(Thethaovanhoa.vn) - Tính đến nay, Nguyễn Quốc Trường Thịnh bước chân vào nghệ thuật hơn 4 năm. Rất chóng vánh, chàng diễn viên trẻ này được giao rất nhiều vai chính trong nhiều phim. Dẫu vậy, trong suốt chừng ấy thời gian, anh vẫn chưa có một vai diễn tạo nên sự đột phá mạnh mẽ cho đến trước “Mẹ trùm”.
Tình hình bắt đầu thay đổi vào những ngày trung tuần tháng 9/2021, khi phim truyền hình Mẹ trùm (kịch bản: Đông Hoa, đạo diễn: Nguyễn Hồng Chi) được phát sóng. Ở đó, vai diễn Trường Ca của Trường Thịnh nhận được phản hồi nồng nhiệt từ khán giả.
Bất ngờ được diễn chung với Thành Lộc
Trường Ca là một giang hồ có vẻ ngoài trí thức. Trường Thịnh đã lột tả được tính cách hào hoa phong nhã của một doanh nhân nhưng lạnh lùng trong các cuộc giao chiến mang đậm tính chất xã hội đen, trượng nghĩa. Diễn xuất của anh đã chạm vào cảm xúc của công chúng, góp phần kéo khán giả dõi theo diễn tiến của bộ phim.
Theo Trường Thịnh, thông thường, một phim truyền hình phía Nam mất 2-3 tháng để hoàn thành, nhưng với Mẹ trùm (60 tập), thời gian quay suốt 8 tháng ròng. Đây là phim mà anh mất công sức nhiều nhất, nhưng sau cùng lại thấy “sướng” nhất, vì được làm việc với một ê-kíp chuyên nghiệp và đam mê.
Trường Thịnh sinh năm 1992 tại Tiền Giang, khá gần nhà của diễn viên Quyền Linh. Trong gia đình Thịnh, từ ông nội đến cha và các cô chú đều hát hay và tham gia ca hát tài tử, nhưng không ai trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp. Lớn lên trong một không gian âm nhạc, Thịnh thích nghệ thuật, nhưng niềm yêu thích đó chưa đủ lớn thành đam mê để dấn thân. Vì vậy, Thịnh thi vào Đại học Giao thông vận tải TP.HCM, chuyên ngành hàng hải.
Thời sinh viên, gia cảnh nghèo, Thịnh được bạn rủ đi đăng ký dự tuyển các chương trình quảng cáo. Anh đã nhận được khá nhiều hợp đồng làm hình ảnh thương hiệu. Rồi ra trường, Thịnh làm việc cho một công ty hàng hải, chuyên mảng giao nhận. Công việc bắt buộc anh phải giao tiếp, thường xuyên có những bữa tiệc thâu đêm suốt sáng với đối tác của công ty. Đồng lương khá tốt, nhưng việc phải uống quá nhiều rượu bia khiến sức khỏe sa sút. Thịnh suy nghĩ một cách thật nghiêm túc về công việc mà mình đang làm, rồi quyết định từ bỏ.
Trong lúc thất nghiệp, Thịnh chở một người bạn đi dự tuyển quảng cáo. Đạo diễn yêu cầu anh thử vai luôn. Và bất ngờ, Thịnh được chọn, với yêu cầu là phải học thêm diễn xuất. Thịnh đăng ký học lớp dạy diễn xuất ngắn hạn tại Hãng phim Xuân Phước. Lò đào tạo này nằm cùng khuôn viên với lò đào tạo của Kịch IDECAF. Vì vậy, Thịnh quyết định đăng ký học thêm tại lò IDECAF. Nhờ có năng khiếu nghệ thuật bẩm sinh, nên khóa học kết thúc, Thịnh được chọn vào vai phản diện Trịnh Hâm trong vở nhạc kịch Tiên Nga, được diễn chung với NSƯT Thành Lộc.
Trường Thịnh nói: “NSƯT Thành Lộc là thần tượng của tôi. Tôi chưa bao giờ dám nghĩ rằng sẽ có một ngày mình được gặp mặt và trò chuyện với chú ấy. Nhưng rồi đột nhiên, tôi được diễn cùng với thần tượng của mình. Suốt nhiều tháng liền miệt mài trên sàn tập, tôi cứ tự hỏi rằng đây có phải là sự thật không?”.
