(Thethaovanhoa.vn) - Không chỉ là một kiệt tác của kiến trúc Gothic hay một công trình mang tính biểu tượng cho nước Pháp, Nhà thờ Đức Bà Paris còn in đậm dấu ấn của mình trong văn học, hội họa và cả âm nhạc.
Trong nỗi luyến tiếc sau vụ cháy đêm 15/4, chúng ta hãy nhìn lại những dấu ấn sâu đậm của công trình này với văn hóá thế giới
Từ văn học…
Có thể nói, cuốn tiểu thuyết Thằng gù nhà thờ Đức Bà Paris (Notre-Dame de Paris; The Hunchback of Notre Dame) của đại thi hào Pháp Victor Hugo xuất bản năm 1831 đã đưa Nhà thờ Đức Bà tới được đông đảo công chúng khắp thế giới. Cách mô tả về Nhà thờ Đức Bà của Hugo về “sự cắt xẻo và hỗn độn của cấu trúc”, khiến cho công trình kiến trúc Gothic này chạm vào trí tưởng tượng của công chúng theo cách chưa từng có trước đó.
Ở một câu chuyện khác, công trình Gothic này đã khiến cho nhà văn Pháp Marcel Proust phải nhìn chằm chằm vào nó trong suốt 2 tiếng đồng hồ.
Hồi năm 1904, Proust đã viết một bài báo cho tờ Le Figaro với tựa đề The Death of Cathedrals (Cái chết của các nhà thờ). Proust yêu công trình mang phong cách kiến trúc Gothic này đến mức ông đã dụ dỗ người tình dấu yêu của mình là Alfredo Agostinelli đưa ông tới đây để thắp sáng mặt tiền của nhà thờ bằng đèn pha ô tô để ông có thể nghiên cứu các tảng đá của nhà thờ. Cởi phăng chiếc áo khoác lông bên ngoài và mặc mỗi chiếc áo ngủ, Proust đã nhìn chằm chằm vào cổng chính Saint Anne của Nhà thờ Đức Bà trong suốt 2 tiếng.
Nhà tâm lý học Áo Sigmund Freud, người cùng thời với Proust, cũng bị Nhà thờ Đức Bà lôi cuốn. Lần đầu tiên Freud nhìn thấy Nhà thờ Đức Bà hồi năm 1885 và nói rằng ông có “cảm giác chưa từng có trước đó”. Sau đó, trong thời gian nghiên cứu với bác sĩ thần kinh Jean-Martin Charcot tại bệnh viện Salpêtrière, Freud trở lại Nhà thờ vào “mỗi buổi chiều thảnh thơi”. “Tôi chưa bao giờ thấy bất cứ thứ gì gây xúc động và u buồn đến vậy”, Freud từng nói.
… qua điện ảnh
Thời hậu chiến, nhiều bộ phim có bối cảnh ở Paris sử dụng Nhà thờ Đức Bà như khung cảnh chính. Trong phim Breathless (1960), Jean-Paul Belmondo ngồi đọc báo với hình ảnh Nhà thờ ở đằng sau. Hay Leslie Caron và Gene Kelly khiêu vũ trong hình bóng của Nhà thờ trong phim An American In Paris; Cary Grant và Audrey Hepburn đi bộ qua Nhà thờ khi họ nói về kẻ giết người trong phim Charade...
Song việc sử dụng Nhà thờ Đức Bà một cách ấn tượng nhất là trong phim Thằng gu Nhà thờ Đức Bà Paris (1939) được dàn dựng theo tiểu thuyết của Victor Hugo. Trong phim, Charles Laughton hóa thân thành chàng gù Quasimodo, một người rung chuông nhà thờ. Chàng cứu Esmeralda (Maureen O’Hara) thoát khỏi thòng lọng treo cổ bằng cách đu dây xuống từ một trong những chiếc chuông trong Nhà thờ và đưa cô trở lại tháp chuông. Đó là Tháp Bắc với khung gỗ sồi cổ đã bị thiêu hủy sau vụ hỏa hoạn.
Bộ phim đưa hình ảnh ngoạn mục về Nhà thờ Đức bà. Thay vì nhìn thoáng qua nhà thờ trên đường chân trời, cảnh phim quay những gì xung quanh và bên trong nó, tạo nên cái nhìn ngược tuyệt đẹp về Paris từ tòa tháp. Bộ phim ngay lập tức được xem là một biểu tượng chống phát xít.
Sau này, phiên bản phim Three Musketeers (Ba chàng lính ngự lâm - 2011) của Paul WS Anderson có màn đấu kiếm trên mái Nhà thờ. Còn trong phim truyền hình The Muppet Show hồi năm 1981, màn mở đầu phim là nhân vật Mulch trèo lên tháp chuông Nhà thờ và hát một tình khúc.
Hình ảnh trong phim TV hài "The Muppet Show" có bối cảnh là Nhà thờ Đức bà:
… tới hội họa và âm nhạc
Danh họa Tây Ban Nha Pablo Picasso đã dùng cọ vẽ của mình để mô tả Nhà thờ Đức Bà nhiều lần. Trong bức tranh Picasso vẽ hồi năm 1954 cho thấy sự pha trộn màu fauvist (thể hiện nét vẽ đơn giản và tông màu sáng) hoang dã với phong cách lập. thể.
Không có điểm nhấn nào, thay vào đó trong bức tranh này Nhà thờ Đức Bà được nhìn từ nhiều góc độ trên hòn đảo trên sông Seine. Picasso đã hòa quyện mái Nhà thờ vào những đám mây.
Cách mô tả chân thực hơn về Nhà thờ Đức Bà có thể thấy trong bức tranh sơn dầu mà nghệ sĩ Đức Eduard Gaertner vẽ năm 1826. Paris, Rue-Nueve-Notre-Dame mô tả mặt tiền phía Tây của Nhà thờ qua những con đường nhỏ hẹp, sầm uất của trung tâm thành phố Paris.
Phần kiến trúc bên trong Nhà thờ cũng đã xuất hiện trong hội họa. Một trong số đó là tác phẩm nổi tiếng The Coronation of Napoleon do Jacques-Louis David vẽ vào khoảng năm 1806-1807. Là họa sĩ chính thức của Napoleon, David mô tả ông chủ của mình lên ngôi hoàng đế vào năm 1804 bên trong Nhà thờ Đức bà. Bức tranh này hiện đang được trưng bày trong bảo tàng Louvre của Pháp.
Âm nhạc cũng đã trở thành một phần lịch sử của Nhà thờ Đức Bà kể từ khi hình thành. Những nhà soạn nhạc châu Âu làm việc ở Paris vào khoảng năm 1160 đến năm 1250, đã sáng tác nhạc cho các nghi thức tế lễ hàng tuần trong khi nhà thờ lớn vẫn đang được xây dựng. Tên tuổi của họ hầu hết đã bị lãng quên và hiện mới chỉ xác định được 2 người là Léonin và Pérotin.
Việt Lâm (tổng hợp)
Tags