(Thethaovanhoa.vn) - Vào tuổi 80, nhà thơ Bằng Việt vẫn lặng lẽ bền bỉ với thi ca. Tập thơ mới nhất của ông in tháng 6/2020 - Thơ Bằng Việt 1986-2016 - đã ghi dấu chặng đường 30 năm thơ đổi mới sau chiến tranh của ông.
Sau nửa thế kỷ sáng tạo, nhà thơ Bằng Việt đã in hơn 20 tập thơ, phê bình tiểu luận và thơ dịch. Ông được trao nhiều giải thưởng văn học, giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật 2001, giải thưởng ASEAN 2003.
Cách đây hơn nửa thế thế kỷ, nhà thơ Bằng Việt là một trong những gương mặt thơ tài năng của thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong chiến tranh. Tập thơ đầu tay Hương cây, Bếp lửa của 2 nhà thơ Bằng Việt và Lưu Quang Vũ in chung năm 1968 đã bắt đầu cho hành trình thơ của những trí thức trẻ ở “hậu phương lớn” miền Bắc hướng về “tiền tuyến lớn” miền Nam. Độc giả yêu thơ cách đây nửa thế kỷ vẫn còn nhớ những câu thơ tài hoa của ông trong bài thơ Trở lại trái tim mình viết về Hà Nội: “Sông Hồng ơi giông bão chẳng thay màu/ Rùa thần thoại vẫn nhô lưng đội tháp/Chùa Một Cột đổ trên đầu giặc Pháp/Lại nở xòe trọn vẹn đóa hoa sen”.
Đến hôm nay, cuộc chiến tranh giữ nước đã khép lại sau lưng chúng ta gần nửa thế kỷ cùng với thành tựu thi ca của thế hệ các ông ngày ấy. Thuộc lớp nhà thơ trưởng thành trong chiến tranh, nhưng thơ Bằng Việt không “Lấm láp bụi chiến hào và cay xè khói súng trận mạc” như những nhà thơ mặc áo lính. Thơ anh gần với sách vở, bút nghiên của tri thức và mang “âm hưởng thính phòng” với những câu thơ tinh tế, tài hoa giàu tính tự sự, đầy giao cảm lãng mạn và phảng phất giai điệu thơ Nga vì anh đã có thời gian dài học bên đó.
Bằng Việt và Lưu Quang Vũ là 2 nhà thơ Hà Nội nổi tiếng cùng thời nhưng sau đó, 2 người thơ lại hành trình trên 2 nẻo đường thi ca khác nhau. Thơ Lưu Quang Vũ sau này gần với nỗi đau chiến tranh và chia sẻ với những đổ vỡ, mất mát của con người. Còn thơ Bằng Việt vẫn da diết, lắng sâu cảm động và hướng về cái đẹp mang giá trị mỹ học trong thi ca.
Trong một lần trò chuyện với tôi về tình bạn với nhà thơ Lưu Quang Vũ, Bằng Việt cho biết những năm 1960, thế hệ các ông còn rất trẻ, chỉ trên dưới 20 tuổi, sống với nhau rất giản dị và chân tình. Bằng Việt thường xuyên đến chơi nhà Lưu Quang Vũ ở 96 Phố Huế thời kỳ đó trong căn buồng rất nhỏ. Đầu tiên anh Vũ ở chung với gia đình, sau khi lấy người vợ đầu là nữ diễn viên điện ảnh Tố Uyên, rồi anh chia tay và lấy nhà thơ Xuân Quỳnh, anh ở riêng trong căn phòng chật chội, chỉ khoảng 10m2.
Các nhà thơ thời ấy sống rất chật vật, vất vả về vật chất nhưng lại tràn đầy cái lạc quan yêu đời và sống chính bằng tinh thần và Bằng Việt cho rằng, đấy cũng là một nét đẹp của thời gian đó. Các nhà thơ trẻ luôn gặp gỡ nhau và trong những buổi tối “trà dư tửu hậu” thường đọc thơ của mình và góp ý cho nhau về thơ.
Trong số bạn bè thơ thân thiết hay gặp nhau lúc đó có Lưu Quang Vũ, Bằng Việt, Xuân Quỳnh, Vũ Quần Phương, thỉnh thoảng có thêm Nguyễn Xuân Thâm, Trúc Cương…Đặc biệt, nhóm các nhà thơ trẻ này chơi khá thân với một nhà thơ lớp trước là Việt Phương (tác giả tập thơ Cửa mở nổi tiếng và là thư ký của Thủ tướng Phạm Văn Đồng). Nhà thơ Việt Phương là người rất yêu thơ nên ông chủ động gặp gỡ và kết bạn với nhóm thơ trẻ. Chính sự gặp gỡ của các thế hệ thơ như thế đã tạo cho mỗi người sự chắt lọc, đổi mới, hòa quyện trong thơ.
Bằng Việt với Lưu Quang Vũ có mối quan hệ khá thân tình như anh em trong nhà. Khi 2 người định in tập thơ thì nhà thơ, kịch tác gia Lưu Quang Thuận (bố nhà thơ Lưu Quang Vũ) bảo: “2 chúng mày in thơ thì để tao lo in cho và 2 thằng nên in một tập thơ chung vì đã gắn bó với nhau nhiều năm, và thơ của 2 thằng tao thấy có nhiều điểm tương đồng”.
Thời đó, in thơ rất khó, nên 2 nhà thơ trẻ đồng ý in chung và bác Lưu Quang Thuận là người đặt tên cho tập thơ. Bác Thuận nói: “Trong tập thơ của Vũ có bài Hương cây, trong thơ của Việt có bài Bếp lửa nên chắp 2 bài thành tên tập thơ Hương cây, Bếp lửa”. Sau đó, bác Lưu Quang Thuận đến nhờ nhạc sĩ, họa sĩ tài danh Văn Cao vẽ bìa cho tập thơ mặc dù 2 nhà thơ trẻ chưa có tên tuổi gì trong làng thơ lúc đó.
