Nguyễn Việt Anh - Trái tim thơ tự sáng

Chủ nhật, 01/08/2021 08:20 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Đọc các tập thơ Nguyễn Việt Anh với sự cảm phục, trân quý, cố nhà giáo, nhà thơ Đặng Hiển đã từng bày tỏ niềm xúc động: “Chính bàn tay người khiếm thị đó đang đỡ người sáng mắt như tôi”…

Nhà thơ - NGƯT Đặng Hiển: 'Mẹ vắng nhà ngày bão' - 38 năm và mãi mãi

Nhà thơ - NGƯT Đặng Hiển: 'Mẹ vắng nhà ngày bão' - 38 năm và mãi mãi

"Mẹ vắng nhà ngày bão" đã gắn liền với tên tuổi của Nhà giáo ưu tú - nhà thơ Đặng Hiển. Bài thơ được in trong sách giáo khoa với tuổi đời hơn 38 năm sống và gắn bó với biết bao thế hệ học trò như một ký ức khó có thể phai nhòa.

Kể từ tập thơ đầu tiên Thức cùng bóng tối trình làng năm 2014 cho đến nay “con tằm thơ” Nguyễn Việt Anh năm nào cũng “nhả tơ thơ” đều đặn năm một: Tập thơ thiếu nhi Bầu trời nhỏ (2015); Em là đôi mắt (2016); Nhân đôi bầu trời (2017, tập thơ thiếu nhi) và tái bản Em là đôi mắt (lần 1); Mắt chiều khép ánh hoàng hôn (2018); Nhìn ngược (2020). Tâm hồn đối thoại là tập thơ thứ 9 tặng bạn đọc nhân mùa Xuân 2021.

Đặc biệt, năm 2019 “được mùa sinh” với 3 tập thơ Biển nhìn, Thanh ChâuMật ngữ N.V.A. Ngoài ra, Việt Anh còn là người sưu tầm và biên soạn cuốn sách Thơ Phạm Đức - Một tâm hồn nhân hậu và tinh tế (2015).

Vịn thơ làm ánh sáng

Nguyễn Việt Anh vịn thơ, trân quý thơ, thủy chung với thơ như một giải pháp nâng đỡ nâng hồn và cuộc đời dằng dặc buồn. Với anh, bất cứ trò ảo thuật nào cũng có thể biến cỏ thành hoa, chim thành thỏ, cục đất thành nghệ sĩ… nhưng tài thuật biến hóa của ảo thuật gia cỡ nào đi chăng nữa cũng không thể trở thành thơ. Thơ là phạm trù thuộc sự sáng tạo cá nhân. Thơ là tiếng lòng thi nhân.

Chú thích ảnh
Nhà thơ Việt Anh

Nguyễn Việt Anh trân quý điều đó. Làm thơ không thuộc ý muốn chủ quan. Thơ với người làm thơ thực sự thiêng liêng, bởi được “trời cho ăn lộc”.

Nhưng thơ còn có ý nghĩa vô cùng lớn lao giúp cậu bé từ tuổi 15 (năm 1997) bị ngã đứt dây thần kinh thị giác phải vĩnh viễn sống trong bóng tối tìm thấy ngọn đèn, vầng thái dương thắp sáng ước mơ.

Anh tự bạch “Tôi dại dột lấy thơ làm chuẩn/ Nên suốt chặng đường chỉ thấy mây trôi” (Thành tựu) và dẫu thế thì "Tôi vẫn viết những bài thơ đẹp nhất” (Cuối cùng). Trong chiều sâu tâm trạng, nhà thơ không tự ru mình mà dũng cảm đối tâm để tha thiết cần sự “cách tân” thơ: “Phải làm một trận sấm sét/ Quật tung bãi tha ma trường phái/ Đập tan những bộ xương đồng hiện góc cạnh/ Những hồn ma nhòe mờ đang liên tưởng ngược/ Những tiếng hú hời đánh tráo khái niệm”.

Mật ngữ N.V.A là cuộc đối thoại của nhà thơ với văn nghệ sĩ nổi tiếng thế giới: Heinrich Heine, Rabindranath Tagore, Nazim Hikmet, Rasul Gamzatov, Louis Aragon, Johann Wolfgang von Goethe, Fyodor Dostoyevsky, Victor Hugo, Andersen, Sholokhov...

