Nguyễn Hiếu - Thơ nâng cánh cùng văn xuôi và kịch

Thứ Bảy, 14/08/2021 07:00 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Trong làng văn, cũng ít nhà văn nào tấn công cả 3 thể loại tự sự, trữ tình và kịch mà ghi được nhiều dấu ấn như Nguyễn Hiếu. “Đã là nhà văn thì không thể loại nào lại xa lạ với tôi” - anh nói.

Giải Thơ, Văn xuôi Hội Nhà văn HN: Chọn trung bình để trao giải

Giải Thơ, Văn xuôi Hội Nhà văn HN: Chọn trung bình để trao giải

Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2010 đã trao giải Thơ cho tập thơ "Cởi gió" và giải Văn xuôi cho tiểu thuyết "Nhân gian". Nhà nghiên cứu/Dịch giả Cao Việt Dũng có đánh giá về chất lượng giải Thơ và Văn xuôi này.

1. Tôi gặp anh ở nhiều trại sáng tác và thực sự nể phục anh ở khả năng viết đều, viết nhiều, viết khỏe, viết chảy trôi như dòng sông văn bất tận.

Không lạ khi nói về anh, bạn bè, đồng nghiệp thường gọi là “lực điền văn”, “lực sĩ trên cánh đồng văn học”,“tỷ phú chữ”, “địa chủ kịch”… Đơn cử, “ông trùm” văn xuôi Ma Văn Kháng đã từng phong cho anh danh hiệu “Lực sĩ của văn xuôi Việt Nam”. Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn ví anh là: “Thằng cha đi xe máy bằng tiểu thuyết”…

Chú thích ảnh
Nhà văn Nguyễn Hiếu

Người được phong tụng danh “lực điền” ấy không ai khác là nhà văn Nguyễn Hiếu. Người tự danh xưng với bạn văn là Mỗ. Trả lời về việc tấn công cả 3 thể loại: Tự sự, trữ tình và kịch, Mỗ đã thật hài hước, hóm hỉnh và khá duyên khi lý giải: “Tôi là con một, nên cách trả nghĩa cha mẹ tốt nhất là đông con, nhiều cháu. Trong văn chương tôi cũng tâm niệm thế”.

Đúng là thế và phải là thế!

Nguyễn Hiếu sinh ngày 15/10/1948 tại Phú Thọ, nhưng là người Hà Nội gốc. Tuổi thơ của anh gắn bó sâu sắc với quê ngoại làng Chèm (phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội). Hiện gia đình anh sống ở phố 8-3 (phường Phương Mai, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội).

Nguyễn Hiếu đã sáng tác văn học từ lúc là học sinh phổ thông. Năm 1966, anh tham gia đội tuyển của TP Hà Nội thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc. Tố chất văn chương đã giúp anh lập thân, lập nghiệp. Sau khi tốt nghiệp khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp (khóa 11), Nguyễn Hiếu về nhận công tác và gắn bó bền bỉ cả đời công chức gần 40 năm (1971 - 2009) với Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) cho đến khi nghỉ hưu.

Chú thích ảnh
Một số tác phẩm của nhà văn Nguyễn Hiếu

2. Có dịp tham gia một số trại sáng tác văn học cùng anh không khó nhận ra Nguyễn Hiếu là nhà văn rất cá tính. Mà cá tính là 1 trong những phẩm tính của người lao động sáng tạo. Bên cạnh cảm xúc văn chương, tính trữ tình, lãng mạn, anh còn có tố chất của nhà báo tư duy nhanh, mạnh, sắc sảo. 2 loại hình báo - văn dường như đối lập trong ngôn ngữ và hiện thực phản ánh, nhưng lại cộng hưởng góp phần làm nên một phong cách Nguyễn Hiếu với bút pháp huyền thoại xen thực tế.

Tôi chợt nghĩ cái người tóc bềnh bồng như mây ấy trong giao tiếp rất bộc trực, thẳng ngay, có sao nói thế, cũng chả sợ ai ghét, ai yêu. Có lần tại Lễ khai mạc trại sáng tác văn học, sau khi hoàn tất phần lễ cuối chương trình là đến phần giao lưu. Khi nghe có ý kiến đọc thơ giao lưu, anh đứng lên phát biểu một hồi và tưng tửng chốt câu thơ quen thuộc hài hước trong làng văn “Gặp nhau tay bắt mặt mừng/ Tặng nhau thơ quý… xin đừng đọc thơ”. Và thế là chương trình đọc thơ bị “phá sản” và ai lăm le đọc thơ cũng phải từ bỏ ý định. Tôi hiểu ý của anh là trong lễ khai mạc thời gian ngắn nên có thể dành cho nhiều nhà văn nói những tâm tư của mình. Còn chương trình đọc thơ sẽ trong một không gian lãng mạn dành đậm chất thơ...

