Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, Tiến sỹ Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam - VASA, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công chức, viên chức thôi việc ở khu vực công chuyển sang khu vực tư “là chuyện bình thường”, đây “không phải là thách thức mà là cơ hội”.
Thôi việc ở khu vực công chuyển sang khu vực tư là bình thường
*Theo Bộ Nội vụ, trong 2,5 năm qua, có gần 40.000 công chức, viên chức thôi việc ở khu vực công chuyển sang khu vực tư. Ông có ý kiến gì về con số trên và vấn đề này là do những nguyên nhân nào?
- Tôi nghĩ trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, người lao động có quyền được lựa chọn nơi làm việc có tiền lương và thu nhập cao hơn, dù là khu vực công hay tư. Cho nên, nếu công chức, viên chức thôi việc để chuyển sang khu vực tư, doanh nghiệp, để tìm kiếm mức lương cao, với nhiều cơ hội tốt hơn thì cũng là chuyện bình thường. Nhất là hiện nay, kinh tế tư nhân phát triển, mọi thành phần kinh tế bình đẳng trước pháp luật. Các quy luật cạnh tranh, quy luật cung cầu, giá cả điều tiết mọi nguồn lực, trong đó có nguồn nhân lực. Vì vậy, tư duy nhận thức của người lao động có thay đổi, không còn phân biệt làm việc ở khu vực công hay khu vực tư nữa.
Bây giờ đã khác với thời còn cơ chế kế hoạch hóa tập trung, mọi cái được Nhà nước bao cấp, kinh tế tư nhân chưa phát triển, chủ yếu là kinh tế nhà nước, quốc doanh, tập thể, hợp tác xã,.. cộng với chế độ phân phối bình quân, thị trường một giá… Lực lượng lao động trong khu vực nhà nước, dù hành chính sự nghiệp, lực lượng vũ trang, nông lâm trường hay doanh nghiệp đều gọi chung là “cán bộ, công nhân, viên chức nhà nước”. Vì vậy, giai đoạn này vào biên chế nhà nước là công việc và cuộc sống sẽ ổn định, công chức, viên chức xin thôi việc cũng có nhưng ít.
Theo tôi, lao động ở khu vực nào cũng đáng quý, đáng coi trọng, vì đều góp phần xây dựng và phát triển đất nước, phục vụ nhân dân.
Còn về nguyên nhân, trước hết phải nói rằng, hầu như năm nào cũng có công chức, viên chức xin thôi việc vì nhiều lý do khác nhau. Gần đây công chức, viên chức xin thôi việc có tăng lên, nhưng tỷ lệ thôi việc trong hơn 2 năm gần đây (2020-2022) của cả nước chỉ chiếm khoảng 2% so với tổng số biên chế công chức, viên chức.
Vừa qua, khi nói về công chức, viên chức thôi việc, một số ý kiến đã gọi là “làn sóng thôi việc” khiến cho người nghe thấy hoang mang. Theo tôi, cách gọi đó chưa chính xác, có tác động xấu và tạo sức ép lớn. Vì có “thôi việc” thì sẽ có “tuyển dụng”, “có vào, có ra”, “có người rời đi thì sẽ có người gia nhập”. Đấy là chuyện hết sức bình thường. Hàng năm, các cơ quan vẫn tuyển dụng công chức, viên chức, nhưng chưa bao giờ nói là “làn sóng tuyển dụng”.
Nguyên nhân xin nghỉ việc từ phía công chức, viên chức thì có nhiều như do sức khỏe không đảm bảo; do hoàn cảnh và cuộc sống gia đình có khó khăn; hoặc muốn tìm một chỗ làm khác tốt hơn, có môi trường phù hợp; vấn đề tiền lương không đủ; cống hiến không được ghi nhận; thiếu động lực làm việc. Thậm chí có cả nguyên nhân không hợp với sếp.
Tất nhiên, cũng có nguyên nhân khác chưa ai nói ra, đó là công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đẩy mạnh, môi trường làm việc ở công sở trong sạch, không thể “nhũng nhiễu”, “vận dụng” hoặc làm trái quy định. Điều đó làm mất đi cơ hội để bổ sung thêm thu nhập ngoài lương vốn dĩ không phải lúc nào cũng đúng pháp luật.
Tập trung vào thăng tiến sẽ coi nhẹ trách nhiệm và sự cống hiến
*Nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân chính của tình trạng này là do tiền lương nhà nước hiện nay quá thấp, quá lạc hậu. Ông nghĩ sao về nhận định này?
- Cán bộ công chức cũng là người lao động, cũng phải lo cho cuộc sống của mình. Cho nên tiền lương với họ cũng rất quan trọng. Họ cũng cần mức lương phù hợp với mức độ đóng góp, với giá cả thị trường, để làm việc, cống hiến và nuôi sống gia đình.
