Nhà thơ Bình Nguyên Trang: Lặng lẽ 'Tìm trong cõi người'

Chủ nhật, 16/02/2014 14:52 GMT+7

Google News
(Thethaovanhoa.vn) - Đầu Xuân này, bất ngờ không báo trước, lặng lẽ như mỗi lần ra mắt tập thơ, chỉ một thông báo ngắn gọn trên facebook cá nhân: “sách đã in, được công ty Liên Việt tặng, thấy vui...”, nhưng nhà thơ Bình Nguyên Trang vẫn làm náo nức bao độc giả.

1. Tấm ảnh bìa cuốn ký chân dung thứ hai Tìm trong cõi người (Liên Việt & NXB Văn học, 2014) của chị nhận được hàng trăm “like” cùng những lời chúc mừng nhiệt thành chỉ trong mấy tiếng đầu tiên sau khi post, và đúng ngày Rằm tháng Giêng, tại sân thơ Trẻ, cuốn sách chính thức phát hành.

Cuối năm ngoái, vừa bước chân vào Hội Nhà văn Việt Nam, đọc bao lời thương mến gửi gắm từ các bậc văn sĩ phê bình đi trước gửi đến nhà thơ Bình Nguyên Trang, đã đủ thấy chị rất được quý mến, như bông hoa nở nhẹ nhõm giữa những tấm lòng.

Thoáng gặp Bình Nguyên Trang ở đâu đó, bạn sẽ thấy nụ cười luôn rạng rỡ trên khuôn mặt tròn phúng phính, má hồng, kèm lúm đồng tiền vừa duyên dáng vừa nữ tính, lại đậm thơ ngây.

Dường như nữ nhà thơ chưa đi hết quãng tuổi thanh xuân son trẻ, còn lắm nhiệt thành, tình thương, lòng cảm mến, sự chua xót thế sự... để từ đó viết lên những trang ký chân dung gây nhiều xúc cảm cho người đọc, từ An ninh thế giới, đến Cảnh sát toàn cầu ở mục chị phụ trách.

Nhà thơ Bình Nguyên Trang

Nhà thơ Bình Nguyên Trang nhí nhảnh bảo tôi “riêng chị là thuộc thơ mình”, khi nghe tôi ca thán về chuyện phần lớn các tác giả ngày nay toàn phải cầm giấy đọc thơ. Nhà văn Phong Điệp đứng kế đó trêu: “Chắc tại viết ít quá nên mới nhớ”. Nhà thơ Bình Nguyên Trang liếc mắt cười duyên: “Ít lắm, ngàn bài chứ mấy”. Tôi đồ đó là câu nửa đùa nửa thật. Bởi không đếm hết chính xác số lượng những bài thơ nhà thơ Bình Nguyên Trang đã làm, nhất là thời hoàng kim khi đang là cây bút rạng rỡ trong làng Hoa học trò, chỉ rõ ràng, chị đi đâu, thơ ở đấy. Thơ trên status, thơ đề trên ảnh chân dung hay ảnh hoa...

Có điều, nhà thơ Bình Nguyên Trang hay ngại ngần đọc thơ của mình trước người khác. Như sự xuất hiện của chị trên sân thơ Trẻ 2014 vừa qua, khi Ban văn Trẻ đề nghị chị xuất hiện trở lại sân thơ, chị ngại ngần mãi không thể nhận lời ngay, còn chùng chình suy nghĩ đến sát ngày...

Chơi với chị lâu, chưa từng thấy chị đọc thơ tùy hứng bao giờ, có thể vì tôi vô duyên kém may mắn, mà cũng có thể bởi vì, chất thơ và giọng thơ của chị, đã trải trên trang ký chân dung. Với bao đồng cảm qua từng số phận nhân vật, cùng linh cảm nhạy bén của tâm hồn người sáng tạo nghệ thuật, cái nhìn nhiều chiều sâu sắc từ trái tim cùng tràn cảm xúc ở mỗi câu chữ đã giúp nữ thi sĩ vẽ được tâm hồn nhân vật. Phác được con người bên trong, hiếm ai lắc đầu chê.

Ký chân dung tưởng giản đơn hóa lại không dễ dàng. Nhiều nhân vật soi mình vào trang báo, cứ xét xem có gì đó giống lại không giống mình. Thế nên, những người viết ký chân dung tốt, vẫn là người sáng tác.

Bìa sách Tìm trong cõi người

2. Nhìn qua tên nhân vật trong cuốn Tìm trong cõi người: Nhà thơ Bằng Việt, họa sĩ Trần Tiến, danh họa Trần Trung Tín, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ, NSND Đoàn Dũng, nhà văn Kim Lân, Y Ban, đạo diễn Phan Đăng Di, ca sĩ Đức Tuấn... đủ để thấy dù ưu ái cho mảng văn chương, nhà thơ Bình Nguyên Trang vẫn viết dàn đều nhân vật ở nhiều lĩnh vực. Và chủ yếu, các nhân vật trong trang viết của chị đều có sự hài hòa về tài năng cũng như cá tính sáng tạo. Không lạc vào trong ảnh hưởng của người thuộc về công chúng, chị thường dành ưu ái cho người làm nên giá trị văn hóa, đóng góp vào việc làm giàu cũng như rộng mở tối đa thế giới tâm hồn đối với người thưởng thức.

“Đúng là người nhặt cuội cũng cần có cặp mắt tinh tường. Lê Trí Dũng đã cần mẫn nhiều tháng năm trong vai người nhặt cuội. Chiếc túi đeo vải cũ sờn của người họa sĩ lính ấy, chưa khi nào thiếu vắng những hòn cuội. Nó trĩu nặng tâm tư không chỉ của riêng ông, mà của cả một thời ông và đồng đội ông đã sống” (tr.146, Họa sĩ Lê Trí Dũng - Người nhặt cuội).

Nếu là nhân vật nam, Bình Nguyên Trang ưa xoáy sâu vào cung cấp các thông tin quanh cuộc đời cũng như công việc, sự nghiệp, nỗi trở trăn với đời, với người... thì khi viết về chân dung là người nữ, nhà thơ Bình Nguyên Trang lại mang nặng tâm tư chia sẻ thân phận nhiều hơn, có lẽ vì vậy mà bài viết mang lại nhiều tâm trạng cảm thông từ người đọc tốt hơn:

“Bây giờ thì Võ Thị Xuân Hà đang sống một cuộc sống khác những năm tháng bươn chải nuôi con một mình. Một người đàn ông từng là nhân vật trong truyện ngắn của chị, rồi sau đó đã bước ra khỏi trang sách, bước vào cuộc đời chị, san sẻ những gánh nặng lo toan cùng chị. Nhân duyên cũng là nhờ những năm tháng đi bán cà phê. Chị đã dường như bước sang một kiếp khác ngay chính đời sống thực của mình” (tr.160, Nhà văn Võ Thị Xuân Hà - Văn chương là một đời sống khác).

Từ thơ đến ký ra ngoài đời, với Bình Nguyên Trang, văn sao người vậy. Bình Nguyên Trang (tên thật là Vũ Quỳnh  Trang) lưu lạc đến cõi nhân gian này một cách giản đơn là làm nghề viết, và nếm náp hương vị đời mà chẳng màng tiền bạc, công danh... Mọi sự đến với chị bình thản như mọi ổn thỏa từ công việc đến gia đình. Không cần thắp sáng cho đám đông, chị tỏa rạng từ trái tim, tràn ra nụ cười, lan lên trang viết. Và thế là hạnh phúc vừa đủ!

Việt Quỳnh
Thể thao& Văn hóa


Đọc thêm
  • Xem thêm  ›