Nhà thơ Lê Va: "Đi xa để tìm gần"

Thứ Tư, 15/01/2025 18:00 GMT+7

Google News

Sinh ra và lớn lên ở Hà Đông (Hà Nội), đến với Hòa Bình từ năm 18 tuổi, nhà thơ Lê Va đã gắn bó đời thơ và phần lớn đời mình ở mảnh đất văn hóa Mường này. Nhiều tác phẩm viết về văn hóa, đời sống, tình người xứ Mường của anh đã để lại dấu ấn trong lòng độc giả.  

Trong sách giáo khoa lớp 12 - tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Hòa Bình (NXB Giáo dục Việt Nam) - có bài thơ Người vùng cao đón khách, thể hiện rõ nét phong cách thơ của anh.

Dịp cuối năm, anh trò chuyện với Thể thao và Văn hóa.

Khó khăn lại là may mắn

* Viết thơ, ký, khảo cứu... thể loại nào anh thấy được thỏa mãn với niềm đam mê cầm bút của mình hơn?

- Các thể loại thơ, ký, khảo cứu… tôi đều yêu thích và mỗi cuốn sách ra đời tôi đều rất vui theo sức của mình. Với tôi, thơ, ký hoặc khảo cứu trước hết đều phải có chất liệu được tích lũy. Khi cần thì huy động, chọn lọc và sử dụng nó cho mỗi thể loại khác nhau. Thơ thì cô đọng và khái quát. Ký thì rỉ rả và chi tiết. Khảo cứu thì vừa sưu tầm, phân tích, lý giải để cuốn hút người đọc.

Tóm lại các thể loại trên, khi viết đều phải huy động được vốn văn hóa của mình.

Nhà thơ Lê Va: "Đi xa để tìm gần" - Ảnh 1.

Nhà thơ Lê Va

* Anh có thể chia sẻ về cảm hứng sáng tạo, hoàn cảnh ra đời bài thơ "Người vùng cao đón khách"?

- Đây là những trải nghiệm từ khi tôi vừa đặt chân tới vùng núi cao Đà Bắc năm 1977. Từ những cử chỉ, tính cách, ánh mắt, nụ cười của người dân dành cho tôi… cứ thế ngấm vào trong. Thế rồi hơn 20 năm sau, khi đã chuyển ra thành phố, gặp các anh Nguyễn Tấn Việt, Lò Cao Nhum, Bùi Minh Chức ở làng văn, rồi trong khoảnh khắc cảm xúc trào dâng, tôi ghi lại những gì mình đã thấy, đã được hưởng mà thành bài thơ Người vùng cao đón khách:

Khách đến

Cứ làm bạn với ghế mây cái đã

Chủ nhà lặng yên

Tiếp sức cho lửa

Đón nước vào bếp

Lửa hát

Nước reo

Người cất lời! ...

                             (Trích Người vùng cao đón khách)

Đỡ lấy cái nhọc đường xa

Truyền cái hơi thơm của bản

Chén trà đu đưa ấm lòng

Bát rượu men rừng mở lối

Hỏi thăm bố mẹ gửi tình

Hỏi thăm anh em chia phận

 

Nói lời dốc đứng

Cử chỉ khúc khuỷu

Tình đầy mây trắng quanh năm

Bụng trong mùa thu suối sớm

Chén rượu chao mang

Nhìn sâu mắt khách

Bắt tay nổ đốt

Người vùng cao cười

Nụ cười của em bé trong nôi.

Tôi muốn nói rõ hơn 2 câu trong bài thơ này: "Hỏi thăm bố mẹ gửi tình/ Hỏi thăm anh em chia phận". Đó là, gia chủ mời rượu anh, hỏi thăm bố mẹ anh có còn không, khỏe không rồi gửi anh (anh nhận và uống) chén rượu thay cho bố mẹ anh nếu còn. Hỏi xem anh được mấy anh chị em, rồi gửi anh chén rượu về cho họ, anh lại nhận và uống. Gửi tình và chia phận ở đây là thế!

