(Thethaovanhoa.vn) - Hội thảo Nguyễn Nhật Ánh - hành trình chinh phục tuổi thơ sáng 16/9 tại Đại học Sư phạm Hà Nội là dịp để giới chuyên môn công nhận Nguyễn Nhật Ánh như một nhà văn có tầm vóc văn học, không chỉ là tác giả best-seller như vẫn được nhìn nhận.
Hội thảo có mặt nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, ông ngồi từ đầu đến cuối để nghe giới phê bình “phẫu thuật” mình. Các ý kiến phê bình đưa ra những kiến giải về tác phẩm của nhà văn mà chính ông cũng thấy bất ngờ và thú vị.
Không chỉ best-seller mà còn xuất sắc
Sự “thống trị” của văn học nước ngoài tại Việt Nam, với những truyện dịch như Doraemon và Harry Potter đôi khi khiến nhiều người lo lắng về mảng văn học thiếu nhi nội. Nhưng sự xuất hiện của Nguyễn Nhật Ánh dẹp đi nỗi lo đó.
Trong 30 năm qua, nhà văn viết hơn 100 tác phẩm lớn nhỏ, nổi tiếng nhất là Kính Vạn Hoa, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Tôi là Bê tô, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh… Sáng tác nhiều và ra mắt đình đám, ông là tác giả văn học thiếu nhi “xuất sắc nhất Việt Nam”, theo PGS Lã Thị Bắc Lý, Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ và Văn học – Nghệ thuật trẻ em của Đại học Sư phạm.
Các nhà phê bình nhận định: “Nguyễn Nhật Ánh thuộc số người viết có bút lực dồi dào nhất ở Việt Nam và giữ sứ mệnh lịch sử là người giữ lửa cho văn học thiếu nhi Việt Nam suốt từ thời đổi mới đến thời hiện đại. Ông là trường hợp độc đáo trong văn học Việt Nam đương đại”.
Nhà phê bình Lê Huy Bắc còn đặt Nguyễn Nhật Ánh cạnh những Mark Twain (tác giả Tom Sawyer và Huckleberry Finn), J.D. Salinger (Bắt trẻ đồng xanh), Harper Lee (Giết con chim nhại), Hertor Marlot (Không gia đình)… vì điểm chung về kiến văn rộng lớn. Họ đều viết “không chỉ cho trẻ con mà cho những ai từng là trẻ con”.
Âm nhạc thu hút đám đông, văn chương chia sẻ riêng tư
Ông Dương Thành Truyền (NXB Trẻ) đưa liên tưởng thú vị về độ nổi tiếng của Nguyễn Nhật Ánh so với… Đàm Vĩnh Hưng, liên quan đến phát ngôn gần đây của Đàm Vĩnh Hưng trên một tạp chí, rằng anh chịu nhiều chỉ trích nhưng vẫn nổi tiếng nhất làng nhạc Việt 15 năm qua.
Trong văn chương Việt Nam, tác giả best-seller lâu năm nhất chính là Nguyễn Nhật Ánh, gần 30 năm. Độc giả hâm mộ ông vẫn được trẻ hóa, thay lứa trong suốt những năm qua.
Trao đổi với Thể thao & Văn hóa, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cũng cho rằng so sánh “Nguyễn Nhật Ánh và Đàm Vĩnh Hưng ai nổi tiếng hơn” dễ rơi vào khập khiễng. “Sự lan truyền của giới giải trí là công chúng nghe nhìn trực diện, còn công chúng của văn học cá nhân và riêng tư hơn. Vì vậy giải trí tạo ra công chúng đám đông”.
“Nhưng sự nổi tiếng của Nguyễn Nhật Ánh trong giới văn học cũng đạt tầm vóc lớn” – ông Nguyên khẳng định.
Gần đây, truyện dài Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của Nguyễn Nhật Ánh được đạo diễn Victor Vũ chuyển thể thành bộ phim cùng tên.
Tên ban đầu của phim là Hoa vàng trên cỏ xanh, về sau đổi lại đúng như tên truyện. Trước đó, nhiều độc giả cũng cho rằng, “hoa vàng trên cỏ xanh” là hình tượng ẩn dụ của tuổi thơ chứ không phải hình ảnh cụ thể trong tác phẩm, và bỏ đi hai chữ “tôi thấy” làm tên phim bớt hay.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đồng ý với điều này, ông quan niệm điều đó thể hiện dấu ấn sâu đậm của tác phẩm văn học trong lòng độc giả. Hai chữ “tôi thấy” trong tên sách và tên phim là để mỗi công chúng đều cảm thấy đó là chính mình.
Nguyễn Nhật Ánh: Người viết văn như người lái xe đêm |
Nha Đam
Thể thao & Văn hóa
Tags