Đã từng "chinh chiến" đến 16 kỳ SEA Games trong hơn 30 năm qua, nhà báo Nguyễn Lưu có được sự am hiểu tường tận, góc nhìn sắc sảo. Hôm nay, ông nói về thể thao Việt Nam (TTVN) ở Đại hội Thể thao Đông Nam Á diễn ra vào đầu tháng 5 sắp tới tại Campuchia.
* Thể thao & Văn hóa: Thưa nhà báo Nguyễn Lưu, sau SEA Games 31 thành công trên sân nhà, chúng ta kỳ vọng gì ở kỳ Đại hội sắp đến?
- Nhà báo Nguyễn Lưu: Như thường lệ, nước nào tham gia các giải đấu thể thao đều mong muốn có được thành tích cao, TTVN cũng không ngoại lệ. Có lẽ, các nhà quản lý cũng đã thấu hiểu tình cảm của nhân dân với nền thể thao nước nhà. Người hâm mộ muốn TTVN đứng trên các quốc gia trong khu vực, muốn các VĐV mang thành tích , vinh quang về cho thể thao nước nhà.
Tuy nhiên, người hâm mộ cũng "chán" cái thành tích dàn trải trên nhiều môn để có thật nhiều HCV. Thay vào đó, phải tập trung thực chất vào những môn thể thao Olympic, những môn trọng điểm để có được thành tích ở những đấu trường lớn hơn như ASIAD, Olympic. Nghĩa là TTVN không chỉ "vẫy vùng" ở khu vực, còn nghĩ xa hơn về chiến tích khi "vươn ra biển lớn".
* Ở SEA Games 32,Campuchia cắt giảm nhiều môn thuộc hệ thống Olympic, đưa vào nhiều môn thể thao thế mạnh của chủ nhà, vậy theo ông, TTVN nên tập trung, chú trọng vào chất lượng của các tấm huy chương chứ không nên chạy theo thành tích?
- Như tôi đã nói ở trên, chất lượng của những tấm huy chương mới là thước đo chính xác cho sự phát triển của TTVN. Nhớ lại năm trước, TTVNđã có một kỳ SEA Games 31 với "mùa vàng" bội thu. Điều quan trọng hơn, "mùa vàng" bội thu đó có rất nhiều HCV thuộc hệ thống thi đấu Olympic. Trong đó, chúng ta đã vượt trội các nước khác về số lượng HCV ở 2 bộ môn tiêu biểu: Điền kinh và bơi lội. Các VĐV Việt Nam đã giành 22 HCV điền kinh, 11 HCV bơi lội, đặc biệt 2 tấm HCV bóng đá. Có thể khẳng định rằng những kết quả này đã quá trọn vẹn, làm hài lòng tất cả.
Tôi nhận thấy thời gian gần đây, lãnh đạo ngành thể thao đã có những chuyển hướng rõ nét trong tư duy, hành động về chiến lược phát triển. Ngay ở SEA Games 31 năm rồi, chủ nhà Việt Nam tổ chức các môn thể thao Olympic, ước chiếm khoảng 2/3 chương trình thi đấu chính thức. Đấy là một bước đột phá về tư duy.
TTVN đã, đang đi theo quỹ đạo cần có: Phấn đấu để biến các kỳ SEA Games trở thành những "tiểu Olympic", dần dần dồn sự chú ý vào những nội dung Olympic. Nhìn vào bảng thành tích của chúng ta qua 3 kỳ SEA Games trở lại đây đã cho thấy điều này. Tôi xin nêu ra những ví dụ cụ thể dưới đây để minh chứng cho sự chuyển hướng về thành tích của những môn thể thao Olympic.
Tại SEA Game 2017, chúng ta có 12 HCV điền kinh. Sau đó, ở SEA Games 2019, TTVN vượt qua Thái Lan với 98 HCV, 85 HCB và 105 HCĐ trong khi Thái Lan là 92 HCV. Trong 98 HCV của TTVN tại SEA Games 2019 ấy có 16 của điền kinh, 12 của vật, 10 của bơi, 2 của xe đạp, 6 của TDDC, 4 của cử tạ, 3 của bắn cung và 2 HCV bóng đá nam, nữ.
Còn tại SEA Games 31, TTVN thắng lớn với 22 HCV điền kinh, 11 HCV môn bơi dù vắng kình ngư Ánh Viên. Cùng với đó thiết lập nhiều kỷ lục mới của SEA Games. Trong 4 VĐV được BTC trao danh hiệu xuất sắc nhất có 2 VĐV Việt Nam là kình ngư Nguyễn Huy Hoàng và "cô gái hạt tiêu" điền kinh Nguyễn Thị Oanh. 2 tấm HCV ở môn bóng đá là nét son trong mắt khán giả Việt Nam của kỳ SEA Games này.
Việc 2 môn cơ bản (điền kinh, bơi lội) vượt trội và giành chiến thắng trong cả 2 trận chung kết bóng đá là những điều ngọt ngào với những người làm TTVN cũng như hàng triệu người hâm mộ.
* Tháng 9 năm nay, ASIAD 19 sẽ được tổ chức tại Hàng Châu (Trung Quốc) cũng như Olympic Paris 2024 tại Phápkhông còn xa, theo ông, SEA Games 32 là tiền đề để TTVN chuẩn bị lực lượng cho những đấu trường đỉnh cao?