Nhà thơ Lê Va: "Đi xa để tìm gần" - Ảnh 2.

Trang sách “Người vùng cao đón khách”

* Đọc thơ anh viết về vùng cao, tôi tự hỏi, mất bao lâu để một người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội viết như một người con của núi rừng Hòa Bình, thưa anh?

- Tôi là người Kinh, sinh ra tại Hà Đông, Hà Nội. Tuy nhiên từ nơi tôi sinh ra và lớn lên (18 tuổi) đến trung tâm đất Mường tỉnh Hòa Bình chỉ 60km theo Quốc lộ 6, trong khi một số học giả người Pháp họ từ Paris hoa lệ sang Việt Nam và lên Hòa Bình từ đầu thế kỷ 20, khi nơi đây còn "ma thiêng nước độc", thì họ vì cái gì nếu không phải tình yêu văn hóa Mường trên hết?! Nhờ họ, chúng tôi hôm nay mới có được vài cuốn sách viết về người Mường mà tìm hiểu. Quý vô cùng.

Và tôi vô cùng thấm thía với tâm sự của học giả người Pháp Pierre Grossi khi kết thúc tác phẩm Tỉnh Mường Hòa Bình, xuất bản lần đầu năm 1926 bằng Pháp ngữ, đó là: "Để xây dựng tỉnh Hòa Bình thì phải biết yêu tỉnh Hòa Bình!".

Tình yêu Hòa Bình đến với tôi vừa tự nhiên vừa không tự nhiên. Tự nhiên ở chỗ tình yêu ấy thấm dần trong tôi lúc nào không biết. Và không tự nhiên ở điều tôi luôn lắng nghe, tìm hiểu cái hay, cái đẹp vừa hiển hiện vừa trầm tích của Hòa Bình. Khi cần thì cái vốn văn hóa (trải nghiệm) được huy động vào sáng tác, bài viết của mình. Đó chính là lúc tình yêu Hòa Bình trong tôi phát sáng.

* Viết về người vùng cao hẳn phải có nhiều chuyến đi thực tế, sống cùng đồng bào. Những chuyến đi có để lại cho anh những kỷ niệm ấn tượng?

- Đối với tôi, vùng đất Hòa Bình không chỉ còn là những chuyến đi thực tế, mà thực tế là tôi có một thời gian dài ở đây, lúc tuổi trẻ. Tôi nhấn mạnh những năm tháng đầu đời, khi mình còn trong trẻo, lần đầu tiên xa nhà, xa đồng bằng, đến với miền núi xa, lạ nên rất nhớ. Hơn nữa, cái khó khăn thời đó lại là cái may trong việc viết của mình sau này. Vì khó khăn về đường sá, đi bộ hàng tuần, đến đâu là ở với dân, nhờ vậy nên dễ gặp và am hiểu truyền thống văn hóa ở đó.

Giờ đây, tôi vẫn đi thực tế, nhưng mở rộng ra ngoài địa bàn tỉnh Hòa Bình để tìm hiểu kỹ hơn, gốc gác hơn những điều cần tìm hiểu bà con người Mường vào Tây Nguyên năm 1954; người Mường Hòa Bình vào xứ Thanh vài trăm năm trước. Tôi gọi đây là cuộc "đi xa để tìm gần".

Nhà thơ Lê Va: "Đi xa để tìm gần" - Ảnh 3.

Nhà thơ Lê Va (bìa phải) tặng báo và bài viết cho bà con vùng cao

Viết là công việc sống còn của nhà văn

* Ở vai trò Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Hòa Bình, đồng thời là ủy viên Hội đồng Văn học thiếu nhi (Hội Nhà văn Việt Nam), theo anh, làm sao để phát triển đội ngũ sáng tác trẻ, sáng tác văn học thiếu nhi ở các địa phương?

- Việc phát triển đội ngũ người viết nói chung đã khó, người lớn viết cho thiếu nhi càng khó, người trẻ sáng tác văn học thiếu nhi lại càng khó hơn. Khó không phải do khả năng viết của giới trẻ. Thực tế các bạn trẻ ngày nay nhiều bạn viết rất được. Nhưng để theo nghề viết thì thật khó khăn. Viết rồi có theo đuổi nghiệp viết dài lâu? Tôi luôn nhớ nhà thơ Nguyễn Tấn Việt đúc kết: "Chung thủy với thơ còn khó hơn chung thủy với người" là thế.

Vậy nên, khi phát hiện nhân tố thì hội VHNT chúng tôi phải ra sức "chăm bẵm" bằng nhiều hình thức, trong đó mở trại sáng tác văn học trẻ, văn học thiếu nhi là cần thiết.

Qua hoạt động trên, trong những năm qua, Hội VHNT tỉnh Hòa Bình đã kết nạp được những hội viên rất trẻ, khi họ đang ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. Khi vào đại học, họ tiếp tục viết và gửi bài về tạp chí Văn nghệ Hòa Bình. Không ít bạn trưởng thành, viết cho nhiều diễn đàn văn học, in sách… dù ở Hà Nội hay đang ở địa phương khác, họ vẫn là hội viên Hội VHNT tỉnh Hòa Bình.

* Trước khi làm Chủ tịch Hội VHNT Hòa Bình, anh đã có hàng chục năm gắn bó với ngành công an. Hai lĩnh vực hoạt động này có hỗ trợ gì qua lại với nhau không?

- Trong những năm tháng làm công an, tôi có làm thơ, viết báo, xuất bản sách, rồi tham gia BCH Hội VHNT tỉnh. Thế nên vai chính là làm công an, công việc kèm theo là hoạt động văn học nghệ thuật. Đến nay thì công việc "kèm theo" đó trở thành công việc chính!

* Và hiện nay, làm sao để anh có thể đều đặn có sáng tác mới và lo chu toàn việc công tác hội?

- Hiện tôi đang là Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Hòa Bình, đó cũng chỉ là một công việc được anh em tín nhiệm, tin tưởng ủy thác. Điều tôi luôn nhớ, mình là nhà văn, viết là công việc sống còn. Chức danh là do hội viên bầu, mình không phụ lòng tin của anh chị em, nhưng vẫn là nhiệm kỳ, còn viết là chuyện không có nhiệm kỳ.

* Cảm ơn anh đã chia sẻ!

Nhà thơ Lê Va

Sinh 1959. Quê quán: Phú Lương, Hà Đông, Hà Nội. Trú quán: Hòa Bình.

Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hòa Bình.

Giải thưởng: Giải Nhì về thơ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2007, Giải B về văn học nghệ thuật tỉnh Hòa Bình 1991 - 2000, 2001 - 2006; Giải A về thơ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2015; Giải thưởng Cây bút Vàng của Bộ Công an năm 2018; Giải thưởng của Liên hiệp các hội VHNT năm 2020…

Các tập thơ đã xuất bản: Nắng giao thoa, Nhịp đập hai mùa, Chớp núi, Khúc thức, Tha thẩn xanh, Lên núi tìm trầm, Bức đại tự đỏ…

Các tập ký đã xuất bản: Làng rừng đang phố, Người không bị lãng quên, Về gần, Như chưa hề có thác, Công phá, Bờ xưa - Kỳ quan từ ký ức, Bình yên một thoáng làng rừng

Có tác phẩm được tuyển vào chương trình giảng dạy văn học địa phương, vào sách giáo khoa tham khảo Hướng dẫn cảm thụ văn học (lớp 6) của Bộ giáo dục và Đào tạo.

Võ Thu Hương (thực hiện)

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›