Tuy nhiên, khi nói đến công chức, viên chức thôi việc mà chỉ đề cập đến mỗi nhân tố tiền lương thì chưa đầy đủ. Lao động của công chức, viên chức là một loại lao động vinh dự, có tinh thần cống hiến và phục vụ nhân dân. Do đó, còn có các nhân tố khác như nhận thức, tư tưởng và động cơ tham gia vào công vụ, môi trường làm việc, động lực làm việc...
Thực tế vừa qua, công chức, viên chức thôi việc có cả lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng- những người này chắc lương không thấp. Vì vậy, họ thôi việc chắc phải vì lý do khác, không phải vì lương.
Pháp luật về công chức, viên chức đều quy định công chức, viên chức phải tận tụy phục vụ nhân dân, cống hiến cho đất nước. Làm công chức, viên chức mà muốn làm giàu thì chỉ vi phạm pháp luật mới có; muốn lương cao hơn thì chuyển sang doanh nghiệp; còn tập trung quá vào thăng tiến thì sẽ tìm mọi cách tiến lên mà coi nhẹ trách nhiệm và sự cống hiến. Và như thế không bền, rồi sẽ ra đi.
Vì vậy, nói công chức, viên chức thôi việc vì lương thấp cũng có, nhưng không phải là nguyên nhân chủ yếu. Tất nhiên, với lao động cống hiến và phục vụ của công chức, viên chức, Nhà nước cần quan tâm cải cách tiền lương và có chính sách đãi ngộ phù hợp.
Nói một cách khác, tiền lương trả cho công chức, viên chức phải phù hợp với sự cống hiến và phục vụ của họ. Không để có sự chênh lệch quá xa về tiền lương giữa khu vực công và khu vực doanh nghiệp như hiện nay.
Bên cạnh đó, các yếu tố khác như môi trường làm việc, động lực làm việc, cơ chế tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức,... cần phải được đổi mới, tạo nên “sức hấp dẫn” để thu hút, giữ chân những người có tinh thần trách nhiệm phục vụ, cống hiến, có năng lực, trình độ vào và ở lại làm việc.
*Nhưng với số lượng cán bộ, công chức, viên chức thôi việc nhiều như hiện nay có phải là vấn đề đáng lo ngại, nhất là tình trạng thiếu người làm việc trong các cơ quan, đơn vị?
- Theo tôi thì không có gì đáng lo ngại cả. Vì bên cạnh giải quyết công chức, viên chức thôi việc, các cơ quan, tổ chức vẫn tiến hành công tác tuyển dụng mới. Thống kê trong cùng khoảng thời gian, các cơ quan nhà nước đã tuyển dụng mới trên 5.000 công chức, viên chức.
Việc tuyển dụng cũng có sức cạnh tranh rất lớn. Như vậy, đội ngũ công chức, viên chức vẫn “có vào, có ra”, “có thôi việc, có tuyển dụng”.
Cho nên, không nên lo ngại là không có người làm việc. Cái chính là việc tuyển dụng phải được đổi mới, phân cấp, ủy quyền để được tiến hành thường xuyên, liên tục, không nên để các cơ quan nhà nước một năm chỉ tổ chức tuyển dụng 1 lần hoặc 2 lần. Như thế sẽ không kịp thời có người thay thế khi có người thôi việc.
Bảo đảm tính cạnh tranh với khu vực tư
*Lâu nay chúng ta vẫn đề cập đến câu chuyện “chảy máu chất xám” trong khu vực công, những người xin thôi việc đều là những người vững chuyên môn nghiệp vụ. Con số gần 40.000 liệu có phải là một tiếng chuông cảnh tỉnh không thưa ông?
- Thực tế cho thấy, hầu như đa số những người giỏi chuyên môn, nghiệp vụ đang làm ở khu vực ngoài công lập đều đã từng có thời gian làm việc và được rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, vững chuyên môn trong khu vực công. Chẳng có ai yếu kém mà được khu vực ngoài công lập mời về hoặc tiếp nhận vào làm việc.
Làm việc ở khu vực công hay khu vực tư đều phục vụ nhân dân, phát triển đất nước. Vì thế, không nên nghĩ đây là “chảy máu chất xám” trong khu vực công. Ngược lại, phải nghĩ rằng đây là tín hiệu tốt, cho thấy tư duy của người lao động đã thay đổi, không còn phân biệt khu vực công với khu vực tư và giúp chúng ta nhận thức được trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa sẽ luôn có sự dịch chuyển cơ cấu nhân lực xã hội. Từ đó phải có các chính sách thu hút, giữ chân và phát triển nguồn nhân lực trong khu vực công, bảo đảm tính cạnh tranh với khu vực tư.
