Ông Trần Đức Phấn, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT cho rằng, thể thao Việt Nam (TTVN) cần sớm xoay trục sang ASIAD và Olympic để giành được thành tích cao ở đấu trường lớn.
Không có huy chương thì ai cũng buồn và chạnh lòng!
* Xin chào ông Trần Đức Phấn. Trước tiên, ông có thể chia sẻ cảm xúc và đưa ra đánh giá của cá nhân khi theo dõi các cuộc thi đấu của TTVN tại Olympic 2024 vừa qua?
- Ông Trần Đức Phấn: Tôi đã theo dõi toàn bộ các VĐV của TTVN tham gia thi đấu tại Olympic vừa qua, đặc biệt với những tuyển thủ được kỳ vọng có thể tranh chấp thành tích cao như Trịnh Thu Vinh (bắn súng) hay Trịnh Văn Vinh (cử tạ). Đây là 2 môn đã được đầu tư trong nhiều năm, với mục tiêu là giành huy chương ở đấu trường châu lục và thế giới.
Đến giờ phút này khi các cuộc thi đấu khép lại, kết quả như thế nào mọi người đều đã biết, còn với bản thân, điều đầu tiên tôi muốn nói là rất chia sẻ với Đoàn TTVN, đặc với các VĐV, HLV, cán bộ và lãnh đạo đoàn. Chúng ta không có huy chương thì ai cũng buồn, ai cũng thấy chạnh lòng cả.
Tôi đã từng làm Trưởng đoàn TTVN dự Olympic Tokyo vào năm 2021, đoàn cũng không giành được huy chương, cũng rất buồn, muốn làm được điều gì đó để có thành tích tốt và tôi nghĩ rằng các thành viên đoàn giờ này cũng như vậy thôi. Chúng ta cần chia sẻ với họ, bởi hơn hết, các VĐV, HLV khi vào cuộc thi đấu, khát khao giành huy chương không có ai lớn bằng họ, rồi mới đến những người khác.
Trước khi Đoàn TTVN lên đường, chúng ta cũng đã lường trước tình huống không giành được huy chương có thể xảy ra. Thực lực của TTVN ở kỳ đại hội trước hay kỳ này, tôi và anh Đặng Hà Việt đều đánh giá được khả năng VĐV của mình khả năng đến đâu, chứ không mơ hồ là đến Olympic để tranh huy chương.
16 VĐV của TTVN tham gia dự Olympic nhưng chỉ có 2 môn có thể tranh chấp huy chương với 2 VĐV như tôi đã đề cập ở trên là có chuẩn bị tốt về mọi mặt như thể lực, tâm lý và kinh nghiệm thi đấu, rồi cần cả sự may mắn nữa.
Trong thể thao, không phải cứ tập luyện tốt là giành được thành tích tốt vì kết quả còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố bên ngoài tác động. Chứng kiến VĐV thi đấu và không có được kết quả như kỳ vọng, tôi cảm thấy rất thương họ vì bản thân họ đã nỗ lực hết khả năng của mình.
Bài toán khó giải về huy chương Olympic
* Như ông đã chia sẻ ở trên về việc "muốn làm được điều gì đó để có huy chương" sau kỳ Olympic trước. Theo ông, mục tiêu giành huy chương ở Olympic có thực sự phù hợp với TTVN?
- Giành huy chương ở đấu trường Olympic với TTVN là một bài toán khó giải, không dễ mà giải quyết được ngay. Vì sao? Vì TTVN luôn luôn phải tham gia các đấu trường liên tục, 2 năm 1 lần là SEA Games, 4 năm 1 lần ASIAD, tất cả gối đầu lên nhau và chúng ta luôn luôn nghĩ là phải có thành tích
Giờ đặt ra một giả thiết là TTVN không có thành tích ở SEA Games. Đoàn TTVN chỉ đứng thứ 5 thôi hoặc là thứ 6 hoặc là thứ 4, thì xã hội sẽ đánh giá như thế nào về thể thao nước nhà. Những người làm chuyên môn như chúng tôi lúc ấy nghĩ rằng điều đó là không ổn, nên vẫn phải lồng ghép các nhiệm vụ đối với SEA Games, ASIAD và Olympic.
Giai đoạn vừa rồi, sau khi thực hiện xong chiến lược phát triển thể thao ở giai đoạn 2010 - 2020, kế tiếp là giai đoạn 2020 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, bản thân tôi tham gia trực tiếp và cũng đã từng phát biểu nhiều lần về mục tiêu giành khoảng 30 huy chương nhưng hầu hết là huy chương bạc và huy chương đồng. Vì thế, chúng ta phải làm thế nào để chuyển được số huy chương đó thành huy chương vàng.
Giải quyết bài toán đó như thế nào thì với kinh nghiệm từ năm 2018 đã giải quyết được trọng điểm một số môn Olympic lần đầu tiên có HCV ở ASIAD là môn điền kinh và đua thuyền rowing. Tôi nghĩ rằng phải đặt mục tiêu như vậy thì mới giải quyết được bài toán huy chương. Trước đây chúng ta cũng giành HCV ở ASIAD nhưng không phải ở môn Olympic như karate hay wushu.
