(Thethaovanhoa.vn) - Rốt cuộc, tôi - người ra đời sau Nguyễn Thiện Đạo 40 năm vẫn không theo kịp ông trong hành trình nhịp sống. Bộn bề tư liệu, hình ảnh, CD, những link nhạc, email ông gửi đầy hộp thư và tủ tài liệu của tôi. Không thể viết hết, viết xuể trong một bài báo về một nghệ sĩ lớn cống hiến chính yếu thời gian sống cho âm nhạc. Trước mắt tôi, ông đang tới gần dương cầm K.Kawai, mở nắp và ngồi xuống tay lướt trên phím.
- Nhà soạn nhạc Nguyễn Thiện Đạo qua đời: 'Dân tộc đích thực, nhân loại tiên phong'
- Lễ viếng nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo
- ‘Nguyễn Thiện Đạo - nhạc sĩ bị giời đày’
1. Buổi chiều ấy đang trở lại, mặt hồ Đống Đa xanh lặng, đôi cây phượng bên hồ trước cửa ngôi nhà 254 Mai Anh Tuấn quyện tán lá xanh mà nụ gọi hoa bung nở sớm như quà tặng tác giả Sống lửa. Tôi xúc động, hiểu đấy là khoảnh khắc vô giá mà tôi là một trong số hiếm được nghe Nguyễn Thiện Đạo hát và chơi đàn sáng tác của ông, cho một khán giả.
Nguyễn Thiện Đạo tự hào được sống gần hồ từ lúc sinh ra đến lúc về già. Người con cả của doanh nhân, chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thiện Chúc rời ngôi nhà 19 Tràng Tiền từ năm 1953 sang Paris du học nhờ bảo hộ của ngài Giám đốc Viễn Đông Bác Cổ và trợ cấp của gia đình tư sản, mang theo nỗi nhớ của ký ức niên thiếu bên hồ thiêng Hoàn Kiếm. Năm tôi sinh ra, năm ông nhập quốc tịch Pháp, ông vẫn giữ quốc tịch Việt Nam.
Ở Hà Nội, vẫn có người thân của ông cùng nhiều kỷ niệm, bởi thế năm 2007 ông đã mua căn hộ 32m2 x 4 tầng, đứng tên sổ đỏ, để có chốn đi về. Ông đã nỗ lực “ghê gớm” (chữ Nguyễn Thiện Đạo hay dùng) để học giỏi, học vượt trội bạn đồng môn người Pháp, là học sinh giỏi, sinh viên giỏi của Nhạc viện Paris để thành đạt trên đất Pháp, nơi vẫn nhìn về Việt Nam là xứ sở thuộc địa lạc hậu.
Tình yêu nước đâu chỉ là nhớ, những câu nói quen tai mà được chuyển hoá bằng khát vọng làm sáng tên mình và danh từ Việt Nam ở Kinh đô Ánh sáng. Những bức ảnh thời trẻ thuở ông chỉ huy hợp xướng, giao hưởng tại Nhà hát Opéra de Paris, những Phù Đổng, Mỵ Châu Trọng Thuỷ (1979) đến sau này qua tuổi 70, chỉ khác bộ râu thưa hơn. Dáng người thấp bé tỷ lệ nghịch với tầm vóc âm nhạc.
2. Tháng Tư 2015, tháng sinh nhật tôi, tôi nhận được quà bất ngờ: sách đầu tiên mà ông là tác giả. Sống lửa là tác phẩm in đầu, cũng là sáng tác văn học đầu tiên và cuối cùng của nhạc sĩ công bố lúc sinh thời. Sống lửa xuất bản sau cuốn sách tiếng Pháp đầu tiên viết về ông - Nguyen Thien Dao, une voie de la musique contemporaine Orient - Occident (Nguyễn Thiện Đạo, một con đường âm nhạc hiện đại Đông - Tây) thuộc Collection Les Maîtres de musique (Bộ sách Những người thầy âm nhạc) của nữ tiến sĩ Isabelle Massé (Đại học Sorbone), 114 trang được NXB Van de Velde (quận 4, Paris) phát hành ngày 23/3/2015, giá bán 18 Euro.
Nguyễn Thiện Đạo hiểu về văn chương những điển tích, truyền thuyết Việt Nam hơn nhiều nhà văn ở trong nước. Đã biết ông từ năm 2000, khi tôi có hai tập thơ Khát, Linh, gặp ông trong bữa trưa cùng nhạc sĩ Ngọc Đại tại quán Valentine của ca sĩ Sao Mai đối diện khách sạn Hà Nội ở Giảng Võ, tôi đã ấn tượng bởi ông thẩm thơ thật tinh.
