Nguyễn Xuân Huy - Giữa phố đông có một kẻ lạc lõng

Thứ Bảy, 21/08/2010 06:39 GMT+7

Google News
(TT&VH Cuối tuần) - Tôi gọi gã là “người đi dép lê” vì đó là ấn tượng lần đầu mà tôi gặp, hình ảnh nghe có vẻ rất xa lạ với những gì thuộc về thế giới riêng của anh ta: một nghệ sĩ vĩ cầm. Người đàn ông 38 tuổi, nhỏ nhắn, đeo đôi kính long gọng cùng bộ quần áo tuềnh toàng ấy từng được xướng tên bằng rất nhiều danh xưng khác nhau nhiều người mong ước, lẫn những cụm từ khiến người nghe vừa nghi ngại vừa… ngơ ngác.

“Thần đồng”


Nghệ sĩ vĩ cầm. Ảnh: Đào Hồng Lĩnh

Là kết quả tình yêu giữa một nghệ sĩ vĩ cầm Trung Quốc và cô văn công Việt Nam thời kháng chiến, “người đi dép lê” thừa hưởng gen nghệ thuật từ cha mẹ một cách tự nhiên. Tập kéo đàn từ khi lên 8, khi chiều cao chỉ hơn thanh vĩ (archer) một chút, lên 9 tuổi học Nhạc viện Hà Nội, sau đó là Gnhexinsky và bậc đại học ở Nhạc viện Tchaikovsky.

Cái tên Xuân Huy đã kịp gắn liền hai chữ “thần đồng” sau cuộc thi dành cho những tài năng vĩ cầm trẻ thế giới tổ chức tại Venhepsky - Ba Lan, nơi cậu bé Việt Nam 13 tuổi vượt lên hơn 250 nghệ sĩ nhí khác để đứng vào vị trí số 16; là một trong số ít sinh viên của học viện được chơi cho dàn nhạc Thế kỷ của công nương Diana dưới sự tài trợ của Hội đồng Anh.

Hơn 10 năm ở nước ngoài, cuộc sống của “người đi dép lê” là những chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới, như cách gã nói: “Dấu visa đóng hết 5 cuốn hộ chiếu, số lần đi các nước còn nhiều hơn cả những nhà ngoại giao”.

Trong những năm khủng hoảng thời Liên Xô tan vỡ, mất học bổng, tình hình chính trị xã hội xao động, những tưởng phải bỏ âm nhạc, thế nhưng gã vẫn sống ổn. Khi đặt vĩ cầm xuống, gã còn một nghề khác chẳng mấy liên quan đến âm nhạc: dạy võ. Hóa ra, để không bị trở thành một kẻ “trói gà không chặt” chỉ nâng được thanh vĩ, gã cũng kịp thời dành 10 năm tu luyện võ nghệ, song hành cùng âm nhạc.

Cuộc đời có những ngã rẽ bất ngờ, đã biến nghệ sĩ vĩ cầm thành “người đi dép lê”, cái tên Xuân Huy nhắc đến nhiều người trong giới nhạc cũng chau mày không nhớ…

Gã “gàn dở”

Trong suốt thời gian ở nước ngoài, điều kiện về thăm nhà quá ít ỏi. Thời sinh viên thì eo hẹp kinh tế, lúc đi làm lại quá bận rộn, khiến bậc sinh thành gã không khỏi chạnh lòng. Và bố gã tung ra một tuyệt chiêu: con về nước ngay, bố ung thư. Thu xếp về nước, chẳng có ai ung thư, nhưng gã hiểu gã đã đi quá lâu rồi, bố mẹ gã đã mỏi mòn nhớ con lâu lắm rồi, đến lúc gã phải trở về bên họ.

Năm 1998, ngày Huy chơi ở Nhà hát Sydney Opera là ngày công nương Diana tử nạn, cũng là ngày cuối cùng gã chơi cho dàn nhạc nước ngoài. Sau vài chuyến đi về, bỏ lại nước Nga, bỏ lại dàn nhạc giao hưởng, bỏ lại những chuyến lưu diễn và các đêm nhạc sang trọng, gã quyết định về hẳn thì bố gã… ung thư thật, và mất sau đó.

