Nhà thơ Phan Hoàng vẽ chân dung người Sài Gòn

Thứ Năm, 05/05/2016 07:36 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - NXB Tổng hợp TP.HCM vừa ấn hành cuốn sách Sài Gòn đất lành chim đậu của nhà thơ, nhà báo Phan Hoàng. Sách như một album vẽ 18 chân dung người Sài Gòn trên nhiều lĩnh vực nghề nghiệp, họ có thể không sinh ra tại Sài Gòn nhưng lại góp phần cho thành phố này như hôm nay.

Ngoài các tập thơ, Phan Hoàng còn là tác giả của các cuốn sách từng gây tiếng vang và tái bản nhiều lần, như: Phỏng vấn tướng lĩnh Việt Nam (3 tập), Phỏng vấn Người Sài Gòn (2 tập), Phỏng vấn người Hà Nội (2 tập), Dạ thưa thầy! (2 tập). Dù từng vẽ chân dung người Sài Gòn thông qua hình thức phỏng vấn, trò chuyện nhưng Phan Hoàng vẫn chưa hết cảm hứng để tiếp tục đề tài này.

Nhà thơ sinh ra, lớn lên ở miền Trung nắng gió mưa dầm nhưng đang sinh sống tại Sài Gòn, cho biết: “Từ thuở nhỏ hai tiếng Sài Gòn đã cuốn hút tôi lạ lùng. Thi thoảng tôi được nghe mẹ kể ông kia bà nọ đã từng đi Sài Gòn, vào tham quan dinh Thống Nhấtngồi ghế tổng thống, chơi ở công viên Tao Đàn,coi thú nhảy múa trong Thảo Cầm Viên, dạo chợ Bến Thành, ăn kem Bạch Đằng, uống cà phê hồ Con Rùa, xem cải lương rạp Trần Hưng Đạo, lên tận Chợ Lớn mua hàng,… Tôi tưởng tượng Sài Gòn như vùng đất chỉ có trong những câu chuyện cổ tích và luôn mơ ước sẽ vào đó coi cho biết”.


Nhà thơ, nhà báo Phan Hoàng trong buổi ra mắt "Sài Gòn đất lành chim đậu"

“Chẳng những tôi mà dường như bất cứ đứa trẻ nào ở xứ sở nắng lửa mưa dầu gió cát miền Trung quê tôi cũng đều ước mơ được một lần vào tận Sài Gòn. Sau này lớn lên tôi còn được biết có những người nông dân suốt đời quanh quẩn ruộng đồng sau luỹ tre làng, ước mong một ngày thấy được thị xã hay thành phố, hai tiếng Sài Gòn đối với họ như thiên đường mà cho đến khi nhắm mắt xuôi tay trở về đất mẹ vĩnh hằng thì Sài Gòn vẫn chỉ là niềm mơ ước” – Phan Hoàng, chia sẻ.

Bằng sự cuốn hút của hai tiếng Sài Gòn từ thuở ấu thơ và bằng tình yêu đối với thành phố mà bản thân được học tập, sinh sống, làm việc từ năm chưa tròn hai mươi tuổi, Phan Hoàng lần lượt ghi chép lại những hiểu biết của mình qua cuộc đời và sự nghiệp những nhân vật có đóng góp cho thành phố này.

Cụ thể trong tập sách Sài Gòn đất lành chim đậu, Phan Hoàng phác họa chân dung những người từng góp công sức và tài năng cho thành phố này, như: bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, danh tướng Trần Văn Trà, nhà văn Sơn Nam, GS Cao Xuân Hạo, nhà văn Nguyên Hùng, nhà thơ Kiên Giang – Hà Huy Hà, danh ca Út Trà Ôn… Thông qua cuộc đời, sự nghiệp của những nhân vật, Phan Hoàng phác họa một Sài Gòn rộng lớn về địa lý và văn hóa trong tiến trình phát triển đất nước Việt Nam của dân tộc ta. Đây là những trang viết có giá trị tư liệu quý để những người muốn hiểu hơn về Sài Gòn tìm đọc.

Như vậy, mơ ước được đến Sài Gòn của cậu bé Phan Hoàng đã trở thành sự thật. Và hiện tại, Phan Hoàng có cùng lúc hai quê gồm nơi sinh và Sài Gòn – nơi cưu mang những năm tháng tuổi trẻ cơ cực nhưng nhiều khát vọng. Nếu không có Sài Gòn, chưa chắc Phan Hoàng được biết đến thông qua những trang viết của mình, như cuốn sách này là một ví dụ.

Trạc Tuyền
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›