Nhà thơ Trần Nhuận Minh: Những câu thơ 'vật vã mặn như máu'

Thứ Tư, 27/10/2021 13:28 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Trong sách giáo khoa Tiếng Việt 5 (tập 2) bộ hiện hành, “anh em nhà họ Trần” có đóng góp thú vị: ở trang 36, ông anh Trần Nhuận Minh kể chuyện Lập làng giữ biển ngoài khơi xa, thì ngay trang 37, ông em Trần Đăng Khoa làm thơ “Hà Nội có hồ Gươm/ Nước xanh như pha mực”.

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Bể rộng sông dài trong thơ Trần Ninh Hồ

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Bể rộng sông dài trong thơ Trần Ninh Hồ

Trong bộ sách giáo khoa "Tiếng Việt" hiện hành cấp tiểu học, bài tập đọc của nhà thơ Trần Ninh Hồ được dạy ở cả lớp 3 và lớp 5. Dạy 2 lần 1 bài là chuyện xưa nay hiếm! Được như thếvì bài là một truyện hay!

Bài tập đọc ở trang 36 của Trần Nhuận Minh được trích từ tiểu thuyết Hòn đảo phía chân trời (NXB Kim Đồng 2000) tác phẩm vừa được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải Nhì, giải thưởng sáng tác về biên giới và biển đảo cho các tác giả có tác phẩm về đề tài này từ năm 1975 đến 2020.

Lấy vài trăm chữ từ hàng vạn chữ của một tiểu thuyết làm bài tập đọc, có thể ví, người soạn sách đã mở một cửa sổ nhìn vào tác phẩm nguồn, khuyến khích học sinh đọc thêm, tìm tới những trang mà ý tưởng “lập làng giữ biển” của bài tập đọc hiện ra sáng rõ hơn, lôi kéo hơn bằng hình tượng văn học. Đấy là các trang miêu tả, ở làng biển mới lập “Lá cờ đỏ sao vàng động gió, bay như hát trên bầu trời”… “Cờ đỏ sao vàng, chủ quyền của đất nước đối với hòn đảo, bay như một đốm lửa, lấp loáng cháy ở lưng trời...”.

Một ngư dân khăn quàng đỏ mang tên cá

Chuyện bắt đầu đầy kịch tính ở bài tập đọc nhỏ xinh, nằm gọn một trang sách:

“Nhụ nghe bố nói với ông:

- Lần này con sẽ họp làng để đưa đàn bà và trẻ con ra đảo. Con sẽ đưa thằng Nhụ ra trước. Rồi nhà con cũng ra. Ông cũng sẽ ra.

- Tao chết ở đây thôi. Sức không còn chịu được sóng.

- Ngay cả chết, cũng cần ông chết ở đấy.

Ông đứng lên, tay giơ ra như cái bơi chèo:

- Thế là thế nào? - Giọng ông bỗng hổn hển. Người ông như tỏa ra hơi muối.

Chú thích ảnh
Nhà thơ Trần Nhuận Minh

Bố Nhụ vẫn nói rất điềm tĩnh:

- Ở đấy đất rộng, bãi dài, cây xanh, nước ngọt, ngư trường gần. Chả còn gì hay hơn cho một làng biển. Ngày xưa, lúc nào cũng mong có đất để dân chài phơi được một vàng lưới, buộc được một con thuyền. Bây giờ đất đấy, rộng hết tầm mắt. Đất của nước mình, mình không đến ở thì để cho ai?”.

Trong một trang văn rất nhiều đối thoại, nhân vật Nhụ chỉ nghe và góp vào một tiếng “vâng”. Nhưng sau lời “đáp nhẹ”của cậu bé ấy, việc lớn đi, ở lại rành rẽ: “Vậy là việc đã quyết định rồi. Nhụ đi và sau đó cả nhà sẽ đi”.

Tác giả để diễn biến câu chuyện đề cao nhân vật thiếu niên của mình, chứ không tốn chữ xưng tụng. Và việc kiệm lời như thế cũng là “dấu chỉ” để người đọc dễ đồng cảm với Nhụ, nhân vật tuổi khăn quàng đỏ, nhân vật trung tâm của Hòn đảo phía chân trời.