Sau này, qua nhiều dịp gặp ông tại Nhà khách Uỷ ban Việt Kiều ở phố Bà Triệu, tại nhà ông hay một quán ăn, nhà hàng nào đó, tôi đều thấy đồng điệu và nể phục không chỉ bởi sự nhạy bén cập nhật thông tin, điều dễ có ở ai chịu “lướt mạng”, mà ở ông không có khoảng cách định hạng của Việt kiều lâu năm xa Tổ quốc với quê nhà.
Ông thăng hoa và sáng tạo một dấu ấn độc đáo của tiêu chí “Dân tộc đích thực - Nhân loại tiên phong” bởi hội tụ và bình định vững vàng trong tâm thế - trí tuệ cộng hưởng văn minh Đông - Tây. Nguyễn Thiện Đạo đã nhận nhiều giải thưởng, tước hiệu: Hiệp sĩ Nghệ thuật và Văn chương của Chính phủ Pháp (Chevalier des Arts et des Lettres), vào từ điển Le Petit Larousse (1982) và Le Petit Robert (1995), thường được mời đến các sự kiện, dự tiệc năm mới của Toà thị chính Paris, điện Élysées (Palais de L’ Élysées), gặp Tổng thống Pháp F. Hollande... nhưng ông rất hãnh diện khi là hội viên danh dự của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, công dân nhận bằng “Vinh danh nước Việt” tại Văn Miếu.
Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo bên tượng thiên tài Beethoven ở Vườn danh tiếng nhất thế giới - Luxemburg, nơi ông vẫn đi bộ mỗi sáng (Ảnh được nhạc sĩ gửi cho tác giả tháng 5/2015)
Hạnh phúc lớn của ông là nhạc mình được vang lên ở châu Á, châu Âu. Và nhà chỉ huy Nguyễn Thiện Đạo còn hãnh diện hơn khi vung đũa điều khiển dàn nhạc ở Pháp, ở Tokyo là lúc chỉ huy đại dàn nhạc tại Hà Nội - Nhà hát Lớn, Lễ hội Phật Đản tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, tại Fesstival Huế và tối 8/2/2015, bên Bến Nhà Rồng, nơi chàng trai chí lớn Nguyễn Tất Thành lên tàu sang Pháp cách đây 104 năm, nơi đây mở đầu chương trình Xuân quê hương bằng bản nhạc Hồn thiêng sông núi và sau buổi hòa nhạc được mời đích danh ra sân khấu để Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang chúc mừng.
Chỉ một lần nghe “khó vào”, nhiều người ngay cả trong giới nhạc sĩ Việt Nam đã cho rằng nhạc Nguyễn Thiện Đạo khó cảm thụ. Đúng vậy, tinh hoa luôn thuộc về số ít, và Nguyễn Thiện Đạo không định hướng nghệ thuật để chiều theo thị hiếu đám đông.
Chất trữ tình trong âm nhạc ông cần được những người nghe hiểu biết, mở rộng thính lực đa dạng. Hãy nghe giai điệu chủ đề nhạc phim truyện Chuyện của Pao. Hãy nghe Inori - 11.3 (Kinh cầu nguyện) viết cho nạn nhân sóng thần ở Nhật Bản, lời ca của Kiều qua giọng hát Vành Khuyên vở Opéra Định mệnh bất chợt... mới thấy Nguyễn Thiện Đạo sung mãn từ vựng Việt để diễn đạt vốn văn chương và phức cảm tâm hồn cho cội nguồn đất nước.
3. Nguyễn Thiện Đạo đã viết tựa cho tập thơ ViLi & Paris ra mắt tối 1/12/2012 tại Nhà hát Lớn Hà Nội và lấy làm tiếc khi lúc đó không thể về chứng kiến chỉ xem mạng và nghe qua lời kể bạn bè. Mỗi dịp về thành phố quê hương, tôi, nhạc sĩ Nguyễn Thuỵ Kha, Giáng Son, vẫn thường được ông dành thời gian. Với riêng tôi, tuy không cùng lĩnh vực sáng tạo, lại được Nguyễn Thiện Đạo dành cho sự liên tài.
Ông không có con, không đam mê nào lớn hơn và chiếm đoạt thời gian của ông thay âm nhạc. Thừa quyền kiêu hãnh và ích kỷ để không phí một xu thời gian nào cho nhạt nhẽo vô vị; ông đã đọc tôi, tin tưởng mời tôi hợp tác trong tác phẩm tới. Nhạc sĩ đã nhận lời mời của tôi tham gia sự kiện kỷ niệm 20 năm cầm bút vào mùa Thu 2016, lên sân khấu trực tiếp chỉ huy một tác phẩm viết cho thơ tôi.
Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo và phu nhân tại điện Élysées, 18/2/2013. Ảnh: Nguyễn Quý Đạo
Nguyễn Thiện Đạo dành tình tự dân tộc cho âm nhạc, vào 125 trang viết truyện dài Sống lửa ông ký tặng chúng tôi, ký riêng một cuốn cho con gái tôi. Cuộc đời ông không được làm cha của đứa con ADN sinh học, rất hiếm khi ông chú tâm cho trẻ con, mọi việc chăn lo gia đình đều do bà Nguyễn Thị Thương Hiền, người phụ nữ có làn da trắng hồng, mang một phần dòng máu Pháp đảm nhiệm.