- Dù TTVN có những "mùa vàng" ở SEA Games song chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật là TTVN và các nước Đông Nam Á còn khoảng cách lớn so với ASIAD hay Olympic. Chúng ta đừng quên rằng, thành tích ở SEA Games chưa nói lên điều gì so với dòng chảy thể thao đỉnh cao thế giới. Việt Nam cần cố gắng cùng với các nước trong khu vực tổ chức tốt hơn nữa, hoàn thiện các kỳ SEA Games để Đại hội thể thao Đông Nam Á ngày càng trở thành "tiểu Olympic".
Cần nhớ rằng, ngay sau SEA Games 32 là ASIAD 19 diễn ra tại Hàng Châu, Trung Quốc vào tháng 9. Sẽ thực sự là vấn đề nếu như TTVN Việt Nam dồn toàn lực cho SEA Games mà thiếu đi sự quan tâm, đầu tư để giành thành tích tốt ở ASIAD, xa hơn là Olympic. Cho nên, tại SEA Games 32 này, các VĐV Việt Nam giành được HCV mà thành tích tiệm cận được với ASIAD và Olympic mới có thể gọi là thành công.
TTVN cần hướng đến việc rút ngắn các môn thi đấu, chỉ tập trung nội dung nằm trong hệ thống Olympic. Chỉ như thế, chất lượng của các tấm huy chương mới cao, giúp sự đầu tư cho các VĐV đỉnh cao có điều kiện phát triển.
* Vậy TTVN phải đầu tư trọng điểm thế nào cho những môn Olympic để tiệm cận và vươn ra đấu trường cao hơn như ASIAD, Olympic, thưa ông?
-Thực ra, nói đầu tư cho những môn thể thao Olympic thì nhiều quá, rộng quá vì nhóm này có trên 30 môn, bộ môn thi đấu. Thời gian tới, theo tôi TTVN cần quyết tâm đầu tư có trọng điểm vào các bộ môn Olympic cơ bản, Olympic thu hẹp, "Olympic hóa" triệt để hơn nữa. Thật ra chỉ có vài ba môn thôi như điền kinh, bơi, cử tạ… Năm 2022 ở SEA Games 31, BTC công bố 4 VĐV xuất sắc nhất, trong đó có 2 VĐV Việt Nam là kình ngư Nguyễn Huy Hoàng và cô gái "vàng" Nguyễn Thị Oanh. Đây là điều đáng mừng. Muốn tiến lên với châu Á, với thế giới thì chúng ta phải tập trung vào 2 bộ môn cơ bản là điền kinh và bơi.
Và chúng ta cũng phải nhớ rằng thành tích của Thái Lan, Philippines, Malaysia… tại Olympic là cao hơn thành tích của TTVN.Điển hình là Philippines tại Olympic Tokyo 2021, nước này có thành tích tốt nhất Đông Nam Á với tổng cộng 4 huy chương. Trong đó, 1 HCV, 2 HCB và 1 HCĐ. Tiếp theo là Indonesia với 1 HCV (cầu lông đôi nữ), 1 HCB (cử tạ hạng cân 61kg nam) và 3 HCĐ (cầu lông đơn nam, cử tạ hạng cân 73kg và 49kg nữ). Thái Lan giành 1 HCV và 1 HCĐ. Còn chúng ta… tay trắng.
Nhìn tổng thể dù TTVN đã vươn lên và cùng Thái Lan để xếp hàng đầu ở khu vực song công bằng mà nói, trình độ các VĐV khu vực vẫn còn khoảng cách đáng kể với châu lục và thế giới. Vì thế, vấn đề được đặt ra là cần có cái nhìn thực tế hơn với thể thao đỉnh cao ở những môn Olympic, tiếp tục tinh giản những nội dung, hoàn thiện và rốt ráo hơn nữa công tác xã hội hóa thể thao đỉnh cao.
Tôi muốn nhấn mạnh đến 2 từ "trọng điểm" và "đặc hiệu" khi chúng ta đầu tư cho thể thao. Lựa chọn những môn thể thao trọng điểm và có được phương pháp "đặc hiệu" từ nguồn kinh phí trong tập luyện, thi đấu, khen thưởng dành cho các VĐV. Chúng ta không thể dàn trải, cào bằng khi đầu tư cho các môn thể thao được. Đầu tư chiều sâu vẫn là mong muốn và luôn luôn có đòi hỏi được bổ sung, vì kinh phí dành cho các VĐV đỉnh cao của chúng ta còn quá ít so với các quốc gia khác.
Tôi biết lúc này sẽ có những khó khăn nhất định đối với ngành thể theo, đặc biệt là vấn đề kinh phí. Sau 2 năm dịch dã, những ảnh hưởng để lại vẫn rất nhiều, kinh tế khó khăn. Vì thế, có thể những chương trình, dự án, mục tiêu của TTVN đối mặt với nhiều gian nan. Nói miệng thì sướng nhưng bắt tay vào làm trong bối cảnh kinh tế khó khăn không hề đơn giản. Thể thao không phải ngành sản xuất cho ra sản phẩm thấy ngay được nên còn gặp nhiều trở ngại trong thời điểm chúng ta tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu như thế này.
Tóm lại, chúng ta đã có những đổi mới trong suy nghĩ về thể thao ở cấp vĩ mô, đã có những chính sách mới mẻ dành cho hoạt động văn hóa, thể chất trong tình hình mới. Vấn đề là làm sao để nhanh chóng đưa các chủ trương và chính sách ấy vào cuộc sống.
* Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!