Trong một đêm cùng các nhà văn dự trại sáng tác ở TP Vũng Tàu, đi nghe nhạc Trịnh, bạn bè nhận ra có một Nguyễn Hiếu hào hoa, phong nhã, lãng mạn, đằm thắm của người Hà Nội. Anh thẩm bình nhạc thơ tinh tế, sâu sắc như lùa vào gan ruột. Là nhà văn có kiến văn rộng, sâu, anh thẳng thắn trao đổi đến tận cùng một vấn đề nào đó với tinh thần phản biện, xây dựng có lý, có tình mà cũng chả ngại ai giận, ai ghét. Cái “tạng” của anh nó thế.

Con người anh là tổng hòa của phẩm tính vừa chân thành, trực tính, thẳng ngay… vừa dễ mềm lòng, dễ xúc động, trào nước mắt trước những cảnh đời, số phận trớ trêu. Những cảm xúc giằng níu tâm can đó đều có trong thơ. Anh vẫn luôn tự hào để nói rằng, Mỗ không thuộc kiểu người khuất tất và cái gì thuộc về Mỗ đã được phơi bày đến tận cùng gan ruột.

Chú thích ảnh
Nhà văn Nguyễn Hiếu (thứ 7 từ trái sáng) cùng các nhà văn Hà Nội dự trại sáng tác ở Vũng Tàu

3. Phong tặng Mỗ là nhà văn “sát giải” là có cơ sở. Bởi hầu như nhà văn đã viết, đã tham gia cuộc thi nào là đoạt giải. Giải thưởng bền bỉ bắt đầu từ năm 1973 đến nay cho cả văn chương và kịch bản.

Sáng tác từ năm 16 tuổi, bắt đầu in sách từ tiểu thuyết Quá cảnh năm 1988 đến nay, “Gã khổng lồ” đã sở hữu 27 tiểu thuyết, 9 tập truyện ngắn, hơn 70 kịch bản sân khấu - điện ảnh, hơn 300 kịch bản, câu chuyện truyền thanh phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam và ngót nghét cả ngàn trang thơ. Hơn 300 bài thơ của Nguyễn Hiếu đã có mặt trên báo, tạp chí, trong đó 2 bài thơ đã được dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp đăng trên báo Phụ nữ Việt Nam từ năm 1987.

Lao động sáng tạo của nhà văn Nguyễn Hiếu đã được đền bù xứng đáng qua các giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và các Hội chuyên ngành Trung ương (Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam) đến giải thưởng của các bộ, ngành (Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải…).

Về kịch bản sân khấu, vở Chu văn An - Người thầy của muôn đời đoạt HCV tại Hội diễn Chèo toàn quốc (2013); vở Kiều đoạt giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam (2017); vở Tấm cám đoạt Giải Hoa dâm bụt tại Liên hoan Kịch Trung Quốc và khối ASEAN; vở rối Thân phận nàng Kiều (đồng tác giả kịch bản với NSƯT Lê Chức) đoạt HCV tại Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm, giải thưởng của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam…

Đặc biệt là duyên thơ đã đến với anh từ năm 1973 với bài thơ Bốn đứa trẻ bên bờ sông Hàn đoạt giải đề tài giáo dục do Thụy Điển tài trợ. Năm 1999, bài thơ Người đứng giữa ước mơ và mơ ước đoạt giải thưởng của của Bộ Nội thương và Hội Nhà văn Việt Nam.

Chú thích ảnh
Nhà văn Nguyễn Hiếu dự trại sáng tác

4.  Là nhà văn thành công viết kịch bản sân khấu, Nguyễn Hiếu khéo léo đưa vốn sân khấu kịch hát dân tộc vào thơ: Nô ta cách cô Màu hai tao sa mạc/ Trống quân um thùm động đậy cả mây/ Thị Kính buồn mở cửa xe Lơ xục/ Mõ nhặt khoan sắp qua cầu vinh nhục/ Kim Nhan đường trường dùng dằng ai đây (Tùy hứng chèo). (Từ “tao” trong khổ thơ trên là từ cổ, có nghĩa là “bận”, “lần” (“Năm tao, bẩy tuyết anh hò hẹn” - thơ Nguyễn Bính). Còn từ “Lơ xục” là xe Mercedes Lexus).

