Nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Đạm – 'Giải thưởng Lớn': Một tình yêu Hà Nội lặng thầm

Thứ Tư, 29/08/2018 11:53 GMT+7

Google News

Chú thích ảnh

  (Thethaovanhoa.vn) - Ở Làng Mọc (Giáp Nhất, Hà Nội), ai cũng biết cụ Nguyễn Bá Đạm, nhất là với những người đã ở tuổi “xưa nay hiếm”.

Chú thích ảnh
Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi và Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý trao Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội tới cụ Nguyễn Bá Đạm. Ảnh: Hòa Nguyễn

Nhắc đến cụ, là nhắc đến một nhân chứng sống của đất văn vật Hà Nội, đã có những cống hiến thầm lặng gần như cả cuộc đời cho văn hóa, lối sống Thủ đô.

Chú thích ảnh
Cụ bà Nguyễn Thị Sính, phu nhân cố danh họa Bùi Xuân Phái gặp gỡ cụ Nguyễn Bá Đạm. Ảnh: Hòa Nguyễn

Bình dị mà cao quý

Cụ Đạm sinh năm 1922 ở Làng Mọc, Giáp Nhất (Hà Nội) nguyên là giáo viên dạy sử trường Phan Đình Phùng. Cụ được mọi người mặc nhiên coi là người bạn tri kỷ nhất của họa sĩ Bùi Xuân Phái và là bạn tâm giao của 3 danh họa khác trong bộ tứ huyền thoại này là các họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng. Cụ cũng thân như anh em một nhà với nhà văn Nguyễn Tuân, cũng là "người mẫu" của danh họa Bùi Xuân Phái nhiều nhất với 242 ký họa chân dung.

Thời chiến tranh, nhà giáo Nguyễn Bá Đạm sơ tán đi nhiều nơi, nhiều lần định “bỏ Hà Nội”. Nhưng, như lời cụ, "vì tôi không muốn xa cái cuống rốn của mình nên bám trụ lại, dù rất vất vả khó khăn.

Chú thích ảnh
Cụ Nguyễn Bá Đạm

Ở lại làng, cụ Đạm đã tiên phong trong việc vận động từ chính quyền đến người dân xây dựng lại làng Mọc. Bắt đầu từ đường sá, nhà cửa cho người dân, đến việc dựng lại đình, chùa, phục dựng lại các lễ hội, các nghi thức văn hóa truyền thống của làng...

Từ năm 1960 -1972, cụ đã cắt hàng trăm mét đất của gia đình cho Trường Tiểu học Nhân Chính mượn để cất lớp, xây trường, giúp sự học của các em học sinh không bị gián đoạn, không vì chiến tranh mà “không biết mặt chữ”. Trong giai đoạn 12 năm “nhà là trường, trường là nhà” ấy, cụ cũng liên tục có những “lớp ngoại khóa” về lịch sử, văn hóa của mảnh đất kinh kỳ với một mong muốn giản dị nhưng vô cùng cao quý: “Mong các cháu sẽ là những mẫu người văn hóa, những hạt nhân văn hóa, dù học tập, làm việc hay ứng xử hàng ngày cũng phải rất văn hóa và lớn hơn là sau này trở thành nguồn lực văn hóa cho Thủ đô...”.  

Chú thích ảnh
Họa sĩ Bùi Xuân Phái (trái) và Nguyễn Bá Đạm ngày trước

Ngoài dạy học, cụ Nguyễn Bá Đạm còn đam mê sưu tầm cổ vật, nhiều nhất là tiền cổ, được mệnh danh là “kỳ nhân tiền cổ Hà thành”. Nhưng ngoài tiền cổ, cụ Đạm còn sưu tầm những kỷ vật về các văn nghệ sĩ.

Năm 1995, nhân dịp khánh thành Nhà lưu niệm Vũ Trọng Phụng (làng Nhân Chính, huyện Từ Liêm, Hà Nội) cụ Nguyễn Bá Đạm đã trao lại các kỷ vật liên quan đến nhà văn họ Vũ cho bà Vũ Mị Hằng – con ruột duy nhất của nhà văn Vũ Trọng Phụng để lưu giữ tại Nhà lưu niệm. Đó là thẻ nhà báo, sổ tay, giấy khai sinh và các ảnh chụp của nhà văn với bạn bè; các tác phẩm của ông được in qua các thời kỳ, các bài văn, bài báo viết về nhà văn họ Vũ...

Viết mãi về Hà Nội

Đến nay, mặc dù tuổi đã cao (96 tuổi) nhưng cụ Nguyễn Bá Đạm vẫn mẫn tiệp, sáng 5h thức dậy tập thể dục, đọc báo rồi viết. Vì cụ không biết sử dụng vi tính, lại không muốn phiền các con, cháu nên cứ khoảng hai ngày một lần, người dân ở ngõ 213 Giáp Nhất lại thấy một ông cụ tóc bạc trắng, lưng đã còng, cắp nách một tệp bản thảo chầm chậm ra quán internet đầu ngõ thuê đánh bản thảo, xong thì bỏ phong bì thuê xe ôm “ship” đến các tòa soạn báo. Mỗi tháng nhiều thì 8 -10 bài, ít cũng 3-5 bài, tiền nhuận bút dù không “rủng rỉnh” nhưng cũng đủ cho cụ không thiếu trà để uống, chút mứt gừng để ngậm mỗi khi nhạt mồm lúc ngồi vào bàn viết.

Chú thích ảnh
Bìa hai cuốn sách của Nguyễn Bá Đạm, trong đó, bìa cuốn "Hà Nội những câu chuyện kể từ cuối TK 19- 20" là ký họa chân dung Nguyễn Bá Đạm do họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ

Từ ngày nghỉ hưu đến nay (gần 40 năm) cụ Đạm dù không còn sung sức như trước nhưng vẫn đều đặn viết và chỉ viết về Hà Nội cho một số báo.

Đến nay, cụ đã in được 2 cuốn, được bạn đọc và giới khảo cứu về Hà Nội rất thích vì lối viết đơn giản, ngắn gọn nhưng lại rất nhiều chuyện về Thủ đô ít người được biết. Ví như cụ viết về các nghĩa địa Hà Nội trước đây, thoạt tưởng mang màu sắc kinh dị, nhưng đọc xong lại thấy màu sắc văn hóa thấm đẫm từng trang viết. Đó là những câu chuyện được kể rất hấp dẫn, về việc kiến trúc của nghĩa địa của người Pháp, người Hoa, người Việt có gì khác nhau, mỗi nghĩa địa có nhân vật nào nổi tiếng được an táng ở đó...

Hay như cuốn Thuở ấy Hà Nội và cuốn Hà Nội những câu chuyện kể từ cuối TK19-20. Đó là những cuốn sách đã dựng lại bộ "phim ký sự" về Hà Nội thế kỷ XX với một tình cảm thân thiết trìu mến. Ở đó, có những việc nhỏ nhặt nhưng thú vị như cách quảng cáo một tối hát tuồng, lối bán dầu tây, bán nước mắm rong... Rồi chuyện về những người từng một thời là nhân vật nổi tiếng của Hà Nội như: Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Tố, Bạch Thái Bưởi, Cô Tư Hồng... Đó là những trang ghi lại khá sinh động, cảm động về các sự kiện, mà tác giả từng tham gia như đám cưới, đám ma Vũ Trọng Phụng, kỷ niệm sâu sắc với nhà văn Nguyễn Tuân, với danh họa Bùi Xuân Phái...

Chú thích ảnh
Từ trái qua phải: Trần Thịnh, Thái Bá Vân, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Bá Đạm

Rồi một loạt thứ "nhà" của Hà Nội một thời: Nhà thờ lớn, nhà Hát lớn, nhà Hỏa lò, nhà Đấu xảo, nhà Bác cổ, nhà Dây thép gió (vô tuyến điện)... cũng được tác giả nhắc tới, giúp bạn đọc hiểu thêm về diện mạo đô thị một thời chưa xa lắm.

Vốn gốc Kẻ Mọc nên những mục Làng Mọc, Hội Mọc, Quận Thanh Xuân là những ghi chép rất thực, rất chính xác của cụ về dải đất ven đô này. Có thể nói, hễ ai muốn khảo về vùng Mọc thì trước hết hãy đọc những mục trên. Và, bởi tác giả là một nhà sưu tầm tiền cổ lâu đời nên những trang viết về "Tiền Việt Nam" có thể coi là một luận văn chuyên khảo công phu về đề tài này.

Hiện nay, cụ Nguyễn Bá Đạm đang gấp rút hoàn thiện bản thảo tập Hà Nội xưa kia, dự kiến sẽ ra mắt bạn đọc vào cuối năm nay. Không dừng lại ở đó, cụ dự định vào giữa năm sau sẽ in một cuốn, tạm gọi Những chuyện chưa kể về các danh họa Hà Nội trong đó tập trung bút lực cho bộ tứ huyền thoại Nghiêm, Liên, Sáng, Phái...

