(Thethaovanhoa.vn) - Vào lúc 8h30 ngày 25/9/2019 tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội sẽ diễn ra buổi giao lưu - tọa đàm thơ Trần Lê Khánh, với các diễn giả là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà lý luận phê bình Ngô Văn Giá, nhà thơ Nguyễn Quyến, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn. Với thế giới thơ, Trần Lê Khánh là… “một ca rất lạ”.
1. “Trần Lê Khánh là một ca rất lạ trong nền thơ Việt Nam hiện thời. Từ một nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực tài chính, anh bước sang lĩnh vực sáng tác thơ. Thơ của anh tập trung vào kiểu thơ ngắn, cô đúc, tối giản, ít chữ mà gợi nhiều. Trong số thơ ngắn, anh dụng công nhiều vào thể thơ lục bát.
Thơ anh tuy có lưu luyến đời sống thế tục, nhưng lại ngả hẳn sang chất “thiền thi”, nơi có khả năng thanh lọc và dẫn gợi. Thơ anh đầy biến ảo về thi ảnh, ngôn từ, với những liên tưởng, đột hiện, bỡ ngỡ. Trong một hình hài tưởng như rất đỗi quen thuộc đã bị vắt kiệt của lục bát, Trần Lê Khánh đã làm nên những sự sống thơ tươi tốt, nảy nở, chứa chan thi tính, khơi gợi, mời gọi và khiêu khích...” - nhà lý luận phê bình Ngô Văn Giá nhận định.
Trần Lê Khánh sinh năm 1971 tại Kim Bôi, Hòa Bình, tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM, có bằng phân tích tài chính quốc tế do Viện CFA (Mỹ) cấp năm 2004. Trước khi đột ngột bước chân vào thơ năm 2015, Trần Lê Khánh đã khá thành công trong vai trò chuyên gia phân tích đầu tư cho các định chế tài chính trong nước và quốc tế.
Từ năm 2015 đến nay anh đã viết hơn 1.000 bài thơ, xuất bản 5 tập thơ dày dặn là Lục bát múa (2016), Dòng sông không vội (2017), Ngày như chiếc lá (2018), Lục bát múa (trọn bộ, 2018), Giọt nắng tràn ly (2019). Trong năm 2020 sẽ xuất bản tập thơ Xứ và một tập thơ song ngữ Việt - Anh là Sự bắt đầu của nước tại Mỹ.
Trần Lê Khánh chú trọng rất nhiều vào lục bát hai câu và các bài thơ ngắn, có nhiều bài thơ chỉ 7 - 8 chữ. Tập thơ Lục bát múa (trọn bộ) gồm 756 cặp lục bát, tương ứng với 756 bài thơ, có thể đọc độc lập, nhưng chúng được cấu tạo thành một trường ca lục bát.
ngân hà giãn nở từ từ
đôi đồng tử, con sói thu nhỏ dần…
(lục bát múa)
“Thơ Trần Lê Khánh có xu hướng cô đặc lại, như viên sỏi ném xuống mặt hồ ý thức phẳng lặng. Đọc thơ Trần Lê Khánh phải có sự giải mã để có thể tiếp cận đầy đủ giá trị thẩm mỹ mà anh gửi gắm qua từng dòng lơ lửng. Tất nhiên, Trần Lê Khánh không có mục đích đánh đố độc giả, anh chỉ tìm cách ký thác mới mẻ hơn, quyết liệt hơn những ý niệm của mình về cuộc sống, về ân nghĩa, về thị phi” - nhà thơ Lê Thiếu Nhơn nhận định.
2. Vì sao lại chọn thơ khi đã tuổi trung niên? Trần Lê Khánh cho biết: “Tôi muốn làm thơ từ thời sinh viên, nhưng làm hoài không được, từ đó đâm ra ghét đọc thơ, thậm chí không có cảm tình với cả người làm thơ. Năm 2015, trên đường đến một đại hội cổ đông lớn, mà dự kiến sẽ rất khó khăn, đang lúc căng thẳng chờ thang máy, tự nhiên một câu thơ bật ra, thấy lòng thật nhẹ nhõm. Thế là tôi đã đi qua cuộc họp ấy một cách nhẹ nhàng, sau đó đi đến với thơ luôn”.
Lợi ích của việc làm thơ? “Từ khi biết làm thơ, tôi thấy mình cảm thơ được, đọc thơ người khác thấy hay, thấy quý trọng những người làm thơ. Tôi làm thơ nhưng không quan niệm rằng mình đang làm thơ, làm để trở thành nhà thơ, mà chỉ đi tìm chất thơ trong đời sống, trong công việc. Từ ngày làm thơ tạm được, tôi thấy mình sống nhẹ nhàng hơn, hạnh phúc hơn, nếu không làm thơ, đời tôi thật bất hạnh”.
Hạt bụi tìm lại bản năng
Đi săn cho được chỗ nằm sạch trơn
(thơ Trần Lê Khánh)
Hỏi Trần Lê Khánh rằng bạn bè trong giới tài chính, kinh doanh nghĩ sao khi ông đồng nghiệp của họ tự nhiên bỏ đi làm thơ? Anh nói: “Có người từng nói với tôi đang yên đang lành thì làm thơ chi vậy? Tôi chỉ biết cười trừ thôi, chứ đâu biết giải thích thế nào, tôi chỉ làm khi thấy cần làm, làm cho mình. Với đồng nghiệp trong giới tài chính, tôi cũng ít thổ lộ cùng ai việc mình làm thơ, in sách ra cũng ít tặng ai, mà chỉ giao lưu với giới văn chương và độc giả thích thơ của mình. Tôi cũng chẳng nghĩ mình làm thơ là để làm sang hoặc nổi tiếng, vì cảm thấy có những điều chỉ có thơ mới diễn tả được, nên tìm đến với thơ mà thôi”.
Văn Bảy
Tags