Nhà hát Opera Sydney vừa bước sang tuổi 50, được hãng tài chính toàn cầu Deloitte định giá văn hóa lên tới 11,4 tỷ USD. Giống như tháp Eiffel với nước Pháp hay tòa nhà Empire với nước Mỹ, đó là công trình văn hóa tượng trưng cho một quốc gia trên toàn cầu.
Thế nhưng, khi mới hình thành trên trang giấy, Nhà hát Opera Sydney từng vấp phải vô vàn chỉ trích, chế giễu, cản trở, tới mức cha đẻ của nó đã phải bỏ đi giữa chừng trong căm phẫn.
Đi trước thời đại
Ngày 20/10 cách đây 50 năm, vào một sớm nắng đẹp trời ở Sydney, khi một trong những công trình kiến trúc mang tính biểu tượng và táo bạo của thế giới được khánh thành trước sự hân hoan của hàng ngàn người. Dù vậy, kiến trúc sư của sáng tạo ngoạn mục này không những vắng mặt mà tên ông thậm chí còn không được công khai nhắc tới.
Để rồi bây giờ, phải có một "đại dịch mất trí nhớ tập thể", người ta mới có thể loại bỏ ký ức về người đàn ông đứng sau vẻ tráng lệ của nhà hát Opera Sydney: kiến trúc sư người Đan Mạch Jorn Oberh Utzon.
Năm 1956, Australia đã tổ chức cuộc thi thiết kế công trình lớn này bên bờ sông Sydney. Có tổng số 233 bài dự thi từ 32 quốc gia được gửi về, với nhiều trong số đó tới từ những kiến trúc sư hàng đầu thế giới. Bất ngờ, chiến thắng lại thuộc về Utzon, kiến trúc sư ít tiếng tăm người Đan Mạch.
Dù từng thắng 6 cuộc thi kiến trúc khác nhưng nhà hát Opera là dự án phi nội địa đầu tiên của ông. Nhưng bất chấp thành tích thiếu hào nhoáng ấy, thiết kế được giải của ông quá mức nổi trội, tới mức một trong các giám khảo miêu tả nó là "kiệt tác của một thiên tài" và tuyên bố không tán thành bất cứ lựa chọn nào khác. Có thể nói, thế giới trước thời Utzon ít biết đến tính táo bạo của hình học như vậy trong thiết kế kết cấu.
Tuy vậy, thiết kế của Utzon mới chỉ là những bản vẽ sơ bộ, và việc biến ý tưởng khác lạ đó thành hiện thực là điều vô cùng gian nan. Nhưng, lo ngại sự chậm trễ có thể sẽ khiến công chúng quay lưng, chính phủ vẫn cho phép công trình bắt đầu khởi vào năm 1958.
Nhiều kỹ sư hàng đầu được mời về nhưng tình hình không khả quan, thậm chí một số hạng mục xây dựng từng phải đập đi xây lại. Đơn giản, bản thân cấu trúc đặc biệt của vỏ sò đã là câu hỏi khó với các kỹ sư. Vấn đề này chỉ được giải quyết vào năm 1961, bởi chính Utzon.
"Sau 3 năm nghiên cứu chuyên sâu về hình học cơ bản cho tổ hợp vỏ sò, tôi đến với giải pháp hình cầu được thấy ở đây vào tháng 10/1961. Tôi gọi đây là yếu tố then chốt với thiết kế vỏ sò, bởi nó giải quyết tất cả các vấn đề trong xây dựng khi cho phép sản xuất hàng loạt với độ chính xác cao cũng như lắp đặt đơn giản. Với hệ thống hình học này, tôi đạt tới sự hài hòa hoàn toàn giữa mọi dạng hình trong khu phức hợp tuyệt vời này" - đó là lời Utzon, sau này được khắc trên bảng đồng ở nhà hát.
Dù bỏ ra nhiều sáng tạo và tâm huyết như vậy, Utzon cuối cùng vẫn phải rời đi giữa chừng do bất đồng với bộ trưởng xây dựng mới của Australia. Ông liên tục bị nghi ngờ về năng lực, thiết kế, tiến độ và chi phí. Năm 1966, sau khi yêu cầu cuối cùng từ Utzon rằng nhà máy sản xuất ván ép Ralph Symonds nên là một trong những nhà cung cấp kết cấu mái bị từ chối, ông từ chức, đóng cửa văn phòng Sydney và thề sẽ không bao giờ quay lại Australia.
Khi Utzon rời đi, những chiếc vỏ sò đã gần như hoàn thiện và chi phí mới chỉ là 22,9 triệu USD. Sau những thay đổi lớn so với kế hoạch ban đầu về nội thất, chi phí cuối cùng dành cho nhà hát lên tới 103 triệu USD, cần tới 10.000 công nhân và mất 14 năm hoàn thiện. Thật khác xa với dự tính ban đầu là 7 triệu USD và 4 năm!
Sự công nhận muộn màng phải nhiều thập kỷ sau mới tới với Utzon, khi ông được mời thiết kế cập nhật nội thất cho nhà hát. Năm 2004, 30 năm sau khi nhà hát khánh thành, phòng Utzon với 200 chỗ ngồi chính thức được ra mắt. Utzon xúc động: "Việc tôi được nhắc tới theo cách đặc biệt như vậy mang lại cho tôi niềm vui và sự hài lòng lớn nhất. Tôi không nghĩ mình có thể vui hơn trên tư cách một kiến trúc sư. Nó thay thế bất kì loại huy chương nào mà tôi từng hay có thể nhận được".
