(Thethaovanhoa.vn) - Thử đặt ra câu hỏi: Truyện tranh xuất hiện từ khi nào trong lịch sử báo chí hay xuất bản của chữ quốc ngữ? Để trả lời thật chính xác, rất là khó, vì dường như chúng ta chưa có các nghiên cứu cụ thể và rốt ráo về đều này. Dưới góc độ sưu tập, kiến trúc sư - nhà sưu tập Vũ Hà Tuệ chia sẻ với TT&VH Cuối tuần những quan sát chủ quan mà bản thân anh đã nhận ra trên hành trình sưu tập sách báo xưa, cũ.
* Theo quan sát của anh, trên báo chí quốc ngữ Việt Nam thời kỳ đầu, từ khoảng những năm bao nhiêu thì thấy xuất hiện những mẩu truyện tranh?
- Tôi thấy có những mẩu truyện tranh (độ khoảng 1 trang báo) ở trên báo hài ra khoảng những năm 1934-1935 (ví dụ báo Tân thanh của Nguyễn Kim Hoàn, sau này là em rể của Nhất Linh). Những mẩu này vẽ lại một câu chuyện hài hước, ngắn thôi, nhưng cũng là một cách dùng tranh để kể chuyện, dù là chuyện hài (tôi nhớ không nhầm thì trên Phong hóa, Ngày nay... thời kỳ đầu cũng có).
* Các truyện tranh thời này khai thác từ những nguồn truyện nào? Có những sáng tác mới hay không?
- Các mẩu truyện tranh này hoàn toàn là sáng tác của các họa sĩ nước mình thời đó. Theo tôi là sáng tác mới. Đến khoảng năm 1953, trên tuần báo Tuổi thơ cũng có loạt truyện tranh về thú vật như truyện Con thỏ hóm, truyện Bệu và Còm... Đặc biệt là loạt truyện về các nhân vật lịch sử như truyện Vua Quang Trung, Vua Lê Thánh Tông, Truyện vua Đinh Tiên Hoàng, Sự tích đức Phù Đổng Thiên vương, Một thiếu niên anh hùng Trần Quốc Toản... Các truyện này thường được kể theo tiểu sử của nhân vật với tranh vẽ màu rất sinh động của họa sĩ Mạnh Quỳnh.
Cũng xin nói thêm, thường thì thời đó các họa sĩ tham gia làm báo, làm sách với công việc là vẽ tranh bìa, tranh minh họa, từ đó mở rộng ra thành loạt tranh biếm họa theo chủ đề (có thể thấy trên các báo Ngày nay, Loa, Tân thanh... với các họa sĩ như Nguyễn Gia Trí, tức Tri/Rigt, Tô Ngọc Vân tức Tô Tử/Ái Mỹ, Trần Quang Trân tức Ngym, Mạnh Quỳnh, Đông Sơn tức Nhất Linh, Thy Thy Tống Ngọc tức Thy Ngọc...); rồi đến các loạt truyện tranh lịch sử trên báo như tôi vừa kể ở trên.
Ở miền Nam trước năm 1975 cũng có khá nhiều tạp chí đăng truyện tranh, chủ yếu là các tạp chí dành cho thiếu nhi, cho thanh thiếu niên như Măng non, Thanh hoa, Thiếu nhi (1961, 1962)... Có những truyện tranh sáng tác, có những truyện vẽ lại phỏng theo cốt truyện ngoại quốc như Ba người lính ngự lâm, Tarzan - chúa tể rừng xanh...
* Cá nhân anh thấy việc kể các câu chuyện lịch sử trên này thế nào? Có tác dụng giáo dục không?
- Nước mình trải qua gần trăm năm Pháp thuộc, sử Việt cũng ít nhiều mai một. Tháng 4/1945 Chính phủ đế quốc Việt Nam do Thủ tướng Trần Trọng Kim được thành lập. Ông Trần Văn Lai là thị trưởng đầu tiên của Hà Nội. Chỉ trong vòng một tháng nhưng ông Lai đã làm được việc rất vĩ đại là đổi tên toàn bộ các đường phố mang tên Pháp thành các đường phố mang tên danh nhân Việt. Nhờ việc làm phi thường này mà ngày nay chúng ta mới có các tên phố như Lê Thái Tổ, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Phùng Hưng...
Tuy nhiên, việc đổi tên phố mới cũng gặp nhiều vấn đề do người dân còn thiếu kiến thức lịch sử, văn hóa nên chưa hiểu rõ tiểu sử danh nhân để đặt tên từng con phố, thậm chí còn nhầm lẫn giữa phố Bà Triệu và phố Ấu Triệu (có thể xem lời nói đầu trong sách Tiểu sử các tên phố Hà Nội của Đinh Gia Thuyết, xuất bản 1951). Người lớn còn nhầm lẫn thì nói chi đến các em nhỏ, vì vậy tôi cho rằng các truyện tranh kể về các nhân vật lịch sử của nước ta với tranh vẽ sinh động và thú vị như vậy thì cũng ít nhiều góp phần truyền cảm hứng cho các em nhỏ (thời đó) tiếp cận và tìm hiểu để biết thêm về sử Việt.
* Đến khoảng thập niên nào thì những cuốn truyện tranh xuất hiện độc lập với báo chí quốc ngữ?
- Mãi về sau này thì chúng ta dần dần mới có những truyện tranh hoàn chỉnh, vẽ thành cuốn. Ví dụ như truyện tranh của NXB Kim Đồng, với quyển truyện tranh đầu tiên (của riêng NXB Kim Đồng) là quyển Bác trâu chăm chỉ của Nguyễn Bích, xuất bản năm 1958. Hay như trong miền Nam trước 1975, là những quyển Tên trộm thành Bát-đa, Lục kỳ (Lucky Luke)... Cũng xin nói rõ, trong này có những truyện chịu ảnh hưởng về tư duy làm truyện tranh của quốc tế, điều này là khó tránh được.
Trên đây là những truyện tranh được in trên các tạp chí.
Văn Bảy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags