Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng mạnh lãi suất trong thời gian vừa qua đã tạo ra những lo ngại ngày càng lớn về nguy cơ nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2023.
Giữa bối cảnh đó, giới đầu tư đang lùng sục tìm kiếm những “nơi trú ẩn an toàn” tiềm năng cho tài sản của mình. Từ lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại Mỹ hay thị trường chứng khoán và vàng của Vương quốc Anh, tất cả đều đang được soi xét kỹ lưỡng.
Những lĩnh vực “miễn nhiễm” với khủng hoảng
Bất chấp báo cáo việc làm tại Mỹ trong tháng 11 đã phát đi những tín hiệu khả quan, thế giới vẫn đón nhận những dự báo ảm đạm từ các ngân hàng ở Phố Wall. Lần lượt các tập đoàn tài chính như JPMorgan, Citi và BlackRock đều cho rằng suy thoái kinh tế có thể xảy ra vào năm 2023.
Mặc dù suy thoái là một kịch bản chưa chắc chắn, nhưng các chiến lược gia đã chỉ ra rằng những yếu tố như chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ của Fed, sự suy giảm mạnh của thị trường nhà đất và đường cong lợi suất trái phiếu kho bạc bị đảo ngược là lý do chính khiến tăng trưởng kinh tế Mỹ đình trệ.
Suy thoái kinh tế thường là tin xấu đối với thị trường chứng khoán, mặc dù một số nhà đầu tư tin rằng sự sụt giảm mạnh của chứng khoán vào năm 2022 đã phần nào phản ánh xu hướng tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế.
Chỉ số S&P 500 đã giảm tới 25,2% so với mức cao nhất mọi thời đại được xác lập trong năm nay, so với mức giảm trung bình 28% mà chỉ số này đã ghi nhận trong các cuộc suy thoái kể từ Thế chiến thứ Hai, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu CFRA Research. Tính đến thời điểm này của năm, chỉ số S&P 500 đã giảm 14,6%.
Kết quả là, nhiều nhà đầu tư ở Phố Wall đã tăng cường phân bổ tài sản sang những lĩnh vực được đánh giá là sẽ hoạt động tốt hơn trong thời kỳ kinh tế không chắc chắn.
Jack Ablin, Giám đốc đầu tư tại công ty quản lý tài sản Cresset Capital – người tin rằng một cuộc suy thoái kinh tế nhẹ sẽ xảy ra trong năm 2023, cho biết: “Khi các nhà đầu tư nhận thấy suy thoái kinh tế sắp xảy ra, họ có xu hướng đầu tư vào những công ty có khả năng tạo ra thu nhập bất kể chu kỳ kinh doanh”.
Trong báo cáo triển vọng năm 2023, các chiến lược gia thuộc Viện Đầu tư BlackRock đã khuyến nghị đầu tư vào cổ phiếu trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, vốn được cho là ít nhạy cảm hơn trước những biến động kinh tế.
Giá cổ phiếu của các công ty có tên trong chỉ số S&P 500 hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe chỉ giảm khoảng 1,7% từ đầu năm đến nay, cao hơn rất nhiều so với chính chỉ số S&P 500.
Vương quốc Anh hay Trung Quốc?
Các chiến lược gia của BlackRock cho rằng: "Một cuộc suy thoái đã được báo trước, các ngân hàng trung ương đang trên đà thắt chặt chính sách khi họ tìm cách chế ngự lạm phát. Theo quan điểm của chúng tôi, định giá cổ phiếu hiện nay vẫn chưa phản ánh đầy đủ những rủi ro phía trước”.
Các nhà phân tích của JPMorgan đã dự báo về một "cuộc suy thoái nhẹ" và kỳ vọng chỉ số S&P 500 sẽ quay về mức thấp nhất của năm 2022 trong quý đầu tiên của năm 2023.
Việc thị trường chứng khoán đang được định giá ở mức cao và thái độ "diều hâu" của Fed trong vấn đề lãi suất đã khiến chứng khoán Mỹ trở nên kém hấp dẫn hơn so với các thị trường phát triển khác, JPMorgan cho biết.
Cũng theo ngân hàng này, Vương quốc Anh sẽ là lựa chọn đầu tư hàng đầu của họ trong giai đoạn này.
Nghiên cứu toàn cầu của ngân hàng Bank of America (BoFA) dự đoán chứng khoán Mỹ sẽ không biến động nhiều trong năm 2023, nhưng giá vàng có thể tăng tới 20%, được hỗ trợ bởi sự sụt giảm giá trị đồng USD. Các kim loại quý như vàng được định giá bằng USD và trở nên hấp dẫn hơn với người mua nước ngoài khi đồng bạc xanh giảm giá.
Trong khi đó, ngân hàng Citi cho biết nỗi lo suy thoái kinh tế và tăng trưởng thu nhập yếu hơn sẽ ảnh hưởng đến chứng khoán Mỹ trong năm 2023, đồng thởi khuyến nghị khách hàng "coi các đợt phục hồi của chứng khoán Mỹ chỉ là phục hồi của thị trường giá xuống".
Ngược lại, Citi đánh giá cao thị trường Trung Quốc, kỳ vọng chứng khoán nước này sẽ được hưởng lợi từ việc nới lỏng các hạn chế về COVID-19 và hỗ trợ của chính phủ đối với lĩnh vực bất động sản.
Không phải ai cũng tin rằng suy thoái là hiển nhiên
Trong tuần này, giới đầu tư sẽ chờ đợi các dữ liệu kinh tế về lĩnh vực dịch vụ của Mỹ, vốn đã tăng trưởng với tốc độ chậm nhất của gần hai năm rưỡi trong tháng 10.
Tuy nhiên, không phải ai cũng tin rằng suy thoái là điều hiển nhiên. Các dấu hiệu lạm phát giảm đã làm dấy lên hy vọng rằng Fed sẽ hạ nhiệt chính sách thắt chặt tiền tệ của mình, gián tiếp hỗ trợ sự phục hồi của chỉ số S&P 500.
Lucas Kawa, chiến lược gia về phân bổ tài sản tại UBS, tin rằng giá cổ phiếu hiện nay đã phản ánh rủi ro suy thoái. Ông Kawa kỳ vọng một số yếu tố gây tổn hại cho thị trường vào năm 2022 - bao gồm tăng trưởng yếu hơn ở Trung Quốc và châu Âu - sẽ đảo ngược trong năm tới, từ đó hỗ trợ giá tài sản.
Ông nói: “Có một cơ hội tốt là những 'cơn gió ngược' của năm 2022 sẽ trở thành những cơn gió tốt lành của năm 2023”.
Garrett Melson, chiến lược gia về danh mục đầu tư tại bộ phận quản lý đầu tư thuộc ngân hàng Natixis, đã bày tỏ kỳ vọng về một kịch bản gọi là hạ cánh mềm, trong đó kinh tế Mỹ tăng trưởng với tốc độ vừa phải. Lãi suất cao hơn dù ảnh hưởng đến người tiêu dùng nhưng sẽ không làm giảm chi tiêu hoàn toàn.
Ông Garrett Melson nói: “Thị trường có vẻ hơi tập trung vào luận điểm cho rằng suy thoái kinh tế là không thể tránh khỏi. Theo tôi, kịch bản nền kinh tế ‘hạ cánh mềm’ là khả quan hơn".
Tags