Chú thích ảnh
Nhà thơ Việt Anh (trái) và tác giả bài viết

Nam châm thơ hút nhận mọi âm thanh

Không “giàu đôi con mắt”, nhưng Nguyễn Việt Anh biết làm giàu tâm hồn, khám phá, làm sáng rỡ cuộc sống, thâu mọi giác quan bằng chính tâm nhãn. Anh cảm nhận cuộc đời chảy trôi, biến động bằng chính trái tim: “Tim này càng mất càng giàu/ Máu này càng vỡ, càng đau càng nồng/ Hồn này càng khuất càng trong” (Bài 61); “Chúng ta chỉ có quả tim bé nhỏ… Con người mang quả tim khỏe nhất” (Quả tim).

Trái tim bén nhạy giao cảm với đời nhìn thấy hồn trong đá: “Ai bảo rằng đá vô tri/ Đặt tay lên thấy xù xì nếp nhăn/ Điều gì khiến đã trở trăn/ Giấc mơ hóa ngọc còn lằn trong tim”. Chỉ nhìn đời bằng trái tim, rung động bằng trái tim nhà thơ thấy linh hồn đá quậy cựa: “Muốn lên xanh với bầu trời/ Hay tan thành suối về khơi dạt dào/ Tâm tư của đá thế nào/ Mà nhiều khi thấy đá trào mồ hôi”. Có thể “thấy đá trào mồ hôi” là rung cảm thơ rất đặc biệt của nhà thơ nhìn bằng tâm…

Chân dung tự họa được Nguyễn Việt Anh thể hiện trong 9 tập thơ. Nhà thơ trực tiếp nói về hoàn cảnh: “Tôi không thích không phải vì khiếm thị” (tập Thanh Châu). Trong Thức cùng bóng tối, anh đối diện với cái tôi: “Trong tôi biết có tôi nào tôi hơn/ Gồng mình lên để nói không/ Chi bằng nói có cho lòng nhẹ vơi”. Mượn hình tượng cây thông nói đời thực: “Cây thông đâu hay biết/ Ngày tháng chẳng yên lành… Rồi mùa Đông ập đến/ Lá kia phải lìa cành/ Cây thông giờ bạc phếch/ Đứng giữa đời là anh”.

Chú thích ảnh
Nhà thơ Hữu Thỉnh tặng hoa cho nhà thơ Nguyễn Việt Anh trong lễ ra mắt thơ năm 2018

Ở một khía cạnh khác, chân dung nhà thơ là kẻ “Tử vì đẹp” cùng “Fan TYPN”: “Ánh sáng đờ dại trước những đường cong/ Gò vệ nữ kiêu hãnh”. Cái đẹp khiến nhà thơ “phủ phục dưới chân sáng tạo” và muốn “ký vào lá đơn tử vì đẹp”…

Nhà thơ trẻ đón nhận, khát mong hút tận độ âm thanh những biến động của cuộc sống, con người qua mọi giác quan tinh nhạy nhất. Anh nghe âm thanh vũ trụ: “Oành… oành… oành… Trời đổ sấm là để báo mưa” (Sấm), “Tiếng sóng biển đang ầm ầm vang vọng” (Tiếng sóng biển); tiếng người “Tiếng trẻ con” (Yên tĩnh), “Tiếng bước chân vô tình” (Chứng tích), “Gọi, thưa, cười, nói/ Mời chào, kêu, chửi…” (Rạn vỡ); âm thanh đời thường “Tiếng ti vi/ Tiếng bàn ghế/ Tiếng cốc chén”, “Động cơ nổ giòn như tình người rạn vỡ/ Chuông còi xé nát suy tư” (Rạn vỡ); tiếng côn trùng “Tiếng muỗi vo ve” (Yên tĩnh)… Tâm nhãn cảm nhận được mọi thanh âm của cuộc sống phố hè dội về: Thính giác: xe cộ, chuông còi, cười nói, mời chào, kêu, chửi…; khứu giác (khói xăng) âm thanh náo động, nhốn nháo, chửi bới… Nhà thơ chốt lại một câu “Tôi ngấy đến tận cổ những phố hè bệ rạc” (Rạn vỡ).

