Đây là câu tự nhắc nhở chính mình của Hồ Huy Sơn, vì vậy mà anh có sức sáng tác khá đều tay. Ngoài thơ, anh còn viết văn xuôi và cả khảo cứu cho độc giả thiếu nhi. Trong năm 2024, chưa tính sách tái bản, Hồ Huy Sơn ra mắt 2 cuốn sách mới: Từ những tên riêng (biên khảo, NXB Kim Đồng) và Mùa Hè ra biển (thơ, NXB Hà Nội và Lionbooks).
Nhà thơ 8X này có chia sẻ về nghề văn chương cùng Thể thao và Văn hóa (TTXVN).
Tôi viết trước hết là vì mình
* Viết văn làm thơ từ cấp 2, tính đến nay đã vài chục năm cầm bút. "Bí kíp" nào giúp anh giữ lửa với văn chương lâu như thế?
- Trước khi trả lời câu hỏi này, tôi muốn chia sẻ một chút về thực tế mà mình quan sát được: Hiện tại, dân số của nước ta đã chạm mốc 100 triệu người, nhưng số lượng in cho mỗi đầu sách dao động từ 1.000 - 2.000 cuốn. (Ngoại trừ những tác giả đã có thương hiệu như Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư… thì số lượng này sẽ lớn hơn). Và nhuận bút cho tác giả phổ biến ở mức 10%/giá bìa. Nếu cuốn sách có giá bìa là 100.000 đồng, thì số tiền nhuận bút mà tác giả nhận được từ 10 triệu - 20 triệu đồng (chưa bao gồm thuế thu nhập cá nhân). Mà để viết được một cuốn sách có khi hàng năm, thậm chí là 2-3 năm trời.
Đến nay tôi đã sở hữu trên 10 đầu sách, nhưng thực sự vẫn phải dựa vào nghề báo để theo đuổi văn chương. Tôi chia sẻ điều này không phải để "than nghèo kể khổ", mà chỉ muốn nói rằng, nếu nhìn vào thực tế này, hẳn không ít người sẽ lắc đầu nhún vai, băn khoăn bước tiếp hoặc dừng lại với văn chương. Có ai đó dừng lại, tôi nghĩ cũng là điều dễ dàng thấu hiểu.
Tôi có bài đăng báo từ năm 2001, nhưng để tính thời gian bắt đầu cầm bút thì năm 2000. Tính đến nay cũng gần 25 năm rồi. Quả thực khi nhìn lại, tôi cũng không nghĩ mình đã đi xa như vậy! Tôi nghĩ 24 năm qua là thời gian quá đủ để xác tín cho một tình yêu mà mình theo đuổi từ khi còn học cấp 2.
Còn nói vui thì tôi đã đi xa quá rồi, đôi chân mình đã "lún sâu" quá rồi, nên cũng khó mà "quay xe" được nữa! Thế nên, tôi cũng chẳng có "bí kíp" gì cả đâu, mà điều duy nhất giúp mình đi xa với văn chương chỉ đơn giản là vì yêu, vậy thôi! Vì yêu mà đến, và cũng vì yêu mà giúp mình biết gạt bỏ những khó khăn để gắn bó dài lâu.
* Vừa viết cho trẻ con và người lớn. Vừa viết thơ, viết văn, gần đây thêm cả biên khảo. Anh muốn người khác nhớ đến mình ở vai trò nào?
- Tôi không biết viết được nhiều thể loại là may mắn hay là một sự "đày ải" (cười). Nhưng quả thực, với tính cách của mình, tôi nghĩ phần may mắn nhiều hơn. Bởi nếu chỉ viết một thể loại từ tháng này qua tháng khác, tôi sẽ rơi vào cảm giác nhàm chán. Có lẽ, bạn đọc cũng sẽ có cảm giác này thôi. Ở khía cạnh của người đọc, bản thân tôi cũng luôn trông đợi những điều thú vị, bất ngờ mà tác giả mình yêu mến mang đến qua những tác phẩm.
Thực ra, tôi nghĩ rằng văn chương là câu chuyện cá nhân. Mọi thứ ban đầu vẫn phải xuất phát từ chính tác giả. Hồi mới ra trường, cũng có người cảnh báo với tôi, viết báo sẽ hỏng văn. Nhưng đến lúc này, tôi nghĩ mình mang nợ nghề báo nhiều lắm! Không có nghề báo, không có một công việc để đảm bảo cuộc sống thì rất khó để theo đuổi văn chương. Vậy nên, suy cho cùng, tất cả vẫn ở bản thân mình đón nhận, sắp xếp và theo đuổi thôi.
Trở lại câu chuyện viết nhiều thể loại, gần đây, tôi luôn luôn có những ý tưởng thú vị cho những cuốn sách của mình. Có lẽ, đây là thành quả của một quá trình sống, đọc và viết hàng chục năm qua. Khi có những ý tưởng, nếu không bắt tay vào hiện thực nó, tôi sẽ cảm thấy day dứt nhiều lắm.
Tôi viết ban đầu vẫn là vì cá nhân mình, và may mắn, khi sách được xuất bản, nếu cuốn sách có ích, được bạn đọc chia sẻ đón nhận thì đó là niềm vui rất lớn. Nó là dưỡng chất để tôi tiếp tục theo đuổi đam mê chữ nghĩa, có thêm những cuốn sách sau này.
Tôi nghĩ rằng, một ngày nào đó, ai rồi cũng phải rời xa cõi sống này thôi. May mắn hơn thì những cuốn sách của mình còn ở lại, được độc giả đọc thêm một thời gian nữa trước khi phôi pha. Vậy nên, tôi không có tham vọng lưu danh muôn thuở, chỉ mong bạn đọc sẽ nhớ đến những cuốn sách của mình. Như thế cũng là đủ vui và hạnh phúc rồi!
"Dịp Hè, khi các em không còn phải lo chuyện bài vở, có thể ôm một tập thơ, ngồi dưới một bóng cây hoặc trên một bãi biển nào đó, rồi say sưa đọc, thả hồn mình vào những không gian khác nhau, thì đó cũng là một món quà đầy ý nghĩa" - Hồ Huy Sơn.
Tự cảm ơn, vì đã không nản chí
* Vậy điều gì khiến bạn đến với văn chương?
- Có một đúc kết rằng: "nghề chọn người", tôi cũng nghĩ là mình được chọn. Bởi để xét "lý lịch" gia cảnh, chắc chẳng ai nghĩ tôi sẽ theo được văn chương đâu! (cười). Cha mẹ, anh chị tôi đều là nông dân. Giống như những đứa học trò quê ngày đó, tôi cũng một buổi đi học một buổi phụ giúp cha mẹ việc chăn trâu, đồng áng. Đời sống tinh thần nghèo nàn, ngoài sách giáo khoa ra thì không có thêm sách vở gì.
Cho đến năm học lớp 8, khi tình cờ được đọc báo Thiếu niên tiền phong, gặp những bài thơ, truyện ngắn, tản văn của chính những người bạn đồng trang lứa, đam mê văn chương của tôi lúc đó như được đánh thức. Tôi lao vào viết, thậm chí viết rất nhiều mà không được đăng.
Có một điều tôi phải cảm ơn chính bản thân mình là hồi đó đã không nản chí, không bỏ cuộc, khi gửi bài đi miệt mài mà không được đăng. Có lẽ vì ngay từ đầu, tôi đã cảm nhận được niềm vui và ý nghĩa của việc viết, khi có thể được tâm tình, được giãi bày những suy nghĩ không biết tỏ bày cùng ai. Đến bây giờ niềm vui ấy vẫn nguyên vẹn như vậy.
* Với tác phẩm mới nhất, "Mùa Hè ra biển", có gì khác so với tác phẩm thơ "Những ngọn đèn thơm" của anh cách đây hai năm?
- Sau Những ngọn đèn thơm ra mắt vào năm 2022 và được tái bản sau đó một năm, tôi giống như được tiếp thêm động lực để sáng tác và có niềm tin rằng thơ thiếu nhi vẫn có "đất sống". Song song với viết báo, tôi vẫn duy trì việc sáng tác thơ cho các em. Đến lúc cảm thấy đủ cho một tập thơ, tôi liền gửi bản thảo qua Lionbooks, nhận được gợi ý của bạn Chiều Xuân - Giám đốc Lionbooks - về việc cần có một ấn phẩm tập trung vào chủ đề mùa Hè.
