(Thethaovanhoa.vn) - Ngày thơ Nguyên tiêu đã không tổ chức vào rằm tháng Giêng Canh Tý 2020 như dự kiến để phòng chống dịch bệnh do Covid-19 (nCoV). “Khoảng lặng” của Ngày thơ năm nay cũng là dịp để chúng ta đặt ra câu hỏi: Tại Việt Nam, văn chương đang được “thực hành” trong đời sống theo cách nào - và nên như thế nào?
Nói vậy, bởi từng có ý kiến cho rằng Việt Nam là một “cường quốc thơ”, khi câu lạc bộ thơ mọc lên khắp nơi, nam phụ lão ấu đều làm thơ. Và ngày hội thơ quen thuộc của tháng Giêng luôn được tổ chức ở khắp cả nước, trở thành một ngày hội trang trọng, thu hút sự quan tâm của công chúng.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng thơ ở Việt Nam vẫn thiếu lửa, thiếu một sự cuồng nhiệt và có gì hơi khách khí, khách sáo. Những người đi nước ngoài nhiều hoặc đã từng “thực hành” thơ ở nước ngoài nghĩ gì về điều này? Ở đây tôi muốn dùng từ “thực hành” thơ/ văn chương với nghĩa rộng hơn là “trình diễn” hay “biểu diễn”. Nó có thể bao gồm nhiều hình thức sinh hoạt văn chương, từ ngâm, đọc, tọa đàm, bình thơ, thi thơ, thách đối, đến việc sắp đặt, trình diễn…, tức là mọi cách thức để tác phẩm văn chương được cất lên giữa mọi người.
- Tác giả Mai Văn Phấn ra mắt 2 tập thơ mới: Đi từ 'mái nhà gianh' tới 'ngôi nhà lớn' trong thơ
- Mai Văn Phấn nhận giải Cikada của Thụy Điển: 'Đôi khi không biết thơ mình được dịch ở đâu'
Trước hết, Thể thao & Văn hóa (TTXVN) lược ghi ý kiến của nhà thơ Mai Văn Phấn - một nhà thơ đương đại có thể nói nổi tiếng thế giới. Và anh cũng đã đi “hoằng dương” thơ khắp nơi trên thế giới, từng có chuyến hành hương về “thánh địa về thơ ca” là Thụy Điển - nơi anh được trao giải thưởng Cikada danh giá vào năm 2017)
Sau đây là chia sẻ của anh:
1. “Cuối năm 2018 tôi có đi Bắc Âu theo lời mời của Ủy ban Thụy Điển vì Việt Nam, Lào và Campuchia. Và tháng 10 năm 2019 vừa qua, tôi đến xứ sở kim chi theo lời mời của Viện Dịch thuật Văn học Hàn Quốc. Trước hai chuyến đi, các nhà xuất bản và báo chí ở hai nước đã dịch và ấn hành tác phẩm của tôi. Tôi cũng đã hỏi chị Eva Lindskog, Chủ tịch Ủy ban Thụy Điển, và các biên tập viên của Hàn Quốc lý do họ xuất bản tác phẩm của tôi và gửi lời mời tham dự lễ hội. Cả hai nơi tôi đều nhận được câu trả lời tương tự là, bạn đọc ở đó muốn biết chuyển động của thơ đương đại chúng ta, qua đó muốn cảm nhận sâu hơn về đời sống tinh thần, văn hóa, lịch sử, cũng như tâm lý người Việt đương thời.
Tôi thấy lý thú ở lý do này, bởi lịch sử thi ca thế giới đã trải qua nhiều giai đoạn, nhiều khuynh hướng. Mỗi dân tộc ít nhiều đều đã chịu/ được tác động bởi các khuynh hướng theo từng giai đoạn lịch sử. Hôm tôi ở Seoul (Hàn Quốc), nhà văn Sue Ja Kwon nói với tôi rằng, bà muốn đọc thơ của các nhà thơ Việt Nam để hiểu thêm những ẩn ức, biến cố cùng vẻ đẹp tâm hồn người Việt.
Ở Thụy Điển tôi đã dự hội thảo tại Hội Nhà văn Thụy Điển về tập thơ Nhịp mùa thu (Nxb Tranan, 2017) do Erik Bergqvist và Maja Thrane dịch từ bản tiếng Anh và tiếng Pháp sang tiếng Thụy Điển, đọc thơ tại Thư viện Stockholm, tiếp xúc với các nhà thơ, nhà phê bình văn học... Ở Hàn Quốc, tôi có buổi nói chuyện với sinh viên Khoa Sáng tác thuộc Đại học Chung Ang, cùng một số nhà thơ quốc tế đọc thơ tại Trung tâm Văn hóa Dongdaemun Design Plaza, thủ đô Seoul…
Cả hai nơi Bắc Âu và Bắc Á đều không có nhiều khán giả tham dự các buổi đọc thơ. Mỗi buổi chỉ ước chừng 150 người, họ là các nhà thơ, nhà nghiên cứu, sinh viên, nghiên cứu sinh... Họ đến đó lắng nghe các nhà thơ đọc thơ và trò chuyện, sau đó đặt những câu hỏi rất thú vị và gợi mở.
Hoặc, tôi có gặp giáo sư, nhà thơ Dan Disney đến từ nước Úc, hiện ông dạy văn học tại Đại học Sogang, Hàn Quốc. Dan nói với tôi rằng: Các buổi đọc ở nước ông cũng không nhiều người đến dự, nhưng họ đều là những khán giả tinh hoa.
Và các buổi đọc thơ ở Úc cũng thường diễn ra trong không khí ấm cúng, sâu lắng như ở Hàn Quốc. Có lẽ thơ ca ở các nước văn minh chỉ dành cho bạn đọc tinh hoa.
2. Tôi vốn không thích trình diễn thơ ở đám đông và cũng không mấy tin mọi người có cảm nhận sâu hơn, yêu thơ hơn qua các lễ hội Thơ.
Từ sơ khởi, thơ ca vốn ra đời từ dân ca, hò vè, tục ngữ, phương ngữ có vần điệu, từ các lễ hội truyền thống. Nhưng thơ đã tiến triển cùng lịch sử mỗi dân tộc. Thơ ca đã thành không gian nghệ thuật mang tính đặc thù, thành thế giới thơ, cõi thơ riêng.
Theo tôi, thơ luôn được đổi mới, cách tân, nhưng dù có chuyển động về hướng nào, thì căn tính của nó luôn mang vẻ đẹp nguyên khởi, nhằm phục sinh, tái tạo thế giới, luôn đối lập với cái ác, xấu xa, gian tà… Văn bản thơ thường hàm chứa những đặc trưng văn hóa, lịch sử, tâm lý của mỗi cộng đồng, dân tộc, nơi nhà thơ được nuôi dưỡng, lớn lên.
Việt Nam ta là đất nước có truyền thống yêu chuộng thơ ca. Trong những năm tháng chống ngoại xâm chúng ta có những “bài thơ đánh giặc” có giá trị nghệ thuật sẽ tồn tại mãi sau này. Rằm Nguyên Tiêu hiện được lấy làm ngày Thơ Việt Nam. Nhưng việc tổ chức ngày Thơ trên phạm vi cả nước vẫn mang tính hình thức, coi trọng phần “hội” hơn “lễ”.
Để thực hành văn chương ở nước ta diễn ra như một nghi lễ, tôi chỉ nói đến việc tổ chức lễ hội Thơ, chứ không bàn rộng đến xuất bản và đăng tải tác phẩm văn học. Theo tôi, những người có trách nhiệm cần dành thời gian chuẩn bị kỹ nội dung lễ hội, như sớm chốt danh sách khách mời, lập đề cương chủ đề cho từng cuộc hội thảo, đọc tác phẩm, không nên để tình trạng “nước đến chân mới nhảy”.
Nội dung lễ hội cần mang tính sáng tạo, không lặp lại những năm trước. Và cũng nên chọn lọc những tiết mục văn nghệ biểu diễn trong lễ hội, sao cho phù hợp với chủ đề, tạo được sự tao nhã và sang trọng, không ồn ào, náo hoạt như hiện nay.
(Còn tiếp)
Huy Thông (ghi)
Tags