Hoặc nghe tiếng loa rao bán dao, kéo…, nhà thơ vận vào những suy thoái, băng hoại trong đạo đức, lối sống và đánh cược đổi bằng trái tim mình cho bớt đi sự vô cảm, cho mất đi sự nhẫn tâm. Trong bài thơ Chơi thuyền ở Hồ Tây, nhà thơ lắng nghe trong mọi giác quan tổng hợp để cảm nhận sự thinh lặng “Đền đài lầu gác nguy nga/ Chìm trong giấc mộng xa hoa đáy hồ/ Hãy nhè nhẹ mái chèo khuya/ Kẻo làm sống dậy ngôi vua một thời”.

Có một âm thanh dịu nhẹ là “tiếng thở đều trong giấc ngủ người thân” chính là một động lực lớn cho nhà thơ “không chìm giữa hư vô” (Động lực)...

Nhà thơ thường tự bạch về nỗi sợ. Sợ yên tĩnh. Sợ thinh lặng. Sợ cô đơn. Khát mong âm thanh cuộc sống dội về là tiếng con trẻ, tiếng ti vi, tiếng bàn ghế, cốc chén va vào nhau và cả tiếng muỗi “đỡ buồn bã, bức bối, bí bách, bó buộc…”. Mới thấy nỗi cô đơn độc chiếm và phải thốt lên như một thông điệp cô đơn: “Sự yên tĩnh cũng thật đáng sợ” (Yên tĩnh).

Yên tĩnh đến mức nhà thơ quan sát tiếng đêm. Tràn vào trang thơ những “Chìm vào cuốn phim đêm” với “Đôi thạch sùng làm tình trên trần nhà”, “đèn ngủ mộng dục”, “quạt bàn tự sướng”, “điện thoại liệt dương”, “Trang giấy cương cứng” (Phim đêm)… Ngôn từ vốn “nhạy cảm” đưa vào thơ cùng nỗi buồn xa xót cô đơn. Tâm trạng như muốn “Vùng vẫy trong tấm lưới đêm” (Hào quang)...

Nguyễn Việt Anh có nhiều câu thơ đẹp miêu tả màu sắc trong cảm nhận hoài niệm. Màu xanh trong thơ ám ảnh, đặc biệt có sự lặng lẽ chuyển đổi cảm giác: “Gió lơ đãng thổi qua chiều/ Một vài héo úa ít nhiều tươi xanh” (Không đề 2); “Thức mà đơn độc xanh tươi”…

Cũng không lạ thơ anh xanh những vạt cỏ mềm “Cỏ ứa niềm hoang dại”, “Cỏ sáng suốt và tế nhị/ Phủ xanh những dấu giày” (Chứng tích); “Nếu được hãy biến cỏ cây thành tôi/ Để cỏ cây được một lần rong ruổi” (Nếu được).

Khi được “xê dịch” ra khỏi không gian hẹp “ngôi nhà thân yêu”, nhà thơ cảm nhận được chất quê, mùi quê: “Mấy khi có dịp về quê/ Ra sông hóng gió thỏa thuê cả ngày/ Ta ngồi như một gốc cây/ Nghe trên da thịt trổ đầy tuổi thơ” (Mấy khi).

Câu thơ “Nghe trên da thịt trổ đầy tuổi thơ” xúc động. Trước tuổi 15, anh cảm nhận hương quê bằng mắt thật và bây giờ “Nghe trên da thịt” để lắng nghe tuổi thơ hiện về trong ký ức vẹn nguyên. Anh đón nhận mọi cảnh sắc trong khát vọng không cùng của thời gian chảy trôi bằng nội tâm. Có một biển trong tâm thức nhà thơ thời hiện tại và quá khứ khiến người đọc xúc động: “Hải âu giờ đã khác rồi/ Cái vỏ ốc cũng qua thời mê say/ Cát là cát của hôm nay/ Chỉ riêng con sóng vỗ đầy ngày xưa” (Trước biển)…

Cuộc đời là bể khổ trầm luân. Thơ Việt Anh chất chứa tâm sự buồn. Buồn cũng là tâm trạng chung của thi nhân “Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”. Với một nhà thơ “Thức cùng bóng tối”, cuộc đời là phép số cộng buồn, cộng khổ, cộng đau: “Nâng ly bóng chạm với hình/ Tưởng ta cay đắng một mình mà đôi”. Dường như sự hoài nghi khiến thơ luôn dằn vặt, tự mang cái buồn, cái đau, sự khó chịu buộc vào mình “Tôi không muốn khó chịu thêm nữa” (Khó chịu)… Cảm nhận hơn hết sự cô đơn “Giữa quảng trường lẻ loi/ Dưới chân hoa cứ nở/ Trên đầu mây cứ trôi/ Phải chi thu nhỏ được/ Bỏ tượng vào túi tôi” (Giữa quảng trường). Cảm giác bị bỏ rơi là có thật “Trăng dan díu với dòng sông/ Bỏ tôi khuyết với mênh mông đất trời”.

Trong Mật ngữ có nhiều bài thơ khá buồn. Tâm sự buồn len lỏi vào mỗi câu thơ. Có lúc nhà thơ từ chối tất cả những thức uống thiết yếu, như: Cà phê, trà, rượu… vì nhu cần thì không có. Bài thơ có tên là Hồn nhiên, nhưng nội hàm lại không mấy bình yên, thơ đầy tính triết luận “Những hòm áo quan chật ních tư tưởng… Những chiếc tiểu sành nhồi đầy luận lý”… Trong thơ, Nguyễn Việt Anh đã sử dụng những động từ mạnh đầy ám ảnh “Chúng đang băm bổ hãm hiếp những cái đầu rỗng tuếch”, “Chúng hì hục cưỡng bức”… Thì ra chỉ có trang giấy là thật sự “hồn nhiên” - hồn nhiên đến lạnh lùng.

Buồn, cô đơn là tâm trạng thường thấy. Cô đơn gửi em “Suốt đêm thức với mưa rơi/ Thức hoài chẳng biết trả lời sao đây/ Tâm tư thật khó giãi bày/ Gửi em trang giấy viết đầy trắng tinh” (Viết cho em).

Chú thích ảnh
Các tập thơ của Việt Anh

Khi nói đến cô đơn, Việt Anh cứ gồng gượng “Cô đơn nhe hàm răng chuột/ Ngang nhiên gặm nhấm tâm hồn” và cuối cùng vẫn phải “tự thú” sự yếu đuối, mềm lòng như một nguyện cầu: “Hỡi hình bóng con người hoàn hảo/ Xin đừng đến làm phiền giới hạn của ta” (Giới hạn). Đôi lúc trong thơ, tác giả rơi vào trạng thái hoảng loạn, bất an. Một chuỗi hành động đời thường, như: Đánh răng thì “Hình như mình không còn răng”; đến rửa mặt “Hình như mình không còn mặt” và cuối cùng là nỗi hoài nghi “Hốt hoảng… chẳng biết mình không còn chỗ nào nữa không?”. Trạng thái tâm lý vượt qua khi điều tinh diệu nhất biểu tượng cho sự sống - tồn tại là “Trái tim vẫn đập” (Trong nhà tắm)…

Nhà thơ khát mong vượt lên trạng thái nhạt “Tôi muốn uống thứ nào cho đỡ nhạt mình”. Từ “nhạt mình” nhà thơ dùng đầy ám ảnh. Chuyển kênh là một bài thơ thể hiện cảm xúc riêng của nhà thơ có phần cực đoan. Sự quen thuộc hằng ngày bỗng khiến tâm trạng nhà thơ nhàm chán. Tác giả cho rằng nỗi nhàm nhạt là do chương trình đơn điệu, chẳng thêm cái gì mới và đành “chuyển kênh” tiếng nước ngoài “Thôi cứ để nghe cho đỡ chán/ Sự không hiểu lần này lại có ích”…

Lặng lẽ an yên là thế, song có lúc nhà thơ như muốn nổi đóa “thách thức” và còn “tính sổ” với số phận: “Kìa số phận đừng bức nhau quá thế/ Rượu mời anh tôi đã rót đầy/ Bao nhiêu lần quật ngã tôi không được/ Phen này tôi tính sổ với anh đây” (Định mệnh).

