(Thethaovanhoa.vn) - Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha bước vào cuộc rong ruổi thơ ca từ những năm 80 của thế kỷ trước, và nổi tiếng ngay từ tập thơ đầu tay: Những giọt mưa đồng hành (1987). Sau tổng cộng 12 tập thơ khác nhau, với nhiều giải thưởng khác nhau, lần này anh dự kiến cho ra mắt cùng lúc hai tập thơ nữa: Mây và Cưng, nâng tổng số tập thơ đã xuất bản lên con số 14.
1. Tên mỗi tập thơ chỉ gồm một chữ, một âm tiết, một định danh, cùng là thơ tình, mỗi tập cùng 108 bài. Con số 108 khiến ta nhớ tới một con số có ý nghĩa biểu tượng trong văn hóa Trung Hoa và phương Đông nói chung, chỉ về một thế giới, một không gian, một tập hợp, một vũ trụ… tối ưu, cao nhất, tột cùng. Phải chăng việc lựa chọn số lượng các bài trong mỗi tập thơ như vậy, nhà thơ muốn ngụ ý mỗi tập thơ gợi lên một “vũ trụ yêu” tột đỉnh của quan hệ yêu đương trong muôn vàn những trạng thái và biểu hiện đa dạng, biến ảo của nó: 108 bài thơ như 108 nguyên tố ở đời/ Đã tạo ra vũ trụ yêu như vũ trụ này vô tận (Có lẽ).
Ở tập Mây, thì ra hình ảnh mây là một biểu tượng, được sử dụng một cách nhất quán, xuyên suốt, công khai. Mây hiện lên trong tất cả mọi màu sắc, kiểu dáng, chiều kích, trạng thái. “Mây” có khi được gọi bằng đúng tên gọi thuần Việt, có khi lại được gọi khác đi là “vân” theo nghĩa Hán - Việt, cũng là mây cả. Mây không chỉ là một hiện tượng có tính vật lý, mà được đẩy lên với một phép chuyển nghĩa, mang hình vóc và thần tướng của người, là một/ những người con gái, một/ những đàn bà, một/ những “em” nào đó, chung quy là một/ những người tình:
Mây đeo kính không ở trên trời
Tóc xõa xuống gần tôi hơn cả nước
Rất nhiều, rất nhiều hình ảnh mây, tràn lan, la liệt trong suốt tập thơ. Như một ám ảnh. Như một cách chơi. 108 mảnh ghép mây làm nên một vũ trụ yêu bạo liệt, giông bão. Thì ra, chủ thể trữ tình trong mỗi bài thơ đã thực hành thật xuất sắc cái “bản năng gốc” của mình một cách kiêu hãnh.
Lần giở về những bài thơ giai đoạn hoa niên của thi sĩ Nguyễn Thụy Kha, hình ảnh mây đã lẻn vào thơ theo cách chắc không hẳn là vô cớ: Đám mây nắng vỡ ra giữa gió để tạo nên Những giọt mưa đồng hành. Tuy nhiên, hình ảnh đám mây trong bài thơ nổi tiếng này vẫn chỉ là một đám mây có tính vật lý. Đến tập Mây này, hình ảnh mây hiện lên trong vai người tình, một người tình trong nhiều biểu hiện ảo diệu của hai trạng thái chính: Hứng tình và đê mê tình. Tuy nhiên, nếu chỉ có thế, thơ rất dễ dừng lại ở cái gọi là “chủ nghĩa thân xác” thuần túy. Không, nhà thơ đã đặt các trạng thái yêu trong những cảm xúc thiêng liêng, lấy cái thiêng liêng để bảo hiểm, để giữ cho các cuộc giao hoan thân xác mang vẻ đẹp luyến ái tinh thần cao quý.
- 5 trường ca mới của Nguyễn Thụy Kha
- Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha: 'Ra cùng lúc 13 cuốn sách không phải do tôi mà do xã hội'
- Nguyễn Thụy Kha 27 năm 'áo gấm đi đêm' vì 'Những tài danh âm nhạc Việt Nam'
Trong tình yêu, nếu chỉ thuần mang tính platonic, theo nghĩa tinh thần luận, không đam mê thể xác, có thể là một tình yêu lý tưởng, thậm chí không tưởng. Nó ngược lại với tình yêu nhục thể (sensual), chỉ coi trọng tình dục. Một tình yêu bình thường, theo nghĩa thông thường, phải có cả hai yếu tố: Nhục cảm thân xác và xúc cảm tinh thần. Những bài thơ tình của Nguyễn Thụy Kha công khai biểu đạt một kiểu tình yêu có sự hòa trộn của hai yếu tố này.
2. Tập thơ Cưng cũng vậy, 108 bài, với một từ chìa khóa là “Cưng”, phần lớn các bài thơ có mặt chữ “Cưng”. Đó là một danh xưng trìu mến được viết hoa, dành cho một người con gái yêu vì, hoặc một người tình, một cách gọi mang nhiều cảm xúc.
Thi sĩ Nguyễn Thụy Kha đã dùng vai xưng hô “Cưng” để hóa thân vào mọi người tình, mọi cuộc tình. Cưng là cách gọi lên, Cưng là nỗi nhớ, Cưng là yêu nhau, Cưng là chồng vợ… Anh quay nghiêng rồi anh nằm ngửa/ Chỗ nào cũng ngỡ Cưng ở bên (Đông nhớ).
Cũng là một cách biểu đạt khác thôi, tập Cưng vẫn nhất quán những xúc cảm luyến ái, vẫn bão tố, cuồng điên, xâm lấn, chiếm đoạt, dũng mãnh đàn ông, đồng lõa đàn bà… Bài nào cũng vậy. Tác giả đã giữ nhịp cho cảm xúc rất đầy, rất căng đi qua mỗi câu mỗi chữ, mỗi ảnh hình.
Có một chút so sánh với thơ của ông hoàng thơ tình Xuân Diệu. Ở Xuân Diệu, đó là những vần thơ của tình yêu cuống quýt, vội vàng, nhiều ham muốn, nhiều yếu tố nhục cảm, nhưng vẫn nghiêng về tính chất tinh thần luận, như là thơ tình của sự mơ về. Trong khi đó, thơ tình của Nguyễn Thụy Kha là thơ của sự sở hữu. Thơ tình của phần lớn các nhà thơ sau 1986 là như vậy.
Các nhà thơ thế hệ 7X trở đi càng táo tợn hơn thế nữa. Vậy là quan niệm về tình yêu đã khác, và theo đó, cách biểu đạt thơ ca cũng khác: trực diện, công khai và… trắng trợn hơn, nhưng vẫn cứ thiêng liêng và bí ẩn. Thơ tình chỉ có thể lấp lánh vẻ đẹp quyến rũ khi hòa phối tinh vi như thế.
Tuy nhiên, vẫn nhất quán một tinh thần thơ tình của những nhục cảm thiêng liêng, Nguyễn Thụy Kha đã tung hứng 216 bài thơ tình đa màu, đa sắc. Người ta thấy một gã trai Nguyễn Thụy Kha thanh xuân, trẻ trung, lúc nào cũng như yêu lần đầu, khát sống, khát yêu, đi yêu và được yêu. Người ta thấy một thi sĩ của một thứ ái tình trẻ trung, hiện đại, dường như không chịu thua bọn trẻ, vẫn mãi những mê đắm, rồ dại, điên cuồng, đau khổ… Như là TÌNH YÊU. Muôn thuở.
PGS.TS Văn Giá
Tags