(Thethaovanhoa.vn) - “Tôi đồng ý rằng năm vừa rồi, Việt Nam có những mất mát rất đáng kể cả về tiền bạc, con người và cơ hội. Nhưng, nếu bình tĩnh và nhìn mọi thứ bằng con mắt tích cực, đây là một trải nghiệm mà chúng ta đang vượt qua để trưởng thành trong cuộc hội nhập lớn của lịch sử hiện đại” - nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam, chia sẻ.
Trước thềm năm Nhâm Dần, Thể thao và Văn hóa (TTXVN) đã có cuộc trò chuyện với ông Quốc về những vấn đề nổi bật trong năm qua.
Cùng thế giới vượt lên từ “cú hích” dịch bệnh
Ông nói:
- Nhìn lại quá khứ, thế giới đã từng trải qua những câu chuyện thế này, với những trang sử đầy u ám về bệnh dịch. Để rồi, sau mỗi u ám ấy, đại dịch lại là cú hích để nhân loại có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Đơn cử, sau những trận dịch hạch kinh hoàng tại châu Âu vài thế kỷ trước, người ta đã hiểu rằng lao động không thể phát triển dựa trên sức vóc cơ bắp của con người nữa, và cuộc cách mạng công nghiệp với cơ khí, điện khí hóa được mở ra.
Như thế, với bệnh dịch, con người phải tự học cách sáng suốt hơn, thông minh hơn để tiến tới văn minh và vượt qua trở ngại. Khi mà đang cùng thế giới đứng chung một chiến hào để đối mặt cùng dịch bệnh, chúng ta cũng đang phải tự vượt lên mình - và trước hết là tự hiểu ở cả góc độ thất bại lẫn thành công.
* Cụ thể, câu chuyện tự hiểu và tự vượt lên mình của Việt Nam nên được nhìn thế nào, theo ông?
- Tôi sẽ lấy ví dụ ngay từ chuyện chống dịch. Rõ ràng, khi thoát khỏi cách suy nghĩ “zero covid” ban đầu, chúng ta đã thoải mái và chủ động hơn trong việc vừa chống dịch, vừa đảm bảo vận hành cuộc sống như bình thường. Điều này phù hợp với xu thế sống chung với dịch trên thế giới, khi bản thân mỗi người phải lấy việc tự giữ gìn và bảo vệ bản thân là quan trọng nhất, thay vì trông chờ hết vào sự gánh vác của xã hội.
Thực tế, thời kì cao điểm của dịch, tôi cũng đã nói với những người có trách nhiệm của Hà Nội: Nếu ta coi chống dịch như chống giặc thì nguyên tắc đầu tiên phải là không sợ giặc đã. Giống như trong lịch sử, người Việt Nam chưa bao giờ phải gắng tiêu diệt tới kẻ địch cuối cùng - mà thay vào đó là bẻ gãy ý chí của giặc và từng bước phát triển, tăng cường sức đề kháng của chính chúng ta. Chống dịch cũng vậy, áp dụng những biện pháp quá cực đoan cũng là một cách triệt tiêu tất cả năng lực và sáng kiến của người dân, thậm chí vô hình tạo điều kiện cho sự quan liêu, cửa quyền.
Đấy là bài học trực tiếp về nhận thức mà dịch bệnh mang lại cho chúng ta. Còn rộng hơn trong lối sống và nếp sống, Việt Nam cũng đang thay đổi rất nhiều.
* Hẳn, ông muốn nói tới sự chuyển đổi từ “ offline” sang “online” trong thời gian qua?
- Thắng thắn, trước đây, chúng ta cũng nhắc tới cuộc cách mạng 4.0 nhưng vẫn có chút gì thụ động và chậm chạp. Còn bây giờ, khi mỗi gia đình và cá nhân đều phải nhập cuộc để tự thích ứng trong dịch, những gì diễn ra không chỉ là giải pháp ứng phó với tình huống trước mắt, mà hoàn toàn có thể biến thành một xu thế phát triển đường dài.
