Nguyễn Ngọc Thuần - Sức mạnh cảm hóa từ các trang văn

Thứ Tư, 14/04/2021 19:05 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Trong bộ giáo khoa tiếng Việt Chân trời sáng tạo, ở cả Tiếng việt 2Ngữ văn 6 (bắt đầu sử dụng từ năm học 2021 - 2022) tác giả Nguyễn Ngọc Thuần đều có bài. Ở Tiếng Việt 2 là 2 bài tập đọc Cánh đồng của bố Khu vườn tuổi thơ.Ngữ văn 6 là bài theo dạng “đọc kết nối chủ điểm” với tên bài Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ.

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Kim Hài từng đi guốc mộc trên đường văn

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Kim Hài từng đi guốc mộc trên đường văn

Nữ nhà văn Kim Hài đã “làm quen” với sách giáo khoa mới từ năm học trước, khi nhóm thực hiện sách "Tiếng Việt "1 bộ "Chân trời sáng tạo" chọn của bà truyện ngắn "Đôi chim" để biên soạn thành tiết kể chuyện "Đôi bạn và hai chú chim non" (trang 88 tập 2).

Chọn lựa và biên soạn để học sinh ở cả 2 cấp học được làm quen với một tác phẩm đương đại mà trong 19 năm qua được tái bản tới 30 lần và được dịch ra 6 thứ tiếng là một cố gắng đáng khích lệ của nhóm làm giáo khoa.

Quyền trẻ em trong hình tượng văn học đẹp

Nhân vật đứa bé xưng tôi trong bài tập đọc Cánh đồng của bố kể với các bạn lớp 2 của mình:

“Bố tôi vẫn nhớ mãi cái ngày tôi khóc, tức cái ngày tôi chào đời. Khi nghe tiếng tôi khóc, bố thốt lên sung sướng: “Trời ơi, con tôi!". Nói rồi ông áp tai vào cạnh cái miệng đang khóc của tôi. Bố tôi nói chưa bao giờ thấy tôi xinh đẹp như vậy. Bố còn bảo ẵm một đứa bé mệt hơn cày một đám ruộng. Buổi tối, bố phải đi nhẹ chân. Đó là một nỗi khổ của bố. Bố tôi to khỏe lắm. Với bố, đi nhẹ là một việc cực kỳ khó khăn. Nhưng vì tôi, bố đã tập dần. Bố nói, giấc ngủ của đứa bé đẹp hơn một cánh đồng. Đêm, bố thức để được nhìn thấy tôi ngủ - cánh đồng của bố”.

Chú thích ảnh
Nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần

Đứa trẻ trong bài được nâng niu trước hết vì nó bé bỏng, “xinh đẹp”. Nhưng trong cái bé bỏng sơ sinh ấy đã có gì như một thứ quyền năng to lớn khiến người sinh ra nó phải trân trọng thú nhận “ẵm một đứa bé mệt hơn cày một đám ruộng” khiến ông phải tự sửa mình, phải “tập dần” theo cách chậm lại, nhỏ đi, khẽ khàng hơn, dù việc ấy “cực kỳ khó khăn” với một nông dân lực điền “to khỏe”.

Đứa bé vừa khai sinh đã khai minh cho người thân yêu của mình, để cuộc đời chung bớt đi cục mịch, thực dụng đặng mà đẹp hơn, lãng mạn hơn! Lãng mạn tới mức biết “thức” dám “thức” để chiêm ngưỡng một “cánh đồng”, một thiên nhiên mình được ẵm trên tay. Sức mạnh cảm hóa từ đưa bé sơ sinh trong bài đã thành một hình tượng văn học đầy thuyết phục về quyền trẻ em!

