(Thethaovanhoa.vn) - Nếu phải dùng từ "đầu tiên" thì nhà báo Lan Anh (báo Tuổi trẻ) không phải là người đầu tiên đưa chuyện "cậu bé 13 tuổi ở Sơn La đạp xe hơn 100km xuống Hà Nội thăm em" lên mặt báo. Nhưng có thể thấy rằng, chị và các đồng nghiệp cùng tờ báo của mình đã bám theo câu chuyện đó tới cùng để đưa trọn vẹn các thông tin cần thiết đến với độc giả, cũng như để giúp đỡ cho các nhân vật của mình.
Là phóng viên "chuyên trách" mảng y tế, lĩnh vực khá nóng trong xã hội thời gian qua, nhưng những câu chuyện về tình người ở trong hay ngoài các bệnh viện lại dành được sự quan tâm rất lớn của chị, để cho ra đời những bài báo truyền cảm hứng mạnh mẽ trong cộng đồng.
Nhân dịp 21/6, Thể thao và Văn hóa đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Lan Anh:
*Cảm giác của chị sao khi mấy hôm trước, cậu bé Sơn La đạp xe hơn 100km xuống Hà Nội vào đề thi lớp 10 ở Nghệ An?
- Tôi thấy vui, đây là lần thứ 4 có nhân vật trong bài viết của tôi được vào đề thi. Tôi luôn chú ý đến nhân vật của mình, và có những lúc thấy bất ngờ vì những khúc rẽ của họ.
Cách đây vài ngày tôi có gọi cho bố cháu khi gia đình đến thăm Hà Nội, thực ra là đi khám bệnh cho cậu bé Vì Quyết Chiến, nhân tiện một số nhà hảo tâm đưa gia đình đi thăm thú một vài nơi. Bố cháu nói cháu yếu, hay nghỉ học nên kết quả học tập chỉ đạt trung bình. Tôi cũng có nói chuyện với cháu và động viên cháu cố gắng.
Tôi tin rằng rằng với nghị lực của mình, như đã thể hiện trong hành trình đạp xe từ Sơn La về Hà Nội, thì Vì Quyết Chiến sẽ sớm vươn lên trong các năm học tới, cũng như trong cuộc sống sau này.
* Chị có cảm thấy lăn tăn lúc chị đưa lên rồi một số ý kiến cho rằng không nên cổ vũ những tấm gương liều lĩnh như thế. Và rằng cậu bé lẽ ra phải chọn cách xuống Hà Nội khôn ngoan và an toàn hơn?
- Có nhiều ý kiến bảo không nên cổ vũ vì rất nguy hiểm. Nhưng tôi sinh ra ở miền núi nên rất hiểu tinh thần người dân trên núi cao. Họ ít tính trước tính sau, đôi khi mình bất ngờ về cách của họ. Như ở chuyến đi này, Chiến không hề biết đường đi Hà Nội, không biết Hà Nội cách bao xa. Chiến cứ đạp xe theo đường quốc lộ, vừa đi vừa hỏi. Chiến cũng không thể tưởng tượng đây là chuyến thay đổi cuộc đời mình, gia đình mình và truyền cảm hứng về tình cảm gia đình cho cộng đồng.
* Tức ngay từ ban đầu, chị đã tin rằng đây là câu chuyện sẽ gây xúc động và truyền cảm hứng?
-Tôi nhìn thấy điều ấy ngay khi thấy những dòng đầu tiên về câu chuyện. Tối hôm đó khi bản tin đầu tiên đăng tải trên Tuổi Trẻ online, một bạn đọc đã chia sẻ câu chuyện trên trang cá nhân của mình và nói là bạn ấy rất tiếc vì đã đọc bản tin này trước khi đi ngủ, trong khi nếu sáng sau mới đọc thì sẽ có rất nhiều năng lượng cho ngày mới. Tôi hiểu rằng bạn đọc đang khao khát những câu chuyện nhân văn.
* Nếu ngược về những thông tin “đầu tiên”, thì chị có phải người đầu tiên đưa câu chuyện này lên báo?
- Không, có hai tờ báo đã đưa trước chúng tôi ít phút, nhưng chúng tôi lại theo đuổi câu chuyện một cách tích cực nhất, dõi theo bóng dáng của nhân vật, và cũng có thể vì thế mà nhiều bạn đọc đã theo dõi câu chuyện trên báo Tuổi trẻ. Họ muốn biết đầy đủ về hành trình của Chiến và số phận của em sau đó.
