Nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn: Tri ân hạt lúa

Thứ Ba, 21/12/2010 10:58 GMT+7

Google News

(TT&VH) - Trong khoảng 10 năm qua, tại TP.HCM chỉ có 2-3 triển lãm cá nhân về điêu khắc, Nguồn của Bùi Hải Sơn (đang diễn ra tại Applied Arts Center, TP.HCM) là một trong số đó. Triển lãm lấy cảm hứng từ cây lúa và làm nhiều tác phẩm về chủ đề này, nên có thể xem đây là cuộc trò chuyện và tôn vinh cây lúa. Để hiểu hơn về quan niệm và triết lý của tác giả, chúng tôi có cuộc trò chuyện ngắn với nhà điêu khắc này.  

 Bùi Hải Sơn sinh 1957 tại An Giang. Tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật TP.HCM năm 1987. Là giảng viên của ĐH Kiến trúc TP.HCM. Từ năm 2000 đến nay, đã tham gia nhiều triển lãm, trại điêu khắc tại Việt Nam và quốc tế. Đây là triển lãm cá nhân lần đầu tiên.

* Trước đây, anh từng tâm sự rằng hạt lúa là phôi, là nguồn, là “nòi giống”... trong bản lai diện mục của bản thân. Anh có thể nói rõ hơn về điều này?  

- Hạt lúa, ngoài cảm nhận như lương thực và những tác dụng thực tế của nó đối với đời sống, thì còn là một “chứng nhân tinh thần” về cuộc di dân của dân tộc Việt về phương Nam. Ngoài ý nghĩa về “nguồn gốc”, nó còn là “đích đến” của một hành trình nhiều gian lao, thử thách. Tôi muốn tri ân sự trù phú của đồng bằng miền Nam, nơi sản sinh cây lúa nuôi sống con người, làm nên bản sắc văn hóa của vùng đồng bằng sông Cửu Long.  

* Theo cảm nhận vài người, hạt lúa trong tạo tác của anh vượt qua cả chuyện hồn đất, hồn người... để “tỏa sáng” như hào quang của một đức tin, một hiện thân của tâm linh, cứu rỗi. Anh có chia sẻ ý này không?  

- Tôi chia sẻ quan điểm về vai trò quan trọng của hạt lúa trong cuộc sống con người. Tôn vinh hạt lúa cũng là tôn vinh con người. Qua hình tượng hạt lúa, tôi tri ân người nông dân, vốn giữ vai trò gìn giữ, duy trì và ra lương thực cho chúng ta.  

* Trong khoảng 10 năm qua, theo quan sát của tôi, hạt lúa đã theo anh đi rất nhiều nơi, vào cả bài tốt nghiệp cao học. Vậy, hạt lúa đã theo anh trong suốt cuộc đời làm điêu khắc, hay nó là cuộc “quay về” của anh trong những năm sau này?  

- Mỗi người làm nghệ thuật đều cố gắng tìm ra con đường riêng của mình và con đường đó chỉ xuất hiện đằng sau những lao động sáng tạo nghiêm túc. Hạt lúa theo tôi từ trong tiềm thức, thể hiện qua nhiều tác phẩm ở nhiều thời điểm, nhiều lĩnh vực... Cơ duyên này giúp tôi có niềm tin để đi con đường mình chọn. Triển lãm Nguồn là khoảng lặng cần thiết để nhìn lại, rồi tiếp tục cuộc hành trình.  

 

Tác phẩm Hạt giống, thép không gỉ và sắt, 30x60x10cm, 2010  

* Về phong cách sáng tác, tôi thấy các tác phẩm về hạt lúa của anh ngày một “tối giản” hơn, tôi rất thích sự tối giản này. Một hành trình tạo tác từ phức tạp đến đơn giản và hiệu quả, anh xuất phát từ quan niệm nào?  

- Sự “tối giản” là điểm đến của quá trình sáng tác từ lúa nước - hạt giống - phôi, chứ không phải là từ quan điểm sáng tác. Xuất phát từ chính ngôn ngữ của điêu khắc, tôi muốn sự đơn giản của hình khối phải tương thích với thông tin mà nó đem đến. Khối cần phải có tiếng nói từ bên trong của nó.  

Văn Bảy (thực hiện) 

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›