(Thethaovanhoa.vn) - Không phải lời tôi nói, mà là NSND Đỗ Lộc đã dùng những từ “tài năng” và “trí tuệ” khi người nghệ sĩ lừng danh gắn liền với tiếng sáo Việt Nam nhắc đến vị nhạc sĩ, người anh mà ông trân quý trên trang cá nhân của mình trong lời chia tay.
“Trí tuệ”,tôi thường ít dùng từ này khi nhắc đến những nghệ sĩ và cũng không thấy nhiều đồng nghiệp dùng từ này. Vì tự cá nhân tôi cảm thấy nó như được sinh ra để dành cho giới khoa học thiên về tự nhiên, hoặc giả nếu có ở âm nhạc thì nó phải được gắn với những tâm hồn và bộ óc siêu việt, giống như kiểu các thiên tài âm nhạc thế giới ở thời kỳ cổ điền và lãng mạn vậy. Vì điều đó, ngay khi đọc thấy từ “trí tuệ” của NSND Đỗ Lộc dành cho nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, nó đã ở lại trong suy nghĩ của tôi, nó khiến tôi muốn hiểu cặn kẽ hơn về điều này. Vì tôi biết, NSND Đỗ Lộc không thể dùng từ một cách dễ dàng và không có lý được.
NSND Đỗ Lộc chia sẻ đại ý, nếu chọn một ca khúc xứng ngang tầm với Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người của Trần Kiết Tường thì ông sẽ chọn Tiếng hát giữa rừng Pác Bó; còn nếu chọn một bài ca đủ sức lay động trái tim trong tình sâu nghĩa cả quê hương đất nước, con người Việt Nam những năm tháng trước đây mà cứ theo ta mãi trong suốt cuộc đời thì ông chọn Xa khơi. NSND Đỗ Lộc cũng không đi vào chi tiết lý giải tại sao, ông chỉ nói thêm rằng chỉ cần nhắc đến 2 tuyệt tác ấy đủ nói lên tài năng - trí tuệ của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ.
Về khúc thức, khỏi phải bàn, cả 2 đều là những ca khúc mang tính chuẩn mực của dòng ca khúc cách mạng. Nó giống như những bản romance (ca khúc nghệ thuật) trong nghệ thuật âm nhạc phương Tây với đầy đủ phần trình bày, phát triển và kết thúc. Ở đó, bao gồm các kỹ thuật, sắc thái và cả tiết nhịp với những yêu cầu cao đòi hỏi người nghệ sĩ muốn thể hiện đạt tới độ tinh tế của tác phẩm thì ngoài tài năng cần phải có những trau dồi, trải nghiệm theo năm tháng.
Ta có thể trải nghiệm thưởng thức qua phần thể hiện của các thế hệ nghệ sĩ như các danh ca Quốc Hương, Mai Khanh, Anh Đào, Thanh Huyền, Đăng Dương, Trọng Tấn, Lan Anh... trong Tiếng hát giữa rừng Pác Bó, hay nghệ sĩ Tân Nhân cùng nhiều danh ca các thế hệ như: Tường Vi, Thanh Huyền Lê Dung, Anh Thơ, Tân Nhàn... trong Xa khơi.
2 ca khúc, 2 mảng đề tài khác nhau, một là ngợi ca lãnh tụ, một là ngợi ca tinh thần lao động sản xuất ở thời kỳ mới. 2 ca khúc, 2 màu sắc âm nhạc khác nhau, một đậm màu sắc của núi rằng phía Bắc, một đậm chất biển duyên hải miền Trung. 2 ca khúc dù riêng biệt, nhưng có điểm chung rất đáng nhắc tới: Đều lấy trọng tâm là con người, dù là một vị lãnh tụ kính yêu hay những người dân lao động bình thường cũng thấy ngập tràn tình yêu thương nhau, yêu quê hương, đất nước. Không chỉ thế, nó còn quyện hòa với thiên nhiên, vùng đất nơi mà trọng tâm ca khúc muốn kể.