* Có nhiều người giúp đỡ cậu bé và gia đình sau khi báo viết không?
- Rất nhiều người hỗ trợ cháu, sau này gia đình cháu từng xin dừng nhận vì rất nhiều. Nhiều người tặng xe đạp, tặng tiền chữa bệnh cho em cháu, tặng học bổng cho cháu... Có bà cụ mang 2 triệu từ khoản lương hưu rất ít ỏi đến, cộng đồng đã dành trái tim để đối đãi với trái tim.
* Chị nghĩ sao khi dường như có điều lạ lùng là bên cạnh những cơn bão dư luận nhiều khi rất tàn nhẫn (ném đá), thì lại có rất nhiều tấm lòng sẵn sàng san sẻ giúp đỡ? Tác giả Đặng Hoàng Giang từng viết cuốn "Thiện - Ác và Smartphone" để nói về những cơn bão dư luận trên mạng. Thực ra thì dư luận trong cộng đồng mạng nói chung là "thiện" hay "ác"?
- Tôi nghĩ cơ bản là thiện, hay những người tôi kết giao đa phần là thiện. Có thể có “ném đá”, nhưng cơ bản con người luôn mong muốn điều nhân bản, họ cũng nhận biết thế nào là nhân bản.
Tuy nhiên cũng từng một lần bị ném đá, dù nhẹ thôi, trên mạng. Nhưng từ đó tôi hiểu rằng nếu mình bị ném thì chẳng thể cãi được vì cộng đồng mạng quá đông và họ chẳng biết hết về mình, có ném thì ném theo phong trào thôi. Nhưng từ đó tôi có nguyên tắc là không bình luận về bất kỳ điều gì mà tôi thấy theo quan điểm của mình, mà phải tôn trọng quyền tự do của các cá nhân khác trong cộng đồng. Và sau tất cả thì tôi vẫn tin cộng đồng mạng đa số là thiện.
* Chị có nghĩ là cộng đồng đang cần người truyền cảm hứng? Và trên báo chí luôn tồn tại và luôn cần phải có một dòng báo chí mang tính nhân văn, khơi gợi và truyền cảm hứng?
- Cần chứ, không cứ là cộng đồng cần, mà bất kỳ gia đình, nhóm bạn, tập thể lớp, công ty.... nào cũng cần người truyền cảm hứng, cần những câu chuyện hay, đẹp để mọi người có thể dõi theo và nhân lên. Có thể thời nay người ta thấy mạng xã hội hiện diện khắp nơi, người ta nghĩ có khi không cần báo chí nữa. Nhưng sự thật là báo chí mới có đủ nghiệp vụ và khả năng để tìm hiểu ngọn ngành, xác minh tính chân thực và kể lại cho cộng đồng.
Trước đây tôi thấy báo chí phê phán mới là hay, là nhiều người đọc, trong khi thực tế hiện nay những gì nhân văn là thu hút bạn đọc nhất
* Chị vừa nói rằng cậu bé đạp xe từ Sơn La xuống Hà Nội là nhân vật thứ 4 vào đề thi. 3 nhân vật trước đây là những ai vậy?
- Đó là bé Hải An, cô bé hơn 7 tuổi đã hiến giác mạc sau khi qua đời vì bệnh ung thư năm 2018 và câu chuyện về hai mẹ con ở Bắc Ninh đã hiến thận cứu người.
Đặc biệt xúc động là chuyện bé Nguyễn Hải An là học sinh lớp 2, Trường Tiểu học Tân Mai, Hà Nội đã qua đời hồi 2/2018 sau khoảng 5 tháng chống chọi với căn bệnh ung thư thể hiếm gặp. Hồi đầu tháng 3/2018, hai người được nhận giác mạc của Hải An đã đến thăm gia đình và buổi gặp gỡ xúc động đã khiến chị Dương, mẹ bé, như được gặp lại con gái. "Sự sống đã được tiếp nối, Hải An đã tặng lại ánh sáng cho những người khác"- chị nói. Theo thông tin từ Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia, sau khi bé Hải An qua đời và hiến tặng giác mạc, "ngọn lửa Hải An" đã làm lay động trái tim nhiều người và trong vòng hai tháng đã có khoảng 2.000 người đến Trung tâm đăng ký hiến tặng mô tạng sau khi qua đời. Đây là một "kỷ lục" về số người đăng ký tình nguyện hiến tặng mô tạng trong thời gian 2 tháng kể từ khi thành lập Trung tâm cách đây hơn 5 năm.