Từ một chương tiểu thuyết 11 trang với khoảng 5.000 chữ (chương đầu tiên của truyện dài 126 trang - Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ) chọn lấy bài tập đọc 130 âm tiết vừa với sức đọc sức hiểu của học sinh lớp 2, các nhà biên soạn phải cắt cúp là đương nhiên. Cắt đoạn, cúp trang để nối câu thành bài. Chưa hết! Để thành bài còn phải đổi chữ để phòng xa, để tránh cả những bất bình đẳng giới không nên có trong một lớp học gồm cả nam sinh và nữ sinh! Những ai mê Nguyễn Ngọc Thuần, những ai thuộc Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ sẽ thấy câu cảm thán 4 âm tiết “Trời ơi, con trai!” trong nguyên văn truyện dài được đổi thành “Trời ơi, con tôi!” trong bài tập đọc, để không ai bắt bẻ, người biên soạn trọng nam khinh nữ. Nhưng sẽ có thầy cô giáo bắt bẻ, hợp tình hợp lý, nếu học sinh hỏi người kể chuyển trong bài là gái hay trai thì trả lời sao?

Thì, theo chủ quan của người viết bài, thầy cô giáo có thể hỏi lại học sinh: “Theo các em, trong tranh minh họa, đưa bé là gái hay trai? Là trai! Và bạn trai này còn bảnh trai hơn ở trong tranh minh họa bài Khu vườn tuổi thơ các em sẽ được học ở Tiếng Việt 2 (tập 2) cũng trích từ truyện dài Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ. Vậy là tình huống biên soạn, trong cái nhìn toàn cảnh và tích hợp, có thể thành tình huống sư phạm trong giảng dạy.

Tìm đọc Khu vườn tuổi thơ thì thấy, “tình huống biên soạn” mới lại có nảy sinh. Không chỉ cắt cúp, hoán đổi, nhóm biên soạn còn nưong theo nhịp văn, hơi văn, nương theo nội dung thông báo “bố trồng rất nhiều hoa” thêm một vài chữ tên hoa! Cùng với hướng dương, mào gà, hoàng lan và hồng trong nguyên bản, các nhà biên soạn “trồng” thên bông cúc, bông ích mẫu. Trồng thêm theo hướng có lợi cho việc tiếp thu của trẻ lớp 2. Vì ngay sau bài tập đọc Khu vườn tuổi thơ sẽ là bài vận dụng kiến thức học được trong trò chơi nhắm mắt đoán tên hoa bằng khứu giác! Việc thêm tên hoa vào bài như là cách gợi ý, khuyến khích, thầy trò các lớp, tùy vùng miền, mạnh tay đưa hoa quê mình vào bài học!

Chú thích ảnh
Truyện tranh theo bài “Khu vườn tuổi thơ” của Nguyễn Ngọc Thuần trong sách “Tiếng Việt 2”

Liên thông cấp học bằng nhân vật văn học

Trong dạng bài mới “đọc kết nối chủ điểm” những người biên soạn Chân trời sáng tạo, đưa chương 5 truyện dài Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ vào sách Ngữ văn 6 (tập 1, tr.94). Các em học sinh lớp 6 sẽ gặp lại nhân vật “tôi” đã làm quen 5 năm trước. Nhân vật vẫn ở tuổi lên 10 như ngày nào, nhưng người học đã có phần lớn hơn, đã có sức đọc, sức hiểu để cùng thầy cô giáo tìm hiểu một tác phẩm hay của văn học Việt Nam hiện đại. Các em phải có ý kiến về câu văn hay nhất tác phẩm này: “Thông điệp mà tác giả muốn gửi đến chúng ta qua câu văn “những bông hoa chính là người đưa đường” là gì?

Được hỏi, học sinh lớp 6 có đủ hiểu biết, chữ nghĩa để bàn về vần để cái đẹp chỉ đường, cái đẹp cứu rỗi mà nhân loại đã đặt ra từ lâu và mãi mãi là thời sự, bà Nguyễn Thị Hồng Nam, chủ biên sách này rất tự tin trả lời: “Khi chọn chương này đưa vào sách chúng tôi phải cân nhắc nhiều yếu tố: Văn liệu có đảm bảo yêu cầu về thể loại mà chương trình đặt ra hay không; có những hiện tượng tiếng Việt phù hợp với yêu cầu của chương trình để khai thác hay không; có phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của học sinh hay không; và có phù hợp với chủ điểm mà chúng tôi muốn dạy hay không? Chương 5 Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ đáp ứng tất cả các yêu cầu này. Thêm nữa những người làm sách lớp 2 và lớp 6 có bàn bạc để thống nhất, cần tiết chế, linh hoạt từ lớp 2 để nhân vật lớn, tác phẩm lớn có thể tới với học sinh nhỏ, lấy tác phẩm và nhân vật tạo sự liên thông giữa 2 cấp học. Có sự liên thông, từ lớp 2 đã được khuyến kích đọc hiểu từng trang, từng trang, từng chương, thì tới lớp 6 các em có thể dễ dàng trả lời câu hỏi khó kia!”.

