(Thethaovanhoa.vn) - Nhà báo Phạm Hữu Quang là Phó Tổng biên tập Tạp chí Ngày nay, cơ quan báo chí duy nhất ở Việt Nam có ấn phẩm in phát hành miễn phí; và đó cũng là ấn phẩm báo chí có phong cách thiết kế bìa rất ấn tượng -thậm chí, mỗi trang bìa xứng đáng là một tác phẩm đồ họa độc lập, thể hiện sáng tạo, trực quan chủ đề của cả số báo.
Cũng như những người làm báo ở thế hệ 6X, 7X, hay 8X đời đầu, anh lặng người trước bức ảnh chụp quầy báo ở số 222 Hàng Bông (năm 1986) của nhiếp ảnh gia William E Crawford (Mỹ).
Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với nhà báo Phạm Hữu Quang.
Bìa báo là một tác phẩm báo chí
* Anh nghĩ gì về trang bìa báo in để trắng tinh của tờ “Vogue” và trang bìa in dày đặc tên các nạn nhân của tờ “New York Times” trong đại dịch Covid-19 vừa qua? Cách làm đó, thiên về thủ pháp "chơi nổi", "lạ hóa" hay chính là một phương thức thông tin?
- Tôi cho rằng, giá trị cao nhất của mỗi centimet trên tờ báo in chính là thông tin. Các trang nhất của một số tờ báo trong đại dịch Covid-19 vừa qua cũng vậy. Phải công nhận rằng, các trang nhất của họ rất ấn tượng. Như Vogue, họ để trang bìa trắng tinh. Đó là màu áo blouse của các bác sĩ. Trang bìa đó chính là thông điệp biết ơn ngành y tế, tôn vinh các bác sĩ đã vất vả cứu người bệnh trong tình hình dịch bệnh.
Cũng phải nói thêm rằng, với báo chí hiện đại, mọi bức hình hay cách trình bày đều có giá trị thông tin, ngay cả những khoảng trắng trên báo cũng có những giá trị, mang những thông điệp nhất định.
* Nói như vậy liệu có phải là đang“lý tưởng hóa” bức tranh của báo in không nhỉ, bởi thực tế là nhiều khi các tờ báo in vào giờ chót, phải cố lấp đầy các trang cho kịp đi nhà in, vì thông tin đã có hết trên mạng rồi?
- Khi internet và mạng viễn thông phát triển, điều dễ nhận thấy là tốc độ lan tỏa của thông tin rất nhanh, đến mức tức thời. Nếu như cách đây 20 năm bạn phải chờ tới sáng hôm sau để cập nhật tin tức trên báo in thì giờ đây, bạn có thể xem live qua báo điện tử, qua mạng xã hội, thông tin cập nhật đến từng giây. Vậy thì báo in có chết hay không? Xin thưa là báo in không chết, nhưng cách làm báo in như trước đây thì không thể tiếp tục tồn tại. Vấn đề chính là cách làm. Khi phương thức tiếp nhận thông tin của bạn đọc thay đổi, thì cách tổ chức, truyền đạt thông tin cũng bắt buộc phải thay đổi theo.
Ở Ngày nay, chúng tôi xác định độc giả của mình là những người ở những khu vực ít tiếp cận với Internet. Do vậy, nội dung cũng nhẹ nhàng, không chạy theo tin nóng, tờ báo đi sâu vào khai thác các số phận bị lãng quên, nằm ở góc khuất của xã hội nhưng vẫn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Chúng tôi khai thác các vấn đề theo chiều sâu, với các góc nhìn đa chiều, với sự gắn bó của nhiều cây bút như Đỗ Thu Hà, Dương Tiêu, Phạm Gia Hiền, Ngô Nguyệt Hữu, Hoàng Minh Trí, Đinh Đức Hoàng…
Ngoài ra, cũng như nhiều tờ báo khác, chúng tôi mang đến những thông tin trong nước và quốc tế trong tuần để người dân nắm được thông tin. Mục tiêu cao nhất của chúng tôi là thông qua tờ báo, người dân được nâng cao dân trí.
* Nói thực là với loạt bài về chủ đề báo in nhân ngày 21/6, chúng tôi muốn gõ cửa “Ngày nay” để phỏng vấn anh trước hết là vì khâu thiết kế trình bày. Có lẽ là hàng hiếm trong làng báo chí Việt Nam khi các trang bìa của “Ngày nay” thường là một tác phẩm đồ họa độc lập và cực kỳ ấn tượng... Vì sao “Ngày nay” lựa chọn giải pháp bìa như vậy?
- Là một cơ quan báo chí có quy mô khiêm tốn, chúng tôi xác định không thể lao vào cuộc đua cạnh tranh tốc độ thông tin với các cơ quan thông tấn báo chí khác. Chúng tôi lựa chọn sự khác biệt.
Chính vì thế, chúng tôi luôn nỗ lực để các ấn phẩm chuyển tải được những thông tin vừa có tính phổ quát, vừa có chiều sâu, là những thông tin có giá trị tri thức, giá trị khoa học, giá trị văn hóa, chứ không phải là những thông tin mà đời sống của nó chỉ tính bằng giờ.
Cũng chính vì những thông tin có đời sống lâu dài đó, nên chúng tôi lựa chọn cách trình bày ấn tượng, kỹ lưỡng... Bởi như tôi nói, cách trình bày trang báo cũng chuyển tải thông tin, thông điệp. Ngày nay là ấn phẩm không có thông tin dạng giật gân, lá cải. Chúng tôi nỗ lực truyền tải các thông điệp, thông tin, các câu chuyện tử tế... nên cách trình bày trang trọng cũng góp phần giúp độc giả cảm nhận và đón nhận những thông tin, thông điệp đó một cách mạch lạc hơn, rõ ràng hơn
Mỗi số tạp chí Ngày nay đều có những chuyên đề riêng và trang bìa thường thể hiện chính hồn cốt của chuyên đề đó. Nhưng ở một góc độ khác, chúng tôi coi trang bìa cũng như một tác phẩm báo chí, không chỉ là minh họa, mà phải chuyển tải cả thông điệp tới bạn đọc bằng chính hình ảnh. Ngôn ngữ ảnh hay đồ họa không thể diễn tả bằng câu chữ, vì ở đó có sự cảm nhận, có cả cảm giác.
Xây dựng văn hóa đọc báo giấy
* Lâu nay báo in thoái trào nên cả người làm báo lẫn người đọc đều có xu hướng xem nhẹ tính mỹ thuật của trang báo. Nói đơn giản là việc trình bày bị thực dụng hóa đi nhiều, thiếu sự chăm chút, thiếu các ý tưởng đột phá để chuyển tải thông tin...
- Tôi cho rằng chính những suy nghĩ xem nhẹ như vậy càng nhanh chóng đẩy báo in đến sự thoái trào. Tôi rất ấn tượng với những tờ báo trình bày hiện đại, có sự chăm chút, đầu tư, có ý tưởng, có thông điệp như tờ Tuổi trẻ Cuối tuần... Trên thực tế, báo chí Việt Nam không thiếu những trang bìa đẹp, những trang báo ấn tượng... Sự chăm chút sáng tạo cho tờ báo in chắc chắn sẽ mang đến sự hứng khởi cho bạn đọc. Như mới đây, Thể thao& Văn hóa, Tin tức, Gia đình Việt Nam và nhiều tờ báo khác cùng dành trang báo để bạn đọc làm thành cờ Tổ quốc, tô màu ảnh Bác Hồ... Đấy là một sự sáng tạo rất thú vị và ý nghĩa, có tính tương tác với bạn đọc!
*Vậy làm sao để những người làm báo in, cùng cả bạn đọc đều quan tâm chăm chút và lan tỏa vẻ đẹp của những trang báo in?
- Trong thời gian tới, tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ có một cuộc bình chọn bìa báo, trang báo đẹp, ấn tượng, từ đó chúng ta có thể hình thành một triển lãm nho nhỏ.
Chúng ta có thể làm rất giản dị: Các tòa soạn và những người yêu báo in có thể chụp lại bìa báo hay các trang báo đẹp, gửi lên diễn đàn để bình chọn, và sau đó một “ban giám khảo” rất dân chủ, bao gồm những người làm báo in, sẽ lắng nghe các ý kiến trao đổi để chọn ra những tác phẩm tốt nhất.
Chúng ta có thể mời thêm các họa sĩ nổi tiếng cùng tham gia để “thẩm định” giá trị mỹ thuật của các tác phẩm. Cuối cùng sẽ là một cuộc trưng bày nho nhỏ, có thể tổ chức ngay trên mạng, để tôn vinh những “nhà sáng tạo” báo in hằng năm, bao gồm cả các họa sĩ, các kỹ thuật viên chế bản- là những người lâu nay vẫn đứng đằng sau vinh quang của báo in.
Tôi thấy, Thể thao& Văn hóa đang khởi xướng phong trào “Đọc báo có phong cách”, thì nên kết hợp tổ chức việc này, chắc chắn sẽ uy tín và thu hút được sự tham gia đông đảo của các đồng nghiệp.
* “Thể thao và Văn hóa” đang khởi xướng phong trào “Đọc báo có phong cách” với mục tiêu cổ vũ văn hóa đọc báo in, thông qua việc xây dựng các trang báo in, từ trang bìa đến các trang ruột, như những sản phẩm văn hóa đẹp, sáng tạo. Anh nghĩ phong trào này có thể tạo dựng lại văn hóa đọc báo như xưa không?
- Sáng sáng đọc báo bên ly cà phê là phương thức tiếp nhận thông tin kiểu cũ rồi (cười). Giờ sáng mở mắt ra là bạn đọc sẽ lướt Facebook, đọc báo online, để nắm thông tin nhanh. Còn báo in với thông tin chiều sâu thì bạn đọc sẽ tiếp nhận ở các thời điểm khác trong ngày. Do đó, tờ báo in có thể đến với bạn đọc bên ly cà phê buổi sáng, hay bênấm trà buổi trưa, và cả sau bữa cơm gia đình buổi tối, miễn là những người làm báo phải làm sao để độc giả yêu mến tờ báo in, chia sẻ với khát vọng tri thức mà những người làm báo hướng đến.
Đọc báo có phong cách là những điều mà tập thể những người làm báo Ngày nay mong muốn và hướng đến, nên chúng tôi không có lý do gì để không chung tay cùng Thể thao & Văn hóa.
Cũng xin nói thêm, trước khi quyết định làm tờ báo miễn phí, chúng tôi đã dành nhiều thời gian nghiên cứu cách làm của báo chí thế giới, từ nội dung, hình thức tới phương thức phát hành. Ở thời điểm này, Ngày nay là ấn phẩm báo chí duy nhất tại Việt Nam đang phát hành miễn phí. Chúng tôi mang Ngày nay đến tận tay bạn đọc ở các bến xe, bệnh viện, các khu dân cư... Chúng tôi lựa chọn khổ báo nhỏ, để bạn đọc dễ cầm, dễ đọc, dễ lưu trữ. Nội dung tờ báo là những thông tin chuyên sâu, nên bạn đọc có thể đọc mọi lúc mọi nơi mà không lo mất đi những giá trị thời sự.
Bằng cách đó, chúng tôi hy vọng rằng sẽ tạo dựng được những góc nho nhỏ dành cho văn hóa đọc báo giấy trong kỷ nguyên số hiện nay.
*Xin cảm ơn anh!
Giải bìa báo đẹp, sáng tạo trong cả năm “Nếu như giải Bìa báo Tết đẹp của Hội Nhà báo Việt Nam chỉ dành cho các ấn phẩm báo Xuân thì cuộc bình chọn này, chúng ta làm cho tất cả các trang báo có sự sáng tạo trong thể hiện nội dung trong năm… Một cuộc chơi nho nhỏ nhưng tôi kỳ vọng rằng nó sẽ là một giải thưởng mang tính nhà nghề cao. Vì chúng ta đều đã thấy, hai bìa báo của New York Times và Vogue đã làm rung chuyển cả thế giới trong cơn bão thông tin Covid-19 nhờ những thông điệp mạnh mẽ, sáng tạo” (Ý tưởng của nhà báo Phạm Hữu Quang). |
Nguyễn Mỹ (thực hiện)
Tags