Tiểu thuyết dạng trinh thám - kiếm hiệp Tuyệt không dấu vết (Giải thưởng Hội Nhà văn 2023) dày 388 trang, được viết trong 5 năm, chứng tỏ một sự dụng công khá lớn của nhà văn Nguyễn Việt Hà.
Tác phẩm cũng đòi hỏi sự dụng công nơi người tiếp nhận, vì không thể đọc lướt qua mà nắm bắt được cốt truyện, cấu trúc và cả thủ pháp của nó. Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) trân trọng giới thiệu bài viết của nhà văn Trần Chiến về tiểu thuyết này. Tựa bài và tóm tắt cốt truyện do chúng tôi thực hiện.
Tôi đã đọc Cơ hội của Chúa, Ba ngôi của người, Thị dân tiểu thuyết, (Khải huyền muộn không đọc hết) của Nguyễn Việt Hà, mang máng thấy mình chẳng thể, chẳng nên theo sát quá cái mạch nào, nhân vật, kết cấu hoặc "tư tưởng chủ đề". Đến Tuyệt không dấu vết (NXB Trẻ, 2023) cũng cứ từ xa mơ mơ hồ hồ, chứ cẩn thận ngâm cứu những trận hình, thức với chiêu thoăn thoắt thay đổi của ông nhà văn này thì chóng mặt lắm. Tiếp cận thế e chả nghiêm túc, nhưng không bị "ngã".
Hai mươi "hồi" thì bấy nhiêu tựa mang "xì-tai" chả nhất quán, hình như nhào trộn những dấu ấn văn hóa và nhất định không viết hoa. Đang kiếm hiệp, chưởng Tàu (tàng kiếm giai nhân, người vô tình kiếm có vô tình) lại na ná ông Tây (đi tìm thời gian sẽ mất, ma-đam An-na Kha Lệ Ninh), giật mình gặp tiếng Anh (the confession) mí cả cụ Nguyễn Du (đoạn trường vô thanh).
Những hồi (hộp) ấy đẩy người đọc vào cái có vẻ như cuộc kiếm tìm, mang màu trinh thám. Các thám tử, công an, võ sư… dắt tới bao nhiêu "a bê xê đê" khác, bật mí tiếp các ngờ vực cũng đáng ngờ.
Hiện thực dần dần lộ ra, những gương mặt thị dân của khu vực phố cổ mà Nguyễn Việt Hà từng khoanh vùng trong các tiểu thuyết trước. Các thế hệ nhà Đông Ký, thông phán, lãng tử, nhà báo, thiếu phụ, hót-gơn, công chức…, đa phần ở giai tầng không còn phải lo cơm áo, mà đã sang chơi xì gà, rượu Tây. Phận người phận phố, đằng sau họ là một thành thị quá từng trải với các đoạn chiến tranh, nông dân hóa, bình dân một màu đến nỗi làm ăn giàu có phải gánh tội. Thời thương trường đến, họ vừa nhung nhớ sang trọng xưa, vừa ăn chơi lấy được. Mà vẫn mệt mỏi: "Bất hạnh nhất là khi con người ta chẳng biết mình còn mong muốn điều gì… Họ giống những con khỉ khỏe mạnh, mồm ngậm đầy hoa quả, đang nhảy nhót trong chảo gang".
"Quá nhiều người vẫn vô minh không biết rằng mình đã bị chết". Chiêm nghiệm ấy của các nhân vật còn chưa kinh bằng câu kể lạnh tanh: "Bốn chín ngày bà tao xong thì bán nhà. Khi nhận phần vàng được chia, ai nấy ấm ức cho là mình thiệt, càu nhàu giống hệt nhau, chẳng qua là mình thương mẹ".
Cuộc truy tìm đặt ra đầu sách, trải qua đến nhiều chuyện và trò, rút cục dừng vì nguyên cớ không đâu, vớ vẩn kiểu phi lý: Có thể mang lại hệ lụy cho "nơi" nào đó. Cái cốt tô màu trinh thám dẫn đến vô tăm tích. Quan trọng là tác giả treo được vào đây bao nhiêu cảm giác của mình, tung tẩy cuộc chơi văn lắm khi "mo phú" người đọc. Lại phải quy công cho kết cấu chương hồi "đa phong cách". Nghĩ ra cái này rồi thì tha hồ triết lý triết học, cao đạo xen nhả nhớt đùa nhả, đùa dai.
"Khoa học là cái thứ chỉ có thể phanh phui quá khứ, lột truồng hiện tại, nhưng mù mịt ở tương lai. Phẩm chất ưu tú nhất của khoa học là tự biết mình rồi đây có thể sai", nghiêm túc trộn sếch-xy kiểu thế. Nếu theo nguyên tắc "mạch kị thẳng, ý kị lộ" thì nhà văn đã đạt đến trình "lô hỏa thuần thanh", chữ truyện chưởng Tàu thường dùng chỉ người luyện đan giỏi, trong lò toàn lửa xanh. Trong một câu ý "ngoặt", nhịp "đảo" liên tục, chữ sau vênh chữ trước, nhưng vẫn có mạch hợp lý, viết thế khó lắm.
Và hiểu cũng chả dễ. Nguyễn Việt Hà dành phần to đùng cho người đọc "sáng tạo tiếp", dễ là không ai giống ai.
Nếu theo nguyên tắc "mạch kị thẳng, ý kị lộ" thì nhà văn đã đạt đến trình "lô hỏa thuần thanh", chữ truyện chưởng Tàu thường dùng chỉ người luyện đan giỏi, trong lò toàn lửa xanh.
Cốt truyện "Tuyệt không dấu vết"
Rất khó tóm tắt cốt truyện của tiểu thuyết này. Chuyện bắt đầu bằng 2 sự vụ "Mission 12 - thiếu phụ 7" và "Mission 14 - thiếu phụ 9" mà thám tử Tuấn của văn phòng Tam Tuấn đang thụ lý. Chồng của Diệu Phong - thiếu phụ 7, còn có biệt danh Hà Thành lãng tử, mối tình đầu của Sơn Linh (thiếu phụ 9). Nên mới có chuyện ông ăn chả, bà ăn nem, với các quan hệ ái tình khá dây dưa.
Nhận thấy vụ án này nhì nhằng, nên thám tử đã lập lá số tử vi cho thấy bát tự là giờ Bính Ngọ, ngày Nhâm Ngọ, tháng Quý Hợi, năm Mậu Ngọ, nó trùng khít với sinh nhật của của thám tử lúc 12h ngày 16/11/1978. Những chỉ dấu song trùng rất khó nắm bắt, khiến độc giả phải rất tập trung mới theo kịp.
V.B
Tags