(Thethaovanhoa.vn) - Ngày nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (1950 – 2021) rời cõi tạm, người ta nhắc nhiều đến văn tài cũng như vị thế của ông trên văn đàn. Nhưng có lẽ ít ai thấy được một góc đời giản đơn, bình dị của ông như người bạn vong niên - nhà thơ dân gian Nguyễn Bảo Sinh (sinh năm 1940).
Họ vẫn thường ngồi với nhau ở một quán cà phê trên phố Hàng Hành (Hà Nội), để rồi lúc sinh thời, Nguyễn Huy Thiệp từng viết hẳn một truyện ngắn là Cà phê Hàng Hành và còn lấy đó làm tên một tập sách của mình.
1. Nhà thơ dân gian Nguyễn Bảo Sinh tiết lộ rằng, ông đã cùng các bạn văn bàn với ông chủ cà phê Nhân trên phố Hàng Hành về việc sẽ gắn một biển tên nhỏ bằng đồng trên mặt bàn, nơi nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thường ngồi, để làm lưu niệm. Đó là một cách để níu giữ những hình ảnh thân thuộc về Nguyễn Huy Thiệp chính tại nơi lúc sinh thời, ông rất năng lui tới và tỏ ra có hứng thú đặc biệt.
“Ở quán cà phê Nhân không ai mang cơm nắm muối vừng ra ăn cả, chỉ có Thiệp mang theo cơm nắm được bà vợ nắm cho. Có lẽ đó là hình ảnh độc nhất của Thiệp khi ở cà phê Nhân. Không phải mang ngày một ngày hai mà ngày nào Thiệp cũng mang cơm nắm muối vừng lên cà phê Nhân, hai anh em bẻ chung một nắm cơm muối vừng, bày ra bàn cùng với nhau” - nhà thơ kể - “Ăn với nhau rất ngon, ăn xong là no, no xong hai chúng tôi lại đi vài vòng quanh Bờ Hồ. Thỉnh thoảng lại tạt vào hàng cháo nấm. Bao giờ tôi và Thiệp cũng gọi một bát cháo nấm và xin thêm một bát không. Nhà hàng quý hai anh em đến mức đồng ý cho 2 ông chỉ ăn một bát cháo nấm chia đôi, hôm nào sang thì mỗi người một bát, trong khi quán toàn món sang trọng, nhiều khách Tây thường vào”.
“Thiệp thường ngồi lại ở cà phê Nhân rất lâu, ngồi hàng tiếng đồng hồ, có khi từ 4 giờ chiều cho đến khi 9 - 10 giờ tối. Thiệp không uống cà phê, thay vào đó là một ấm trà. Một ấm trà tiếp bạn văn ngồi nhâm nhi lâu đến độ thay 5 lần nước thành ra nước chè như nước trắng” - ông kể thêm.
Chưa hết, ở cà phê Nhân, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp còn có nhiều thói quen rất lạ mà hay. Ngồi với bạn cứ hễ sắp mưa là bao giờ ông cũng đi về trước. Có lần, cách đây cũng lâu lâu rồi, nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh lo lắng hỏi: “Sắp mưa thế này ông về giữa đường mưa to thì sao?”. Ông “vua truyện ngắn” đáp chẳng biết đùa hay thật: “Anh không hiểu! Mưa to tôi cũng về được nhà nhưng nếu tôi ngồi lại đây với anh chờ tạnh mưa thì nhà tôi đã lụt, lúc bấy giờ mới không vào được nhà. Còn bây giờ sắp mưa, tôi về kịp để tát nước, như thế mới vào được”.
Cà phê Nhân chẳng giống những quán xá bình thường, bởi nó chứng kiến một tình bạn tri âm tri kỷ của cặp bài trùng Bảo Sinh - Huy Thiệp. Hễ gặp nhau hay bất cứ đi đâu, họ đều ghé quay trở lại cà phê Nhân như một thói quen trong hơn 30 năm. Theo nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh thì “mỗi ngày trung bình chúng tôi ngồi bên nhau khoảng 6 tiếng”. Hết ngồi cà phê Nhân, hai người bạn Bảo Sinh - Huy Thiệp lại đi dạo mấy vòng Bờ Hồ như hình với bóng.
2. Hình ảnh gắn bó thân thuộc Nguyễn Huy Thiệp ở cà phê Nhân trên phố Hàng Hành không chỉ quen mắt với mọi người nơi đây. Trong tập tản văn Hà Nội quán xá phố phường, nhà văn Uông Triều viết: “Hai vị khách nổi tiếng của cà phê Nhân là nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và nhà thơ dân gian Nguyễn Bảo Sinh, đôi bạn này chơi với nhau từ lâu. Nguyễn Huy Thiệp thường xuyên ngồi ở cà phê Nhân, thậm chí muốn tìm ông, cách dễ nhất là cứ đến đây vào các buổi chiều. Nhà văn gọi một ấm trà và bên cạnh có một gói lạc luộc hoặc đôi củ khoai nhâm nhi suốt buổi”.
Có lẽ chính bởi sự gắn bó đặc biệt này đã khiến người bạn thân thiết của ông nảy ra ý tưởng đề xuất với ông chủ quán cà phê Nhân, “nên gắn một biển đồng nhỏ hoặc to tùy ý, ghi “Nơi đây, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thường ngồi với bạn bè”. Hoặc sau này nếu có điều kiện có thể làm tủ kính để trưng bày tác phẩm của Thiệp trong không gian của cà phê Nhân”.
