(Thethaovanhoa.vn) - Những tác phẩm hội họa đẹp và rất khác biệt của Nguyễn Hiển có thể chạm tới cảm xúc của bất cứ người xem nào. Những nhân vật trong tranh anh như đang sống với một tâm trạng rất đặc biệt mà bất cứ ai cũng có thể đồng cảm.
- Đấu giá bức tranh lụa đáng sưu tập 'Thôn nữ Bắc kỳ' của họa sĩ Nam Sơn
- VIDEO: Tranh giả, đạo nhái - nỗi đau của họa sĩ Việt
- Giới họa sĩ Việt đồng loạt 'tố' bán tranh giả công khai là 'không thể chấp nhận được'
Vẽ bằng cả trái tim
Mặc dù chơi thân với giới họa sĩ, được ngắm rất nhiều tranh đẹp, nhưng ấn tượng tranh của Nguyễn Hiển đối với tôi rất đặc biệt. Những bức tranh sơn dầu giản dị, không quá nhiều thứ để tả trong đó, tuy nhiên nó “hồn vía” vô cùng. Nói một cách ngắn gọn là những bức tranh đó “đã chạm tới trái tim” người xem.
Ví như hình ảnh một em bé ôm ghì lấy chú cún trong tác phẩm “Đôi bạn”. Em bé nhắm mắt, miệng mỉm cười, hạnh phúc ngả đầu về chú chó ngồi vững vàng như một vệ sĩ sẵn sàng bảo vệ chủ nhân. Chẳng cần phân tích nhiều về màu sắc, bố cục và kỹ thuật hội họa, bức tranh cứ tự nhiên toát ra một năng lượng tình cảm vô cùng mạnh mẽ giữa cậu bé và chú chó trung thành.
Hay những bức tranh vẽ về đề tài mẹ - con trong tác phẩm “Tình mẹ”. Nhân vật đứa con vô cùng bình yên trong vòng tay mẹ nâng niu bồng bế. Một mối liên hệ mẫu tử rất mãnh liệt từ bức tranh lập tức khơi dậy tiềm thức tuổi thơ của người xem.
Nguyễn Hiển tâm sự rằng, có một cô gái khi xem bức “Tình mẹ” đã nói với anh rằng: “Bức tranh làm em nhớ mẹ quá!”. Tôi hỏi Nguyễn Hiển: “Làm cách nào một bức tranh lại có thể khiến người xem vui, buồn, nhớ nhung?”. Anh trả lời: “Đó là do tôi vẽ bằng cả trái tim. Mặc dù chúng ta đều đã trưởng thành, nhưng mỗi khi về bên mẹ, đứa trẻ trong tiềm thức của mỗi chúng ta lại trỗi dậy. Tôi luôn bị ký ức về những ngày xa xưa ám ảnh. Thời đó khốn khó lắm, nhà lại xa trạm xá. Mỗi lần tôi ốm, mẹ tôi chỉ biết dùng mấy thứ thuốc Nam rồi ôm lấy tôi mà thức trắng đêm. Tôi vẽ những bức Tình mẹ trong trạng thái như vậy".
"Tình mẫu tử vô cùng thiêng liêng và sâu nặng. Không có ai sẵn sàng hy sinh vô điều kiện cho chúng ta ngoài cha mẹ mình. Và năng lượng yêu thương thiêng liêng đó đã ngấm vào từng tế bào, khiến chúng ta mang phần nào dáng vóc, tính cách của cha mẹ mình. Khi thơ bé, còn niềm hạnh phúc nào hơn khi được sà vào vòng tay mẹ. Và khi trưởng thành rồi lập gia đình và có con, mỗi khi đi làm về, được ôm con trong vòng tay cũng là niềm hạnh phúc không gì có thể đánh đổi".
"Tôi vẫn tin rằng khi trái tim ta rung động theo từng cảm xúc sẽ phát ra những năng lượng tương ứng. Năng lượng đó lan truyền ra, tác động trực tiếp đến những người xung quanh. Năng lượng đó cũng có thể tích tụ lại trong từng âm thanh, từng nét vẽ, mảng màu… và truyền tải đến người thưởng thức nghệ thuật. Có lẽ sự rung động của tôi dành cho những bức tranh quá lớn nên người xem dễ dàng cảm nhận được năng lượng này”.
Một mảng đề tài khác trong tranh Nguyễn Hiển là những em bé nông thôn đắm mình trong thế giới hạnh phúc của tuổi thơ. Những bức tranh này như kéo người xem trở về quá khứ, cùng nhân vật trong tranh sống lại ký ức bé bỏng của mình.
Nguyễn Hiển nói rằng: “Bất kỳ ai cũng từng khao khát được trở về tuổi thơ, thế nhưng cho dù là tỷ phú giàu nhất hành tinh thì cũng không thể thực hiện được mơ ước này. Tại sao người ta lại thích trở về tuổi thơ? Đó là vì trẻ con luôn sống trong một thế giới vô cùng trong sáng. Tâm hồn trẻ nhỏ vô cùng tĩnh tại. Chỉ với một cái lá, một cọng rơm, một chú dế… đứa trẻ có thể chơi cả buổi trong thế giới riêng của chúng".