Ông cưới vợ ngay khi tốt nghiệp Đại học và chỉ có một người vợ ấy từ tuổi 23 tới hết cuộc đời. Ông đã mời chúng tôi và con đến nhà hàng chả cá trên đường Giảng Võ dùng bữa tối tháng Tư, ông không giấu được niềm vui và sự trìu mến khi con tôi, lúc đó chỉ mới hơn 4 tháng, đã rất hay cười. Từ đấy, mỗi email hay mỗi lần gọi điện ông đều dặn: “Hôn thiên thần T.Đ giúp anh nhé!”.
Nguyễn Thiện Đạo gửi tôi 2 thùng sách Sống lửa, nhờ tôi đưa đến tay độc giả đích thực của văn chương, những người xứng đáng. Nhạc sĩ hẹn sẽ gặp lại vào tháng 9-10/2015. Mỗi năm, ông thường trở về vào mùa Xuân và Thu, mỗi lần 2 tháng. Ông không rời Paris dịp Noel, Tết Tây và Tết ta, những ngày đặc biệt vì nhà chỉ có 2 người.
Tôi đã chờ ông gọi suốt tháng 9 mà không thấy, bèn viết thư trách. Thực ra tôi có thể gọi, tôn trọng ông bận rộn nên muốn để ông chủ động, ông email xin lỗi phải đi nghỉ ở biển rồi đến tháng 10 thì viết thư là phải về Paris gấp bởi mang trọng bệnh, lại xin lỗi vì không gặp được và vẫn giữ quà mà chưa đưa được cho con tôi. Tôi trân trọng tình cảm ấy của ông và sẽ kể lại cho cháu khi con biết chữ với Sống lửa ông đề tặng.
4. Gió mùa Đông hun hút thổi bên ngoài quán ăn mà vách tường bằng gỗ thông, tôi, kỹ sư hàng không Đỗ Hữu Mười, bạn đồng niên của ông đã dùng bữa tối. Ông Đạo từng là uỷ viên Ban Chấp hành, cố vấn Hội Người Việt Nam tại Pháp (UGVF do Bác Hồ thành lập năm 1919). Ông đã có lịch ra mắt Sống lửa tại trụ sở UGVF, hơn nửa năm sau khi sách ra cho việc chuẩn bị được kỹ càng.
Thư viện Paris (Mediatheque de Paris) và UGVF tổ chức Hội sách tại trụ sở UGVF, số 16 phố Petit Musc, quận 4 vào ngày 6-7-8/11, lúc ông chịu những cơn đau kịch liệt. Giọng nói lửa nói về những dự án âm nhạc, tất cả mang chất “hào khí và trữ tình lai láng”, về Linh giác (tiểu thành vua, vua thành Phật - về vua Lý Công Uẩn và Trần Nhân Tông) - tác phẩm cuối cùng đang vang ngân trong thế giới của âm thanh…
Tất cả sẽ theo ông đến nghĩa trang hơn 200 tuổi, Père-Lachaise số 6 phố Repos, quận 20, nằm trên ngọn đồi cổ kính, lớn nhất Paris, là một trong những nghĩa trang nổi tiếng nhất hành tinh, nơi yên nghỉ của nhiều tên tuổi lớn của nước Pháp và thế giới. Tôi đã đến đấy thăm mộ Chopin, nhạc sĩ thành đạt, sống chủ yếu và từ trần ở Paris nhưng chưa bao giờ nguôi nhớ Ba Lan yêu dấu. Nguyễn Thiện Đạo cũng thế với Tổ quốc mình.
Nguyễn Thiện Đạo đang đồng hiện bên tôi, đại lộ Saint Germain des Prés mùa Đông 2011. Mùa Đông năm nay, Nguyễn Thiện Đạo bước trên đại lộ này, trên những con đường quận 6 thân thuộc có căn hộ ông ở 28 phố Đàn Bà (Rue Madame).
Đường trắng, gió trắng, những khuông nhạc kéo dài mãi. Nguyễn Thiện Đạo bước nhanh thoăn thoắt, thói quen ông đã rèn luyện nhiều năm bởi nếp sống khoa học diều độ, đi bộ mỗi sáng tại Vườn Luxemburg thuộc quận 6 nhà mình. Đi bộ không theo kịp ông, song tôi sẽ sớm trở lại Paris, không chỉ đến trò chuyện với ông ở Père-Lachaise, mà lại đi bộ cùng ông trên những con đường của Kinh đô Ánh sáng.
Nhà thơ Vi Thùy Linh
Thể thao & Văn hóa
Tags