(Thethaovanhoa.vn) -Gia đình và bạn bè nhà thơ Thanh Tùng vừa tổ chức mừng sinh nhật thứ 80 của ông. Nhà thơ Thanh Tùng sinh ngày 7/11/1935 tại Nam Định nhưng ông lớn lên ở đất cảng Hải Phòng, hiện sống tại TP.HCM.
- Nhà thơ Thanh Tùng 'Thời hoa đỏ': Một thời sống bằng... nắm đấm
- Thanh Tùng: Nhà thơ hay hát và hay khóc
Thanh Tùng được biết đến như nhà thơ công nhân khi ông “quai búa” đúng nghĩa đen tham gia đóng tàu biển ở Hải Phòng. Thôi đóng tàu, ông làm nghề áp tải chống cướp giật hàng hóa từ đất cảng theo quốc lộ 5 lên Hà Nội.
Nghề áp tải của ông được nhà thơ Trần Nhuận Minh viết thành bài thơ Nhà thơ áp tải: “Đất nước có một thời/ Kẻ gian nhiều như nấm/ Không ngờ một nhà thơ/ Lại sống bằng nắm đấm”.
Đường 5 khi đó trộm cướp rất nhiều nhằm vào những chuyến xe chở hàng.
Thơ Thanh Tùng thể hiện nghề nghiệp công nhân của ông khá rõ, với những câu thơ giàu chất thi sĩ, như: “Tôi làm thơ từ sau xe bò chở gạch, đến quảng trường nổi gió lúc nửa đêm”; hay: “Cái nghề khuân vác của tôi. Trong mơ còn thấy giọt mồ hôi cười. Tôi sợ nó và tôi yêu nó. Như người mẹ sợ cơn đau đẻ nhưng vẫn thèm có con”.
Nói đến Thanh Tùng, nhiều người nhớ đến bài thơ Thời hoa đỏ của ông được Nguyễn Đình Bảng phổ nhạc thành ca khúc cùng tên với những ca từ ray rứt khôn nguôi: “Mỗi mùa hoa đỏ về. Hoa như mưa rơi rơi… Trong câu thơ của em, anh không có mặt. Anh đâu buồn mà chỉ tiếc. Em không đi hết những ngày đắm say”.
Nhiều người vẫn tưởng Thời hoa đỏ được Thanh Tùng viết về “thành phố hoa phượng đỏ” vì tác giả sống ở Hải Phòng, nhưng thực sự ông viết về mối tình với người vợ quá cố của ông.
Thơ Thanh Tùng còn được nhạc sĩ Phú Quang phổ thành bài hát Hà Nội ngày trở về: “Hà Nội ơi, mỗi khi lòng xác xơ, tôi vội vã trở về. Để lấy cho mình dù chỉ là chút bóng đêm, trên đường phố Khâm Thiên.. Tôi bồi hồi khi chạm bóng cửa ô, như ngày xưa chạm vai gầy áo mẹ. Ôi nỗi nhớ muôn đời vẫn thế, như dòng sông Hồng cuộn đỏ mãi trong tôi”. Hà nội ngày trở về có những câu trở thành “cửa miệng” của nhiều nhiều: “Vội vã trở về vội vã ra đi. Chẳng thể nào qua hết từng con phố…”.
Thanh Tùng là người mau nước mắt khi chứng kiến một chuyện buồn thương hay khợi gợi nghĩa tình ông liền bậc khóc. Có lần ngồi quán bia hơi vỉa hè Sài Gòn, một em bé bán vé số mời mua nhưng Thanh Tùng không có tiền và ông bậc khóc rồi ứng khẩu thành thơ về lý do mình khóc: “Tôi khóc vì không có tiền mua vé số. Mua cho tôi một niềm may. Mua cho em một niềm vui. Và biết đâu mua cho em một tấm vé vào đời”.
Ứng khẩu thành thơ cũng là một khả năng rất thi sĩ của Thanh Tùng.
Trong đêm sinh nhật của ông, Thanh Tùng đã khóc mếu như thuở nào khi nhà thơ Lý Phương Liên đọc lại bài thơ về các cô công nhân làm ca ba mà ông viết từ thời còn "quai búa". Thanh Tùng khóc vì xúc động bởi bài thơ ngày xưa của ông đến giờ vẫn có người thuộc lòng. Nhà thơ Thanh Tùng từng hai lần đoạt giải thơ công nhân do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức.
Cả đời Thanh Tùng gắn với hai nơi Hải Phòng và Hà Nội. Năm 1995, ông lên tàu vào Sài Gòn cưới vợ lần thứ hai khi tuổi đời tròn 60. Mối duyên này do vợ chồng nhà thơ Hoàng Hưng làm ông tơ bà nguyệt. Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha tiễn ông ra ga và chỉ vào cái ba lô con cóc chứa vài bộ quần áo Thanh Tùng đeo bên hông: “Đấy, 60 năm cuộc đời của Thanh Tùng lá đấy”.
Nguyễn Thụy Kha cũng bay từ Hà Nội vào dự sinh nhật Thanh Tùng và hát tặng ông ca khúc Quảng Yên phổ từ bài thơ Chiều Quảng Yên của Thanh Tùng.
Nhà thơ Trần Mạnh Hảo cũng ngẫu hứng sáng tác ngay tại chỗ bài thơ Thanh Tùng ăn hải cảng để mừng sinh nhật “bạn già”: “Thanh Tùng chộp lấy những con đường Hải Phòng/ Dốc ngược chúng lên và nốc/ Lấy mình làm cốc/ Nốc những mối tình chưa xong/ Rượu cất bằng nước mắt/ Anh ngồi gắp cuộc đời/ Nhắm toàn mồ hôi”.
Đúng thật, đời Thanh Tùng vất vả từ thời trẻ đến lúc tuổi xế chiều chỉ "nhắm toàn mồ hôi". Những năm gần đây, ông sống cùng cô con gái Lan Hương và hưởng được phúc phần cuối đời khi người con có hiếu. Sinh nhật lần này do Lan Hương tổ chức và mời bạn bè của "bố Tùng" đến chung vui.
Thanh Tùng rất quý bạn nên được bạn yêu thương. Ông có bài thơ Gặp bạn thể hiện tình cảm này: “Gặp về không ngủ nổi/ Hóa ra tình cũ rót vào nhau/ Rượu ấy bây giờ không có nữa/ Chỉ còn trong đáy của hồn sâu/ Ngày xưa ta ủ trong men dại/ Bây giờ mới đủ để mà say/ Tiền biết trả ai, ai nhận nổi?/ Quê hương hun hút mấy trời mây/ Mỗi đứa lại vội vàng mấy ngã/ Bao giờ trở lại uống nhau đây?”.
Hoàng Nhân
Tags