhân dân tệ (khoảng 14,5 triệu USD).
- Giao tranh mới giữa Ấn Độ và Pakistan dọc Ranh giới kiểm soát ở Kashmir
- 2 kẻ đốt nhà máy làm hơn 260 công nhân Pakistan chết lĩnh án tử hình
- Tai nạn đường sắt thảm khốc tại Pakistan - Hai tàu hỏa va vào nhau trong hầm qua núi tại Thụy Sĩ
Chính phủ Anh sẽ sớm cung cấp cho người dân Pakistan các vật dụng thiết yếu trị giá 15 triệu bảng Anh (tương đương 17 triệu USD) thông qua các tổ chức từ thiện. Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ cũng thông báo sẽ gửi 30 triệu USD hỗ trợ nhân đạo cho Pakistan. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hỗ trợ 1,17 tỉ USD nhằm ngăn chặn kịch bản Pakistan vỡ nợ…
Những ngày qua, một số cơ quan cứu trợ quốc tế đã bắt đầu đến Pakistan, cung cấp thực phẩm, nước sạch và thuốc men cho các nạn nhân.
An Ngọc/TTXVN(tổng hợp)
Tags