Nhà báo Nguyễn Thanh Bình, Nhà thơ trẻ Lã Thanh Hà chia sẻ về giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 5 - 2024.
Nhà báo Nguyễn Thanh Bình: Chặng đường đáng nhớ của Dế Mèn
Nhà báo Nguyễn Thanh Bình (báo Đại Đoàn kết) đã có nhiều năm gắn bó với thị trường sách và văn hóa đọc Việt Nam. Anh trở thành thành viên Ban sơ khảo Dế Mèn ngay từ mùa giải đầu tiên.
Chia sẻ về mùa giải năm nay, anh cho biết:
"Có nhiều tác phẩm được vinh danh ở giải năm nay, nhưng nếu buộc phải lựa chọn, tôi vẫn ấn tượng với trường hợp tập thơ Vương quốc nhỏ bí mật của "Hà Mã đi bộ" Lã Thanh Hà. Tác phẩm của Hà hội đủ nhiều yếu tố về sự gần gũi với đời sống, sự sâu sắc cũng như giọng điệu hồn nhiên hợp với trẻ thơ. Và thú vị nhất, Hà là một tác giả tương đối mới, không "quen mặt" như nhiều cái tên khác, nhưng lại khiến chúng ta bước đầu đặt kì vọng.
Còn lại, tôi muốn nhìn tổng thể giải Dế Mèn trong cả một chặng đường tồn tại của 5 năm qua. Năm 2020, giải thưởng được phát động trong bối cảnh đời sống văn hóa nghệ thuật dành cho thiếu nhi đang có những khoảng trống tương đối lớn, và nhiều người cũng cảnh báo về việc chúng ta đang thiếu vắng một đội ngũ tác giả kế cận để sáng tác cho các em, sau những cái tên cũ.
Giải thưởng của báo Thể thao và Văn hóa có tính cởi mở rất cao khi trải rộng trên nhiều lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, đồng thời có cả 2 hình thức xét giải: Tác giả chủ động gửi tác phẩm hoặc phía giám khảo "quét ra đa" để tự tìm kiểm. Và, lần tổ chức đầu tiên của giải thưởng cũng có tác động lớn tới dư luận, khi vừa tìm được một "Hiệp sĩ Dế Mèn" đích thực là Nguyễn Nhật Ánh, vừa phát hiện một trường hợp thú vị là Cao Khải An ở độ tuổi "mầm non".
Từ xuất phát điểm đó, cũng như quãng đường trong những năm tiếp theo, thẳng thắn thì giải thưởng Dế Mèn đã có đóng góp nhất định để đời sống văn hóa nghệ thuật dành cho thiếu nhi biến đổi theo hướng tích cực hơn. Đó là niềm vui, và hẳn cũng là áp lực với những người làm giải - khi hiện tại, giải Dế Mèn cần tìm cách tiếp tục giữ được chất lượng và bản sắc riêng, trong bối cảnh chúng ta đã có thêm những giải thưởng khác, cũng gắn với sáng tác dành cho thiếu nhi.
Cuối cùng, tôi muốn nhắc lại một điều không mới: Qua 5 năm tổ chức, giải Dế Mèn đã phát hiện và tôn vinh khá nhiều tác giả nhỏ tuổi. Chúng ta hãy cứ tiếp tục yêu quý, nâng niu và bồi đắp cho các em, nhưng cũng đừng nóng ruột tạo ra những áp lực, bởi đó chính là những "hạt mầm" quý giá trong đời sống văn hóa nghệ thuật bây giờ.
Nhà thơ trẻ Lã Thanh Hà: Cảm xúc lần đầu "gặp Dế Mèn"
Thật lòng, việc nhận giải thưởng mang tên Dế Mèn với tôi là một bất ngờ lớn, vì phía chủ động gửi tác phẩm tới xét giải là NXB Hà Nội và Crabit Kidbooks. Và tất nhiên, bất ngờ lớn dẫn tới niềm vui lớn, khi tôi cũng không ngờ Hội đồng Giám khảo lại đánh giá cao tác phẩm của mình.
Lần đầu xuất hiện ở giải thưởng, điều thú vị với tôi trước hết nằm ngay ở cái tên Dế Mèn rất "ngầu" và cũng đầy ý nghĩa của nó. Còn điểm thú vị tiếp theo nằm ở sự đa dạng về thể loại của giải thưởng, điều ấy mở ra thêm cơ hội để ghi nhận mọi loại tác phẩm, đồng thời cũng giúp tôi được tiếp xúc thêm với những tác giả cũng sáng tác về trẻ em như mình.
Và nghe các tác giả khác chia sẻ tại lễ trao giải, tôi nhận ra: Dù sáng tác ở thể loại nào, những tác phẩm dành cho thiếu nhi đều có tinh thần chung giống nhau. Đó là sự trân trọng dành cho các em nhỏ, cũng như những nỗ lực tự thân của mỗi người.
Bởi, có một thực tế: Để trẻ em bây giờ thích tác phẩm của mình là điều rất khó, khó hơn hẳn những thế hệ cũ. Do sự phát triển của công nghệ, sự tiếp xúc với các tác phẩm nước ngoài từ sớm, có thể nói mỗi bạn đọc trẻ bây giờ đều là một nhà phê bình khó tính. Việc tìm được những lối đi để bước vào thế giới tâm hồn của các em chỉ có thể đến từ những quan sát, tìm tòi kiên nhẫn, cũng như những cảm xúc chân thành của mỗi người.
Và tôi cũng muốn nói thêm, trẻ em khác chúng ta. Với sự chân thật của mình, các bạn nhỏ sẽ không quan tâm tới một tác phẩm chỉ vì một giải thưởng, hay một lý do nào khác. Việc rời những mạng xã hội hay các thiết bị điện tử để tiếp xúc với sách - điều mà cha mẹ của các em luôn mong mỏi - sẽ đến một cách tự nhiên, nếu các em tìm được sự đồng điệu và kết nối từ tác phẩm, để rồi từ đó có thêm những tò mò, hứng thú khi nhìn đời sống thật qua một lăng kính mới.
Tags