Tôi buộc phải yêu để sống… ôm tình yêu đi khắp chữa thương

Tình yêu là bạn muôn đời của thi nhân. Việt Anh không là ngoại lệ. Nhà thơ đã chứng minh tình yêu là chuyện của muôn đời rằng không ai sống mà lại thiếu nó.

Tập thơ Thanh Châu dằng dặc nỗi thương nhớ: “Em mang ấm cúng đi xa/ Hiu hiu hắt hắt ở nhà với tôi” (Trống vắng); “Có phải em tia nắng mong manh ấy/ Quyến rũ anh ở cuối con đường/ Vừa đẹp đẽ, nồng nàn, chung thủy…/ Lại mơ hồ và cám dỗ khôn lường (Có phải em); “Anh cứ chạy như người không ý thức/ Ma lực hút anh về phía chân trời/ Để một ngày kia hụt hơi, kiệt sức/ Lăn mấy vòng rồi nhào xuống trùng khơi” (Có phải em).

Tình yêu cần giao cảm như Xuân Diệu đã viết “Gần thêm nữa! Thế vẫn còn xa lắm” (Xa cách), “Ta muốn thâu trong mỗi cái hôn nhiều” (Vội vàng).

Là “Fan” của thơ tình, Việt Anh viết về nụ hôn mãnh liệt của người yêu nhau: “Trong ta ngọn lửa chập chờn/ Muốn hôn lại sợ nụ hôn cháy bùng” (Ngọn lửa). Bài thơ Kết nối ngay từ nhan đề tác giả đã cho bạn đọc thấy một Việt Anh luôn thao thiết nhu cầu giao cảm lứa đôi, khao khát cộng ta vào em “Nơi sâu thẳm tâm hồn tôi/ Trái tim em đổ chuông/ Và tình yêu trong tôi/ Không ngừng réo rắt…”. Mong ước đôi lứa hiện lên trong từng bài thơ “Lứa đôi kết thành bản nhạc/ Hay bản nhạc kết thành lứa đôi” (Điệp khúc); “Đôi trai gái quấn lấy nhau”, “Chỉ còn hai cơ thể buffet” (Buffet); “Chúng mình lao vào nhau… Mà bởi có hai tâm hồn thương tật mồ côi” (Tai nạn)...

Chú thích ảnh
Các nhà văn, bạn bè dự lễ ra mắt tập thơ “Mật ngôn N.V.A” của Việt Anh

Thơ tình yêu Nguyễn Việt Anh không kiêng dè, không giấu giữ, đưa vào những yếu tố phồn thực bằng cảm nhận các giác quan: “Bộ ngực em/ Hai ngôi sao chổi”, “Cặp mông em chói chang, nóng bỏng/ Vầng mặt trời mùa Hạ” (Tan chảy); “Cánh đồng lõa lồ đê mê” (Mùa vụ); “Vạt cỏ thiếu nữ hoang sơ”, “Lưỡi liềm tham lam trên từng centimet sáng tạo”, “Nhấp nhô đường cong mặt trời” (Lãng tử); “Da thịt em/ Chiếc thòng lọng mỹ miều” (Cứu)... Không lạ khi nhà thơ tự bạch “Tôi nuốt em ngon lành/ Nhịp tim báo hiệu/ Nồng độ hoóc môn tình yêu/ Đang từng phút tăng lên” (Chocolate)

Từ sự quan sát các hiện tượng tự nhiên, cuộc sống, Việt Anh có bài thơ Mùa vụ đa nghĩa. Nhà thơ đưa vào thơ từ mang yếu tố phồn thực. Hiểu cách nào: Cuộc sống, hay con người cũng đều có lý. Sau “Cuộc tình mùa vụ” là những trạng thái “mệt nhoài”, “Phì phò, nhễ nhại”, “Tóc tai rơm rạ rối rít, rã rời, rũ rượi” để đến hồi kết đẹp “Sự sống nối nhau qua con đê hoàng hôn/ Bình minh phập phồng trong từng hạt thóc”. Chân dung người đàn ông khát yêu được tỏ bày thành thực “Vì sao anh lặng lẽ tắt/ Sau bữa tiệc sum vầy” (Dụ dỗ)…