Việc làm này như một cách để thể hiện tinh thần “chiêu hiền đãi sĩ”, cũng là nơi để bạn văn chương nhớ về Nguyễn Huy Thiệp, một tầm vóc văn chương lớn của thời đại. Tác giả Bát phố tâm niệm: “Có những chi tiết nhỏ nhoi nhưng lại đóng đinh vào trong tâm hồn. Có những sự trân trọng giản đơn, thầm lặng lại để lại trong lòng người nhiều tình cảm sâu sắc hơn là những lời tán dương hay những việc làm đao to búa lớn”.
3. Bảo Sinh tự nhận mình và Nguyễn Huy Thiệp thực giống như Đoàn Chuẩn – Từ Linh, tuy trái ngược nhau về tính cách nhưng lại khăng khít đến mức ngoài sức tưởng tượng. “Tôi chơi với Thiệp hay ở chỗ không phải điều gì cũng nhất trí với nhau, nếu luôn nhất trí với nhau thì buồn. Nhiều người hỏi tại sao Sinh và Thiệp lại chơi được với nhau? Bởi lẽ người ta chưa hiểu được rằng tôi và Thiệp đi chơi với nhau cũng là cùng chia sẻ sáng tác” - tác giả Bát phố cho hay - “Tôi làm thơ, đọc thơ cho Thiệp nghe, Thiệp thẩm ngẫm, góp ý câu này được, câu kia chưa được, câu này hay, câu kia chưa hay. Thiệp trao đổi rất nhiều về thơ của tôi. Và có nhiều bài thơ của tôi được sáng tác khi ngồi cùng với Thiệp”.
Những cuộc tâm tình chia sẻ sáng tác ở cà phê Nhân hay chiêm nghiệm những lúc dạo quanh Bờ Hồ dường như là chất xúc tác giao quyện giữa hai tâm hồn đồng điệu tưởng như rất khác nhau và xa nhau của cặp đôi Bảo Sinh - Huy Thiệp. “Thực ra tất cả công việc văn thơ của tôi đều có linh tính của Thiệp trong đó. Tâm hồn, suy nghĩ của hai bên đan vào nhau nhưng cả hai đều không biết. Thiệp mang tính đời, hiện thực còn tôi thì là thiền định, tâm linh. Hai người tưởng như trái ngược nhau mà lại hòa vào nhau, đan vào nhau, thấm vào nhau” - nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh kể thêm.
Rồi ông nói tiếp: “Tôi và Thiệp ngồi với nhau gần 40 năm trời, ngồi với nhau tâm sự nhưng thực ra là đồng sáng tác. Thiệp có cái hay là nhiều khi chỉ cần một tứ thơ của tôi cũng có thể triển khai thành một câu chuyện. Có nhiều khi Thiệp viết từ tứ thơ của tôi mà không hề biết. Và cũng nhờ có văn của Thiệp mà nhiều người biết đến thơ của tôi. Bởi trích thơ tôi, Thiệp thường ghi rõ ràng “trích thơ Bảo Sinh”.
- Thương nhớ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (1950 - 2021): Những ngọn gió vẫn thổi từ Hua Tát
- Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã thoát kiếp trần
- Nguyễn Huy Thiệp: Nói chuyện một mình về nghề nghiệp
Ví như trong Tuổi 20 yêu dấu, khi cô đơn trên đảo Cát Bà, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có viết một đoạn lấy từ tứ thơ Nguyễn Bảo Sinh rằng: “Quạnh hiu ngay giữa đất trời/ Còn hơn hiu quạnh giữa người thân thương”. Hay đồng cảm với Nhà Ôsin của Nguyễn Huy Thiệp, nhà thơ Bảo Sinh viết: “Bỏ cả giang sơn vì người đẹp/ Biết đâu người đẹp thích giang sơn”.
Có lần Nguyễn Huy Thiệp tâm sự: “Ông Sinh ạ, có lẽ tôi chỉ thọ được đến chừng 70 tuổi, tôi không thọ được lâu đâu, tôi biết tôi lắm”.
Nhà thơ dân gian động viên bạn rằng: “Tuổi con người không thể tính bằng sinh học, có kẻ sống 100 tuổi không bằng người sống chỉ 40. Tuổi của một con người phải tính bằng năng lượng sống tỏa ra cho xã hội. Nếu ông mất năm 70 tuổi thì ông phải thọ được 700 tuổi. Bởi ông sống bằng năng lượng sống, sự đóng góp cho xã hội bằng 10 người khác. Nếu ông mất năm 70 tuổi thì tôi nói là Thiệp mất năm 700 tuổi, thọ 700 tuổi”.
Nguyễn Huy Thiệp đã mãi ra đi ở tuổi 71. Giờ đây, bên góc phố Hàng Hành nơi quán cà phê Nhân chỉ còn mình Nguyễn Bảo Sinh bên bóng hình người bạn tri kỷ trong ký ức. Vài củ khoai bẻ đôi, dăm ba lời tếu táo, câu thơ nặng giao tình thay cho muôn lời nói tâm tình… Thật là: “Vừa ngoảnh mặt đã thành ra mộng/ Chưa quay nhìn đã hóa cố nhân”.
Thái Gia Khánh
Tags