Tôi là người thích được tự do sáng tác, tự do theo đuổi những đề tài mà mình tâm đắc, nhưng lời gợi ý của Chiều Xuân cũng đáng để lưu tâm. Dịp Hè, khi các em không còn phải lo chuyện bài vở, có thể ôm một tập thơ, ngồi dưới một bóng cây hoặc trên một bãi biển nào đó, rồi say sưa đọc, thả hồn mình vào những không gian khác nhau, thì đó cũng là một món quà đầy ý nghĩa. Vậy nên, lời gợi ý của Chiều Xuân vừa là động lực vừa là thách thức với tôi.
Nhưng khi cầm trên tay ấn phẩm Mùa Hè ra biển thì tôi vui, vì mình đã vượt qua được thách thức đó, đồng thời vui khi mình đã có một món quà thật đẹp dành cho các em trong dịp Hè này. Ngoài tập trung vào chủ đề mùa Hè, thì đây là lần đầu tiên tôi có một cuốn sách được làm bìa cứng! (cười).
* Tác phẩm hiện đang ấp ủ của anh tiếp tục dành cho thiếu nhi chứ?
- Hiện tôi đang có 2 bản thảo thơ cùng một tập truyện ngắn thiếu nhi đang nằm chờ ở nhà xuất bản. Sau khi ra mắt cuốn sách Từ những tên riêng vào tháng 4 năm nay, nhận được những phản hồi tích cực, nên tôi đang bắt tay vào thực hiện tập 2.
Thời gian qua, rất nhiều người hỏi tôi sao lại viết nhiều và liên tục ra sách như thế. Thực sự thì tôi không nghĩ mình tài giỏi gì đâu, mà vạn sự tùy duyên thôi! Thêm vào đó, việc ra sách nhiều khi không nằm trong tầm kiểm soát của tác giả, mà ở kế hoạch của đơn vị xuất bản nhiều hơn. Có những bản thảo như Từ những tên riêng, tôi gửi đi 3 năm mới được xuất bản.
Những năm 20 tuổi, thấy ai viết nhiều, liên tục ra mắt sách tôi cũng đều cảm thấy lo ngại cho họ, vì viết nhiều như vậy nhanh cạn vốn lắm! Đó cũng là điều tôi luôn tự nhắc mình trước đây. Còn bây giờ, khi chạm ngưỡng tuổi 40, đã có một vốn sống nhất định, tôi lại nhắc mình nếu viết được gì thì cần viết liền. Bây giờ mỗi lần ngồi vào bàn viết là một cuộc đấu tranh dai dẳng, khi mà từ lưng, vai gáy đến cổ đều nhức mỏi. Chưa kể là cuộc sống có nhiều bất trắc, hôm nay đang cười đùa vui vẻ đó, nhưng ai biết qua ngày hôm sau mình có còn được ngồi vào bàn viết nữa không.
* Cảm ơn những chia sẻ của anh!
Vài nét về Hồ Huy Sơn
Sinh năm 1985 tại Quỳnh Lưu, Nghệ An, hiện đang sống và làm việc tại TP.HCM.
Tác phẩm đã xuất bản: Ngày lạ (thơ, 2009); Cơm nhà cơm người (tập truyện ngắn, 2012); Rồi lẻ loi như gió (thơ, 2016); Những đóa hoa lạ nhà (tạp bút, 2017); Hát lời cho quả sai (chân dung văn nghệ, 2017); Một cảnh không có trên phim (tập truyện ngắn, 2018); Mây vẫn bay trên bầu trời thành phố (tập truyện ngắn, 2021)…
Một số tác phẩm dành cho thiếu nhi: Con trai con gái (2007); Thả chim về trời (2012); Con diều ngược gió (2017, 2018, 2019); Đi qua những mùa vàng (2017); Những ngọn đèn thơm (2022); Từ những tên riêng (2024); Mùa Hè ra biển (2024)…
Một số giải thưởng: Giải Nhất văn xuôi báo Thiếu niên tiền phong năm 2004; Giải Khuyến khích thơ báo Thiếu niên tiền phong năm 2004; Giải Nhất thơ báo Mực tím năm 2007; Giải Khuyến khích thơ báo Tuổi trẻ năm 2007; Giải Ba cuộc thi truyện ngắn Yume 2011; Giải thưởng Hồ Xuân Hương, năm 2011; Giải Tư truyện ngắn sáng tác văn học trẻ năm 2018 do tạp chí Văn nghệ xứ Thanh tổ chức…
Tags