"Cho dù trẻ nhỏ có nô đùa, chạy nhảy thì tâm trí của chúng vẫn hết sức tĩnh tại. Mọi lo lắng dù trầm trọng đến mấy dường như cũng chỉ lướt thoáng qua tâm trí chúng rồi biết mất. Và theo các thiền sư, khi tâm không động, hay nói đúng hơn là tâm tĩnh tại thì hạnh phúc mới xuất hiện".
"Một tỷ phú uống loại trà hảo hạng trong một vườn hoa thơm ngát. Nếu trong tâm của vị tỷ phú chất chứa đầy lo toan tiền bạc thì chén trà hảo hạng kia cũng chỉ là thứ nước giải khát mà thôi. Nhưng một thiền sư thưởng chén trà mộc mạc bên một chậu hoa, thiền sư đó có thể cảm nhận được từng giây từng phút hạnh phúc mà đất trời, tạo hóa và cuộc sống ban tặng. Người lớn phải tu thiền để được tĩnh tâm và cảm nhận hạnh phúc, còn trẻ nhỏ thì tự nhiên đã có được điều này. Đó là lý do tại sao thế giới tuổi thơ luôn hạnh phúc và người lớn phải khao khát điều này”.
Đúng như họa sĩ này nói, cho dù là người giàu nhất hành tinh thì cũng không thể mua được vé trở lại tuổi thơ. Thế nhưng những giá trị nghệ thuật như truyện, phim, nhạc, hội họa… lại có thể đưa chúng ta sống lại những cảm xúc của tuổi thơ. Xem tranh của Nguyễn Hiển có cảm giác ký ức tuổi thơ của mỗi người bỗng dưng được kích hoạt mạnh mẽ và người xem cứ lạc lối mãi trong không gian hạnh phúc của thời thơ ấu diệu kỳ đó.
Giá trị hạnh phúc đích thực sẽ đến từ Tĩnh và Mơ
Nguyễn Hiển vẽ nhiều bức về sen. Khác với các họa sĩ khác, hoa sen trong tranh anh rất ít, chủ yếu là những chiếc lá sen cuối mùa tàn úa, quăn lại, tím tái trước làn gió mùa đầu Thu. Một vẻ đẹp man mác còn lại của loài cây tinh khiết sau khi hết mình dâng hương sắc cho đời. Ẩn hiện trong đám lá sen cằn cỗi kia là những thiếu nữ mịn màng, tinh khiết đến lạ lùng. Tất cả toát lên một vẻ đẹp thoát tục, tương phản và đầy tính triết lý.
Nguyễn Hiển tâm sự: “Tôi vẽ về sen tàn như một lời cảm ơn loài hoa tinh khiết đã dâng hiến hết hương thơm, vẻ đẹp cho đời. Những cây sen lụi dần giữa hồ nước lạnh cũng giống như cuộc đời người tuyệt đẹp sau khi đã âm thầm cống hiến cả tuổi thanh xuân. Gần nơi tôi ở có một hồ sen nhỏ rất đẹp. Vào mua sen, rất nhiều trai gái kéo nhau đến chụp ảnh. Nhưng Thu sang, cả hồ sen cuối mùa tàn phai xơ xác, chỉ lác đác một vài búp sen cuối mùa còi cọc vươn lên sáng bừng bên nhưng đài sen héo quắt.
Vẫn có rất nhiều người hằng ngày đi qua hồ sen, nhưng dường như chẳng ai để ý đến đóa hoa đang đốt cháy từng giọt năng lượng cuối cùng kia. Một vẻ đẹp tuyệt vời đến như vậy mà sao không ai để ý đến? Là vì họ không có được một giây phút tĩnh tâm để đón nhận vẻ đẹp đó. Công cuộc mưu sinh đã cuốn rất nhiều người đi theo guồng quay của nó. Tôi đã ghi lại vẻ đẹp ấy bằng những bức tranh, để một lúc nào đó, những người đang mê mải kia bỗng tĩnh tâm lại, họ sẽ cảm nhận được những giá trị tuyệt vời của cuộc sống mà trước đó họ đã bỏ qua”.
Theo cách hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Hiển, tôi hít thở thật nhẹ, thật tĩnh tâm, mở lòng ra bằng cách khẽ mỉm cười và ngắm lại những bức tranh của anh. Thật kỳ lạ, một cảm giác bình yên và hạnh phúc làn tỏa tràn ngập tâm hồn. Tôi chợt nhận ra rằng, hạnh phúc đến với chúng ta vô cùng bình dị, nhưng có biết bao người đang phải vất vả tìm kiếm nó bằng con đường tiền bạc và quyền lực và rồi thất bại. Chỉ cần biết tĩnh tâm và cảm nhận, một làn gió mát, một việc làm có ích, một nụ cười thân thiện… cũng đủ khiến ta hạnh phúc. Và tôi bỗng nhận ra tất cả nhân vật trong tranh của Nguyễn Hiển cũng đang mỉm cười.
Vào ngày 25/3/1018 tới đây, Nguyễn Hiển sẽ khai mạc triển lãm cá nhân tại số 29 Hàng Bài, Hà Nội. Triển lãm có tên “Tĩnh và Mơ”. Theo anh, Tĩnh và Mơ là 2 trạng thái mang lại hạnh phúc mà trong cuộc sống bộn bề ngày nay, người ta trót lãng quên. Anh hy vọng những bức tranh vẽ bằng năng lượng từ trái tim sẽ đưa người xem chạm tới giá trị hạnh phúc đích thực nhất.
Thu Hà
Tags