Nhụ, do thời cuộc đưa đẩy sớm thành người anh lớn trong nhà có 4 người con mang tên cá: Chim, Thu, Nhụ, Đé (chị cả là liệt sĩ thanh niên xung phong, anh kế đang trong lính hải quân). Nhụ sống chín chắn, đằm tính, giàu nội tâm. Trần Nhuận Minh đã viết về Nhụ, ngay từ các trang đầu của tiểu thuyết này theo hướng ấy, như là phục bút chờ tới những trang cuối, để đưa Nhụ cùng với người cha xuống con tàu đang tới ngư trường: “Nhụ ra đứng trước mũi tàu, tay bám vào cọc bích, tập cho quen với những con sóng trẻ, hung hăng, luôn nhào lộn, hất tàu lên, bọt sóng bắn tung tóe. Nhụ nghĩ: Rồi mình sẽ phải tập đi, tập ăn, tập ngủ, trong trạng thái tàu chao lắc dữ dội. Đã thấy xa xa, những tàu cá Hà Tiên, Côn Đảo, Vũng Tàu, Bình Định...”.

Trích dẫn theo cách trổ cửa nhìn vào tác phẩm gắn với một thời kỳ lịch sử, tác phẩm được đóng dấu chất lượng như đã làm với Lập làng giữ biểnHòn đảo phía chân trời là việc rất nên áp dụng khi làm mới sách giáo khoa tiếng Việt.

Chú thích ảnh
Bài “Lập làng giữ biển” của Trần Nhuận Minh trong sách “Tiếng Việt 5” (tập 2)

Nhà điêu khắc chọn chất liệu than đá

Trần Nhuận Minh viết trong lời nói đầu trường ca Đá cháy bản in lần thứ 34 của mình như sau: “Trường ca Đá cháy được khởi thảo từ mỏ than Mạo Khê, những năm 1962 - 1969 và cứ viết đi viết lại mãi, đến những năm 1983 - 1985, khoảng 23 năm sau, thì hoàn thành tại mỏ than Hà Lầm, tỉnh Quảng Ninh…Tôi lấy cái tôi đầy tâm sự của mình, với những câu thơ “vật vã mặn như máu” làm nhân vật trữ tình trung tâm, từ đó mà mở lòng mình ra, để đến với rất nhiều người thợ mỏ, rồi từ rất nhiều người thợ mỏ, lại đến với rất nhiều người khác. Rồi lại từ rất nhiều người khác, mà trở về với chính bản thân mình. Cái vòng “tuần hoàn” ấy, chuyển động trong tác phẩm, tôi ý thức được ngay từ đầu và cố gắng kiệm lời đến mức tối đa”.

Trần Nhuận Minh kiệm lời kiểu một nhà điêu khắc chọn chất liệu than đá, và đục bỏ những thớ than chưa đẹp hoặc quá diêm dúa, khắc họa đủ các loại thợ mỏ than:

Một cô thợ như gái chân quê, oằn vai gánh nước tắm cho đá mà không nản: “Cháu gái hợp đồng/ không gạo/ chậm lương// Gánh nước ngày ngày/ leo lên từng/ bậc núi// Cháu thì khát mà nước dành để dội/ Xuống lỗ khoan sâu/ cháy khét đá gan gà…”. Một chị bếp hồn nhiên: “Cô cấp dưỡng công trường bơm/ Xắn quần ngang gối/ Dẫm bột làm bánh bao/ Như dẫm nhảy trong cơn lốc nhạc/ cuống cuồng”. Một nam công nhân có sức phá đá mà hiền khô: “Anh nổ mìn đi khệnh khạng/ Tóc rối bù/ Áo phanh ngực/ Đội lên đầu chiếc chậu men/ Mỉm cười trước gương”. Một đồng chí lãnh đạo hào phóng và a-la-mod (hợp mốt): “Ông Tổng giám đốc Công ty/ Tuổi sáu mươi áo thun quần soóc/ Tặng bác thợ tiện về hưu/ Chiếc đồng hồ nhỏ mạ vàng…”.

Ngày ngày những người thợ leo núi, lên hay xuống để vào mỏ, đi ca cho nên thơ về họ phải là thơ bậc thang. Theo những bậc thang ấy, trên vách núi than đá, những người thợ nối thành bức phù điêu văn học Trần Nhuận Minh:

“Mặt trời lặn vào than/ hiện ra thành lửa/ Họ lặn vào thơ tôi/ thành câu”… “Những câu thơ như muối/ Chảy xót xa trong máu tôi/ Những câu thơ như/ Trống/ Đánh liên hồi trong tim tôi/ Những câu thơ như/ Lửa/ Cháy không nguôi trong xương tôi…”.

Thơ ấy, theo nhà lý luận Phong Lê: “…nó ghi nhận được gương mặt đất nước và gương mặt thơ một thời trong và sau chiến tranh còn chưa phai nhạt âm hưởng hào hùng của đất nước trong cuộc chiến chống ngoại xâm, và trong buổi đầu một sự nghiệp xây dựng chống đói nghèo, còn rất giàu sự tự tin, đến thành lãng mạn”; theo nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, thi sĩ Hữu Thỉnh thì:“Tác giả chuốt đi, chuốt lại nhiều lần, để có một trường ca chắc mà thanh, đậm mà hoạt, vừa thấy bóng dáng của lịch sử vùng mỏ Hà Lầm, lại vừa thấy những rung động thơ thành thực và da diết của tác giả về cái vùng mỏ ấy”.

Chú thích ảnh
Chân dung Trần Nhuận Minh

Người có công “giải phóng” bài thơ của vua

Trần Nhuận Minh nghe tôi nói rằng tôi chỉ viết bài ngắn về ông nhưng muốn (và cần) dài tư liệu thì cười và cho xem một “bản thảo” nằm ngoài sức tưởng tưởng của tôi - những trang ghi chép về 4.200 lượt bài thơ đã đăng báo! Có số báo, ngày tháng phát hành, và số trang báo in bài! Trần Nhuận Minh lao động như thể nếu không động bút thì dư thừa năng lượng! Phải tìm công việc văn học mà làm!

Sáng 26/10/2021, ông đi Cô Tô, nhưng vẫn hứa, chiều sẽ tìm cho tôi ảnh chụp bức tượng toàn thân Trần Nhuận Minh tạc bằng than đá!

Lại còn việc ông làm đã mấy mươi năm trước, khai thông ách tắc nối xưa với nay! Sát chân núi Bài Thơ, gần nhà ông, tháng 2 năm Quang Thuận thứ 9 (tháng 3/1468), vào dịp mùa Xuân, vua Lê Thánh Tông đưa quân đi tuần ở vùng biển Đông Bắc, có dừng thuyền ở chân núi Truyền Đăng, phía giáp với Vịnh Hạ Long. Xúc động trước sơn thủy hữu tình, vua Lê Thánh Tông đã cho khắc bài thơ tức cảnh của mình lên vách đá. Do sự kiện này mà nhân dân ở đây đổi tên núi chữ Hán là Truyền Đăng thành núi Bài Thơ.

Nhưng Trần Nhuận Minh mỏi mắt tìm mà không thấy thơ vua. Hỏi ra mới biết nhiều gia đình trong thị xã đã sơ tán lên núi tránh bom Mỹ. Có gia đình xây nhà ở trước bài thơ khắc và làm bếp với chuồng lợn liền nhau, áp vào chân núi, rồi đổ mái bằng lên trên khiến 20 năm, bài thơ bị “nhốt” trong bếp và chuồng lợn. Tháng 6/1986,khi “giải phóng” bài thơ, Trần Nhuận Minh đã phải xin ông chủ nhà một chậu nước và khá nhiều xà phòng bột gột rửa, lau chùi. Chữ thánh hiền, ngày càng rõ, như sống lại:“…Nay một tay mặc sức tung hoành, quyền uy như thần gió/Phía Bắc, bọn giặc giã như hùm beo đã dẹp yên/ Vùng biển phía Đông, khói chiến tranh đã tắt/Muôn thuở trời Nam, non sông bền vững/Bây giờ chính là lúc giảm việc võ, tu sửa việc văn”.

Từng là Chủ tịch Hội văn nghệ Quảng Ninh và có bút lực đáng nể, nhà thơ Trần Nhuận Minh làm thật tốt công việc “tu sửa việc văn” trong đó có việc viết thật hay, để có văn liệu cho sách giáo khoa tiếng Việt!

Vài nét về Trần Nhuận Minh

Trần Nhuận Minh sinh năm 1944 tại Hải Dương,tốt nghiệp khoa ngữ văn ĐH Tổng Hợp Hà Nội 1982, vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1984. Ông từng là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh, là tác giả của hơn 30 đầu sách gồm tập thơ và tiểu thuyết, trong đó nhiêu cuốn được chuyển ngữ sáng tiếng Trung, Hàn, Pháp, Nga. Trần Nhuận Minh hiện sống tại TPHạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Em trai ông là nhà thơ Trần Đăng Khoa.

(Còn tiếp)

Trần Quốc Toàn

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›