"Bốn họa sĩ sinh thời tôi may mắn được họ tâm sự rất nhiều chuyện, đến giờ tôi vẫn để nó trong này”, cụ Đạm vừa nói vừa nhấp nhấp ngón tay lên đỉnh đầu mình. “Chuyện đời, chuyện nghề, chuyện yêu... có cả. Nhưng tôi chỉ kể lại những trăn trở, những suy nghĩ, quan điểm của họ về văn hóa, văn nghệ thôi. Vì câu chuyện về văn hóa văn nghệ là mối quan tâm dường như là lớn nhất của họ nhưng họ chưa có dịp để bày tỏ, thì nay tôi mạo muội được gián tiếp làm việc ấy, để mọi người hiểu thêm về họ, về một giai đoạn văn hóa, văn nghệ của chúng ta, trong đó có văn hóa, văn nghệ của Thủ đô thời các cụ đã sống và cống hiến”.

Góp phần dựng lại một diện mạo Hà Nội xưa

“Thiên niên cự thất thành quan đạo/ Nhất phiến tân thành một cố cung (Cung điện nghìn năm thành đường cái/ Một tòa thành mới, mất cung xưa) – Nguyễn Du).

Chú thích ảnh
Cụ Nguyễn Bá Đạm chụp ảnh kỷ niệm với phu nhân họa sĩ Bùi Xuân Phái trong chuyến thăm gia đình mới đây

Ông Nguyễn Bá Đạm, có thể không phải là người trực tiếp trải nghiệm những đổi thay, mất mát của Hà Nội đầu thế kỷ 20 nhưng ông là người có con mắt và tâm trạng của Nguyễn Du. Hơn nữa, trải qua gần 1 thế kỷ dâu bể, Hà Nội ngày nay đã thay đổi rất nhiều. Nhiều phong tục tập quán, ngôi nhà, pho tượng... giờ đây không còn nữa. Bằng ký ức, kỷ niệm ấu thời, kỷ niệm của những người thân, bằng tư liệu báo chí, sách vở ông đã ghi chép lại những tích xưa nay không còn nữa, góp phần dựng lại một diện mạo Hà Nội xưa” - Nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy.

 

DANH SÁCH ĐỀ CỬ GIẢI BÙI XUÂN PHÁI - VÌ TÌNH YÊU HÀ NỘI 2018

Giải thưởng Lớn

- Ông Nguyễn Bá Đạm với những cống hiến thầm lặng suốt đời cho văn hóa, lối sống Hà Nội.

Giải Tác phẩm

1. Tập thơ Ta còn em của nhà thơ Phan Vũ. (Đoạt giải)

2. Phim Mon Hanoi (Hà Nội của tôi) của cựu Đại sứ Pháp tại Việt Nam Jean Noel Poirier. (Đoạt giải)

3. Cuốn sách Văn nghệ Hà Nội những năm 1947-1954 của Lê Văn Ba.

4. Cuốn sách tranh Lặng phố của họa sĩ Phạm Bình Chương và nhà văn Lê Nguyễn Nhật Linh.

Giải Ý tưởng

1. Đề xuất bảo tồn và phát huy di chỉ Vườn Chuối của PGS Nguyễn Văn Huy và các nhà khoa học. (Đoạt giải)

2. Dự án “Thí điểm mô hình mới tại một khối nhà đơn” của ông Martin Rama.

3. Ý tưởng thành lập Bảo tàng Hồ Gươm của KTS Hoàng Thúc Hào.

Giải Việc làm

1. Việc xây dựng “phố bích họa” Phùng Hưng do UBND quận Hoàn Kiếm, Korea Foundation và UN-Habitat phối hợp thực hiện trong khuôn khổ Dự án hợp tác chung Việt Nam - Hàn Quốc mang tên “Nghệ thuật cho một không gian sống tốt đẹp hơn”. (Đoạt giải)

2. Việc hiến tặng 2 mỏ neo cổ nhiều giá trị cho bảo tàng của ông Quách Văn Địch. (Đoạt giải)

3. Việc thành lập tủ sách “Hà Nội trong mắt một người”, mở đầu bằng 4 cuốn sách của nhà văn Đỗ Phấn, của NXB Trẻ.

4. Tour tham quan Hà Nội bằng xe buýt 2 tầng của Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco).

Phạm Huy

Sách tranh 'Lặng phố': Một 'Bùi Xuân Phái' giữa phố cổ Hà Nội thời nay

Sách tranh 'Lặng phố': Một 'Bùi Xuân Phái' giữa phố cổ Hà Nội thời nay

"Lặng phố" - tác phẩm nghệ thuật giới hạn số lượng bản in về Hà Nội - ra mắt công chúng vào tháng 2/2018 là sự kết hợp giữa họa sỹ 7x Phạm Bình Chương và nữ nhà văn 9x Lê Nguyễn Nhật Linh.

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›