(Thethaovanhoa.vn) - Ả đào - bộ phim tài liệu về nghệ thuật ca trù sắp triển khai - có kịch bản gắn với một cái tên khá đặc biệt: Bùi Trọng Hiền. Đặc biệt, bởi nhiều năm qua, người ta vẫn luôn chỉ biết về anh như một nhà nghiên cứu âm nhạc và văn hóa dân tộc.
“Đúng là tôi cũng chưa bao giờ có ý định trở thành một người sáng tác kịch bản chuyên nghiệp. Có điều, như lời bạn bè, tôi “nạp” nhiều về hát ả đào quá thì sẽ tới lúc phải “bung” ra để chia sẻ với mọi người” - anh trả lời Thể thao và Văn hóa.
* Và anh chọn “bung ra” bằng một kịch bản phim tài liệu, thay vì những lựa chọn khác?
- Tôi vốn mê phim tài liệu. Và thật ra, trong quá trình nghiên cứu, việc quay các thước phim tư liệu là một thao tác phổ biến. Do vậy, với tất cả chất liệu có sẵn, tôi chỉ mất 1 tháng để hoàn thành kịch bản này trong năm 2017.
Nhân đây, tôi xin nói thêm một chút về cái tên Ả đào. Thật ra, khi tham gia xây dựng hồ sơ để trình lên UNESCO vào năm 2005, tôi và các chuyên gia của Viện Âm nhạc đã rất muốn dùng cái tên này thay cho khái niệm “ca trù”. Hát ả đào là khái niệm có từ rất sớm trong lịch sử. Và có lẽ, trên thế giới, hiếm nơi nào dùng tên của những “nữ ca sĩ” làm danh xưng chung cho một thể loại âm nhạc như chúng ta.
Đáng tiếc, khi làm hồ sơ, chúng tôi vẫn đành chọn cái tên kia. Bởi, một thời gian rất dài trong quá khứ, 2 chữ “ả đào” được gắn kèm với những định kiến khá nặng nề và tiêu cực. Cho dù, mấy chữ hát ả đào mang theo vô vàn giá trị văn hóa lịch sử, cũng như những câu chuyện xã hội rất riêng.
* Anh có thể nói rõ hơn?
- Vào giai đoạn cuối thế kỷ 19, các nhà hát cô đầu xuất hiện tại đô thị và phát triển rực rỡ hơn nửa thế kỷ. Đó có thể coi là mô hình nhà hát thính phòng đầu tiên của Việt Nam trong lịch sử. Bên cạnh đó, việc các đào kép ra phố thị mở nhà hát và hoàn toàn sống bằng nghề - thay vì vẫn phải làm nghề phụ như tại thôn quê -cũng đánh dấu việc hát ả đảo đã đạt tới tầm cao nhất của một thể loại chuyên nghiệp với sức sống tự thân.
Ở một góc độ khác, mối quan hệ khăng khít gắn bó mang đậm tình người giữa các cô đầu cùng giới văn sĩ nổi tiếng tại Hà thành đã đi vào văn chương, thơ ca với rất nhiều giai thoại. Các văn sĩ thời ấy nói rằng cô đầu là “vú em” của giới nghệ sĩ, rằng ai không phải người văn nghệ thì rồi sẽ thành dân văn nghệ khi tới Khâm Thiên. Như thế, hát ả đào đã trở thành một phần sống động của lịch sử văn hóa Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20.
Đặc biệt, ở góc độ cá nhân, tôi cho rằng việc những người phụ nữ ra đô thị, tự kiếm sống, tự làm chủ đời mình cả về góc độ kinh tế và luyến ái, cũng là một bước đi quan trọng trong sự đối kháng với tư tưởng Nho giáo vốn vẫn phổ biến tại các làng quê. Đó là một cuộc cách mạng giới từ rất sớm.
* Vậy còn lý do để anh chọn mốc thời gian là những năm 1940 cho kịch bản này?
- Tôi nghĩ, một thập niên của giai đoạn ấy là đủ để khái quát những câu chuyện tiêu biểu nhất về họ trong giai đoạn trước. Bên cạnh những câu chuyện về giai đoạn hoàng kim, về những cay đắng tủi nhục trong nghề, quãng thời gian này còn gắn với những đóng góp âm thầm, nhưng vô cùng cao đẹp của các đào nương trong cuộc toàn quốc kháng chiến cuối 1946. Hẳn chúng ta còn nhớ câu chuyện về những đào nương đàn hát và ngã xuống trên chiến lũy Hà Nội mà Văn Cao ghi lại trong bài thơ Ngoại ô mùa Đông của mình.
