12/02/2024 08:42 GMT+7 | Văn hoá
Ngày 10/10/1954, ở tuổi lên 7, cậu bé Dương Trung Quốc cũng háo hức xuống đường, hòa cùng dòng người hân hoan chào đón những đoàn quân đổ về tiếp quản Thủ đô. Để rồi, suốt 7 thập niên sau cột mốc lịch sử ấy, ông là một trong những người nghĩ nhiều, viết nhiều và chia sẻ nhiều nhất về các vấn đề của Hà Nội, từ góc độ một nhà sử học lẫn cương vị một Đại biểu Quốc hội trong 4 nhiệm kỳ kể từ 2002 - 2021.
Bước sang năm 2024, nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Tiếp quản Thủ đô sắp tới, nhà sử học Dương Trung Quốc có cuộc trò chuyện cùng Thể thao và Văn hóa (TTXVN) về cột mốc lịch sử này, cũng như các vấn đề gắn với sự phát triển của Hà Nội
Những ký ức lịch sử còn trong nhân dân rất nhiều
* Xin bắt đầu cuộc trò chuyện về cột mốc 10/10/1954 từ một thực tế: Ở góc độ nghề nghiệp, dường như ông là người rất mực quan tâm tới sự kiện này. Chẳng hạn, vài chục năm qua, ông luôn tích cực tham gia các cuộc vận động sưu tập tư liệu liên quan. Rồi 5 năm trước, nhân 65 năm Tiếp quản Thủ đô, ông cũng cho ra mắt cuốn sách ảnh "Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về" ở vai trò chủ biên…
- Khi một sự kiện đã trôi đi 70 năm so với hiện tại, chúng ta đều hiểu: Thế hệ chứng kiến nó - chứ chưa nói tới những người trong cuộc - cũng đã vơi đi nhiều lắm rồi. Chẳng hạn, nếu là một thanh niên, đón ngày Tiếp quản Thủ đô ở tuổi 20 đầy thanh xuân thì bây giờ bạn cũng đã chạm tới tuổi 90. Nghĩa là tất cả sắp theo thời gian lùi hết vào lịch sử, để không còn ai được trực tiếp chứng kiến nó.
Chúng ta hay nói, chôn đi mỗi người sẽ là chôn đi một kho tàng tri thức, một thư viện nho nhỏ vốn gắn kèm trong tâm trí họ. Như thế, việc tích tụ các kiến thức, các tư liệu gắn với mỗi cột mốc lịch sử và nâng nó lên thành những biểu tượng, thông điệp, bài học… cho hiện tại và tương lai luôn là trách nhiệm của xã hội. Tôi ở giới sử học, nên cũng ý thức rõ điều này.
Còn nhớ, năm 2004, nhân kỷ niệm tròn 50 năm của sự kiện, Hội sử học chúng tôi phối hợp với một số cơ quan tổ chức cuộc triển lãm ảnh có tên Ngày tiếp quản thủ đô qua ống kính người dân Hà Nội tại nhà triển lãm Tràng Tiền và kêu gọi cộng đồng cùng chia sẻ tư liệu.
Bất ngờ, chúng tôi gặp một nguồn tư liệu quý: Những bức ảnh gần như lần đầu được công bố của cụ Thân Trọng Ninh - một sinh viên người Huế, có mặt tại Hà Nội ngày 10/10 và chụp 2 cuộn phim đen trắng để ghi lại ngày này. Rồi ngày triển lãm, rất đông khán giả lớn tuổi háo hức tới xem. Họ chia sẻ các kỷ niệm, bổ sung thêm các câu chuyện đi kèm, thậm chí nhìn ảnh và nhận ra người thân của mình - như cố GS Trần Quốc Vượng - hay những bạn bè, người quen có mặt trong đoàn quân vào Thủ đô khi trước….
Kể chuyện cũ, tôi muốn nói rằng những tư liệu và ký ức lịch sử có lẽ vẫn còn trong nhân dân rất nhiều. Vấn đề nằm ở cách sưu tập và khai thác của chúng ta…
* Ông đã có lần chia sẻ với "Thể thao và Văn hóa", cũng như báo giới, về hành trình ra Cửa Đông đón các chú bộ đội của mình trong ngày đó. Nhưng rộng hơn, ấn tượng tổng quát của ông về ngày đặc biệt 10/10/1954 là gì?
- Đó là 2 khung cảnh, 2 thời khắc đối lập nhau. Buổi sáng, trong khung cảnh lặng lẽ, những toán quân Pháp dần rút ra khỏi Hà Nội. Để rồi sau đó, không khí dần trở nên nóng hơn khi các quân đoàn bộ đội tiến vào thành phố. Sự hào hứng và mừng vui lan dần từ khu phố này sang khu phố khác, nhiều gia đình ùa theo bước chân các chiến sĩ, trong đó có gia đình tôi.