Mới đây thôi, khi mọi người đón nhận tin buồn về sự ra đi của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, có những người bạn đã chia sẻ với tôi về hai ca khúc này, những câu hỏi mà tôi nghĩ là mặc nhiên nhưng khi được hỏi cũng khiến mình phải suy nghĩ để có những chi tiết hơn. Chẳng hạn chất rừng núi phía Bắc: Thì giai điệu, nhịp điệu của then đã hiện hữu rất rõ nét. Nhất là Tiếng hát giữa rừng Pác Bó có nhắc đến một địa danh lịch sử nằm tại Cao Bằng, nơi tập trung nhiều đồng bào Tày, quê hương của những điệu then. Nhưng then thường giống như hát nói, giai điệu bình ổn, đều đều, trong khi ca khúc của Nguyễn Tài Tuệ đậm đà chất then vẫn vút lên những giai điệu trong trẻo, cao vút ở đoạn điệp khúc, như chắp cánh cho hồn then Cao Bằng bay lên lan tỏa khắp núi rừng, khắp những trái tim yêu quê hương Việt Nam.
- Nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ dành cả đời tâm huyết với lao động nghệ thuật
- Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ: Tác giả 'Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó', 'Xa khơi'... qua đời ở tuổi 87
Xa khơi cũng vậy, bạn tôi có chia sẻ rằng, tác giả đã khai thác Ví giặm xứ Nghệ quê hương ông, có phải vậy không? Thì rất rõ ràng điều đó, nó hiện hữu rõ hơn trong một vài điểm giãn tấu, lơi nhịp của ca sĩ khi thể hiện. Nhưng cái tài tình là những điệu hò sông nước miền biển cũng hiện hữu trong trong đó, rất rõ nét trong tiết nhịp và tiết tấu. Nó như quyện vào nhau, tạo nên những dập dềnh như những con sóng, cứ cuộn trào từ sắc thái nhỏ, lớn dần rồi bùng ra ở cao trào. Sau đó lại lắng xuống. Sự đan xen, kết dính nhiều chất liệu đặc trưng xứ Nghệ, miền biển Trung bộ đã tạo ra một không gian âm nhạc vừa đậm chất dân tộc, vừa chứa đựng tinh thần hứng khởi.
Sao Mai Phương Nga hát "Tiếng hát giữa rừng Pác Bó" của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ:
Xa khơi cùng với Tiếng hát giữa rừng Pác Bó là sự đúc kết trong tinh thần cũng như âm nhạc đặc trưng của người Việt. Nó cũng được sáng tác trong một thời đại mà nổi bật đặc tính của người Việt, của dân tộc Việt Nam đó là tình yêu quê hương đất nước, biết ơn những bậc hiền tài, yêu lao động, tinh thần đoàn kết dân tộc lại nói lên tiếng nói của thời đại. Tài năng là ở đó, trí tuệ cũng là ở đó.
Nguyễn Tài Tuệ sáng tác ở cả mảng ca khúc và khí nhạc. Riêng với ca khúc, ông sáng tác nhiều hơn những bài đã nhắc đến trong phạm vi bài viết này, nhưng thú thực, tôi cũng chỉ biết đến 2 ca khúc này và chỉ cần thế thôi cũng đủ để trong nền ca khúc cách mạng Việt Nam lừng lững cái tên Nguyễn Tài Tuệ.
Vài nét về nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ Sinh ngày 15/5/1936 tại Nghệ An. Mất ngày 11/2/2022 tại Hà Nội. Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt I (2001) với các tác phẩm: Tiếng hát giữa rừng Pác Bó, Xa khơi, Mùa Xuân gọi bạn, Xôn xao bến nước và bản Sonate cho đàn t'rưng và piano Huân chương Lao động hạng Nhì. Huy chương Vì sự nghiệp Âm nhạc Việt Nam. |
Nguyễn Quang Long
Tags