Nguyễn Vĩnh Tiến: Là kiến trúc sư hay nhạc sĩ?

Thứ Sáu, 18/10/2019 11:00 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - 15 năm kể từ khi ca khúc “Bà tôi” định danh Nguyễn Vĩnh Tiến với dòng nhạc dân gian đương đại, anh mới quyết định làm liveshow đầu tiên “Tiền duyên” tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào tối 2/11 tới.

Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến: Người thiết kế những nốt nhạc

Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến: Người thiết kế những nốt nhạc

Tốt nghiệp đại học năm 1996, Nguyễn Vĩnh Tiến có 16 năm để tìm kiếm và đi trong những giấc mơ đẹp nhất của mình trên nhiều con đường: kiến trúc, thơ, nhạc… Dường như ở lĩnh vực nào anh cũng kịp để lại dấu ấn của riêng mình.

Nguyễn Vĩnh Tiến bảo, anh làm liveshow “Tiền duyên” để… “cắt tiền duyên” - có lẽ là những vấn vương với quá khứ, với hư vô, với những thực, những ảo trong đời sống của vị nhạc sĩ đa tài. Gọi Nguyễn Vĩnh Tiến là kiến trúc sư cũng đúng vì anh hiện làm nghề này, gọi anh là nhạc sĩ cũng đúng bởi anh đã sáng tác hàng loạt ca khúc được khán giả yêu mến.

Chú thích ảnh
Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến 

* Một người vốn học giỏi lý, toán, làm nghề kiến trúc sư, vì sao lại “chạm ngõ” nghệ thuật?

- Năm 1992, tôi tham gia nhóm thơ Hoa Lạ. Nhóm của tôi hồi đấy tập trung cũng khá nhiều người sau này trở nên sắc sảo và khá nổi tiếng như Phạm Tường Vân vẫn đi theo con đường thơ sau này chuyển sang viết báo chí, Vũ Duy Hưng giờ về Truyền hình Nhân dân, Lưu Sơn Minh thành nhà văn viết truyện lịch sử, Lã Thanh Tùng sang làm Phó Tổng biên tập báo Văn nghệ. Tóm lại trong nhóm Hoa Lạ, sau này những người đấy đều là những người gắn bó rất nhiều với văn chương.

Tôi kể câu chuyện đấy bởi vì là xuất phát điểm của tôi trước khi đến với âm nhạc là văn chương, thơ ca. Điều đó cho tôi một lợi thế, ca từ cũng trở nên dễ dàng hơn so với những người khác, nhưng xuất phát điểm về mặt chính thống tôi lại là dân chuyên toán đam mê vật lý và hình học không gian, thế nên mới chọn nghề kiến trúc để theo đuổi.

Bởi vì nghề kiến trúc đòi hỏi năng lực tổng hợp, bản thân bạn phải giỏi Toán, giỏi Lý, giỏi tưởng tượng thì mới hình dung ra được. Bây giờ một dự án chỉ có bãi đất trống thôi nhưng bạn phải hình dung về không gian, vật liệu, tổ chức giao thông trong tòa nhà thế nào, tất cả vấn đề liên quan đến logic, vận hành… Nghề chính của tôi là tưởng tượng không gian.

Chú thích ảnh
Nguyễn Vĩnh Tiến mời Lê Minh Sơn cố vấn cho liveshow đầu tiên của mình

* Thế còn cái duyên với âm nhạc?

- Đầu tiên, vì được giải Bài hát Việt, cuộc thi về ca khúc đầu tiên trên sóng truyền hình, với bài “Bà tôi” vào tháng 7/2005. Cuộc thi này năm đấy tìm ra rất nhiều cái tên: Giáng Son, Lê Minh Sơn... Sau khi được giải tháng 7, tôi tiếp tục gửi bài tháng 11, lại được giải tháng 11. Cho đến khi bài Giọt sương bay lên được giải tháng 11, tôi mới tin cuộc thi này công minh, vì thông thường các cuộc thi ở Việt Nam họ gần như… chia giải.

Năm đấy là năm đầu tiên tôi có duyên với âm nhạc. Thừa thắng xông lên 2006 tiếp tục đưa ra Ông tôi với giải bài hát ấn tượng, sau đó đến Mẹ tôi và những thị xã vắng năm 2009, sau đó là Cha tôi và những cánh cò giấy… Đó là loạt bài theo chủ đề “họ hàng tôi” vì tính cách tôi làm gì cũng theo bộ. Có thể đó là do đầu óc kiến trúc tác động.

Chú thích ảnh

* Gần 15 năm kể từ “Bà tôi” Nguyễn Vĩnh Tiến mới chịu “ló mặt” lên sân khấu trong liveshow riêng “Tiền duyên”, vì sao vậy?