Thật sự, nước mắt tôi luôn trào ra mỗi khi viết tới đoạn này. Chẳng có lý do gì để bắt những phụ nữ ấy phải ở lại để chiến đấu cùng tự vệ Hà Nội - ngoài tình cảm mà họ dành cho mảnh đất này. Vậy nhưng, một thời gian dài, lịch sử phần nào vẫn bỏ quên họ - cũng như đã từng khắt khe và đầy định kiến khi nhìn về những đóng góp của đào nương trong việc gìn giữ một di sản văn hóa của dân tộc.
* Sau 4 năm, kịch bản “Ả đào” cũng đã được dàn dựng. Quãng thời gian chờ đợi có lâu với anh?
- Thật lòng, khi viết, tôi cũng không vội nghĩ tới đầu ra. Viết xong, một công ty có đề nghị dàn dựng kịch bản này thành phim ca nhạc, và mời cả ca sĩ vào hát, nhưng tôi không đồng ý. Rồi mọi thứ cứ bẵng đi. Được một thời gian, tôi chuyển việc giữ bản quyền Ả đào cho Nguyễn Trung Thành, giám đốc Công ty truyền thông BIBI. Thành là bạn thân tôi, từng cùng nhau đi dàn dựng một số chương trình về hát ả đào và rất mêthể loại này.Cân nhắc, bàn bạc cùng nhau mãi, Thành quyết định tự đứng ra dàn dựng.
Cũng cần nói thêm, nếu không có sự ủng hộ và động viên của bạn bè đồng nghiệp, Ả đào có lẽ vẫn nằm trên giấy. Chẳng hạn, khi tôi đề nghị Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam đứng ra đỡ đầu và bảo trợ cho phim, Viện trưởng Bùi Hoài Sơn hào hứng tán thành ngay. Rồi, nghe kể chuyện và đọc kịch bản, nhiều người nối nhau đề nghị được góp sức cho Ả đào: làm tặng trailer phim, giúp đỡ về mặt phục trang, xin đóng diễn viên miễn phí và cả nhiều việc khác nữa. Nói chung, đây là bộ phim được làm 100% bằng nhiệt huyết của những người yêu ca trù.
* Được biết, hiện tại anh và đoàn làm phim đang tuyển diễn viên cho “Ả đào”. Công việc này được tiến hành tới đâu rồi?
- Xin chia sẻ thêm một chút: Ả đào là bộ phim tài liệu, nhưng chúng tôi sử dụng thủ pháp của phim truyện hồi cố để phục dựng lại một số cảnh quay nhất định, chẳng hạn như cảnh các văn nghệ sĩ Hà thành tới xóm Khâm Thiên nghe hát ả đào. Trong phim, chúng tôi mong muốn có sự xuất hiện của những cái tên như Khái Hưng, Thế Lễ, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Thạch Lam, Vũ Bằng... và tìm bằng được những người có gương mặt giống các văn sĩ này để thể hiện.
Cũng có nhiều câu chuyện thú vị trong quá trình tuyển chọn này. Chẳng hạn, khi mời nhà văn, nhà báo Nguyễn Trương Quý vào vai Văn Cao, chúng tôi đã cẩn thận nhờ gia đình tác giả Tiến quân ca “kiểm tra” gương mặt của Quý và xác nhận thì mới yên tâm. Rồi, cần một tấm ảnh của nhà văn Trần Tiêu – ông nội đạo diễn Trần Lực, chúng tôi tìm gặp Lực. Nghe chuyện, anh hào hứng bảo: Thôi, cho luôn thằng Trần Hoàng con tôi vào vai, khỏi phải tìm. Ở nhà, bố tôi vẫn bảo rằng nó giống cụ nội nhất...
* Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện!
Vài nét về phim tài liệu “Ả đào” Bộ phim tài liệu Ả đào (tác giả Bùi Trọng Hiền, đạo diễn Nguyễn Trung Thành) được sản xuất bởi Công ty truyền thông BIBI media dưới sự đỡ đầu, bảo trợ pháp lý của Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam... Phim gồm 3 chương: Cửa đình, Hát cô đầu, Lưu lạc và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2021. |
Cúc Đường (Thực hiện)
Tags