Như thế, ngày tiếp quản Thủ đô có men say chiến thắng, nhưng diễn ra rất thanh bình, không hề có tiếng súng hay dư âm của những trận đánh như khi Hoàng đế Quang Trung, Thái sư Trần Quang Khải kéo quân vào giải phóng Thăng Long trong lịch sử. Ngẫm ra, đó cũng là hình ảnh mang tính biểu trưng về một góc khác của Hà Nội - một thành phố vì hòa bình mà chúng ta thường nhắc tới.
Lễ chào cờ lịch sử ở Cột cờ Hà Nội
* Nhân nói về tính biểu trưng, xin nhắc tới một câu chuyện khác: Nhiều người từng nói về việc Hà Nội vẫn chưa có một công trình kỷ niệm tiêu biểu gắn với cột mốc lịch sử 10/10/1954. Và, đã có ý kiến đề xuất rằng chúng ta nên xây một vài cổng chào theo mô hình Khải hoàn môn trên những trục đường từng đón các quân đoàn vào tiếp quản thành phố khi xưa...
- Đó cũng là một ý tưởng. Nhưng cá nhân tôi thấy không cần thiết phải xây một Khải hoàn môn theo kiểu phương Tây. Chúng ta đã có một kiến trúc lý tưởng cho câu chuyện này - Cột cờ Hà Nội.
Một sự kiện quan trọng, chiều ngày 9/10/1954, lá cờ đỏ sao vàng của chúng ta đã được kéo lên tại di tích đặc biệt này. Và, buổi lễ chào cờ vào chiều 10/10 sau đó do Ủy ban Quân chính thành phố tổ chức - sự kiện được toàn thành phố hướng về - chính là lễ chào cờ lịch sử đầu tiên của chúng ta trong ngày Tiếp quản Thủ đô.
Chỉ cần xác định lại cách bố trí của các khối bộ đội tại đây trong ngày 10/10, cũng như vị trí đứng của Chủ tịch Ủy ban Quân quản Vương Thừa Vũ và Phó Chủ tịch Trần Duy Hưng, chúng ta hoàn toàn có thể tìm hình thức trưng bày, giới thiệu đầy đủ câu chuyện về lễ chào cờ này với người dân Hà Nội. Rồi trong dịp 10/10 thường niên, lễ chào cờ ấy cũng cần được tái hiện. Như thế, với hơn 200 năm tồn tại cùng thành phố, lại nằm trong quần thể Hoàng thành Thăng Long, Cột Cờ Hà Nội sẽ trở nên hấp dẫn và có giá trị hơn bất cứ cổng chào nào...
"Khi thành phố đã mở rộng về diện tích và dân số, thì dường như việc khôi phục nét văn hóa - tính cách Hà Nội vốn đang mai một vẫn chưa tương xứng so với những thay đổi chóng mặt của cơ sở hạ tầng hay quy mô kinh tế" - nhà sử học Dương Trung Quốc.
Giữ văn hóa đô thị và hồn cốt Hà Nội
* Bằng con mắt của một nhà sử học, ông nhận xét thế nào về những biến chuyển trong văn hóa, đô thị Hà Nội từ sau năm 1954?
- Trước năm 1954, Hà Nội có khoảng 30 vạn dân, và cũng có hơn 70 năm tồn tại trong vai trò một thành phố thuộc địa của người Pháp. Ở khuôn mẫu của một đô thị hiện đại, Hà Nội xuất hiện muộn hơn Sài Gòn, nhưng lại tích hợp được cả bề dày ngàn năm của nếp sống và con người đất kinh kỳ. Nền tảng ấy cộng cùng sự hội nhập với văn hóa phương Tây đã sớm tạo ra một tầng lớp thị dân mới cho thành phố. Thực tế, cho tới trước 1954, Hà Nội đã xây dựng được một văn hóa đô thị tích cực trong quan hệ giao tiếp giữa con người, trong ý thức của con người với cộng đồng, xã hội, thể chế, luật pháp.
Sau 1954, dân số Hà Nội có sự biến động rất mạnh, khi một lượng người khổng lồ từ chiến khu và các địa phương khác dồn về. Ở hướng ngược lại, một bộ phận lớn người Hà Nội cũng lại theo từng thời điểm dạt đi các địa phương khác vì những biến động thời cuộc. Sự thay đổi ấy bắt đầu tạo ra một bức tranh văn hóa đô thị mới.
* Ông có thể nói rõ hơn?
- Chúng ta hay nói về nền văn hiến ngàn năm của Thủ đô. Nhưng thật ra, văn hóa Thăng Long với Văn Miếu, với nền tri thức Nho học là chuyện xa xưa. Những yếu tố của quá khứ cần được bảo tồn, nhưng nền tảng của một văn hóa đô thị hiện đại để áp dụng cho cuộc sống bây giờ lại là điều quan trọng nhất.
Nói cách khác, yếu tố thực dân thuộc địa của Hà Nội trước năm 1954 chúng ta có thể thay đổi, nhưng phần cốt lõi văn hóa đô thị hiện đại đã được hình thành, đã tạo nên những đặc trưng của Hà Nội, con người Hà Nội thì phải gìn giữ và nhân lên.
