(TT&VH) - Cùng một thời gian, chị cho ra đời tập thơ mới Những bông hoa đang thiền (NXB Hội Nhà văn, 2012), tập ký chân dung Sông của nhiều bờ (Liên Việt & NXB Văn học, 2012), tập truyện ngắn Mùa đom đóm mở hội (Đinh Tị &Nhà xuất bản Văn học, 2012) và chuẩn bị sinh em bé thứ hai. Đời văn chương, đời làm báo và đời làm mẹ song hành trong cuộc sống của nhà thơ Bình Nguyên Trang.
Những bông hoa đang thiền gồm 36 bài thơ theo thể loại tự do mà vẫn nằm trong khung nhịp điệu và bắt vần. 36 bài thơ, phải chăng tượng trưng cho 36 năm tuổi người của chị? Vẫn là thế vẻ đàn bà nhuần nhụy hiển hiện qua từng nét phác thơ đi tìm kiếm điều sâu kín bên trong tâm hồn mình qua người, qua cảnh, qua vật, qua tình yêu lứa đôi…
Bình Nguyên Trang
Người học trò thầy Nguyễn Ngọc Ký
Bình Nguyên Trang sinh ra tại ngôi làng vùng trung du, ngoại ô thành phố Việt Trì. Cha mẹ chị công tác ở Phú Thọ và tất cả anh chị em trong gia đình chôn nhau cắt rốn ở ven bờ sông Lô.
Khi bắt đầu đi học thì cha mẹ Bình Nguyên Trang chuyển về Nam Định, là quê hương nội - ngoại của chị: “Có thể nói, ám ảnh suốt tuổi thơ đi học của tôi là không gian của vùng đồng bằng Bắc Bộ, với cánh đồng xanh mướt, với bờ đê đầy hoa sài đất nở vàng, với những con đò xuôi ngược trên bến sông và những phận người lam lũ. Sau này dù đi xa, nhưng lúc nào tôi cũng nhớ về làng quê của mình, dù nó đã thay đổi hình hài rất nhiều vì quá trình “đô thị hóa”.
Bình Nguyên Trang tâm sự, chị cảm thấy may mắn khi được lớn lên ở một vùng quê mà thiên nhiên và con người nơi đó đã gợi cho mình những cảm xúc đẹp để viết những bài thơ đầu tiên trong cuộc đời.
Năm Bình Nguyên Trang 10 tuổi, đang học lớp 4 trường làng thì thi đậu vào lớp chuyên văn trường năng khiếu của huyện. Người cha đưa chị đến trường, dẫn đến gặp thầy Nguyễn Ngọc Ký, người thầy bị liệt hai tay viết bằng chân, là một nhà thơ mà chị đã từng được đọc về thầy trong sách giáo khoa trước đó. Thầy là một người bạn cùng học ngày xưa của bố chị. Ông nhờ thầy để ý đến Bình Nguyên Trang, vì lúc đó chị đã biết làm một số bài thơ. Những năm tháng được là học trò của thầy Nguyễn Ngọc Ký đã ấp ủ trong Bình Nguyên Trang nhiều mơ ước về nghề cầm bút sau này:
“Thầy đã chỉ cho tôi cái hay, cái đẹp của nhiều tác phẩm văn chương, và làm cho tôi hiểu một điều cơ bản, là cuộc sống sẽ trở nên buồn tẻ và nhàm chán đến nhường nào, nếu không có văn học nghệ thuật”.
Ảnh bìa cuốn Sông của nhiều bờ
Và từ bài thơ đầu tiên…
Năm Bình Nguyên Trang học lớp 3, thầy giáo nói: “Mỗi em hãy viết một bài văn để đăng báo tường của lớp nhân ngày 20/11, chị viết bài thơ đầu tiên rất dài. Bố chỉnh sửa giúp chị vài chữ trong bài thơ và sau này khi chị đã lớn, ông mới chia sẻ cảm nghĩ rằng ông đã ngạc nhiên khi chị biết gieo vần thơ lục bát rất ổn”.
Bình Nguyên Trang được nhiều độc giả, đặc biệt là độc giả học trò biết đến từ rất sớm, không chỉ vì chị đã sáng tác và đăng nhiều tác phẩm của mình trên các báo dành cho lứa tuổi học sinh sinh viên như Hoa học trò, Áo trắng, Mực tím, Tuổi xanh, Tiền phong… mà còn vì tham gia vào bút nhóm Hương đầu mùa của Hoa học trò.
Bút nhóm thường xuyên tổ chức những hoạt động giao lưu với bạn đọc. Khi chị còn đang học trung học, mỗi ngày nhận được nhiều thư bạn đọc gửi về. Phần lớn bản thảo các tác phẩm của Bình Nguyên Trang bị thất lạc sau những lần chuyển nhà ở trọ, suốt những năm cấp 3 và đại học. Nhưng may thay, vì được yêu mến, mà nó còn nằm trong sổ tay của nhiều bạn học trò.
Và như một lẽ tự nhiên, thơ ca cũng đi vào các trang viết của chị, khi chị đi làm báo, nhất là ở thể loại ký chân dung các nhân vật trong giới văn nghệ sĩ. “Bất cứ khi nào ngồi vào bàn viết, và viết bất cứ điều gì trên giấy, tôi đều thấy mình thực sự tự do và được hoàn toàn đắm chìm trong một thế giới khác rộng mở hơn rất nhiều. Tôi luôn nghĩ niềm vui mà việc viết đem lại chính là niềm vui đáng kể nhất mà mình có thể có”…
Sông của nhiều bờ gồm 50 chân dung văn nghệ sĩ, từng được chị phỏng vấn, viết, chắt lọc từ nhiều năm vương nghiệp báo. Nghệ nhân Hà Thị Cầu, nhạc sĩ Trần Tiến, nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền… đều là những cái tên quen thuộc trong giới, nhưng qua cái nhìn của người làm văn chương - Bình Nguyên Trang, các câu chuyện đời của mỗi người đều đọng lại sâu sắc với sự đồng cảm, chia sẻ.
Ở tập truyện ngắn Mùa đom đóm mở hội, Bình Nguyên Trang lại cho thấy một mối quan tâm khác của chị, đó là viết về những con người bình thường xung quanh mình. Nói như nhà văn Trần Đức Tiến, thì Bình Nguyên Trang là người kể chuyện khôn ngoan, khi chị biết hướng ngòi bút của mình đến những phận đời mà chị thân thuộc nhất, với một giọng văn dung dị, đầy nữ tính…
Viết nhiều thể loại, âm thầm lao động trên cánh đồng chữ, nhưng ngoài đời Bình Nguyên Trang là người dễ gần và thân thiện. Mỗi nụ cười, mỗi câu chuyện của chị đều ẩn chứa nhiều suy ngẫm của một người phụ nữ đã đi qua nhiều vui buồn, trải nghiệm trong cuộc đời.