Bởi ông không thể hình dung nổi ý tưởng của người bản xứ khai thác hang động đặc biệt này.
Từ Vương Quốc Anh, nhà thám hiểm Martin Holroyd (Hiệp hội Hang động Hoàng Gia Anh) có cuộc trao đổi với Thể thao & Văn hóa.
Mãn nguyện khi tìm thấy Sơn Đoòng
* Là người nhiều lần đến nghiên cứu ở VQG Phong Nha- Kẻ Bàng, ông đánh giá sao về VQG này của Việt Nam?
- Lần đầu tiên tôi đến Phong Nha – Kẻ Bàng là vào năm 1997. Sau đó tôi đã thực hiện 12 cuộc thám hiểm dài ngày ở VQG Phong Nha – Kẻ Bàng. Khu vực này thu hút tôi bởi sự cách biệt, hoang dã và đa dạng sinh học. Đặc biệt là sự hùng vĩ và nét đẹp của các hang động.
* Cảm xúc của ông vào năm 2009 khi cùng đoàn thám hiểm phát hiện ra hang động lớn nhất thế giới, hang Sơn Đoòng?
- Trước đó, bằng việc thăm dò và nghiên cứu trong các chuyến thám hiểm, chúng tôi đã luôn tin rằng có một hang động rất lớn tồn tại ở khu vực hang Sơn Đoòng. Theo suy luận của chúng tôi, hang động ấy bị mất liên kết với hệ thống hang động Phong Nha- Kẻ Bàng vì một lý do nào đó. Nên chúng tôi đã cố gắng tìm kiếm hang động ấy trong một khoảng thời gian dài. Và khi tìm được Sơn Đoòng, chúng tôi thực sự mãn nguyện. Vẻ đẹp kỳ vĩ của hang cùng sự đa dạng sinh học hiếm có như một phần thưởng tuyệt vời của tạo hóa.
* Ông cùng đồng nghiệp đặt kỳ vọng gì vào tương lai sau khi phát hiện ra hang Sơn Đoòng?
- Tại thời điểm khám phá ra Sơn Đoòng, tôi không nghĩ người ta sẽ phát triển hang lớn nhất thế giới theo những ý tưởng hiện nay. Lúc đó, Sơn Đoòng là một liên kết quan trọng khác trong việc vẽ bản đồ hệ thống hang động Phong Nha. Ý nghĩ ngay tức thì của chúng tôi là tiếp tục tìm ra nhiều hang động hơn nữa trong hệ thống từ phát hiện Sơn Đoòng.
Cáp treo có thể phá hỏng môi trường
* Vừa qua, tỉnh Quảng Bình có ngỏ ý muốn lập dự án làm cáp treo chạy qua VQG Phong Nha- Kẻ Bàng, và dừng ở sát hang Sơn Đoòng, quan điểm của ông về ý tưởng này?
- Theo tôi, dự án này không nên thực hiện do nguy cơ phá hỏng môi trường nhạy cảm của hang động và khu vực rừng xung quanh hang động. Đáng quan ngại hơn, toàn bộ khu vực này đều nằm trong khu vực Di sản Thế giới. Điều này sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến di sản và làm mất đi sự đặc biệt của hang Sơn Đoòng – một hang động tách biệt với thế giới hiện đại, đa dạng về cảnh quan sinh học và rất hoang sơ. Những tác động liên tục (khi dự án cáp treo được thông qua) sẽ phá hủy môi trường đặc biệt của Sơn Đoòng.
* Ngoài việc dựng cáp treo ở gần hang Sơn Đoòng, giới chức địa phương còn muốn “đại trà hóa” hình thức du lịch vào trong hang. Theo đó, cáp treo có thể chạy với tần suất tối đa đưa hàng ngàn du khách tới cửa sau hang một ngày. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Hạ tầng từ Đồng Hới tới Phong Nha, Sơn Trạch cần phát triển hơn nữa để có thể đáp ứng được nhu cầu của khách tham quan. Và như vậy đồng nghĩa với việc đô thị hóa sẽ tiến sát vào vùng bảo tồn. Thêm nữa, nếu Sơn Trạch có hạ tầng tốt, cư dân đông lên, thì những chuyến thám hiểm dài ngày sẽ không thể thực hiện vì diện tích có hạn, chỗ ăn chỗ ở khá hạn chế.
Nên địa phương cần kiểm soát chặt chẽ hơn việc tham quan của khách trong Vườn Quốc gia, cũng như đảm bảo việc bảo tồn khu vực này được duy trì. Bởi qua các chuyến nghiên cứu, tôi thấy khu vực này rất dễ bị tổn thương và phá hủy.
* Từ kinh nghiệm khám phá cũng như nghiên cứu các hang động trên thế giới, ông có thể đưa ra một vài lời khuyên để địa phương vẫn vừa có thể khai thác du lịch từ “thương hiệu” Phong Nha- Kẻ Bàng vừa không tác động quá lớn tới di sản?
- Địa phương nên đặt trọng tâm vào vùng ven bên ngoài VQG. Qua quan sát và trải nghiệm, tôi thấy những hình thức du lịch mạo hiểm như những tour khám phá bằng xe đạp địa hình, đi thuyền kayak và leo núi cạnh khu bảo tồn là hợp lý và khả thi.
Bên cạnh đó, mọi hình thức tiếp cận, ra-vào Di sản Thiên nhiên Thế giới đều phải được kiểm soát nghiêm ngặt để tránh xả rác, vẽ bậy, xói mòn, ô nhiễm và phá hoại có chủ đích.
* Cám ơn ông về cuộc trao đổi!
Malaysia: Hơn 90% VQG đóng cửa với du khách |
Phạm Mỹ (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Tags