Nhà thơ Trần Từ Duy: 'Khẩu nghiệp' còn lại chút này…

Thứ Sáu, 28/10/2016 19:42 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - “Nguyện làm điều lành. Tránh làm điều dữ. Thề không viết nữa…” là những câu nhà thơ Trần Từ Duy thường đọc khi gặp bạn viết trong những năm cuối đời của ông.

Ngày 27/10/2015 khi nhà thơ Trần Từ Duy được bệnh viện Thống Nhất (TP. HCM) trả về, nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên gọi cho tôi: “Nhân, mày viết điếu văn cho Trần Từ Duy nha”. Nhưng tôi từ chối vì hai ông Trần Từ Duy và Nguyễn Văn Hiên có “cá độ” trước mặt tôi và bạn bè, rằng: ai chết trước thì người kia còn sống phải viết điếu văn…


Nhà thơ Trần Từ Duy

Sanh thời, nhà thơ Trần Từ Duy được “trung niên thi sĩ” Bùi Giáng gọi là “Duy Từ Trần”. Chuyện này theo nhà báo Nam Đồng, nguyên TBT báo Pháp luật TP.HCM: “Hóa ra lão thi sĩ Bùi Giáng đã viễn kiến cái ngày này từ 20 năm trước. Dạo ấy Bùi tiên sinh sau khi: Sài Gòn Chợ Lớn rong chơi/ Đi lên đi xuống đã đời du côn, đã ghé lại căn nhà cấp bốn trong con hẻm nhỏ đường Phan Xích Long bây giờ í ới gọi “Duy Từ Trần ơi! Duy Từ Trần hỡi!” rồi sau đó một già một trẻ nâng ly để uống và phúng chuyện đời”.

Nhà thơ Trần Từ Duy tên thật Trần Văn Lĩnh; theo dương lịch, sinh năm 1958 tại Quảng Nam, mất lúc 9h55 ngày 28/10/2015 tại Sài Gòn, bút danh là Trần Từ Duy nhưng “gã tên là Trần Từ Duy/ lão Bùi Giáng gọi là Duy Từ Trần”. Ai mà chẳng từ trần, nhưng người mà “được” Bùi Giáng gọi theo đúng kiểu Bùi “trung niên thi sĩ” gọi như thế hẳn là Bùi thi sĩ rất quý yêu.

Dù lão Bùi Giáng gọi anh “Duy Từ Trần”, nhưng anh vẫn tự nhận mình là người mang “khẩu nghiệp”, khi mà ngồi với bất cứ người nào anh cũng châm chọc; vì bất cứ ai cũng có thói hư tật xấu của bản thân. Trần Từ Duy ngồi với bất kỳ ai cũng đều châm chọc thói hư tật xấu của mỗi người; chưa kể anh còn châm chọc vào những điều tưởng không thể… giỡn.

Do Trần Từ Duy “khẩu nghiệp” dù lê chùa cùng “khẩu nghiệp” nhưng không không vì vậy mà tổn hại đến người khác. Ví dụ khi lên chùa ngồi thiền, ở trong chùa anh viết: “Đã đến lúc ta về chơi cửa Phật/ Sau bao năm nương náu ở cửa mình/ Và ta biết cửa nào rồi cũng vậy/ Ta đa tình đau thoát cửa vô minh”.

Trần Từ Duy hay nhứt là châm chính bản thân mình: “Làm thơ rồi lại làm giàu/ Cả hai thứ ấy làm nhàu đời ta/ Đôi lần gặp Phật Thích Ca/ Phật khuyên tốt nhất nên là làm thinh/ Ác thay ta thích làm tình…”.


Tập thơ Kẻ đa tình

“Khẩu nghiệp” là vậy, nhưng như kiến trúc sư Nguyễn Hữu Khiêm, bạn thân, nói về Trần Từ Duy: “Ông đi một chuyến ngút ngàn/ Bỏ thơ bỏ rượu bỏ đàn gái hư”. Thơ, rượu và những người tình đều quây quanh nhà thơ Trần Từ Duy. Ông luôn được nhiều người đang sống yêu quý.

Ngay cả những người đã về “thế giới người hiền”, cũng đã nhớ ông. Như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng nhớ: “Trần Từ Duy là một con người trần tục như mọi người. Và từ cõi trần tục Từ Duy làm thơ. Làm thơ để thấy cõi trần không còn là trần trần cõi cõi nữa. Trần Từ Duy muốn, qua những dòng thơ của mình, đánh đu giữa hệ lụy yên tĩnh và hệ lụy vọng động. Một tâm hồn không thấy mấy khi được tĩnh tặng là tâm hồn của Trần Từ Duy”.

Nếu đời sống xem như “một cuộc chơi”, thì đời cố nhà thơ Trần Từ Duy, như cố nhạc sĩ Từ Huy, nói: “Đi tìm một trò chơi tao nhã để tự giải thoát mình, cho những mối tình  khập khễnh giữa cuộc đời, Trần Từ Duy đã chọn cho mình một cõi riêng thật nhẹ nhàng dù không ổn định”.

Tập thơ in nhân một năm quá cố của nhà thơ Trần Từ Duy có tên Kẻ đa tình – Thơ thiền tìnhThơ phổ nhạc gồm 3 phần: Thơ tình, Thơ ở chùa và các bài thơ của Duy được 3 nhạc sĩ Từ Huy, Bảo Phúc và Trần Quang Lộc phổ nhạc. Kẻ đa tình là tập thơ đầu tay của Trần Từ Duy, được những bạn của ông nhạc sĩ Từ Huy và Bảo Phúc phổ nhạc, người còn sống là Trần Quang Lộc.

Những năm sau này, ông lên chùa, Trần Từ Duy tự họa về đời ông: “Sáng ra làm sãi quét chùa/ Tiện tay quét những được thua đời mình/ Sân chùa ta quét sạch tinh/ Tâm ta quét mãi vô minh vẫn còn? – Quét (Thơ Thiền – Tính).

Nhà thơ Du Tử Lê cho rằng: “Riêng tôi, tôi càng thích thú hơn nữa, khi thấy những bài thiền-tính của Trần Từ Duy, chính là mặt rạng ngời, cụ thể nhất quán quan niệm quan niệm “sống chậm” của họ Trần”.

Trần Hoàng Nhân

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›