- Album đầu tiên là “Giọt sương bay lên” với 7 bài do Ngọc Khuê thể hiện, trong đó có hai ca khúc “đinh” là “Giọt sương bay lên” và “Bà tôi”. 2008 tôi muốn khai thác mảng nữa, lúc bây giờ nhiều anh chị nhạc sĩ lớn tuổi khuyến khích, là dòng dân gian thính phòng. Dân gian thính phòng khó hơn dân gian đương đại ở chỗ nó khoe giọng hát, sự phối hợp giữa giọng hát và nhạc cụ cổ điển.

Tôi đã thực hiện album thứ hai Ngồi trên vách nắng với giọng hát Tùng Dương, Anh Thơ, Trọng Tấn, Tuấn Anh. Sau đó tôi vẫn có giải Bài hát Việt năm 2009 với Mẹ tôi và những thị xa vắng.

Sau đó, năm 2010, tôi đi học ở Pháp về đô thị đa cực. Chính ra những liveshow đầu tiên của tôi lại ở Pháp chứ không phải ở Việt Nam. Sau các đêm diễn ở Paris là đến Ba Lan…

Ngẫm lại, các giải thưởng và liveshow của tôi cứ lắt nhắt như thế, cuộc đời tôi cũng lắt nhắt như thế. Cho đến khi về hẳn Việt Nam tôi mới nhận ra, bản chất tôi là một người làm quy hoạch, tôi muốn quy hoạch lại cuộc đời mình. Cuộc đời tôi vốn nhiều mảng miếng, lúc thì văn lúc thì thơ thì lúc đi du lịch... chả đâu với đâu cả. Tôi thấy 45 tuổi rồi mà ngày nào cũng để mẹ gọi điện, cuộc đời chả đâu với đâu. Chính vì bức tranh cuộc đời loang lổ như vậy, nếu dưới góc nhìn của Picaso thì có thể rất ổn, nhưng với góc nhìn của một nhà quy hoạch, khán giả yêu thơ yêu nhạc, thì đời tôi nó như bức tranh lập thể.

Và để ổn định lại cuộc sống ở Việt Nam, để hi vọng cha mẹ có thể tự hào, anh em trong ngành yên tâm, tôi quyết định quy hoạch lại cuộc đời cách nghiêm túc. Sau liveshow tại Nhà hát Lớn Hà Nội, tôi có thể tổ chức show tại TP.HCM. Sau nữa có thể là cuộc tổng kết văn chương hay các dự án kiến trúc từng nghiên cứu.

Chú thích ảnh
Ca sĩ Mỹ Linh sẽ xuất hiện trong liveshow "Tiền duyên" của Nguyễn Vĩnh Tiến

* Anh sẽ kể gì với khán giả?

- Trong liveshow, tôi sẽ cầm guitar kể chuyện, dẫn vào mỗi bài hát. Liveshow gồm 24 bài, nhưng 20 bài mới. Bà tôi sẽ được phối khí hoàn toàn mới. Đó là sự mạo hiểm, quá mạo hiểm, nhưng tôi rất tự tin.

Trong phần mở bài sự xuất hiện của tôi gắn bó với Ngọc Khuê, Ngọc Khuê chính là mở bài. Tôi kể lại mối duyên theo cách kể chuyện của tôi, theo trình tự thời gian xuất hiện. Bài Bà tôi sẽ được phối khí theo ngược chiều thời gian, dẫn các bạn về nơi tôi sinh ra. Một cậu bé Trung du bắt đầu nghe tiếng còi tàu, đi học, bước vào cuộc đời. Rồi chàng trai lớn lên, yêu đương, suy tưởng”.

Phần thứ 2 tôi muốn chia sẻ về quãng thời gian tôi từng rơi vào trầm cảm. Mỹ Linh sẽ thể hiện hai ca khúc: Hoa dành dànhHoa mộc để mô tả con người tôi lúc bấy giờ. Tôi đau khổ trong tình yêu, thất vọng trong cuộc sống, thiếu sự tương tác. Trong một đại đô thị ngày càng gia tăng về mật độ thì con người càng bé bỏng. Đỉnh cao nhất trong phần 2 là con người trở nên siêu thực, chàng trai mơ và yêu hoa… Trong phần này, tôi sẽ giới thiệu ca khúc chủ đề của chương trình: “Tiền duyên”.

Phần cuối cùng sẽ là tổng hợp, nhấn mạnh sự nghiệp của tôi với ca khúc, thanh xướng kịch (nhạc kịch nhỏ). Nhạc kịch lớn nhất mà tôi viết vừa rồi và đã tham gia Liên hoan Sân khấu thể nghiệm quốc tế đó là vở múa rối Kiều. Ở đó lần đầu tiên các con rối được kết hợp với nhạc kịch đương đại, ca từ vô cùng khắt khe, âm nhạc với sự phối khí của nhạc sĩ Trần Đức Minh rất đồ sộ.

