(Thethaovanhoa.vn) - Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng là TS ngữ văn, nguyên là giảng viên văn học Nga tại Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông hiện sống và làm việc tại Mátxcơva (Nga), đã xuất bản 10 tập thơ, 6 tập truyện, ký sự và chuyên luận về văn chương. Cuộc đời ông gắn kết chặt chẽ và thấu cảm với nước Nga, nơi con gái bé bỏng của gia đình ông đã thất lạc hơn 20 năm vẫn chưa được tìm thấy.
Nước Nga là nơi ông đã gắng gỏi để sống, tột cùng dâng hiến, yêu thương nhưng trong lòng luôn cháy bỏng: “Chúng tôi sống âm thầm, vai nặng gánh/ Đi muôn nơi vẫn nhớ đến cội nguồn” (Người Việt).
Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng
Lập trang web tìm kiếm con gái bằng chín thứ tiếng
Gặp nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng tại Thư viện Hà Nội mới đầu năm 2015 khi ông cùng bè bạn tổ chức giới thiệu tập thơ dày ngót 600 trang mang tên Nối hai đầu thế kỷ dành cho những người đã từng học tập và sinh sống tại Nga. Mắt ông thoáng buồn khi có người nhắc đến cô con gái đã thất lạc hơn 20 năm tại Nga.
Ông kể rằng những năm 80, ông và vợ sang Nga làm luận án tiến sĩ và đã quyết định cho con gái Quỳnh Nga chín tuổi đi cùng. Hạnh phúc ngắn chẳng tày gang khi vợ chồng ông nhận được tin con gái Quỳnh Nga mà ông rất mực yêu quý đã mất tích khi đi du lịch ở thành phố Sochi, với gia đình một người bạn.
Đó cũng là nguyên cớ để ông ở lại, gắn bó với nước Nga chỉ với một mục đích duy nhất là tìm lại cho bằng được con gái mình dù phải chịu đựng hay trả giá bất cứ điều gì.
Mấy chục năm trời, Nguyễn Huy Hoàng luôn vững tin vào điều đó. Đặc biệt khi ông là một trong những người hiếm hoi nhận được mật ngôn của nhà tiên tri mù Vanga, người nổi tiếng thế giới với những lời đoán trước vận mệnh rằng “con gái của ông vẫn còn sống, ông sẽ gặp được con gái, trên chính đất nước Nga”.
Cái giá của tình yêu nước Nga mà nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng phải trả, đớn đau và to lớn vô cùng. Nó đã làm đảo lộn toàn bộ cuộc sống không chỉ riêng cá nhân mà cả gia đình, đã làm cho toàn bộ cuộc đời Nguyễn Huy Hoàng chuyển theo hướng khác. Ông đã từ bỏ mọi thứ dành cho mình ở phía trước để ở lại nước Nga với một niềm hy vọng, gặp lại đứa con gái đầu lòng thất lạc của mình.
Nguyễn Huy Hoàng đã gắng hết sức, đã đi khắp bốn phương, đã ngửa mặt cầu xin khắp chốn, đã chấp nhận một cuộc sống chật vật, đã chịu biết bao điều đắng cay mà bút giấy không thể nào tả xiết. Khi mọi thứ đã không ở trong bàn tay mình, ông chỉ biết phó thác cho mệnh số và treo mảnh lòng xót thương của mình vào chiếc đinh hy vọng.
Gia đình nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng năm 1993, bên trái là bé Quỳnh Nga đã mất tích hơn 20 năm
Lang thang trên nước Nga mênh mông
Từng đêm dài “canh ngọn đèn đợi sáng”, Nguyễn Huy Hoàng thấp thỏm đợi một dòng tin, một lời nhắn gửi tốt lành từ trang web gia đình lập để đăng tin tìm kiếm con gái bằng chín thứ tiếng, hàng ngàn lời chia sẻ nhưng tuyệt không có thông tin gì mới. Ông tột cùng đau đớn và mỏi mòn chờ suốt hơn 20 năm đằng đẵng khi con gái thất lạc tại Nga vẫn chưa được tìm thấy: Ba không tị với người ta/ Nhà mình phúc mỏng mới ra thế này/ Ai mơ viên mãn, đủ đầy/ Ba cam phận bạc, trông ngày gặp con.