Số liệu thống kê số công chức, viên chức thôi việc trong thời gian hơn 2 năm gần đây chỉ chiếm khoảng 2% tổng số biên chế. Trong khi chỉ tiêu tinh giản biên chế từ 2021 tới 2026 đặt ra là 15%.
Vì vậy, tôi không tán thành với cách gọi “là một tiếng chuông cảnh tỉnh”, vì cùng với thôi việc thì các cơ quan vẫn tuyển dụng; vẫn tiếp tục tinh giản biên chế; vẫn cải cách hành chính; vẫn thực hiện chuyển đổi số,…
Tôi cho rằng, vấn đề công chức, viên chức xin thôi việc phải được coi như là một vấn đề bình thường trong xây dựng đội ngũ công chức, viên chức và là sự dịch chuyển nhân lực trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, trước vấn đề này, Nhà nước cần phải quan tâm nghiên cứu để sớm đổi mới thể chế, chế độ tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức, sớm cải cách tiền lương theo vị trí việc làm; xây dựng môi trường làm việc, tạo động lực cho công chức, viên chức làm việc… để bảo đảm tính cạnh tranh, tính hấp dẫn so với khu vực tư, nhằm thu hút, trọng dụng người giỏi chuyên môn, nghiệp vụ vào làm việc.
Người đứng đầu phải mời người có tâm, có đức về làm việc
*Trước đây nhiều ý kiến cho rằng phải mất tiền, thậm chí mất nhiều tiền để "chạy" vào nhà nước, theo ông xu hướng này hiện nay như thế nào?
- Trong thực tế, ở chỗ này, chỗ khác có tiêu cực, mất tiền để được tuyển dụng “chạy” vào công chức, viên chức, mong có cuộc sống ổn định, lương không cao nhưng còn có bổng lộc hoặc thêm thu nhập.
Thực tế cũng có những người xin thôi việc vì lý do không thể nói ra, đó là ngoài lương ra, do cải cách hành chính; do quy định chặt chẽ; do công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh, môi trường làm việc ở công sở ngày càng trong sạch, liêm chính. Vì thế cán bộ, công chức không thể “nhũng nhiễu”, “vận dụng” hoặc làm trái quy định để “kiếm chác”, có thêm thu nhập. Điều đó làm một số người mất đi cơ hội bổ sung thêm thu nhập ngoài lương vốn dĩ không phải lúc nào cũng đúng pháp luật.
Thời gian tới, xu hướng tiêu cực, phải “chạy” mất tiền để được vào công chức, viên chức sẽ không còn nữa. Người vào cơ quan nhà nước phải xác định động cơ, tư tưởng từ đầu là vào công chức, viên chức để cống hiến, phục vụ nhân dân, đất nước và chấp nhận một chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, không cao như khu vực tư như phải có tính cạnh tranh và phù hợp.
- Bộ Nội vụ phân tích nguyên nhân gần 40 nghìn công chức, viên chức nghỉ việc
- Bộ Nội vụ đề nghị khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc
- Hơn 6.000 cán bộ, công chức, viên chức TP HCM thôi việc trong 6 tháng đầu năm 2022
Tôi nghĩ đã tới lúc người đứng đầu các cơ quan, đơn vị sẽ phải đi tìm, kiếm và mời người có tâm, có đức, có năng lực, trình độ và sẵn sàng cống hiến, phục vụ đất nước về làm việc.
*Vấn đề công chức, viên chức thôi việc hiện nay đặt ra những thách thức gì với Chính phủ, thưa ông?
- Vấn đề công chức, viên chức thôi việc hiện nay không phải là thách thức mà là cơ hội để Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đẩy mạnh cải cách công vụ, trong đó, sớm thay đổi cơ chế tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, viên chức, tiến hành cải cách chế độ tiền lương, trả lương theo vị trí việc làm và có tính cạnh tranh với khu vực tư.
Các cơ quan nhà nước cũng cần tiếp tục cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức, tập trung vào thay đổi cơ chế tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức theo vị trí việc làm; thực hiện tinh giản biên chế; đổi mới cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong khu vực sự nghiệp công. Việc này nên thực hiện theo hướng dù kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp, hoặc từ nguồn thu sự nghiệp, thì các đơn vị sự nghiệp đều được giao quyền tự chủ với mục tiêu là hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hơn nữa, Chính phủ cần có Chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong các cơ quan hành chính từ Trung ương đến địa phương.
*Trân trọng cảm ơn ông!
Chu Thanh Vân/TTXVN (thực hiện)
Tags