Hụt hẫng và mất tự tin
Dù mới bước vào nghề, nhưng nhờ sự chỉ dạy của nghệ sĩ tiền bối, Trường Thịnh diễn sắc nét tính cách phản diện vai Trịnh Hâm trong vở nhạc kịch Tiên Nga. Sức diễn của Thịnh qua vai diễn này khiến nhiều người trong nghề ngỡ anh đã từng làm nghề lâu năm.
Vở kịch thành công đặc biệt và ở đó Trường Thịnh ghi được dấu ấn với công chúng. Kết quả là Thịnh được mời vào một loạt các vai chính, thứ chính trong phim truyền hình và sitcom. Hình ảnh của Thịnh dần dần xuất hiện sang cả các talkshow, dẫn chương trình. Sự đắt show giúp Thịnh giải quyết được tình trạng khó khăn tài chính vì thất nghiệp, đồng thời khơi gợi niềm đam mê nghệ thuật tiềm ẩn trong anh.
Thịnh lao vào các dự án nghệ thuật bằng tất cả nguồn năng lượng dạt dào của tuổi trẻ. Dẫu vậy, đến một lúc, anh nhìn lại, nhận thấy dù xuất hiện nhiều nhưng anh chưa đạt được một mức độ thành công tương xứng. Tìm câu trả lời, Thịnh tự nhận thấy mình chưa có đủ kinh nghiệm tích lũy nên chưa thể tạo được sự đột phá qua tính cách nhân vật phức tạp, cần biến hóa. Thịnh loay hoay tìm cách khắc phục.
- Sân khấu kịch truyền hình 'hút khán giả' trong mùa Covid-19
- Sân khấu không sáng đèn, nghệ sĩ muôn vàn khó khăn
Anh kể: “Sự thuận lợi ngay trong những ngày đầu mới bước vào nghề là điều ai cũng mong muốn, vậy nhưng, tôi nhận ra điều đó thật sự không tốt. Tôi chưa đủ thời gian rèn luyện, thử thách để trưởng thành, nên càng về sau càng đuối sức”
Cho đến phim Mẹ trùm cũng thế. Đó là khoảng thời gian Thịnh tạm dừng để tìm ra lối đi mới cho mình. Đọc kịch bản xong, Thịnh khóc vì xúc động. Kịch bản chung rất hay, còn thân phận vai Trường Ca vô cùng thăng trầm, vừa đáng thương vừa đáng phục. Vậy nhưng Thịnh xin không nhận vai. Lý do vì anh sợ sẽ làm đạo diễn thất vọng. Đạo diễn Nguyễn Hồng Chi động viên Thịnh rất nhiều. Nhưng Thịnh lại xin được dự tuyển vai (casting). Và được chọn.
Kỳ vọng bộ phim sẽ tạo bước ngoặt cho mình, Thịnh đã dồn hết sức vào đó. Có những hôm quay từ tối đến sáng, Thịnh và anh em kiệt sức, nhưng niềm tin vào chất lượng của phim khiến họ bật dậy làm việc, quên hết mệt mỏi. Để rồi sau khi phim bắt phát sóng, những dòng bình luận đầy thiện cảm suốt thời gian qua đã đền bù cho khoảng thời gian miệt mài, với mồ hôi, máu và nước mắt.
Phim là một trường học giúp Thịnh khám phá chính mình, chỉ dạy nhiều bài học quý báu từ thực tế trường quay. Thịnh lấy lại tự tin và đang háo hức chờ ngày lao vào hai dự án mới đang còn dang dở. Điều quan trọng hơn, giờ đây Thịnh đã hiểu được cái ý nghĩa mà nhiều bậc tiền bối thường hay nhắc đến, đó là “kiếp tằm nhã tơ”. Với Thịnh, nghệ thuật không còn là nghề mưu sinh. Anh đã tin chắc rằng về sau này, dẫu cuộc sống có thăng trầm và sóng gió, mình vẫn sẽ không bao giờ rời xa ánh đèn sân khấu và ánh sáng phim trường nữa.
Nguyễn Huy
Tags