Với bằng cấp và sự nghiệp âm nhạc như thế, đương nhiên Xuân Huy là cái tên được chào đón nơi quê nhà. Lần lượt, gã nhanh chóng được nhận thẳng vào biên chế, được hưởng lương bậc chức vụ mà nhiều người chờ đợi mong ngóng rất lâu vẫn chưa được, ở Nhà hát Nhạc Vũ Kịch rồi Nhà hát Giao hưởng.

Thế nhưng ở đâu gã cũng sớm nhận ra và lạc lõng trước những thực tế quá đỗi trần trụi, những thực tế không dành cho tiếng vĩ cầm, hoặc ít nhất tiếng vĩ cầm của gã bị lạc lõng trong thế giới đó: vàng thau lẫn lộn, giá trị về nghệ thuật và sáng tạo mơ hồ, nhộn nhạo với những con cá mớ rau. Đôi khi chỉ vì chút tiền bồi dưỡng ít ỏi mà tiếng vĩ cầm thiêng liêng bỗng nhiên bị ghẻ lạnh, bị giận dỗi, bị dày vò.


Và thợ làm đàn. Ảnh: Đào Hồng Lĩnh
Khó có thể trách cứ bởi đó là thực tế, thế giới âm nhạc và thế giới thực, ở một cuộc sống thực còn quá khó khăn, là một khoảng cách quá xa và trần trụi thô lậu đến khốc liệt. Hoặc chấp nhận rồi hòa lẫn vào nó, hoặc đứng ra ngoài, xa hẳn.

Mỗi nơi chỉ làm được dăm tháng một năm rồi gã bỏ. Nhiều người bảo gã gàn dở, bởi nếu ở lại, con đường tiến thân của gã rất sáng...

Mặc kệ, bỏ tất, gã đi không ngoái đầu lại, không đàn không nhạc, gã chọn lựa việc đứng ra ngoài, những lời mời chơi đàn ở khách sạn nhà hàng cũng bị gã thẳng thừng từ chối, để đêm đêm, mỗi khi day dứt về tiếng vĩ cầm, gã lại mang đàn ra chơi, những âm thanh chỉ để mình gã thưởng thức cùng khán giả là… 4 bức tường.

“Với nhiều người đó có lẽ là quyết định tiêu cực, hoặc cực đoan, nhưng với tôi là lựa chọn nhẹ nhàng, thậm chí rất thanh thản, bởi đó là cách duy nhất tôi giữ được ĐẠO của mình. Được sống đúng là mình, như mình mong muốn là điều tuyệt vời nhất”, gã chia sẻ.

“Người đi dép lê”

Giữa phố đông, dòng người hối hả, một vài người chợt nhận ra ngoái nhìn “người đi dép lê” đang có vẻ lạc lõng, nhưng thực ra họ không nhìn rõ: anh ta đang mỉm cười, nụ cười của kẻ tự hào vì giữ được đạo.

Bỏ dàn nhạc để giữ “đạo” nhưng tất nhiên gã vẫn không bao giờ bỏ được cuộc mưu sinh, đằng sau gã còn mẹ, vợ con và chính bản thân con người thực của gã. Vậy là con người vốn chỉ ôm đàn từ lúc trẻ thơ ấy lao vào đủ mọi việc: mở quán game online, buôn sắt thép kiếm sống. Tưởng như nghiệp vĩ cầm đã vĩnh viễn rời xa...


Thế nhưng rồi một ngày gã lại tìm được niềm an ủi lớn để quay lại với vĩ cầm: làm đàn. Thực ra không phải đến giờ này gã mới tìm đến công việc đầy tính kỹ thuật kia, ngay từ khi bên Nga gã đã quan tâm đến việc chế tác những cây đàn thủ công. Đi biểu diễn trên nhiều nước, đến nước nào ngoài thời gian diễn gã cũng đều tranh thủ đi đến các xưởng chế tác đàn ngó nghiêng học hỏi.

