(Thethaovanhoa.vn) - Cuốn sách nghiên cứu - phê bình 101 bộ phim Việt Nam hay nhất của nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm sắp phát hành là một cuộc soi rọi lại những bộ phim tạo được dấu ấn trong lịch sử phim Việt.
Lê Hồng Lâm (sinh 1977, tốt nghiệp khoa Báo chí, ĐH KHXH&NV Hà Nội) hiện là cây bút phê bình phim tự do. Về điện ảnh, anh là tác giả của 5 cuốn sách: Xem chữ, đọc hình (2005), Chơi cùng cấu trúc (2009), Cánh chim trong gió (2016), Sự lưỡng nan của tình thế làm người (2018), 101 bộ phim Việt Nam hay nhất (2018). Lê Hồng Lâm trò chuyện cùng báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) nhân cuốn sách quan trọng sắp phát hành.
101 vẻ đẹp tâm hồn người Việt
* Với khoảng 30 năm mê phim Việt, bộ phim Việt “cổ xưa” nhất và “cập nhật” nhất mà anh đưa vào sách này là các phim nào? Tại sao thế?
- Bộ phim cũ nhất trong danh sách phim này là Kiếp hoa, do Hãng phim Kim Chung (vốn là một đoàn cải lương nổi tiếng của Hà Nội) sản xuất năm 1953 và bộ phim cập nhật nhất (tính đến tháng 8/2018) là Song lang của đạo diễn Leon Lê. Và giữa hai bộ phim này là 99 bộ phim khác, trải dài từ những năm 1950 cho đến thời điểm hiện tại.
Lý do đơn giản: Chúng là những bộ phim hay theo tiêu chí mà cuốn sách đặt ra. Đó là những tác phẩm đề cao giá trị văn hóa và con người Việt Nam ở các thời kỳ khác nhau, tất nhiên, chúng phải đáp ứng được những tiêu chí của một bộ phim điện ảnh hoàn chỉnh.
Ví dụ như Kiếp hoa chẳng hạn. Trong thời điểm điện ảnh còn sơ khai, phim này dài tới 106 phút, thậm chí còn dài hơn nhiều bộ phim điện ảnh Việt Nam chiếu rạp bây giờ (thường giới hạn trên dưới 90 phút để dễ bán vé). Dù còn nhiều hơi hướng của lối diễn xuất ước lệ sân khấu, nhưng lại có bố cục, cấu tứ của một bộ phim truyện chặt chẽ; kịch bản có nhiều thắt mở nút, tạo cao trào, kịch tính; mở và kết bộ phim theo một vòng tròn khép kín.
Sau 55 năm kể từ khi bộ phim ra đời, xem lại Kiếp hoa tôi vẫn khá ngạc nhiên vì cách dàn dựng chuyên nghiệp và đặc biệt là không khí thanh lịch, trang nhã của người Hà Nội thời ấy. Có thể nói Kiếp hoa xứng đáng được xem là bộ phim đầu tiên trong 101 bộ phim hay của điện ảnh Việt Nam.
* Điều khó nhất của sách này là lượt bỏ bớt để còn lại 101 phim, hay phải cố “gạn đục khơi trong” để có cho đủ 101 phim?
- Dựa theo những tiêu chí và thang điểm cá nhân (từ 6,5 điểm đến 8,5/10 điểm), việc lựa chọn danh sách 101 bộ phim này không đến mức khó khăn. Khái niệm “hay nhất” ở đây là trong phạm vi điện ảnh Việt Nam và có ý nghĩa tương đối, mang tính chủ quan của người tuyển chọn.
Tuy nhiên, trong 7 thập niên với hơn 1.000 bộ phim (tạm tính) mà điện ảnh Việt Nam đã sản xuất, con số 101 phim theo tôi là vừa phải, không đến mức phải “lược bớt”, nhưng cũng không phải “gạn đục khơi trong”.
Có nhiều phim đã từng được đánh giá tốt và có nhiều thành tựu trước đây, nhưng bây giờ không còn thấy hay nữa vì tính tuyên truyền quá lộ liễu, dòng phim đó tôi gọi là phim của một thời, nhưng nó vẫn có giá trị nhất định về mặt lịch sử. Có nhiều phim hay và bây giờ xem lại vẫn rất hay, có thể nói là “hoàn chỉnh” về mặt ngôn ngữ điện ảnh và nghệ thuật kể chuyện, cũng như tính tư tưởng, số đó gọi là kinh điển, tôi nghĩ nó sẽ còn tồn tại, đáng được ghi nhớ trong nhiều năm nữa.
Một số phim khác gần đây chủ yếu là dòng phim giải trí được thực hiện chỉn chu và mang một vài thông điệp tích cực nào đó về cuộc sống và con người đương đại Việt Nam.