Thơ Việt Anh về tình yêu mang tính chất triết luận. Tác giả tự định nghĩa tình yêu ở từng góc độ. Tình yêu là con đường “khi hai người tiến đến thì nó dài ra, còn khi hai người quay đi thì nó gần lại”; Tình yêu là thơ ca “khi hai người có nhau và khi mất nhau là những lời rên xiết”; Tình yêu là chiếc Smartphone thời thượng “khi cần nhau, còn khi chán nhau nó chỉ là món đồ lỗi mốt”… Tác giả dùng kết cấu “ai làm… người ấy” cho bài thơ Luận tình yêu: “Ai làm cho tình yêu thăng hoa - người ấy là chúa trời/ Ai làm cho tình yêu câm lặng - kẻ đó là thần chết”.

“Sau cú sốc tình yêu Thanh Châu, nhà thơ đã một lần nữa vượt lên mạnh mẽ hơn. Thơ anh có dự cảm buồn cho mai này: “Giờ em nhổ tóc giùm anh/ Ai người nhổ cỏ giúp mình ngày sau/ Yêu đi cho tóc bền màu/ Lo gì cỏ mọc trên đầu một mai” (Tóc và cỏ); dự cảm sự tàn phai “Bia đá rồi sẽ biến hình/ Nào ai biết được bia tình có phai” (Bài 30); “Người hôm nay đã thương mình/ Biết mai ở cõi vô hình còn thương” (Bài 1)

Trái tim yêu tự dậy ánh hào quang…

Thơ Việt Anh đã đi qua những va đập cuộc sống. Thơ có buồn, có đau đớn vì tình đời, tình người. Việt Anh đón nhận cuộc sống bằng tâm hồn, tâm nhãn: “Thơ Việt Anh thể hiện một tâm hồn thơ phong phú, nhạy bén và đậm chất dân tộc. Không chỉ viết mà còn là đọc, là giao lưu, học hỏi” - Phạm Đức.

Là nhà thơ trẻ thiệt thòi “đôi con mắt”, Nguyễn Việt Anh chấp nhận thực tại một cách thông minh “Nào đâu cứ phải bôn ba/ Chỉ cần ở tại ngôi nhà thân yêu/ Vào ra sớm sớm chiều chiều/ Đủ lưu lạc giữa bao nhiêu nẻo đường” (Lưu lạc). Tâm trạng buồn đau không có nơi trú ngụ bởi tác giả tự tin khẳng định: “Ngậm ngùi đón chiếc lá bay/ Biết đâu gió giật khỏi tay nỗi buồn” (Trắng tay); bởi niềm tin chiến thắng: “Em tin trong cõi vô hình/ Có bàn tay đỡ tay mình không em?” (Vô hình); “Tôi về giữa xứ tin yêu/ Bao nhiêu khổ lụy, bấy nhiêu nồng nàn” (Bài 55). Tinh thần lạc quan sống dẫu “Tháng năm hút cạn đời người”, nhà thơ vẫn thấy “Tưới đau lòng đất tiếng cười bật lên” (Bài 17)

Vượt qua số phận “Thức cùng bóng tối”, Nguyễn Việt Anh đã bền bỉ vượt thoát nghịch cảnh, lặng lẽ vươn lên tìm cho mình niềm an ủi, niềm vui, động lực từ thơ ca. Lao động sáng tạo từ năm 2014 đến nay với 9 tập thơ, một tập sách biên soạn thật đáng nể phục. Năm 2020, nhà thơ Nguyễn Việt Anh đã vinh dự trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Nội lực thơ ca, khám phá cuộc sống và khát vọng đến ánh sáng đã “Tự mình biến thành hào quang”...

Thơ Nguyễn Việt Anh có dự cảm buồn cho mai này: “Giờ em nhổ tóc giùm anh/ Ai người nhổ cỏ giúp mình ngày sau/ Yêu đi cho tóc bền màu/ Lo gì cỏ mọc trên đầu một mai” (Tóc và cỏ); dự cảm sự tàn phai “Bia đá rồi sẽ biến hình/ Nào ai biết được bia tình có phai” (Bài 30); “Người hôm nay đã thương mình/ Biết mai ở cõi vô hình còn thương” (Bài 1)…

PGS-TS Lê Thị Bích Hồng

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›