(Thethaovanhoa.vn) - "Một lúc nào đó, cậu sẽ là người già. Nếu có một tư duy động, cậu có nghĩ khi ấy, hệ thống chuẩn mực trong xã hội về chữ Hiếu đã biến đổi và đòi hỏi cậu phải chuẩn bị tâm lý để thích nghi không? Tôi, tất nhiên già hơn cậu, và đang cảm thấy như vậy" - nhà sử học Dương Trung Quốc đặt câu hỏi ngược lại với phóng viên Thể thao & Văn hóa.
Xuyên suốt cuộc trò chuyện, ông Quốc đưa ra một quan điểm khá "thoáng" ở tuổi 65: chữ Hiếu không chỉ là một chuẩn mực đã định hình trong quá khứ. Xa hơn, khái niệm ấy vẫn đang tiếp tục biến đổi, khi người ta tiếp cận với quá nhiều quyền lựa chọn khác trong giai đoạn hội nhập.
Nhà sử học Dương Trung Quốc. Ảnh: TL
"Hiếu với dân": Phải nhìn trong bối cảnh lịch sử!
* Nhưng, trước sự biến đổi ấy, chữ Hiếu trong đạo lý của người Việt tồn tại theo những khái niệm nào, theo ông?
- Vắn tắt thì đạo Hiếu có thể được định nghĩa đơn giản theo mối quan hệ giữa bản thân với người sinh thành ra mình. Và theo cách nhìn ấy, dân tộc nào cũng đều có ý thức trân trọng, gìn giữ mối quan hệ được trao truyền qua từng thế hệ. Có điều, tùy theo văn hóa và cách sống, họ chọn đưa ra những khái niệm riêng và kèm theo đó là những cách thể hiện khác nhau.Việt Nam, cũng như các quốc gia Đông Á khác (Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản) gắn lịch sử phát triển của mình với Nho giáo. Bởi vậy, khái niệm "Hiếu" được đề cao một cách tuyệt đối trong xã hội truyền thống, như câu Phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu (Cha yêu cầu con chết, con không chết là bất hiếu - PV).
Chữ Hiếu chính là thứ để phân biệt giữa con người với con vật. Tội bất Hiếu là tội rất nặng. Thậm chí,chữ Hiếu, với yêu cầu báo đáp công ơn dưỡng dục của các đấng sinh thành, biết vâng lời cha mẹ, còn nhiều lúc được đề cao vượt cả chữ Trung, bởi mối quan hệ gia đình là hạt nhân cơ bản để tạo nên quan hệ cộng đồng - xã hội - quốc gia.
Cho đến khi nước Việt Nam hiện đại được thành lập, khái niệm chữ Hiếu về cơ bản vẫn được nhìn theo hệ giá trị này. Không phải ngẫu nhiên mà Hồ Chủ tịch đã đưa ra khái niệm "Trung với nước, hiếu với dân" cho quân nhân VN cho giai đoạn đó. Bởi đó là sự vận dụng rất thông minh khái niệm chữ Hiếu của một chính trị gia bậc thầy, để từ đó tạo nên một hệ giá trị mới, phù hợp với nguyên lý tiến hành chiến tranh nhân dân trong quá trình giành độc lập.
* Vậy trong giai đoạn hiện tại, khái niệm "hiếu với dân" nên được hiểu theo cách nào?
- Tôi nghĩ, chúng ta hãy nhìn nó bằng ý niệm lịch sử. Rõ ràng, đặt trong một phạm trù lịch sử nhất định, khái niệm "hiếu với dân" đã phát huy rất tốt vai trò của mình. Còn đặt trong mặt bằng xã hội hiện nay, có thể tìm những khái niệm khác để làm nguyên lý duy trì mối quan hệ giữa các lực lượng vũ trang với nhân dân.
Xung đột thế hệ đang là vấn đề toàn cầu
* Trở lại với dòng chảy của đạo Hiếu. Rất nhiều người cho rằng khái niệm "đạo Hiếu" của chúng ta bắt đầu "có vấn đề" kể từ thời mở cửa. Nôm na, hấp lực kinh tế khiến mối quan hệ giữa cá nhân và các bậc sinh thành bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ông có đồng ý chọn cái mốc thay đổi ấy?
- Có và không. Chúng ta thay đổi khi hội nhập với thế giới, nhưng đừng đổ hết lỗi cho đồng tiền hay khái niệm kinh tế thị trường. Câu chuyện còn đến từ những thay đổi về môi trường sống, về các quan điểm và hệ giá trị trong xã hội. Rất nhiều giá trị cũ vốn có tính bền vững đang bị thực tiễn thay đổi, trong khi những chuẩn mực mới đang hình thành lại chưa đủ sức thay thế.
Tôi sẽ bỏ qua những câu chuyện về con kiện mẹ, hay cuộc đua giành tài sản giữa cha mẹ với các con - vốn đang được truyền thông khai thác rất mạnh. Sự xuống cấp, phi đạo lý ở đó là quá rõ rồi. Cái phần chìm ở đây là mối quan hệ giữa từng thế hệ đang bị tác động rất mạnh, chứ không còn gắn kết theo kiểu "tứ đại đồng đường" như trước.