Đang có một thế hệ điện ảnh mới
* Nếu phải chọn 5 phim, hoặc 10 phim Việt theo anh là hay nhất, anh sẽ chọn những phim nào?
- Nếu phải chọn 10 bộ phim điện ảnh Việt Nam hay nhất, có thể xem như một tuyển chọn tinh hoa để giới thiệu với thế giới, theo tôi, đó là: Bao giờ cho đến tháng Mười, Cánh đồng hoang, Mùi đu đủ xanh, Xích lô, Thương nhớ đồng quê, Mùa len trâu, Mùa ổi, Ba mùa, Đời cát, Bi, đừng sợ!.
* Trong đây có những phim Việt nào tiệm cận được trình độ kỹ thuật hoặc thẩm mỹ của phim hay quốc tế chưa? Cho xin một phân tích ngắn vì sao?
- 10 bộ phim tôi kể tên ở trên là những phim đoạt các giải thưởng điện ảnh quan trọng tại một số LHP quốc tế hay các cuộc bình chọn uy tín của thế giới nên tôi nghĩ chúng đã tiệm cận với trình độ kỹ thuật hoặc thẩm mỹ của điện ảnh thế giới.
Nhưng quan trọng hơn, xem những bộ phim này, ta thấy chân dung của con người và văn hóa Việt Nam hiện lên rõ nét và không trộn lẫn với bất cứ một nền văn hóa nào khác. Những giá trị cốt lõi của tinh thần Việt Nam mà các bộ phim này chạm được, tôi nghĩ còn quan trọng hơn kỹ thuật, bởi kỹ thuật chỉ là một phương tiện biểu đạt cho điều cốt lõi này mà thôi.
* Từ cái nhìn vừa bao quát vừa cụ thể như vậy, theo anh thì những đặc trưng chung về ngôn ngữ, tư duy hoặc tư tưởng của phim Việt là gì?
- Thật khó để đánh giá những đặc trưng chung về ngôn ngữ, tư duy hoặc tư tưởng của phim Việt trong một câu trả lời, theo tôi đây là đề tài cho cả một tác phẩm phân tích, khảo cứu có tính chuyên môn sâu.
Tuy nhiên, sau ba năm ngồi xem lại những bộ phim Việt Nam tiêu biểu trong suốt hơn 7 thập niên, tôi như được nhìn thấy một “biên niên sử” của Việt Nam bằng điện ảnh, mà ở đó, ta thấy được những biến động và bình lặng, những chia cắt và hòa hợp, vết thương và hàn gắn, khổ đau và hạnh phúc, tan vỡ và hồi sinh, nước mắt và nụ cười, ra đi và trở về... của người Việt Nam trong gần một thế kỷ qua và những năm gần đây. Ở đó, ta thấy được chân dung của những người phụ nữ, những người đàn ông, những đứa trẻ Việt Nam với ánh mắt sầu muộn và xa xăm, nhưng vẫn ánh lên niềm hy vọng. Giống như triết lý của đạo diễn Tony Bùi trong phim Ba mùa: “Mùa hy vọng phải chăng mới thực sự là mùa chính ở Việt Nam?”.
* Từ đặc trưng vừa nêu, triển vọng cất cánh và bay xa của phim Việt có không?
- Theo dõi điện ảnh Việt Nam trong một thời gian dài, tôi nhận thấy một điều là điện ảnh Việt Nam gần như không có giai đoạn nào thực sự “cất cánh và bay cao” cả. Nhưng thời nào cũng vậy, giữa hàng loạt những bộ phim tầm thường, vẫn có những bộ phim khiến ta lay động và có niềm tin rằng, những tài năng của điện ảnh Việt Nam dù ít, nhưng luôn luôn hiện hữu. Vì vậy, tôi hiếm khi thấy bi quan về điện ảnh Việt.
Tôi không hy vọng một cuộc “cánh cánh và bay cao”, nhưng tôi đang cảm nhận có một thế hệ điện ảnh mới đang dần dần hình thành và vươn ra thế giới. Tất nhiên, sức ảnh hưởng của họ đến đâu thì phải chờ thời gian trả lời.
Tiêu chí để chọn phim hay cho sách Tiêu chí ngắn gọn nhất của tôi khi lựa chọn 101 bộ phim cho cuốn sách 101 bộ phim Việt Nam hay nhất là những bộ phim nói về vẻ đẹp tâm hồn của người Việt Nam, vẻ đẹp của văn hóa, ngôn ngữ Việt Nam bằng điện ảnh và phải do nghệ sĩ Việt Nam (hoặc gốc Việt) sáng tạo. |
Văn Bảy (thực hiện)
Tags