Chúng tôi lại hỏi: “Đã liên thông, chuẩn bị kỹ lưỡng như thế sao còn phải cắt bớt một đoạn khi đưa chương này vào sách, lại cắt chính đoạn cao trào - một đứa bé té sông, và bạn nó vì biết “vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ”, đã kịp báo động để cứu vớt kịp thời”.

“Thực lòng chúng tôi không muốn cắt” - bà Hồng Nam tâm sự. “Nhưng buộc phải cắt vì độ dài của mỗi tập sách không được quá 140 trang để đảm bảo giá thành, hợp với túi tiến của số đông dân chúng”.

Ra vậy! Để tác giả trẻ Nguyễn Ngọc Thuần của Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ có thể vào sách đứng cùng chủ điểm “những trải nghiệm trong đời” cùng với Tô Hoài, Xuân Quỳnh, Trần Đức Tiến, những người biên soạn đã không “nhắm mắt” làm theo ý mình!

Những cửa sổ đầy sức hút đã mở ra

Nguyễn Ngọc Thuần bước vào văn đàn và lập tức làm mọi người sửng sốt, trầm trồ vì cú hat-trick văn chương: Năm 2000, giải Ba cuộc vận động sáng tác văn học tuổi 20 lần II với tập truyện ngắn Giăng giăng tơ nhện. Năm 2002, giải A cuộc thi văn học thiếu nhi vì tương lai đất nước lần III với Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ. Năm 2003, lại giải A cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi của NXB Kim Đồng với Một thiên nằm mộng.

Thành công nối tiếp thành công vào năm 2008, truyện dài Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của Nguyễn Ngọc Thuần được giải Peter Pan của Thụy Điển. Đây là giải thưởng của Ủy ban Quốc tế về sách dành cho thanh thiếu nhi tại nước này và Hội chợ sách quốc tế Gothenburg khởi xướng từ năm 2000. Hằng năm, giải thưởng chỉ trao cho 1 tác giả văn học thiếu nhi của nước ngoài, trước Việt Nam, đã có các tác giả văn học thiếu nhi của Pháp, Mỹ, Nga, Ireland, Phần Lan, Canada, Trung Quốc.

Thành công này có được vì Nguyễn Ngọc Thuấn không bị bất cứ áp lực nào khi cầm bút, ông nói “… tôi khi viết cảm thấy rất tự do, thoải mái, không bị trói buộc, không chịu một sức ép nào. Thực tế là tôi đã viết được tất cả những gì tôi nghĩ và tất cả những gì tôi viết đều đã được in''!

Với 1 giải thưởng quốc gia, 1 giải thường quốc tế, với 30 lần tái bản và 6 bản dịch ra tiếng nước ngoài, các “cửa sổ” Nguyễn Ngọc Thuần mở ra từng sách giáo khoa, đủ mê lực lôi kéo được đông đảo học sinh từ các trường học nhìn ra thế giới và bạn đọc thế giới nhìn vào Việt Nam ta!

Nguyễn Ngọc Thuần sinh 1972 tại Bình Thuận. Tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật TP.HCM. Từng là họa sĩ cho các báo Mực tím, Nhi đồng, Tuổi trẻ. Là tác giả của 7 tác phẩm văn học và nhiều giải thưởng văn chương. Hiện sống và sáng tác tại TP.HCM.

(Còn nữa)

Lý Ngọc

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›