Chẳng hạn, từ lâu ta vẫn cổ vũ cho xu hướng thanh toán online để thu hẹp và hạn chế việc sử dụng tiền mặt. Thời điểm này, với nhu cầu giữ an toàn cho mình, người dân đã phần nào tiếp cận rộng với thanh toán điện tử. Vậy, đó là cơ hội tốt cho những chính sách, chế độ để khích lệ, thậm chí là giám sát, nhằm đưa điều này trở thành một thói quen bình thường sau dịch.
Hoặc, khi việc học online vẫn là một giải pháp tùy thuộc từng trường học và địa phương, ngành giáo dục hoàn toàn có thể chỉ đạo xây dựng một chương trình dạy online chuẩn mực để tham khảo các bài giảng mẫu trong bối cảnh chúng ta đang thay đổi, cải tiến chương trình dạy học.
Đó chỉ là những ví dụ cụ thể. Còn rộng hơn, tôi tin rằng dịch bệnh đang làm chúng ta sống chậm và có hiệu quả hơn, sau một thời gian rất dài bị triền miên hút theo cách sống nhanh, “mì ăn liền”. Thách thức lớn, nhưng cũng mở ra cơ hội không dễ gặp để chúng ta thay đổi tư duy, thay đổi lối sống và hướng tới sự phát triển bền vững trong xu thế thay đổi của thế giới.
Tự hiểu mình để tìm nguồn lực từ văn hóa truyền thống
* Chúng ta sẽ cùng nói về đời sống văn hóa trong năm 2021. Và, cột mốc nổi bật của năm nay chính là Hội nghị văn hóa toàn quốc diễn ra hôm 24/11/2021 - tròn 75 năm kể từ lần tổ chức đầu tiên. Ông đánh giá thế nào về sự kiện này?
- Thật ra, những nội dung được đề cập tới ở Hội nghị này không quá mới. Trong quá khứ, chúng ta đã nói rất nhiều về vai trò đặc biệt của văn hóa, về việc văn hóa cần được đặt ở vị trí ngang bằng với kinh tế, chính trị - mà điển hình là lời khẳng định “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” từ 76 năm trước. Thế nhưng, nhận thức ấy lại chưa đi vào đời sống, văn hóa của Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm lực kinh tế đang phát triển của đất nước vì nhiều lý do khác nhau.
Bởi thế, tôi muốn nhìn Hội nghị văn hóa toàn quốc như sự quyết tâm và nhất trí về nhận thức ở bối cảnh mọi thứ đã chín muồi, để từ đó mở ra những hướng tổ chức thực hiện và tạo được sự thay đổi tích cực trong thực tiễn đời sống. Vẫn phải nói lại, đại dịch Covid-19 vừa qua là thời điểm bộc lộ nhiều mặt tốt và cả mặt xấu của xã hội. Nó đòi hỏi chúng ta cần điều chỉnh, thậm chí xây dựng những chuẩn giá trị mới về văn hóa, thay cho những gì thiếu hiệu quả hoặc tự phát.
* Xin được lấy ví dụ ngay từ cuộc tranh luận vừa qua về khẩu ngữ “Tiên học lễ, hậu học văn”. Theo ông, đó là phải là một tín hiệu tích cực khi ta đặt ra vấn đề nhìn lại truyền thống - thậm chí là thay đổi nếu cần?
- Với tôi, không có gì sai trong cuộc tranh luận ấy, ở cả góc độ bỏ đi hoặc giữ lại. Bởi, “lễ” ở đây chỉ là một chữ, và chúng ta đang cùng nhau xác định lại nội hàm của nó. Thậm chí, chữ “văn” trong khẩu ngữ ấy cũng có thể được xem lại: Trong xã hội bây giờ, có phải cái gì cũng cần học? Có phải chúng ta đều phải đi theo con đường học hành kinh viện, hay sẽ là thực tế hơn nếu ưu tiên trang bị những kĩ năng giúp mỗi người đủ sức tồn tại, đóng góp cho xã hội và mưu cầu hạnh phúc cho mình?
Việc xưng tụng theo thói quen về một khái niệm mù mờ đang được thay đổi. Bởi điều ấy đang được đặt ra trong bối cảnh hội nhập bây giờ. Giống như, khái niệm truyền thống mà bạn nói có thể tiếp cận theo 2 cách: Hoặc trở về như cũ, giữ lại cái cũ, hoặc tự vận động và tìm phương cách để phát triển phù hợp trên nền tảng từng có.