Nhưng trên thực tế, sau 1954, dân số Hà Nội bắt đầu có sự xáo trộn khá cơ bản về thành phần, cũng như số lượng thị dân. Khi nói tới việc giữ hồn cốt văn hóa của Hà Nội, câu chuyện phải là bảo tồn gia phong trong mỗi gia đình của đô thị, hoặc bảo tồn những lệ làng, tập tục đáng quý của vùng quê xung quanh. Và những yếu tố này trước hết đều cần phải có không gian đặc thù, có những cư dân quen thuộc - điều mà Hà Nội không còn giữ được lúc bấy giờ.
Rồi chỉ 10 năm sau đó, Hà Nội lại trải qua chiến tranh, qua những đợt thiên tai, khiến những gì của một Hà Nội cũ càng trở nên xáo trộn. Tác phong lối sống và cách con người ứng xử với nhau cũng thay đổi rất nhiều. Để rồi đến giờ, khi thành phố đã mở rộng về diện tích và dân số, thì dường như việc khôi phục nét văn hóa - tính cách Hà Nội vốn đang mai một vẫn chưa tương xứng so với những thay đổi chóng mặt của cơ sở hạ tầng hay quy mô kinh tế…
* Vậy, bên cạnh những vấn đề khá rộng về nếp sống hay văn hóa ứng xử, ông có trông đợi thêm những gì cụ thể hơn ở lĩnh vực văn hóa, khi Hà Nội bước sang thập niên thứ 8 kể từ cột mốc 10/10/1054?
- Với góc nhìn của tôi, có những điều mà ta có thể triển khai sớm. Chẳng hạn, đó là câu chuyện cải tạo đôi bờ và bãi giữa sông Hồng, để thành phố chấm dứt hàng chục năm quay lưng lại với dòng sông này và sở hữu một không gian sinh thái - văn hóa - lịch sử đủ lớn cho cộng đồng.
Hoặc, cũng gắn với truyền thống, tôi cho rằng việc xây dựng Bảo tàng lịch sử Quốc gia tại Hà Nội cần được sớm tính toán và đưa vào lộ trình cụ thể, để chúng ta có một không gian và kiến trúc tương xứng trong việc tôn vinh lịch sử của dân tộc mình.
Rồi, tôi vẫn phải nói về quần thể núi Ba Vì. Ở một góc độ nhất định, việc sáp nhập Hà Nội - Hà Tây năm 2008 đã mở ra cơ hội đặc biệt để Thủ đô có ngọn núi thiêng mà Nguyễn Trãi từng gọi là "núi tổ của nước ta" trong Dư địa chí. Vậy nhưng, khá đáng tiếc, trong những năm qua chúng ta vẫn chưa có sự đầu tư xứng đáng để biến nơi đây thành một địa điểm du lịch gắn với những chuyến hành hương của cộng đồng. Đã có lần, tôi đề đạt ý tưởng với những lãnh đạo cấp cao của Nhà nước: Thay vì cứ mãi phải tiếp khách quốc tế tại những tòa nhà Pháp cũ của Hà Nội, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng tại Ba Vì một mô hình giống như "trại David" của Mỹ, từ đó nâng lên giá trị của điểm đến này…
* Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện!
Mong mỏi về tượng đài "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh"
"Cũng liên quan tới cuộc kháng chiến chống Pháp tại Hà Nội, tôi luôn mong chúng ta sớm giải quyết trường hợp của 2 tượng đài "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Ai cũng biết, tượng đài đầu tiên được đặt cạnh Bờ Hồ - và bởi một số lý do nhất định, nó có một số điểm khác biệt so với thiết kế ban đầu.
Để khắc phục vấn đề này, vào năm 2004, chúng ta đã khánh thành một tượng đài mới tại khu vực vườn hoa Hàng Đậu. Theo kế hoạch, tượng đài cũ sẽ được di chuyển tới Bảo tàng Hà Nội, một nơi cũng rất thích hợp và trang trọng để trưng bày trong nhà. Tuy nhiên, điều này không xảy ra trên thực tế - để rồi 20 năm qua, 2 bức tượng có cùng một chủ đề, với cách tạo hình khá giống nhau, lại được bày song song ở 2 nơi và khiến nhiều du khách thắc mắc.
Tôi đã nhiều lần kiến nghị lên lãnh đạo thành phố về vấn đề này, thậm chí xin sẵn sàng đứng ra chủ trì việc di dời nếu được tạo điều kiện về pháp lý. Cha tôi cũng là một liệt sĩ của Hà Nội năm 1946. Ông và đồng đội hẳn sẽ thể tất và hiểu cho chúng ta trong câu chuyện này - khi Hà Nội trả lại tính chính danh cho tương đài ở vườn hoa Hàng Đậu và có thêm một không gian phục vụ cộng đồng tại Hồ Gươm sau khi di dời tượng đài cũ".
(Nhà sử học Dương Trung Quốc)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất