Trong hàng ngàn bức ảnh có giá trị nghệ thuật cao chụp về Hà Nội của nhà nhiếp ảnh Quang Phùng không thể không nhắc đến những bức ảnh chụp bộ đội ta về tiếp quản Thủ đô tháng 10/1954.
Với tôi, đó là những thời khắc lịch sử không thể nào quên. Chỉ tiếc là khi ấy, tôi chỉ được giao 10 cuộn phim nên chụp chưa đến hai ngày đã hết béng. Vì thế, cũng có nhiều khoảnh khắc tuột mất. Nhiều khi nhớ lại vẫn thây tiếc…" - nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng nhớ lại.
Sau năm 1954, nhà nhiếp ảnh Quang Phùng còn chụp về Chiến dịch "Điện Biên phủ trên không" tháng 12/1972 của quân dân Thủ đô. Trước đó, vào tháng 7/1972, ông là một trong số các nghệ sĩ chụp các phóng sự ảnh về Jane Fonda, ngôi sao điện ảnh Mỹ, khi bà đến thăm Hà Nội.
Cho đến bây giờ, khi đã ở tuổi ngoài 90, nhà nhiếp ảnh Quang Phùng vẫn miệt mài sáng tác, lặng lẽ ghi vào ống kính những khoảnh khắc đẹp nhất, đời thường nhất và bình dị nhất của cuộc sống.
Ông dành hàng chục năm để thực hiện nhiều bộ ảnh Hồ Gươm, phố cổ Hà Nội, nhằm ghi lại sự biến đổi nhanh chóng của Hà Nội từ cảnh quan, kiến trúc, đến lối sống của người Hà thành qua nhiều cung bậc thời gian. Gia tài ảnh của ông có nhiều những bộ ảnh lớn như: "Hà Nội, 36 phố phường" với 5.000 ảnh chọn lọc trong 20 năm; "Ma túy tuổi học trò" với 1.000 ảnh chọn lọc trong 10 năm; "Hàng rong Hà Nội" với 5.000 ảnh chọn lọc trong 15 năm; "Nghị quyết Đảng đi vào đời sống" với 500 ảnh chọn lọc trong 7 năm...
Thấm thoắt đã 1 thập kỷ trôi qua, từ khi ông vinh dự được trao Giải thưởng Lớn của Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội của báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) lần 6 - năm 2013. Tôi hỏi thăm dò: "Cụ là một biểu tượng "vì tình yêu Hà Nội" vì đã bền bỉ cả đời ghi lại những khoảnh khắc lịch sử của Hà Nội hay những cảnh sống đời thường của Thủ đô bằng nhiếp ảnh, vậy cụ có lo "biểu tượng thất truyền"? Nhiếp ảnh gia Quang Phùng lạc quan đáp ngay: "Không! Biểu tượng này mất đi, biểu tượng khác sẽ xuất hiện. Cứ yên tâm!"
Ông chứng minh, trước đây có rất nhiều biểu tượng "vì tình yêu Hà Nội" mà ông biết như Bùi Xuân Phái, Văn Cao, Nguyễn Tuân… Chính tình yêu Hà Nội một cách thầm lặng, chủ yếu là thông qua tác phẩm của họ đã truyền cảm hứng cho ông và nguồn cảm hứng ấy vẫn còn nguyên vẹn cho đến bây giờ. "Họ vẽ, viết về Hà Nội thì tôi chụp về Hà Nội. Các vị ấy đều đã thiên thu hết rồi, nhưng tôi còn sống ngày nào thì còn nuôi dưỡng nguồn cảm hứng ấy và bằng cách ấy thôi!" - ông nói.
"Thời xưa, chúng tôi muốn thể hiện tình yêu với Hà Nội vất vả lắm, thiếu thốn đủ đường! Thời bây giờ, qua báo, đài tôi biết có rất nhiều người còn rất trẻ, nhưng có tình yêu rất lớn đối với Thủ đô. Nhờ có công nghệ hiện đại, nhiều người thể hiện tình yêu với Hà Nội một cách dễ dàng hơn, nhanh chóng hơn, bằng nhiều cách hơn. Ví như chụp ảnh thì đã có máy ảnh kỹ thuật số. Muốn nghiên cứu về Hà Nội ngoài thư viện đã có internet, muốn viết một cuốn sách đã có máy vi tính, không phải viết tay hay lạch cạnh máy chữ như xưa nữa… Từ ngày báo Thể thao và Văn hóa có giải thưởng mang tên danh họa Bùi Xuân Phái, mà tôi từng được nhận, rất nhiều tác giả, tác phẩm, ý tưởng, việc làm, trong đó có không ít người nước ngoài, đã được phát hiện, tôn vinh, qua đó tiếp tục truyền cảm hứng cho thế hệ tiếp theo" - ông nói thêm.
Nhà nhiếp ảnh Quang Phùng bấm đốt ngón tay: "Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội được 16 mùa rồi nhỉ. Tôi tin là có hàng trăm, hàng nghìn mùa giải nữa thì cái mạch nguồn vô cùng dồi dào với những tác giả, tác phẩm, ý tưởng, việc làm cho Hà Nội theo nhiều cách khác nhau sẽ còn được phát hiện và tôn vinh. Đã không yêu Hà Nội thì thôi. Khi đã yêu rồi thì nó sẽ là động lực thôi thúc con người ta sống, sáng tạo và hành động! Sống, sáng tạo và hành động vì tình yêu Hà Nội.
Tags