Đáng chú ý là câu chuyện về bé Hải An thông qua bài viết trên báo Tuổi trẻ đã được đưa vào đề thi Ngữ văn khối 12 của một Trường THPT ở tỉnh Bình Định. Trước đó, tháng 3/2018, khi xây dựng đề thi chọn học sinh giỏi văn lớp 9, Sở Giáo dục- Đào tạo tỉnh Phú Thọ đã chọn đề bài về Hải An. Một trường học ở TP.HCM đã lấy câu chuyện của bé làm đề thi môn Giáo dục công dân cho học sinh lớp 6.
*Với chị, các bài báo về các nhân vật đó có ý nghĩa thế nào với sự nghiệp báo chí của mình?
- Tôi là người làm nghề viết báo, là một nghề nghiệp như muôn vàn nghề khác trong cuộc sống. Cái khác hơn là nghề báo luôn có câu chuyện mới, con người mới, nhiều người nhiều chuyện gây bất ngờ cho mình. Tôi tin rằng nhờ có họ mới có nhà báo, trong đó có tôi. Họ đã giúp chúng ta có chuyện để kể và hạnh phúc vì được biết trước những điều hay.
Nhân dịp ngày của những người làm báo, tôi xin phép được tri ân tất cả những nhân vật đã từng xuất hiện trong các bài báo của mình, xin dành lời cảm ơn và cảm ơn vì những gì các anh chị, các bạn, các em, các cô chú đã mang đến cho cuộc sống này.
* Viết và làm đi đôi. Có phải vậy mà chị đang tham gia khá nhiều các hoạt động từ thiện trong lĩnh vực y tế, với các bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt?
- À, một phần là từ nhân vật của mình, họ thúc giục mình sống tốt. Một phần vì các đồng nghiệp của tôi cũng rất tích cực với hoạt động thiện nguyện, tôi chỉ là góp thêm một đốm lửa nhỏ
* Chị có nghĩ rằng những câu chuyện truyền được cảm hứng trong xã hội vừa qua cho thấy cách truyền tải những tấm gương “người tốt việc tốt” giờ phải khác đi? Nếu coi “người tốt việc tốt” là một thể loại báo chí, thì thể loại đó phải thay đổi cách viết?
- Bao giờ cũng thế, nếu đó là bài báo tốt, hay thì chạm đến trái tim người đọc. Tôi rất mong mỏi được gặp và viết những câu chuyện “người tốt việc tốt”, và luôn cố gắng hết sức mình để kể sao cho chạm đến trái tim người đọc. Những người viết báo khác, tôi nghĩ họ cũng có mong muốn như vậy.
* Cảm ơn chị!
Chuyện "cậu bé Sơn La đạp xe hơn 100km để gặp em" "Tôi biết được thông tin về "cậu bé Sơn La đạp xe hơn 100km xuống Hà Nội để gặp em" là nhờ các đồng nghiệp đã giới thiệu facebook của bác sĩ Đô, Phó trưởng khoa điều trị cho em trai cậu béVì Quyết Chiến. Bác sĩ Đô có ghi lại vài tình tiết về câu chuyện của Chiến. Sau đó tôi có liên lạc với bác sĩ Đô. Bác sĩ cũng rất yêu quý Chiến, dù không cổ vũ cháu đạp xe đi nguy hiểm nhưng rất khâm phục nghị lực và tình cảm anh em của cháu. Các bác sĩ Bệnh viện Nhi T.Ư gọi đây là “chuyện lạ có thật”, tặng tiền xe để bố Chiến đưa em từ bệnh viện về, ngoài ra còn tặng Chiến tiền mua một đôi dép mới thay cho đôi dép đã rách sau quãng đường 103km được kiêm thêm “nhiệm vụ" má phanh. Trước đó, một người dân đã tình cờ quay được clip cậu bé đạp xe trên đường. Liên lạc với phóng viên cùng viết bài là Hà Thanh, anh Lê Công Huy, tác giả đoạn video trên, cho biết tình cờ khi anh cùng các bạn đang đi xe trên đường thì gặp em bé ngay giữa dốc. Anh Huy và bạn bè đã cho bé lên xe, mua bánh cho bé ăn, giúp Vì Quyết Chiến liên lạc với gia đình rồi đưa em đến bệnh viện.Sau đó anh Huy cùng bạn bè cũng tiếp tục giúp đỡ gia đình em ở bệnh viện vì gia đình khá khó khăn". (Chia sẻ của Nhà báo Lan Anh) |
Nguyễn Mỹ (thực hiện)
Tags