Đây cũng sẽ là phần trụ cột cuối cùng của đêm nhạc. Thanh Lam sẽ hóa thân thành Kiều và Đạm Tiên. Khi tôi viết mang màu sắc nhạc kịch, Đạm Tiên lại giống như tiền duyên của Kiều. Đạm Tiên chính là người báo mộng cho Kiều. Kiều là nhân vật hư cấu thì đương nhiên bài hát đấy không có thật, tôi đành giúp cô Kiều viết Kiều ca để mô tả thân phận.

Chú thích ảnh
Nguyễn Vĩnh Tiến và người em thân thiết - ca sĩ Ngọc Khuê

* Thực tế, nhắc đến Nguyễn Vĩnh Tiến là nhắc đến "Bà tôi", bản thân tôi cảm nhận đó là đỉnh cao của Nguyễn Vĩnh Tiến, và là đỉnh cao khó vượt qua?

- Mỗi bài hát xuất hiện do duyên. Nếu hôm đó tôi không gửi bài Bà tôi, tôi lại gửi một bài nhạc trẻ, thì người ta sẽ không có khái niệm dân gian đương đại, không có giải dân gian đương đại đấy.

Các bài hát của tôi như những hành khách trên chuyến tàu, đúng cái duyên đấy bước lên chuyến tàu đấy, vào đúng tháng 7 ấy. Mọi sự đều do duyên. Tôi cho rằng không phải bài đấy là đỉnh cao duy nhất. Trong kho tàng âm nhạc của tôi rất phức tạp, Bà tôi chỉ là bài xuất hiện đầu tiên thôi.

Nhân đây tôi kể câu chuyện buồn cười về bài Bà tôi. Đầu tiên tôi định sản xuất 3 bài trong đó có Bà tôi, nhưng tôi không biết phải làm sao để sản xuất được ba bài. Nhà thơ Phan Đan giới thiệu tôi với học trò của anh ấy là Quốc Bảo. Quốc Bảo lại có ba học trò là Lê Hiếu, Mai Khôi, Thủy Tiên. Quốc Bảo nói để dàn dựng bài này cho Lê Hiếu hát. Nhưng khi tôi đọc báo giá là 20 ngàn USD, tầm đó rơi vào khoảng 300 triệu đồng thì tá hoả, nghĩ thà mua ô tô đi còn hơn. Sau này gặp lại Quốc Bảo mới nói "hồi đấy sao anh báo giá em 20 ngàn USD", mới phát hiện ra nhầm 1 số 0. Nếu năm 2004, bài hát đấy Lê Hiếu hát dưới dạng nhạc trẻ, thì làm gì có khái niệm dân gian đương đại nữa? Với bàn tay của Quốc Bảo bài đấy sẽ là nhạc trẻ, nhạc nhẹ, vẫn rất hay nhưng không phải dân gian.

Sau này tôi định mời Tùng Dương chứ không phải Ngọc Khuê hát Bà tôi. Nhưng Tùng Dương lại đi nước ngoài. Phan Cường mới hỏi tôi Ngọc Khuê được không? Tôi nghĩ, bài hát của tôi rõ là một chú bé, Ngọc Khuê hát sao mà hay được. Sau này Khuê hát thử, tôi ưng ý và gửi đi Bài hát Việt luôn. Đấy là câu trả lời cho việc mỗi bài hát là một cái duyên đấy!

Chú thích ảnh
Không chỉ đam mê âm nhạc, Nguyễn Vĩnh Tiến còn vẽ tranh

* Anh vừa nhắc tới thời kỳ từng bị trầm cảm. Anh có thể chia về quãng thời gian đó và cách anh đã vượt qua khó khăn như thế nào?

- Thời kỳ chạm đáy đó là vào năm 2016 khi tôi ở Pháp trở về. Tôi đi du học Pháp theo học bổng của Chính phủ. Nhưng khi sắp kết thúc khoá học, tôi đã quyết định bỏ tất cả để trở về.

Tôi đã bị trầm cảm rất nặng. Thông thường ở cái đáy đấy mọi người thường tự tử chết, bởi vì không còn chút ánh sáng nào nữa. Nhưng một năm liền tôi sống như thiền sư, chỉ ăn rau. Chính từ đáy của trầm cảm tôi đã hồi sinh được.

Trầm cảm là căn bệnh xã hội, có nhiều nguyên nhân: do rượu, do thuốc, do sức ép đô thị, tài chính, sức ép sự hư vô… Mà tôi thì có lẽ là do sức ép hư vô.

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Đức Chi (thực hiện). Ảnh: NVCC

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›