Vụ tai nạn diễn ra trong sáng ngày thứ Sáu tuần này, khi SpaceShipTwo được tàu mẹ WhiteKnightTwo đưa tới vị trí phóng tại sa mạc Mojave, Mỹ.
Vỡ tan trên không trung
Không lâu sau khi tách khỏi tàu mẹ và kích hoạt động cơ phản lực gắn trên thân, nó đã vỡ tung và rơi xuống đất. Các đoạn video được phát lên truyền hình cho thấy xác con tàu nằm rải rác khắp nơi tại sa mạc Mojave. Nhà chức trách Mỹ nói rằng phi công phụ của SpaceShipTwo thiệt mạng trong khi phi công chính đã kịp kích hoạt thiết bị cứu nạn, phóng ra ngoài con tàu và bung dù thành công. Tuy nhiên, người này vẫn nhập viện với thương tích nghiêm trọng trên cơ thể.
"Đây là một cuộc thử nghiệm thuần túy. Tôi đã không phát hiện ra thứ gì bất thường. Tôi được thông báo rằng khói thải phun ra từ động cơ của con tàu sẽ khác hơn trước đây. Và nó quả có khác thật” - Stuart Witt, giám đốc điều hành Cảng hàng không và không gian Mojave nói khi được hỏi ông có thấy gì bất thường không.
Virgin Galactic, công ty sở hữu SpaceShipTwo, cho biết đây là chuyến bay thử có người điều khiển đầu tiên của con tàu. Tuy nhiên trong quá trình bay, nó đã gặp “sự cố nghiêm trọng”.
Hãng tin ABC nói rằng 2 phi công thử nghiệm đều là người của Scaled Composites, công ty con thuộc tập đoàn Northrop Grumman đã chịu trách nhiệm thiết kế và sản xuất tàu vũ trụ cho Virgin. Công ty này từng mất 3 người lao động khác trong một vụ tai nạn dưới mặt đất hồi năm 2007.
Chủ tịch Scaled Composites là Kevin Mickey nói trong cuộc họp báo diễn ra ngay sau tai nạn rằng SpaceShipTwo đã sử dụng một loại nhiên liệu tên lửa mới. Ông cho biết nhiên liệu này “đã được thử nghiệm trên mặt đất” trước cuộc phóng thử thảm họa.
Rủi ro tăng lên vì thử nghiệm quá ngắn?
Tai nạn của SpaceShipTwo là sự cố thứ 2 chỉ trong vòng có 4 ngày, liên quan tới dịch vụ taxi lên vũ trụ, do các công ty tư nhân thực hiện. Trước đó, vào ngày 28/10, cộng đồng nghiên cứu tàu vũ trụ đã buồn rầu trước thất bại của vụ phóng rocket chở hàng không người lái do công ty Orbital Sciences Corp chế tạo.
Virgin Galactic đã lên mục tiêu cung cấp các chuyến bay du lịch lên vũ trụ cùng SpaceShipTwo vào năm 2015. Tham vọng của công ty thu hút sự tham gia của nhiều khách hàng nổi tiếng, từ nhà vật lý Stephen Hawking tới ca sĩ Sarah Brightman, Lady Gaga và các diễn viên Angelina Jolie, Ashton Kutcher.
Tháng trước, Branson nói rằng có gần 800 người đã đăng ký tham gia các chuyến bay lên vũ trụ do Virgin cung cấp, với giá 250.000 USD mỗi chuyến. Tuy nhiên, theo Michael Blades, một chuyên gia không gian và quốc phòng, vụ tai nạn sẽ khiến mục tiêu đưa khách hàng lên vũ trụ vào năm 2015 của Virgin bị chậm lại từ 3-5 năm. Ông nói rằng công ty vừa phải chế tạo con tàu mới, vừa tìm hiểu xem sự cố nào đã diễn ra. Tiếp đó công ty phải trình diễn hoạt động sửa sai với các nhà điều hành để đảm bảo sự cố không thể lặp lại.
“Về việc có khách hàng nổi tiếng nào hủy bỏ kế hoạch bay cùng Virgn hay không thì chúng ta còn phải chờ” - Henry Harteveldt, một nhà phân tích ở San Francisco nói – “Nhưng chắc chắn Virgin sẽ phải nỗ lực làm việc để giữ chân các khách hàng đã đặt vé trước”.
Các chuyên gia nói rằng sự tham gia của nhiều công ty tư nhân như Virgin và Orbital Sciences Corp vào lĩnh vực chinh phục không gian đã đánh dấu sự dịch chuyển lớn trong buổi bình minh của kỷ nguyên vũ trụ thứ 2 ở Mỹ.
Thay vì được thúc đẩy bởi Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và động cơ cạnh tranh với các đối thủ lớn như Liên Xô (cũ), các chuyến bay lên không gian đã được tiếp sức từ những tỷ phú như Richard Branson (công ty Virgin), Elon Musk (SpaceX), Jeff Bezos (Blue Origin) và Paul Allen.
Sự dịch chuyển ấy đã rút bớt trách nhiệm khỏi vai NASA, nhưng lại mang tới nhiều rủi ro mới. “Xu hướng chung của các công ty là thực hiện vài chuyến bay thử rồi đi vào hoạt động” - Marco Caceres, giám đốc công ty tư vấn không gian Teal Group nhận xét - “Đây là mối nguy lớn nhất của kỷ nguyên mới. Sự nguy hiểm hình thành từ việc anh quá vội vã đưa con tàu vũ trụ vào hoạt động, trước khi thử nghiệm đầy đủ”.
Theo chuyên gia Blades, tai nạn liên quan tới SpaceShipTwo có thể sẽ không khiến các khách hàng thi nhau hủy hợp đồng, bởi giấc mơ lên vũ trụ đơn giản là quá mạnh với một số người giàu có. “Người giàu có sẽ vẫn muốn được lên vũ trụ” – ông nói – “Sẽ chỉ mất thêm chút thời gian để người ta thiết lập sự tin cậy (cho tàu SpaceShipTwo)”.
Tường Linh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa
Tags