Sau những thay đổi lớn so với kế hoạch ban đầu, chi phí cuối cùng dành cho nhà hát lên tới 103 triệu USD, cần tới 10.000 công nhân và mất 14 năm hoàn thiện. Thật khác xa với dự tính ban đầu là 7 triệu USD và 4 năm!
"Ở đó có mọi thứ cho tôi"
Ngày nay, nhà hát Opera Sydney đã là biểu tượng toàn cầu mà ai ai cũng biết. Thế nhưng, có thể nhiều người vẫn chưa biết: Có nhiều thứ tồn tại ở nhà hát này bên cạnh opera.
"Có những quan niệm sai lầm rằng chúng tôi chỉ phục vụ nghệ thuật cổ điển" - theo nữ giám đốc kinh doanh của nhà hát Opera Sydney, Jade McKellar - "Chúng tôi cũng tổ chức biểu diễn âm nhạc đương đại hay những chương trình tọa đàm lớn, nơi các diễn giả địa phương và quốc tế cất tiếng trên các sân khấu của nhà hát. Chúng tôi có cả các chương trình cho trẻ em. Bất cứ khi nào bạn tới, nhà hát Opera Sydney đều có những thứ mà mọi người sẽ quan tâm".
Theo bà McKellar, trong nhiều năm, nhà hát đã cố gắng mở rộng các dịch vụ của mình để vươn tới càng nhiều khán giả càng tốt. Ví dụ, các chương trình của nhà hát được đưa lên mạng để nhiều người biết tới hơn. Hoặc, các chuyến tham quan nhà hát được phục vụ bằng nhiều ngôn ngữ - từ tiếng Tây Ban Nha tới tiếng Hàn Quốc.
McKellar nói, mục tiêu của nhà hát là trở thành "ngôi nhà của toàn dân", nơi tất cả người Australia đều được chào đón. Bởi, trong khi rất nhiều khách du lịch tới nhà hát để xem biểu diễn, dùng bữa tại nhà hàng bên trong tòa nhà hay đơn giản là làm một chuyến tham quan, đội ngũ đằng sau nhà hát cũng muốn chính người dân Sydney cảm thấy họ có thể ghé qua đây bất cứ lúc nào.
McKellar, người gốc Sydney, tiết lộ rằng mong muốn đó phản ánh trải nghiệm từ chính trải nghiệm của cô. Lần đầu cô tới nơi đây là khi còn bé, biểu diễn trong dàn hợp xướng The Pied Piper of Hamelin. Khi trưởng thành, cô đưa những bạn học từ địa hương khác tới đây để ăn uống và thậm chí cô tổ chức kết hôn ở đây, tại một phòng chức năng của tòa nhà.
Với nhiều người, những địa điểm như nhà hát này chỉ là nơi tới một lần cho biết. Nhưng với một công trình từng nhận danh hiệu Di sản Thế giới của UNESCO ở ngay sát sườn, liệu chúng ta có nên ghé thăm nó thường xuyên? Thực tế, theo dữ liệu từ nhà hát Opera, có tới 58% số người mua vé xem sự kiện hoặc chương trình năm 2022 là người đã tới đây một lần. Ngoài ra, đã có khoảng gần 800.000 người theo dõi trên trang YouTube của nhà hát.
Với McKellar và đội ngũ của cô, những con số đó cho thấy nhà hát này không chỉ là một tòa nhà mà còn là một trung tâm cộng đồng. "Trước câu hỏi nên làm gì cuối tuần bây giờ, tôi muốn mọi người nghĩ: Tôi sẽ tới nhà hát Opera Sydney vì ở đó có mọi thứ cho tôi. Tôi cảm thấy mình được chào đón ở đó".
Đôi nét về kiến trúc sư Jorn Utzon
Jorn Oberg Utzon (9/4/1918 - 29/11/2008) là kiến trúc sư người Đan Mạch. Ông theo học Học viện mỹ thuật Hoàng gia Đan Mạch (1937 - 1942), sớm chịu ảnh hưởng từ Gunnar Asplund và Alvar Aalto. Ngoài nhà hát Opera Sydney, các công trình đáng chú ý khác của ông còn có nhà thờ Bagsvard gần Copenhagen và tòa nhà Quốc hội ở Kuwait. Ông cũng có đóng góp lớn trong nhiều thiết kế nhà ở.
Năm 2003, Utzon thắng Giải Pritzker, vốn được coi như giải Nobel trong ngành kiến trúc. "Utzon đã xây dựng một tòa đi trước thời đại, vượt xa công nghệ thời đó. Ông đã kiên trì vượt qua dư luận đầy ác ý và những chỉ trích tiêu cực để xây dựng một tòa nhà thay đổi hình ảnh của cả một đất nước" - một trong các giám khảo giải Pritzker, bình luận.
Utzon qua đời ở Copenhagen năm 2008, thọ 90 tuổi. Đúng như đã thề, kể từ khi rời đi năm 1966, ông chưa một lần thăm lại Australia để tận mắt nhìn thấy tác phẩm nhà hát Opera Sydney hoàn thiện của mình.
Tags