Thế mạnh viết kịch, anh đã kết hợp trường ca với kịch có nhan đề Niềm vui bất tuyệt. Vở trường ca kịch thần thoại gồm 2 màn, 7 cảnh và 6 nhân vật. Trường ca sử dụng phần lớn thơ tự do và xen một số câu lục bát: Tình yêu là nhựa của cây/ Âm thầm cho những phút giây nở bừng/ Hoa thơm, trái ngọt thơm lừng/ Người yêu ơi đã mấy lần ta vui/ Tình yêu cho đất sáng ngời/ Bốn mùa điểm sắc góp lời trái tim (Kết thúc màn 1, cảnh 1)…

Là người Hà Nội gốc, anh trải lòng viết về Thủ đô bằng những vần thơ thao thiết ăm ắp một tình yêu: “Hà Nội, vẫn Hà Nội thơm thuở thơ/ Đòn gánh cong gạt sợi heo may/ Dâm Đàm trâu vàng quầng chân chạy/ Bách Thảo mơ vàng mùi xoa kẽ tay…”.

Hà Nội ngàn năm văn hiến với: “Chợt phố, chợt ta. Thăng Long trăng suông/ Rời rợi Hàng Bè, nồng hương quýt, rươi/ Ngày trôi ngày, đền Trấn Vũ lá rơi/ Kiếm sắc vung ngang đền Bạch Mã/ Lý Công Uẩn, tượng đồng hương thơm tỏa…”.

Là nhà văn, Nguyễn Hiếu luôn có ý thức học hỏi, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Trong quá trình giao lưu, tiếp biến văn học thế giới, Nguyễn Hiếu nhận thấy cái đẹp của thơ haiku là đã dung hợp, kết tinh nhiều giá trị văn hóa phương Đông và nhất là thể hiện nét tinh tế tâm hồn Nhật Bản. Toàn bài haiku chỉ 3 câu, gồm 17 âm tiết (5 - 7 - 5) nhỏ nhắn, kiệm lời có tinh thần Phật giáo, hơi thở Thiền thường thấy trong thơ văn Lý - Trần. Ngoài những thể thơ quen thuộc, Nguyễn Hiếu khám phá thể thơ haiku bằng “chùm thơ giống như thơ haiku”:

“Em chĩa ngực đợi thu

Anh cong lưng chờ mùa Đông lặng

Lá nghiêng tiếng chim gù”

Nguyễn Hiếu là nhà văn đa tài “nhiều trong một”. Dẫu văn xuôi, sân khấu là lĩnh vực Nguyễn Hiếu đam mê, khát khao cống hiến và đạt được nhiều thành tựu thì thơ vẫn luôn là điểm tựa trữ tình “cộng hưởng” để thăng hoa cho hai thể tự sự và kịch.

Ngoài tuyển thơ Hư ảo (2010), khi đã qua tuổi thất thập nhìn lại, Nguyễn Hiếu mới thấy mình “bạc bẽo bỏ thơ dan díu với văn xuôi, kịch” thì nay muốn “đền ơn” thơ bằng tập thơ Làng mình. Tập thơ thể hiện cái tình với làng chuẩn bị ra mắt vào màu Thu tháng 8 này. Chúc mừng nhà văn Nguyễn Hiếu tiếp tục thành công, tiếp tục những “mùa vàng bội thu”, tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho nền văn học nghệ thuật nước nhà.

Tác phẩm của Nguyễn Hiếu

Xuất bản 9 tập truyện ngắn: Chuyện cái vòi nước (1984), Cười dành cho tất cả (1991), Người con gái trên tàu điện ngầm đi Riskaia (in chung, Moskow, 1992), Bóng ảnh cuộc đời (1994), Làng êm ả bên sông (in chung, 2000), Trưởng thôn xử án (2001), Người đàn bà còn lại (2002)...

Xuất bản 27 tiểu thuyết: Quá cảnh (1988), Bụi đường (1989), Chuyện tình người điên (1990), Người đàn bà quỷ ám (1990), Chân trời vỡ đôi (1990), Em ở nơi đâu? (1991), Vầng trăng hững hờ (1992), Tôi bán mình (1993), Trái tim nhiều mầu (1993), Vệt xoáy trước ngực làng (1989), Bốn bước đến chân trời (1996), Lặng lẽ cuối cùng (1996), Biển toàn nước (2002), Con ngố (2007), Tình nhân (2009), Mặt nạ để đời (2011)…

Gần 20 kịch bản sân khấu đã được dựng, như: Chu văn An - Người thầy của muôn đời, Linh hồn đồng lạnh, Tấm Cám, Kiều, Thân phân nàng Kiều, Phạm Ngũ Lão...

Tác giả kịch bản của gần chục bộ phim truyền hình: Làng êm ả bên sông, Vàng dưới đáy sâu, Đau buốt đến tim...

PGS-TS Lê Thị Bích Hồng

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›