Nhà phố bỗng dưng thành... hầm

Thứ Năm, 07/07/2016 07:21 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Như những gì đang diễn ra ở trục đường Ô Đống Mác – Nguyễn Khoái, người dân sống tại đây sẽ có nhiều điều để lo lắng.

Bởi hiện tại, khi đường vành đai Ô Đống Mác – Nguyễn Khoái sắp hoàn thành, hàng chục ngôi nhà hai bên đường lại đang nằm… thấp hơn khoảng 2m so với mặt đường chính. Thậm chí, như những bức ảnh được chụp lại, có tới cả chục ngôi nhà nằm lọt thỏm khoảng 4 mét so với mặt đường. Tức là, đi trên đường chính, bạn quay sang và sẽ nhìn thấy… tầng 2 của ngôi nhà đang nằm bên cạnh.

Lý do của sự trớ trêu này rất đơn giản: trục phố Ô Đống Mác được mở rộng dựa trên nền con đê Trần Khắc Chân cũ. Và theo lịch sử, con đê này được đắp cao hẳn so với cốt nền. Một phần mặt đê đã trở thành đường, trong khi nhà cửa xung quanh phạm vi đê chỉ được xây dựng trên nền đất thấp.


Một ngõ đi chung được xây dựng lại cho người dân sống dưới chân đê Trần Khát Chân. Ảnh: Kinhtedothi.vn

Cũng cần nói thêm: trước khi đường Ô Đống Mác được mở rộng theo quy hoạch (từ 10 mét lên gần 50 mét), các hộ dân ở mặt đường cũng đã sống trong tình trạng có nền nhà thấp hơn.

Chỉ có điều, theo thời gian, rất nhiều con dốc “tự phát” đã được hình thành, để làm cầu nối thoai thoải giữa mặt đường và lối lên xuống của các ngôi nhà. Còn bây giờ, khi giải phóng mặt bằng để mở rộng đường, những con dốc này gần như đều mất đi theo quy hoạch. Bởi thế, nhìn những bức ảnh được cộng đồng mạng chia sẻ, người ta có thể bắt gặp cảnh các hộ dân hì hục… tự xếp bao tải gạch đá làm đường lên xuống theo kiểu “dã chiến”.

Nhưng, nếu nhìn ở nửa kia của câu chuyện, có lẽ chúng ta cũng không nên bi quan hộ chủ nhân của những ngôi nhà này. Bởi, từ vị trí cách mặt đường vài chục mét so với chỉ vài năm trước, họ bỗng nhiên sở hữu những ngôi nhà mặt phố.

Những ai đang sống tại Hà Nội hẳn đều hiểu rõ vì sao người ta hay dùng từ “đổi đời” cho những trường hợp như vậy. Không gian thoáng đãng hơn, chưa đủ. Ra vào thuận lợi hơn cũng chưa đủ (nhất là trong trường hợp này). “Đổi đời” ở đây phải gắn với câu chuyện của việc giá trị ngôi nhà bỗng tăng lên nhiều lần so với trước, dù là để cho thuê hay nhượng hẳn quyền sở hữu.

Vậy, đâu mới là người thật sự thiệt thòi trong câu chuyện này? Câu trả lời khá đơn giản: chính là… Nhà nước, khi mà việc mở rộng con đường này đã khiến ngân sách mất đi hơn 1.100 tỷ đồng. Và nếu nhìn rộng ra, đây không phải là lần đầu, chúng ta xót xa trước những đoạn đường nghìn tỷ như vậy.

Đã rất nhiều lần, các chuyên gia quy hoạch “mỏi miệng” về những nhược điểm hiện hữu trong cách giải phóng mặt bằng tại Hà Nội. Theo đó, thay vì giải tỏa thêm 50 mét vào mỗi bên đường so với diện tích quy hoạch, chúng ta vẫn chỉ giải tỏa một không gian đúng bằng lòng đường. Để rồi, sau khi hoàn thành, các hộ dân 2 bên đường nghiễm nhiên là người hưởng lợi.

Trong khi đó, với mô hình “giải tỏa sâu”, khoảng đất trống sau khi hoàn thành con đường sẽ tăng vọt về giá trị và được sử dụng để xây các khu tái định cư, hoặc bán đấu giá thu hồi vốn. Thậm chí, ngoài góc độ kinh tế, việc quản lý kiến trúc, xây dựng hạ tầng… của các công trình 2 bên đường cũng được đề ra ngay từ đầu, nghĩa là không có những câu chuyện bất cập như đang diễn ra ở đường Ô Đống Mác.

Đà Nẵng và một vài địa phương cũng đã thực hiện khá thành công mô hình ấy. Còn với Hà Nội, nơi đất mặt tiền có giá trị như vàng, câu chuyện tất nhiên sẽ phức tạp hơn nhiều. Nhưng, cũng đừng vì vậy mà chúng ta không cố gắng, để rồi tiếp tục tốn ngân sách cho những con đường nghìn tỷ, cũng như phải giải quyết những vấn đề về thiếu đồng bộ hạ tầng như đang diễn ra.

Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›