Tôi muốn kể một câu chuyện nữa. Trong vài năm qua, tôi có tìm hiểu về những rừng lim từng tồn tại quanh các đền, chùa, đình trong lịch sử. Khi xưa, bên cạnh việc ban sắc phong công nhận và cấp ruộng tự điền để lấy quả thực nuôi những cơ sở tín ngưỡng do người dân lập ra, các vương triều phong kiến thường cho trồng một rừng lim bên cạnh vừa để có bóng mát, vừa để sẵn gỗ tu sửa nếu đình, đền hư hại sau vài mươi năm nữa. Cách tư duy phát triển bền vững và tuần hoàn như vậy rất hiện đại, và nhìn rộng ra, trong lịch sử không thiếu những trường hợp mà chúng ta có thể học từ chính quá khứ với những điều kiện mà mình đang có.
- Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc: 'Văn hoá luôn được đề cao, nhưng trong thực tiễn còn yếu thế...'
- Nhà sử học, ĐBQH Dương Trung Quốc: Văn hóa công sở - nhìn từ 60 phút nghỉ trưa
- Nhà sử học Dương Trung Quốc: 'Đừng liên tưởng rung chuông để thay bắn pháo hoa'
* Cuối cùng, trong năm 2021, chúng ta vẫn có những tin vui trên bình diện hội nhập: Nguyễn Thúc Thùy Tiên nhận danh hiệu Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2021, rồi nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ông đánh giá ra sao về những cột mốc này?
- Tôi rất thú vị với trường hợp Thùy Tiên cùng danh hiệu “Hoa hậu Hòa bình” mà cô được trao. Một quốc gia đã trải qua nhiều chiến tranh và luôn khao khát hòa bình như Việt Nam sẽ rất dễ chinh phục lòng người với danh hiệu như vậy.
Với câu chuyện xòe Thái được vinh danh, thật ra tôi không quá bất ngờ. Như ta thấy, về bản chất, các điệu dân vũ của những cộng đồng ít người tại nước ta rất phong phú so với khu vực đồng bằng. Riêng với dân tộc Thái, từ khi vào Việt Nam, người Pháp đã giành rất nhiều sự quan tâm cho cộng đồng này bởi những nét văn hóa rất độc đáo, thậm chí là gần với chuẩn phương Tây và dễ tiếp cận với các nền văn hóa của họ. Và, thành công của Xòe Thái một lần nữa cho chúng ta thấy tiềm năng về văn hóa của các dân tộc ít người tại Việt Nam, cũng như trách nhiệm giới thiệu những tiềm năng ấy ra thế giới một cách bình đẳng và trọng thị.
* Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện!
Đừng trầm cảm vì thất bại Những thất bại liên tiếp tại vòng loại World cup 2022, cũng như AFF cup 2021, đã khép lại một năm buồn của bóng đá Việt Nam. Ông có thể chia sẻ góc nhìn của mình? - Chúng ta đều hiểu cuộc sống là sự đan xen thăng trầm, nhưng có những nốt trầm cần được nhìn như tiền đề cho hành trình sắp tới. Bóng đá Việt Nam cũng vậy, sau một quãng thành công rất dài. Và bên cạnh chuyện thắng thua của một môn thể thao, thất bại ấy cũng mở ra một thực tế: Khi những gì đang có chạm tới “đỉnh”, chúng ta hãy tự nhìn lại những hạn chế đang có của mình để tìm hướng đi tiếp. Hãy nhớ, những gì bóng đá Việt Nam đạt được vừa qua cũng là kết quả của một quá trình dài về huy động nguồn lực xã hội hóa, về đào tạo trẻ và cả những thất bại ban đầu. Điều này cũng giống như chuỗi 7 trận thua liên tiếp của bóng đá Việt Nam tại vòng loại World Cup. Muốn vượt ngưỡng, chúng ta phải biết nhìn đúng thực lực và tương quan của mình trong quá trình hội nhập. Và dù ở bóng đá hay bất cứ lĩnh vực nào, những cú sốc khi vươn ra thế giới cũng là điều bình thường - miễn là ta biết nhìn vào thất bại để học hỏi, thay vì trầm cảm với nỗi buồn thua cuộc. |
Cúc Đường (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Xuân Nhâm Dần
Tags