Vì thế, từ cách đặt mục tiêu và tính toán tổ chức thực hiện cho phù hợp từ việc giành huy chương ở ASIAD rồi mới hướng tới Olympic. Nguồn lực cho TTVN chỉ có như vậy, trong khi phải tham dự nhiều đấu trường, thì rõ ang giải bài toán huy chương Olympic không đơn giản nếu như không muốn nói là rất khó.
Xoay trục ASIAD và Olympic
* Đang có nhiều ý kiến cho rằng cần có sự tính toán, thậm chí có thể bỏ qua thành tích ở SEA Games để tập trung vào ASIAD và Olympic, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Tôi không muốn nói là "bỏ", mà trong chiến lược phát triển, từ chính xác tôi viết là "xoay trục" và điều tôi mong muốn là khi tổ chức thực hiện nhiệm vụ ở SEA Games thì nên giao cho các địa phương, cụ thể là cơ quan quản lý nhà nước hay tổ chức xã hội ở địa phương để họ đảm nhiệm và hoàn toàn có thể đảm nhiệm được. Còn lại các nhiệm vụ lớn như ASIAD và Olympic thì thực hiện ở trung ương. Cần phải xoay trục, đặt ra nhiệm vụ và giao nhiệm vụ rất cụ thể.
* Việc xoay trục này bản chất là phải đầu tư trọng điểm hơn, tránh dàn trải để hướng tới mục tiêu giành huy chương ở đấu trường lớn ngoài khu vực?
- Xoay trục sang đấu trường lớn cũng chính là sự đầu tư. Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, tôi không muốn dùng cụm từ "trọng điểm" nữa, mà phải nhấn mạnh là "trọng điểm đột phá". Nếu trọng điểm mà không đột phá thì cũng không giải quyết được bài toán thành tích. Như bài học kinh nghiệm ở ASIAD 2018, tôi đặt vấn đề là giành 1 HCV môn Olympic ở ASIAD nó khác với việc giành 1 HCV ở môn thể thao khác.
Bởi vì sao? Bởi môn thể thao Olympic chỉ có Olympic mới có thôi, chứ còn môn ASIAD thì chỉ chưa chắc. Ví dụ như môn pencak silat, vẫn có ở ASIAD nhưng không có ở Olympic. Vì thế, cần đặt ra mục tiêu cụ thể, rõ ang và quyết tâm thực hiện dù việc giành huy chương ở Olympic là rất khó khăn.
Với kinh nghiệm của mình, tôi cho rằng, ngành thể thao vẫn có thể giải quyết được vấn đề. Nhưng cần tập trung nguồn lực ra sao, kết hợp giữa Cục TDTT với các địa phương, các tổ chức xã hội như thế nào.
TTVN có thể cải thiện được thành tích tại ASIAD và Olympic
* Là người trực tiếp tham gia xây dựng nội dung chiến lược phát triển thể thao thành tích cao, theo ông, TTVN có thể cải thiện được thành tích tại ASIAD và Olympic trong bao lâu nữa?
- Theo cách suy nghĩ của những người làm chuyên môn và tham gia trực tiếp viết về chiến lược phát triển thì tôi nghĩ rằng, việc xoay trục đó hoàn toàn hợp lý đối với thể thao Việt Nam giai đoạn hiện nay và sau này.
Theo cá nhân tôi, thể thao Việt Nam hoàn toàn có thể tranh chấp được từ 10 huy chương vàng trở xuống tại ASIAD và có thể áp sát top 10 nhưng nếu chỉ 1 - 2 huy chương vàng thì thường sẽ ở Top 20. Còn ở Olympic, nếu như có 2 huy chương vàng như Philippines họ đã vươn lên vị trí trong Top 40.
Cho nên phải rất chú trọng đầu tư các môn, nhóm môn và nội dung thi đấu cho các vận động viên đột phá trọng điểm thì mới giải quyết bài toán được về thành tích chứ nếu không thì cũng là rất là khó. Bởi vì nguồn lực nhà nước chỉ có thế thôi chứ không thể nào mà vô hạn được.
Rồi có những vấn đề mà chúng ta phải giải quyết ngay chính là vấn đề đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho các môn thể thao trọng điểm. Đấy là vấn đề rất quan trọng, bởi vì cơ sở vật chất kỹ thuật mà chưa đảm bảo thì các vận động viên của mình rất khó.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.
Cách đây chục năm, tôi đã thống kê, tự đặt câu hỏi cho mình và trả lời câu hỏi là tại sao các nước Đông Nam Á ở các đấu trường lớn họ bao giờ cũng hơn Việt Nam? Chúng ta là luôn luôn ở vị trí thứ 5 và thứ 6 ASIAD và Olympic chứ chưa bao giờ vượt qua họ. Lần này cũng đang ở vị trí thứ 6 và đúng với thống kê cách đây 10 năm rồi chứ không phải là đến bây giờ mới biết cái việc ấy.
Tags