Cuốn sách Thơ cần thiết cho ai viết về các nhà thơ đương đại, gồm tám người từ Hoa Kỳ và hai người từ Canada, những bậc thầy của nghệ thuật ngôn ngữ, đã được nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Đức Tùng đưa vào và mở ra những tính cách, những số phận cả thơ và người một cách tinh tế, quyến rũ.
Một cuốn triết thơ lãng mạn
Cái cách lựa chọn “đích ngắm” của Thơ cần thiết cho ai cũng thật thú vị, những nhà thơ được tác giả “thổi đến” như William Carlos Williams và Wallace Stevens, vì họ “tạo ra bước ngoặt trong thi pháp thơ hiện đại”.
Hoặc Robert Frost và William Stafford vì ngôn ngữ tuyệt đẹp, một số thi sỹ như Elizabeth Bishop và Leonard Cohen “vì họ quá đau khổ” hay như Mary Oliver và Billy Collins được lựa chọn “vì họ quá sung sướng”, nhưng trên hết họ là những thi sỹ tài danh đích thực, mà Nguyễn Đức Tùng đã dẫn dụ “thơ giúp bạn nghe lại tiếng nói ấy”.
Đánh giá về tập tiểu luận Thơ cần thiết cho ai, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo cho biết Nguyễn Đức Tùng là “con người cật lực, tận hiến cho thơ”, người mang đến những trang viết “đầy ý nghĩa, mới mẻ và bổ ích”.
Nguyễn Đức Tùng không hề xa lạ với văn giới trong nước, bắt đầu từ cuốn Thơ đến từ đâu cách đây 5 năm khiến không ít người trong giới phê bình sửng sốt và “nhấp nhổm không yên” bởi tri thức và hàm lượng văn chương trong cuốn sách, hay gần nhất là cuốn Đối thoại với văn chương (cùng với Trần Nhuận Minh, 2012) đã được giới thiệu tại Trung tâm Văn hóa Pháp Hà Nội, cũng gây được tiếng vang.
Thơ cần thiết cho ai dường như tiếp nối mạch phê bình thơ một cách công phu, trữ tình và hiếm có, trả lời hóm hỉnh, như một cuốn triết thơ, đầy lãng mạn cho câu hỏi của độc giả “thơ đến từ đâu” của Nguyễn Đức Tùng.
Nhà thơ Mai Văn Phấn cho rằng Thơ cần thiết cho ai “thắp lên mười ngọn nến, mỗi ngọn nến tỏa một cường lực, soi bằng ánh sáng riêng biệt, chan hòa, ngự trị đời sống này, cho con người nhìn rõ thiện ác, hướng đến những mục đích cao đẹp”.
“Hãy để chim chóc làm đầy bầu trời”
Nguyễn Đức Tùng sinh tại Quảng Trị, lớn lên và đi học tại Huế, hiện đang định cư tại Vancouver, Canada. Thơ cần thiết cho ai với 256 trang sách được nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Tùng hoàn thành tại Vancouver cách đây hơn một năm.
Nhà văn Vũ Thiên Kiều nhận định Nguyễn Đức Tùng có lối nói, lối viết “rất hút, lạ và rung, người đọc cảm giác như anh vừa bước ra từ một ngôi nhà bí ẩn nào đó, bàn tay đầy ký tự bí ẩn, đến ánh nhìn cũng cũng vang lên đầy bí ẩn, khó đón bắt, nhưng không thoát được khí hậu từ vùng bí ẩn đó bay ra”.
Cách đây vài năm, trong một lần Nguyễn Đức Tùng về nước, một buổi chiều mưa gió, trò chuyện đến tận đêm khuya ở một quán nhỏ trên phố cổ Hà Nội cùng với nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo, nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn, nhà văn Đặng Thân, thấy anh thật giản dị và thâm tình với bạn bè, ngay cả với đám trẻ đang loay hoay, “pha màu” trong nghệ thuật. Lui cui ký sách tặng, thấy Nguyễn Đức Tùng lúc nào cũng nở nụ cười, ánh mắt bừng sáng, hồ hởi dù người đó là bạn mới gặp hay đã quen lâu.
Tôi hiểu rằng, vì sao con người xương thịt và cả trong những trang phê bình, tiểu luận văn học của Nguyễn Đức Tùng có sức quyến rũ đến kỳ lạ. Hỏi bí quyết, Nguyễn Đức Tùng cho biết nhà thơ nào cũng cần đọc đi đọc lại, nhưng có người cần đọc đi đọc lại nhiều hơn.
Lúc thì ở quán cà phê lơ đãng lật vài ba trang sách, lúc thì trên xe bus ồn ã hơi người và tiếng còi, lúc đọc giữa đêm khuya trên một chiếc giường, giữa nệm xưa và bóng đèn cũ, cả những lúc nào đó không thể nhớ nổi. Lúc nhẩn nha, anh lim dim đọc thơ của chính mình “hãy để chim chóc làm đầy bầu trời/ hãy để muối làm đầy môi chúng ta/ hãy để bông hoa đứng thẳng lên”, thật mát ruột và cao khiết.
Trao đổi với PV, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định hoàn toàn bị thuyết phục bởi cách dịch, cách cảm thú vị ở những tiểu luận về thơ, người thơ trong Thơ cần thiết cho ai “có cảm giác Nguyễn Đức Tùng đang ở trong mỗi bài thơ và nói vọng ra cho chúng ta nghe trong đó có gì và như thế nào”.
Khúc Link Hương
Thể thao & Văn hóa
Tags