Trong lần gặp nhau mới đây, nhà thơ Bằng Việt thân tình đọc cho tôi nghe một số bài thơ ông mới viết. Tôi lặng lẽ ngồi nghe ông đọc thơ và chợt thấy ông anh đồng hương, đồng họ cùng quê Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội với mình dường như không chịu già, không chịu mệt mỏi và vẫn đầy hứng thú trong sáng tạo. Điều khá đặc biệt, ở cái tuổi bát thập cổ lai hy, trong khi rất nhiều nhà thơ cùng thế hệ đã tỏ ra mệt mỏi, xuống sức sau chặng đường văn đầy gian nan, khó nhọc phải trải qua mấy cuộc chiến tranh thì Bằng Việt với nhiều bài thơ mới viết từ năm 2015 - 2020, vẫn tỏ ra khá sung sức với cái nhìn rất mới mẻ về con người và đời sống xã hội hôm nay.
Tập thơ mới nhất Thơ Bằng Việt 1986-2016 của ông gồm 96 bài thơ viết trong thời kỳ 30 năm đất nước đổi mới có khá nhiều suy tư, trăn trở với cuộc sống mới, với con người hôm nay.
Trao đổi với tôi về tập thơ này, Bằng Việt bộc bạch: “Đầu tiên, tôi phải nói ngay một điều khi các độc giả thơ nhìn về lớp nhà thơ trưởng thành trong chiến tranh giữ nước thì người ta hay nghĩ về những đóng góp của chúng tôi thời chiến tranh từ những năm 60 đến những năm 80 của thế kỷ 20. Sau những năm 80 đã có dư luận nói rằng lớp nhà thơ thời chiến tranh đã hoàn thành xong nhiệm vụ rồi và có thể bây giờ phải nhường “trận địa” thơ cho các nhà thơ trẻ hơn, các nhà thơ đổi mới, cách tân của thời đại mới, cụ thể là những nhà thơ trưởng thành sau năm 1975. Nhưng tôi nghĩ rằng thơ là một sự tiếp nối không ngưng nghỉ và liền mạch với nhau từ thơ chiến tranh sang thơ hòa bình, từ thơ chiến đấu sang thơ xây dựng, theo tôi nghĩ thì nó không có khoảng cách nào cả. Vì thế tôi khẳng định lớp nhà thơ trưởng thành qua chiến tranh với độ tuổi lớn của mình, với những kinh nghiệm từng trải của mình vẫn có thể có những đóng góp xứng đáng trong thời đổi mới. Và vì thế, tôi mới nảy ra ý định tập hợp một loạt những bài thơ của mình chỉ viết từ năm 1986 bắt đầu thời kỳ đổi mới tới bây giờ là 30 năm thơ để khẳng định rằng các tác giả thời chiến tranh vẫn còn đủ sung sức để có thể đi tiếp chặng đường đổi mới với những đóng góp mới cho văn học đất nước”.
- Nhà thơ Bằng Việt: Từ 'Bếp lửa' đến 'Biến tấu ngày tận thế'
- Nhà thơ Bằng Việt: Giữa Hà Nội vẫn có... người Hà Nội
- Nhà thơ Bằng Việt - 'Quý ông' giữ lửa thi đàn
Thật đáng mừng, bước sang tuổi 80 (ông sinh ngày 15/6/1941) mà nhà thơ Bằng Việt vẫn năng động trong sáng tạo thi ca như vậy. Rất hào hứng, Bằng Việt chia sẻ với tôi quan điểm của ông về việc đổi mới thi ca. Ông cho rằng: “Việc đổi mới không phải chỉ là đổi mới về nội dung hay là hình thức tách rời nhau mà phải là sự đổi mới trên thực chất từ cách chọn đề tài, từ cách thể hiện đề tài, từ góc nhìn của tác giả, góc nhìn của nhân vật trữ tình trong thơ nó phải có những thay đổi. Còn nếu chúng ta chỉ chú trọng vào việc thay đổi về hình thức, về kỹ thuật thể hiện thôi thì nó sẽ bị lệch đi, tức là chúng ta sẽ bị rơi vào chủ nghĩa hình thức.Và, đổi mới thực chất phải là cách anh nhìn vào hiện thực như thế nào, anh lấy cái gì từ hiện thực để đưa vào thơ của anh, cách đưa nhân vật trữ tình vào thơ của anh nó thể hiện những suy nghĩ gì, cảm nghĩ gì phù hợp với suy nghĩ, quan tâm của người khác và đây chính là những điều mà nhà thơ phải quan tâm đến”.
Và, điều quan trọng nhất, nhiều bài thơ mới của Bằng Việt đều có tứ thơ khá độc đáo, thấm đẫm tính thế sự văn chương và tính thời sự nóng bỏng của những diễn biến nhiều chiều trong đời sống văn hóa và đời sống thường nhật của xã hội đương đại.
Dường như, trong tâm hồn thơ Bằng Việt hôm nay, vẫn thường trực một nhà thơ công dân của những sáng tạo không biết mệt mỏi, luôn hướng về đời sống gian lao của nhân quần với thiên chức thiêng liêng của người cầm bút đã từng cống hiến những tháng năm đẹp nhất của đời thơ mình cho đất nước suốt thời chiến tranh, giặc giã. Tôi nghĩ, có lẽ sự đổi mới thơ này là lẽ sáng tạo tự nhiên, tự thân trong con người thơ Bằng Việt với phẩm chất thi sĩ được trui rèn qua nhiều năm.
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến
Tags