Đã có bao đêm Đông, nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng đứng hàng giờ bên cửa sổ, vai trùm một tấm chăn mỏng ngắm những bông tuyết rơi miên man, không vui, cũng không buồn, chỉ cảm thấy cô đơn và bé mọn. Những lúc đó, chẳng có ai để san sẻ nỗi lòng, chẳng có ai để trút vợi đi một dòng nước mắt âm thầm chảy đành gửi vào những vần thơ: Bỗng trong mưa bụi trắng trời/ Tiếng ai nhắn gọi, hay lời tháng năm/ Dặm về, nẻo vắng xa xăm/ Chiều Đông thấm mỏi bước chân độc hành.
Nguyễn Huy Hoàng đã trải qua bao đêm dài trăn trở không phải chỉ trong căn phòng ở thủ đô Mátxcơva, mà gần 30 năm trên những chặng hành trình dằng dặc khắp nước Nga mênh mông. Ông đã từng ngả lưng bên những cánh rừng trong đêm Hè mát mẻ, từng cuộn mình trong lều da bạt khi xung quanh tru lên tiếng sói săn mồi hay từng duỗi chân bên những bếp lửa rực hồng tận cực bắc lạnh gần 50 độ dưới âm.
Trong số gần 100 ngàn người Việt ở Nga, có nhiều người thành đạt, tự vươn lên trở thành những doanh nghiệp có tuổi tên và gia sản, nhưng vẫn có hàng chục ngàn người vẫn sống nổi chìm, tạm bợ “thân vạc, thân cò”. Nguyễn Huy Hoàng đã gửi gắm vào họ sự đồng cảm về thân phận, về tình người và những phẩm cách chỉ có riêng ở những con dân nước Việt. Và dù đi đến nơi đâu thì nỗi nhớ thương nước Việt vẫn luôn luôn sâu thẳm trong lồng ngực: Nghe hồn ngọn gió tha phương/ Xõa lay mái tóc điểm sương quê người.
Bìa tập thơ Canh ngọn đèn đợi sáng
Thấm lạnh trong đêm tuyết
Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng cho biết khi mới sang Nga, vào đầu Đông, suốt đêm háo hức chờ những bông tuyết đầu mùa. Khi tuyết rơi, giữa đất trời thanh khiết, có khi còn để đầu trần, đi suốt hàng giờ trên đồi để hưởng cái giá lạnh dịu dàng và cảm nhận hết cái đẹp cao sang của miền quê xứ lạnh: Đón tinh khôi bông tuyết trắng đầu mùa/ Giữa thảm trắng ngẩng đầu trần, háo hức/ Rơi nhẹ nhàng những đóa trắng phất phơ. Giờ đây khi đã có tuổi, mỗi khi Tết đến, Xuân về ông lại run lên khi nghĩ về phía trước, sợ cái lạnh lẽo triền miên, sợ cái khắc nghiệt của thời gian khi bắt đầu lưng còng, lòng mỏi.
Hai tập thơ Một thời tôi từng có, Canh ngọn đèn đợi sáng gần đây vừa được ra mắt tại nhà sách Đông Tây (Hà Nội) như cách ông giãi bày, như cách ông băng qua những sự kiện, thời gian, là cảm hứng về thiên nhiên vĩnh hằng, huyền diệu, là tình yêu đối với nước Nga rộng lớn, là nỗi lòng của một người con nước Việt xa nhà. Đời sống chảy trôi và cuốn phăng đi tất cả, chỉ có nỗi nhớ con, nỗi nhớ quê hương là lắng đọng bền vững.
Có lẽ, lúc còn trẻ trung, những kỷ niệm không dằn vặt và khắc khoải lòng người như khi bắt đầu tuổi tác, khi mà nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng nhận ra quỹ thời gian đang vơi đi từng ngày, từng ngày. Đó không phải là dư chấn của những sự kiện, hay là những bước ngoặt trong đời, mà là những hình ảnh bình thường nơi xóm mạc, khi càng xa cách thì càng hóa thiêng liêng. Những vẻ đẹp lộng lẫy, hào nhoáng của thị thành hay cảnh hùng vĩ của thiên nhiên Nga cũng không thể nào thay thế được hình ảnh mộc mạc, quê mùa nơi chôn nhau, cắt rốn. ¦
ĐINH TAM LỆ
Thể thao & Văn hóa Xuân Ất Mùi
Tags