Không có dụng cụ nhà nghề, gã dùng dao, kéo, đục, những vật dụng cực “thô sơ” có được kì cục đẽo đẽo gọt gọt; không có gỗ thậm chí còn lấy… chân bàn ghế để làm thanh archer. Nhiều người ngạc nhiên với sự “gàn dở” của gã, nhưng ngạc nhiên hơn với niềm đam mê đầy tỉ mỉ và khéo léo ấy.

Mỗi cây đàn ra đời là cả sự kỳ công, có lúc mất hai năm mới hoàn thành, cũng có lúc chỉ đôi tháng. Vật liệu chủ yếu được nhập từ nước ngoài: từ gỗ làm đàn, lông đuôi ngựa làm dây… được gửi mua lẻ từ nước ngoài, đến công sức chế tác mất cả năm trời. Giá thành mỗi cây đàn của gã lên đến vài nghìn đô.

So với những cây đàn sản xuất công nghiệp hàng loạt, những sản phẩm thủ công được đẽo gọt chế tác của gã là cả một công trình mà không phải người nào cũng có cơ hội tiếp cận hay sở hữu.

Trong suốt gần 10 năm “đẽo gọt”, gã làm được chừng 15 cây đàn, trong đó 5 cây đàn ưng ý thì 2 cây đang nằm ở Nhạc viện Paris, 1 cây ở Nhạc viện Berlin. Ở Việt Nam có 2 cây, 1 cây do Trưởng khoa Dây - Nhạc viện Hà Nội đang sử dụng và một do Giáo sư Tạ Bôn ở TP.HCM đang dùng.

“Tôi làm túc tắc, nhẩn nha, vừa làm vừa thưởng thức tác phẩm của mình. Tôi cứ làm thôi, chẳng định bụng bán hay cho ai. Ai tìm đến với tôi, cảm nhận được tác phẩm của tôi, trân trọng tâm huyết của tôi dành cho những cây đàn thì tôi bán, còn không tôi giữ chúng cho mình, coi như một thú chơi, một loại ĐẠO của mình thôi”, gã tâm sự.

Và rồi, cũng có người tìm đến, không phải với cây đàn, mà với tiếng đàn của gã. Quý người và mê tài “gã gàn dở”, vợ chồng nghệ sĩ Phó Đức Vạn - Trịnh Thị An tìm mọi cách lôi tiếng đàn ấy “trở lại với đời”, dù chỉ là trên sân khấu nhỏ trong ngôi nhà của họ ở Xuân Mai, với nhóm khán giả không hơn hai chục người, nhưng toàn những lỗ tai âm nhạc cao thủ.

Như gặp được tri kỉ, tiếng đàn trở lại niềm say mê thuở nào. Để rồi, chiều ngày 2/9 năm ngoái, cái tên Xuân Huy và tiếng vĩ cầm da diết bất ngờ bật lên mãnh liệt tại Nhà hát Lớn Hà Nội, thánh đường một thủa của chính gã và những người yêu môn nghệ thuật bác học.

Sau chương trình đó, gã nhận ra rằng duyên nợ giữa gã và cây vĩ cầm chưa, và không thể nào dứt. “Giống như một gã nghiện, tôi đã quyết dứt bỏ nó rồi, nhưng lại “ngựa quen đường cũ” lúc nào không hay” gã trầm tư.

Và con ngựa ấy giờ lại đang xốn xang chờ ngày 2/9 năm nay, chỉ vài tuần nữa thôi, gã lại được bước lên thánh đường ấy, cũng trong chương trình Điều còn mãi trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội, một lần nữa gã lại được thăng hoa cùng cây vĩ cầm, một nửa linh hồn của gã, đặc biệt với một giai điệu của một con người tài hoa khác và cũng “ẩn danh” của Hà Nội, chương 2 bản Sonate số 8 của nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ.

Nhưng chỉ vậy mà thôi. Sau giây phút ấy, gã lại trở về nhịp sống của mình, lánh xa những mời gọi từ đám đông, chấp nhận mọi sự bị xem là “gàn dở”.

Hoàng Hường

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›