Chẳng hạn bây giờ, khi trưởng thành, chuyện con cái không muốn sống chung với bố mẹ là một xu hướng ngày càng cao. Bởi, sự phát triển quá nhanh của xã hội hiện đại khiến giữa mỗi thế hệ luôn có sự khác nhau trong cách nghĩ, cách nhìn về những hệ giá trị cơ bản. Và thực tế, xung đột thế hệ đang là vấn đề không riêng của quốc gia nào. Từ nền tảng là sự gắn kết giữa các thế hệ trong gia đình, xã hội hiện đại ở thời điểm này đang chuyển sang sự nhấn mạnh tới cá nhân, tới gia đình hạt nhân nhiều hơn.
* Cá nhân ông cảm thấy thế nào về sự thay đổi ấy- chẳng hạn như trường hợp con cái sau khi trưởng thành muốn được sống riêng, chứ không ở cùng cha mẹ dưới một mái nhà?
-Ta có vui hay buồn, thì thực tế vẫn vận động theo quy luật riêng của nó. Nhận thức được điều ấy, đến tuổi sắp về già, cậu sẽ cố gắng cưỡng lại, hay chủ động và tự nguyện tìm cách tiếp nhận sự chuyển đổi trong cách sống của thế hệ sau? Tôi thì sẽ chọn cách thứ hai.
Một số người vẫn nghĩ rằng sự biến đổi ấy chỉ diễn ra ở phương Tây và không được phép "bước chân" vào một nước Á Đông như chúng ta. Không phải như vậy, xã hội hiện đại cho phép mỗi con người có sự làm chủ mình nhiều hơn, và đồng thời cũng đặt ra trách nhiệm phải tự lựa chọn cho phù hợp hơn – thay vì đi theo một chuẩn xã hội như trước. Còn chọn gì, bỏ gì, chọn với não trạng và tâm thế ra sao để phù hợp với tình cảm và đạo đức của người Việt... thì là một câu chuyện dài và rất khó, mà chúng ta phải tự giải quyết.
Đừng nhân danh những định kiến
* Dường như cũng có những giai đoạn, chúng ta đã đặt đạo Hiếu này xuống dưới các mối quan hệ xã hội, giai cấp. Vậy bây giờ, "kim chỉ nam" cho sự lựa chọn của đạo Hiếu là gì, theo ông?
- Thật ra, những nước phát triển cũng đã chủ động có sự điều chỉnh về thiết chế xã hội để cân bằng với sự thay đổi trong kết nối thế hệ.
Có những nước đánh thuế cao với những người sống độc thân, rồi nguồn ngân sách đó để tạo ra hệ thống giá trị về tinh thần để hỗ trợ người già. Có những nước khác lại lấy nguồn kinh phí từ việc áp thuế cho quyền thừa kế, bởi họ cho rằng việc thừa hưởng một gia sản lớn sẽ khiến các công dân trẻ chậm trưởng thành và ỷ lại hơn.
Nhưng, trước khi phát triển tới mức có thể áp dụng những hình thức ấy, chúng ta vẫn hoàn toàn có thể nhìn về đạo Hiếu một cách uyển chuyển. Bởi, xét cho cùng, hạt nhân của đạo Hiếu vẫn là tình cảm và sự trân trọng của mỗi con người với các bậc sinh thành. Người xưa gọi đó là "cái nợ đồng lần", tức là mối quan hệ luôn được kế thừa. Đặt câu hỏi về sự mong muốn thế hệ sau sẽ đối xử với mình ra sao, thì tôi tin rằng bất cứ ai cũng sẽ tìm ra được lời giải phù hợp về cách ứng xử với cha mẹ mình, để mối quan hệ nhân quả đó làm thành cơ sở đạo lý có giá trị bất biến.
Lấy ví dụ, gia đình hàng xóm nhà cậu đưa bố mẹ vào trại dưỡng lão. Nhìn vào đó, cậu có thể chưa tán thành, nhưng đừng nhân danh những khái niệm như "làm thế không phải là người Việt Nam". Bởi, sự thay đổi chóng mặt của xã hội sẽ dần tiến đến mức không có những hệ giá trị cố định, mà chỉ có những hệ giá trị phụ thuộc vào từng tầng lớp xã hội, thậm chí là từng hoàn cảnh một. Cái tôi mong nhất, là chúng ta đừng bám vào những định kiến cố hữu, mà hãy nhìn về đạo Hiếu một cách linh hoạt, uyển chuyển và đôi khi có cả sự cảm thông nữa
* Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này.
Luật nào cho đủ với chữ Hiếu?
"Trong những khái niệm mở rộng, thì đạo Hiếu cũng liên quan nhiều tới cách ứng xử của xã hội với người già. Tôi cũng không được rõ rằng Trung Quốc đưa ra đạo luật ấy dựa trên cơ sở gì? Có thể, những vấn đề về mâu thuẫn thế hệ của họ đã bị đẩy tới mức đáng báo động chăng? Với tôi, Việt Nam không nên áp dụng cách làm ấy. Bởi dù sao, mối quan hệ gia đình không thể áp đặt một cách thuần túy những cưỡng bức từ pháp luật. Tôi tin, 100% những người già ở VN và cả ở Trung Quốc nữa không bao giờ muốn con cái đến thăm mình một cách hình thức và khiên cưỡng cả. Chúng ta có thể bắt buộc công dân tới thăm các bậc sinh thành, nhưng để bắt buộc họ dành tình cảm và sự quan tâm cho cha mẹ - điều mà các bậc sinh thành cần nhất - thì sẽ dùng tiếp tới bộ luật nào"? (Phát biểu của nhà sử học Dương Trung Quốc) |
Thể thao & Văn hóa Xuân Giáp Ngọ