(Thethaovanhoa.vn) - Nhà báo- Vlogger Minh Hải nổi bật trong làng bóng đá nội với nhiều góc nhìn gai góc, sắc sảo. Và sau đây là cuộc trao đổi của anh với TT&VH về chủ đề Doanh nhân và bóng đá.
Dù đến hoặc đi nền bóng đá đều mang ơn doanh nghiệp!
* Thể thao & Văn hóa: Hơn 20 năm bóng đá Việt Nam lên chuyên cũng chừng ấy thời gian các ông bầu đầu tư, gắn bó, đồng hành rồi không ít người bỏ cuộc. Đến giờ này, anh nhìn nhận về “di sản” của những ông bầu nổi bật như bầu Kiên, bầu Hiển, bầu Đức, bầu Tú... thế nào? Và, cần cơ chế, hành lang gì từ vĩ mô để tạo sự yên tâm cống hiến từ phía các doanh nhân?
- Nhà báo Minh Hải: Xuyên suốt hơn 2 thập kỷ lên chuyên của bóng đá Việt Nam, đã thấy đời sống bóng đá sôi động hơn, cải thiện mọi mặt của bóng đá nước nhà, nâng cao chất lượng giải VĐQG, tạo dựng nền tảng vững vàng cho thành công hiện có của các đội tuyển Việt Nam, vai trò của các doanh nghiệp, các doanh nhân rất lớn, không thể phủ nhận. Chính doanh nghiệp của những ông bầu mê bóng đá đang mang tiền đầu tư cho bóng đá Việt Nam, giải quyết mọi vấn đề, nâng cấp toàn diện nền bóng đá của chúng ta. Không chỉ chi rất nhiều tiền, những ông bầu còn mang theo cả kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp của mình cho bóng đá. Tình yêu, sự dấn thân của những ông bầu ấy cũng tạo ra chiến dịch quảng bá hiệu quả, thu hút thêm các doanh nhân nữa đến với bóng đá nước nhà.
Rất khó để thống kê các ông bầu đã đổ bao nhiêu tiền, tạo sức mạnh đột phá cho nền bóng đá nước nhà. Như bầu Đức, 20 năm tâm huyết, mỗi năm chi cũng phải cả trăm tỷ, vậy tổng số chi phí cũng rơi vào khoảng 2.000 tỷ đồng. Bầu Hiển cũng với con số mà tôi nghĩ cũng rất lớn. Bầu Thắng không chỉ đầu tư cho đội bóng quê hương Long An, ông còn tài trợ, còn góp công, góp sức để điều hành công ty VPF trong giai đoạn khó khăn nhất, tổ chức giải đấu theo hướng chuyên nghiệp nhất. Cả bầu Tú, không có đội bóng nào nhưng doanh nghiệp của ông giờ tài trợ cả V-League, hạng Nhất, bóng đá nữ, giải trẻ và nuôi đội futsal Việt Nam cũng gần 20 năm, 2 lần dự World Cup, 2 lần vào tới vòng knock-out… Ông Phạm Nhật Vượng xây dựng PVF với tổng chi phí cũng phải lên đến con số nghìn tỷ đồng trong suốt những năm qua.
Cho dù có những ông bầu đến rồi đi, nền bóng đá của chúng ta vẫn phải mang ơn họ bởi thành công hay thất bại của họ đều như kinh nghiệm, hành trang trên con đường chuyên nghiệp hơn nữa của bóng đá Việt Nam.
* Lĩnh vực xây dựng, tiếp thị, quảng bá hình ảnh, khai thác giá trị thương mại từ bóng đá ở ta vẫn còn mới mẻ. Chúng ta rất cần những công ty hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực bóng đá. Anhcó suy nghĩ gì khi nhìn vào công ty đại diện cho HLV Park Hang Seo đang khai thác các giá trị gia tăng rất tốt?
- Thực tế, 100% các đội bóng Việt Nam bây giờ đều sống nhờ “bầu sữa” của các doanh nghiệp để thấy rằng bóng đá chưa nuôi được bóng đá. Đó là sự yếu kém trong khâu tổ chức của các CLB vốn chỉ coi trọng chuyên môn bóng đá chứ không hoặc chưa biết khai thác thương mại từ đội bóng. Trước đây, lãnh đạo các đội bóng phần nhiều đều đi lên từ cầu thủ hoặc HLV, GĐKT nên điểm họ mạnh nhất nằm ở khía cạnh chuyên môn bóng đá chứ khai thác thương mại không phải là sở trường. Bây giờ, có nhiều lãnh đạo đội bóng là con của các ông bầu hoặc được cắt cử từ doanh nghiệp sang để quản lý công ty, họ có thể có kiến thức về thương mại nhưng không phải ở mảng đặc thù như bóng đá.
Một trường hợp điển hình là HLV Kiatisuk. Khi ông sang làm HLV trưởng HAGL, ông thổi hồn vào lối chơi, thành công cả về lối đá lẫn điểm số đã thu hút nhiều Mạnh Thường Quân. Quan trọng nhất, HLV Kiatisuk đã đề nghị thương hiệu RedBull của Thái Lan đầu tư cho HAGL và hợp đồng được ký. Nếu để ý, ta sẽ thấy HLV Kiatisuk thường xuyên mặc chiếc áo HAGL có logo của Redbull và xuất hiện ở khắp nơi: Trên facebook, trong những buổi trả lời phỏng vấn và thậm chí cả trong chiếc áo mang tặng các quan chức hoặc người nổi tiếng.
HLV Park Hang Seo cùng công ty đại diện của ông là một điểm nhấn đặc biệt. Cùng với thành công của U23 Việt Nam ở Thường Châu 2018 tới nay, HLV Park Hang Seo luôn là “ngôi sao hạng A” trên thị trường quảng cáo, với mức cát-sê rất cao mà nhiều ca sĩ, người mẫu, diễn viên không với tới được. Thậm chí, có một tập đoàn xây dựng còn tặng ông nguyên một căn penthouse và nghe nói, nó được định giá trên 20 tỷ đồng. Không chỉ vậy, công ty DJ Management còn lập kế hoạch đưa các sản phẩm Hàn Quốc sang Việt Nam để tiêu thụ.
Nghịch lý đằng sau việc các Công ty CP bóng đá đều lỗ!
* Hầu hết các Công ty cổ phần bóng đá thực ra là CLB) đều không có lãi. Ngay cả VPF cũng thế. Theo anh, cần hành động gì cấp bách để giúp mô hình Công ty cổ phần bóng đá thoát ra bế tắc?
-Đây là nghịch lý rất đáng buồn khi bóng đá mang lại sự sung túc cho nhiều thành phần, nhưng các Công ty cổ phần bóng đá đều trong cảnh lỗ năm này qua năm khác. Bóng đá mà không có lãi thì sớm hay muộn cũng khủng hoảng.
Tôi biết, nhiều đội bóng Việt Nam ý thức việc xây dựng thương hiệu, khai thác thương quyền nhưng vì gặp nhiều khó khăn quá nên họ bỏ cuộc. Ví dụ đơn giản như áo đấu - một mảnh đất màu mỡ nhưng bị bỏ qua. Mọi đội bóng ở Việt Nam đều bị làm giả áo đấu, kể cả áo ĐTQG Việt Nam. Thay vì các đội bóng phải bảo vệ thương quyền của mình thì họ lại dễ dàng cho qua, vì lý do “CĐV còn nghèo”, “họ yêu đội bóng là được”… Ít nhất là về điều này, bóng đá Việt Nam nên học Thái Lan.
Các bạn có thể sẽ sốc nếu biết rằng tiền bản quyền giải vô địch Thái Lan lên đến nhiều chục triệu USD, trong khi, ở Việt Nam, nó chỉ là một con số… tượng trưng. Tôi cũng nghe nói, VPF định mời một chuyên gia người Singapore từng giúp Thai - League phát triển và khai thác thương quyền chuyên nghiệp đến với chúng ta. Một lợi thế cho chúng ta là vị quan chức này là rể Việt Nam. Tôi rất quan tâm và hy vọng thương vụ này sẽ thành hiện thực.
* Dù kinh tế đang khó khăn nhưngdoanh nghiệp, doanh nhân chắc chắn vẫn sẽ hưởng nhiều quyền lợi khi đầu tư vào bóng đá. Anh có dự đoán gì về xu hướng đầu tư của các doanh nhân trong lĩnh vực bóng đá thời gian đến?
- Người Việt Nam yêu bóng đá và chắc chắn nhiều ông bầu cũng sẽ đầu tư cho bóng đá. Nhưng như thế này là chưa đủ bởi vẫn còn nhiều người yêu bóng đá, muốn đầu tư vào bóng đá mà lo ngại nhiều thứ. Có lẽ, một trong những người bỏ cuộc khiến cho chúng ta tiếc nuối nhất là Hòa Phát Hà Nội của bầu Long – một ông bầu giàu có hàng đầu Việt Nam. Đam mê bóng đá tuyệt vời nhưng ông không muốn đầu tư cho một nền bóng đá còn nhiều bất trắc. CLB Hòa Phát Hà Nội đã giải thể sau một trận thua “mờ ám” và chúng ta đã mất đi khoản tiền đầu tư lớn từ bầu Long.
Để bóng đá Việt Nam phát triển, chất lượng giải VĐQG được cải thiện, các đội tuyển Việt Nam có sức cạnh tranh ở nhóm hàng đầu châu Á, thậm chí xây dựng kế hoạch lọt vào VCK World Cup, chúng ta cần có nhiều sự đầu tư hơn nữa cả ở bóng đá trẻ đến giải chuyên nghiệp. Bóng đá Việt Nam cần thêm 20-30 học viện, trung tâm bóng đá hiện đại nữa để thực hiện được nhiệm vụ này. Nếu nền bóng đá của chúng ta thực sự minh bạch và công bằng, tôi tin rất nhiều ông bầu, rất nhiều doanh nghiệp sẽ đầu tư lớn và đầu tư dài lâu cho bóng đá Việt Nam.
* Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi!
Cần sự chính danh Sẽ rất kém hiệu quả nếu chúng ta yêu cầu thủ môn lên đá tiền đạo, tức là giao nhiệm vụ trái sở trường. Thế nên, không chỉ các công ty môi giới, hiệp hội đại diện cầu thủ rất cần thiết. Quan trọng chính các đội bóng phải xây dựng cho mình một tổ chức để phát triển thương hiệu, khai thác thương quyền cho đội bóng. Các đội bóng ở những nền bóng đá phát triển thường có chức danh Giám đốc thương mại – người đứng đầu bộ phận khai thác thương mại cho các đội bóng, nghĩ cách kiếm tiền cho CLB. Xu thế phát triển tất yếu đòi hỏi những tiêu chí chuyên nghiệp, căn cơ, bài bản như vậy để bóng đá Việt Nam hướng đến trong tương lai. Ngay cả VFF và VPF cũng cần thêm những người có chuyên môn bóng đá tham gia vào vai trò lãnh đạo. |
Trần Tuấn (thực hiện)
Tags