NXB Văn học vừa ấn hành tập thơ Con đường tự trôi của chàng trai sinh năm 1987 Nguyễn Đăng Khoa. Cái tên Nguyễn Đăng Khoa dễ trùng với thần đồng thơ Trần Đăng Khoa, song tác phẩm của hai người tên Đăng Khoa thì không thể nào trùng nhau.
Áo cơm nào phải chuyện đùa
Khác với những năm 1990, khi ấy báo chí còn ít và mạng xã hội chưa nở rộ như hiện nay, các tác giả trẻ dễ dàng biết đến và nhớ tên nhau khi có tác phẩm đăng báo. Giờ thì, mỗi tài khoản mạng xã hội đều có thể tự xuất bản tác phẩm của mình một cách ồ ạt. Do vậy, Nguyễn Đăng Khoa cũng nằm trong số các nhà thơ đó, dù tôi có đọc thơ chàng trai này một vài lần tình cờ trên facebook.
Một hôm, tôi nhận được tin nhắn của Nguyễn Đăng Khoa rủ uống cà phê. Anh tặng tôi tập thơ Con đường tự trôi vừa xuất bản. Qua nói chuyện, biết Khoa đang làm cho một ngân hàng nhà nước, tôi đùa: “Làm ngân hàng dư tiền in thơ rồi”. Khoa nói ngay: “Em sinh ra, lớn lên ở Sài Gòn. Lúc nhỏ mê văn chương viết lách nhưng mẹ không muốn em theo vì nhà nghèo. Em đi học ngân hàng và làm ngân hàng vì thương mẹ”. À ra thế, áo cơm không phải chuyện đùa với tất cả mọi nỗi đam mê.
In Con đường tự trôi, ngoài tặng bạn bè, Nguyễn Đăng Khoa quyết định bán tập thơ này. Lý do bán, theo Khoa: “Khi móc hầu bao mua sách thì tỷ lệ người ta đọc sẽ cao hơn là sách biếu, tặng. Em muốn người đọc sách của mình. Thêm nữa, tại sao cứ mặc định là thơ phải biếu, tặng? Nhà thơ xưa nay có mấy người giàu có về vật chất. Nếu yêu thơ thì hãy mua sách của các nhà thơ. Mua thơ thể hiện sự tôn trọng thơ và người làm ra các bài thơ đó, chứ có mấy ai bán thơ mà lo nổi cơm áo đâu”.
Suy nghĩ này của Nguyễn Đăng Khoa thể hiện góc nhìn “sòng phẳng” của người trẻ. Nhiều nhà thơ ở ta hiện nay, tốn tiền in thơ xong lại tốn thêm một khoảng gửi bưu điện tặng sách hoặc mời bạn bè uống nước để tặng thơ. Nếu cuộc sống có đầy bất công, thì có lẽ các nhà thơ là người chịu bất công nhiều nhất khi in thơ.
Mùa Xuân mới trong thi ca?
Nguyễn Đăng Khoa in Con đường tự trôi sau khi tập thơ này đoạt giải Nhì đồng hạng (không có giải Nhất) của một cuộc thi thơ do nhà thơ Du Tử Lê tổ chức năm 2014. Nhận xét về Con đường tự trôi, Du Tử Lê viết: “Qua thi phẩm Con đường tự trôi của Nguyễn Đăng Khoa, với tôi, không còn là cánh én báo hiệu mùa Xuân. Mà mùa Xuân thi ca của chúng ta, đã thực sự hiện diện. Một hiện diện lộng lẫy của những dòng thơ siêu thực, ở tất cả mọi thể loại. Tôi muốn nói, tài hoa của người làm thơ trẻ này, luôn cho tôi những giây phút hạnh phúc, mỗi khi được đọc thơ Nguyễn. Từ đó, tôi đã hưởng nhận được từ Con đường tự trôi của Nguyễn Đăng Khoa, cả một lẵng hoa tỏa hương tài năng và trí tuệ. Lẵng hoa thi ca này, rồi đây, theo tôi, tự thân sẽ có được cho nó, một chỗ đứng đáng kể trong dòng chảy thi ca Việt Nam, những năm đầu thập niên 2010”.
Trong cách nói về bạn viết trẻ, Du Tử Lê dùng cụm từ “đọc thơ Nguyễn” đủ thấy ông trân trọng tác phẩm và tài năng của Nguyễn Đăng Khoa như thế nào, dù ông thuộc hàng cha chú về tuổi đời và thuộc bậc trưởng thượng trong nghề viết so với Khoa.
Còn nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến thuộc thế hệ 7X gần gũi hơn với Nguyễn Đăng Khoa, thì nhận định: “Đọc thơ Nguyễn Đăng Khoa, tôi lại ước mình có thêm một tuổi hai mươi lần nữa, để được đắm say bay trong những cảm xúc của thơ, của những hình ảnh không biên giới, của những con đường hoàn toàn tự do trong tâm tưởng. Mọi nỗi đau vẫn đều đặn được sinh ra cùng thời với những niềm vui, thơ không phải để vui, cũng không phải để buồn, không giục chúng ta đi, cũng không làm ta đứng lại. Thơ vừa là bến đỗ nhưng vừa là sóng đẩy thuyền đi. Thơ là chuyển dịch, là vận động không ngừng với những hành trang chữ và nghĩa. Thơ sinh cả ra nhà thơ và trong những trang thơ của Khoa tôi đã thấy, Thơ đã chọn chàng trai này để tiếp tục những hành trình bất tận của những trường thi âm và thi ảnh...”.
Rót đêm (Thơ Nguyễn Đăng Khoa) |
Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa
Tags